Trong xã hội ngày nay, việc theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo đã ngày càng khiến cho chúng ta học được cách không hài lòng với những gì mình đang có, chỉ có phấn đấu không ngừng mới chứng tỏ chúng ta tài giỏi và được xã hội xem trọng. Tuy nhiên, “nhân vô thập toàn”, cho dù bạn có hoàn hảo như thế nào đi nữa cũng sẽ có những mặt tối trong cuộc sống của bạn vẫn còn đang hiện hữu. Chỉ khi bạn học cách chấp nhận chúng, nhận ra bản chất vô thường của cuộc sống, bạn sẽ ngày càng hạnh phúc. Với Wabi Sabi của Nabuo Suzuki hứa hẹn sẽ thổi một làn gió mới trong cuộc sống của bạn, mang đến những điều mới mẻ và trang bị cho bạn những lời khuyên nhằm tối giản hoá cuộc sống của bạn.
@Về tác giả:
Nobuo Suzuki là nhà văn đồng thời là nhà Triết học. Ông nghiên cứu nghệ thuật và văn học ở Châu Âu trước khi viết về sự sáng tạo và phát triển cá nhân.
Ông thích chơi piano, du lịch vòng quanh thế giới và sống với những chú mèo.
@Sách dành cho ai:
Sách dành cho bạn đọc yêu thích cái đẹp, chấp nhận những thứ vốn không hoàn hảo của vạn vật, yêu thích sự đơn giản và bản chất vô thường của cuộc sống.
Sách đọc khá nhẹ nhàng nên rất thích hợp cho những bạn đọc muốn cuộc sống của mình thêm thênh thang, ung dung và tự tại. Việc áp dụng những tuýp nhỏ trong sách giúp cho chúng ta làm chủ cuộc sống và cảm xúc của chính mình, biết điều gì là vừa đủ và trân trọng từng khoảnh khắc xảy đến với mình.
@ Về cấu trúc sách:
Sách được chia thành từng chương riêng biệt. Dễ đọc và theo dõi. Nội dung sách có một vài phần hơi trừu tượng vì tác giả là nhà nghiên cứu nghệ thuật nhưng không quá khó hiểu. Chỉ cần bạn đọc chậm và cảm nhận.
Nào, chúng ta cùng nhau tìm hiểu nhé.
| NGUỒN GỐC KHÁI NIỆM WABI SABI
Trước đây, vào thế kỉ XIX, khi tiếng Nhật hiện đại đang dần được hình thành, từ wabi được sử dụng bởi các nhà sư theo phái Thiền tông và sống một mình ở đâu đó trong môi trường tự nhiên. Wabi thời điểm này dùng để diễn tả cảm giác cô độc khi sống trong tự nhiên mà không có người đồng hành.
Nhưng ngày nay, wabi có nghĩa là sự bình yên, mộc mạc và những nét đẹp không hoàn hảo.
Tương tự, sabi trước đây có nghĩa là những điều không tích cực. Nó được dùng để miêu tả những thứ hư hỏng, khô héo, và tàn úa. Nhưng về sau, sabi mang một ý nghĩa của sự điềm tĩnh và vẻ đẹp do một độ tuổi hoặc trải nghiệm nhất định mang đến cho chúng ta.
Vì vậy, Wabi Sabi là một cách nhìn nhận cuộc sống và thế giới với nguyên tắc trung tâm là chấp nhận bản chất không hoàn hảo và tạm thời của vạn vật tồn tại trên đời. Nó là vẻ đẹp của sự không trọn vẹn và không hoàn hảo.
| NGHỆ THUẬT KINTSUGI
Nghệ thuật sơn mài vàng để hàn gắn những mảnh vỡ. Nó giúp cho đồ vật trở nên khác biệt và có giá trị hơn thay vì hàn gắn bằng những chất liệu cùng màu. Mặc dù nghệ thuật Kintsugi nhằm nói đến những đồ vật đã hư hỏng, điều này cũng được áp dụng cho con người.
Quá trình trưởng thành của chúng ta đều trải qua những khó khăn, vất vả, phong ba bão táp, chịu nhiều tổn thương. Có những giây phút khiến chúng ta chùn bước và từ bỏ. Thay vì bỏ mặc cho số phận quyết định, chúng ta học hỏi từ những sai lầm và tổn thương của chính mình và rồi lại tiếp tục tiến về phía trước.
Những sai lầm không khiến cho bạn mất đi giá trị, mà ngày càng khiến cho bạn chín chắn và trưởng thành hơn bao giờ hết. Chỉ khi mắc sai lầm, bạn mới có cơ sở để cải thiện và tiến bộ trong tương lai. Kết quả là, bạn có nhiều kinh nghiệm sống hơn, cư xử đúng mực và trở nên thông thái hơn.
Một điều mình thích từ triết lý sống này là ngoại việc trân trọng bản thân, bạn còn trân trọng người khác. Bạn thấu hiểu cho những nỗi đau họ trải qua, bày tỏ lòng thương cảm và chấp nhận những khiếm khuyết nơi họ.
| WABI SABI ĐỂ CAO SỰ KHÔNG HOÀN HẢO & SỰ VÔ THƯỜNG CỦA CUỘC SỐNG
1/ Sự không hoàn hảo
Mọi vạn vật trong cuộc sống này đều có những đặc tính khác nhau, mọi thứ đều không đối xứng. Điều này đặc biệt đúng khi nhắc đến thiên nhiên, quá trình tạo hoá của núi, cây cối, biển cả. Giống như một chiếc cốc tì vết, có nhiều vết nứt mặc dù chúng không hoàn hảo nhưng cũng toát lên vẻ đẹp của sự độc nhất vô nhị.
Theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo là con đường nhanh nhất dẫn đến bất hạnh trong cuộc sống. Đương nhiên, chúng ta không thể phủ nhận việc theo đuổi sự xuất sắc trong mọi việc, nhưng miễn là đừng cố gắng theo đuổi một cách thái quá. Nếu yêu cầu mọi thứ phải hoàn hảo thì chắc chắn kết quả sẽ khiến bạn thất vọng.
Chỉ khi bạn thừa nhận mình còn nhiều điều thiếu sót, còn những khiếm khuyết, còn rất nhiều thứ cần phải học thì lúc đó, bạn mới được giải phóng bản thân. Điều quan trọng nữa là bạn sẽ trở nên khiêm tốn hơn để tiếp thu và học hỏi những gì mình chưa biết.

2/ Sự vô thường của vạn vật
Mọi thứ trên thế giới này đều chuyển động và thay đổi không ngừng. Không có gì là đứng yên mãi mãi. Ngay cả khi một hòn đá nằm lăn lóc bên cạnh khe suối cũng chịu sự bào mòn của thời gian một cách vô cùng chậm rãi. Mọi thứ đều liên tục phát sinh và rồi sau đó lại bị huỷ diệt. Có sinh có diệt đây là điều tất yếu.
Nhận thức được tính vô thường của vạn vật, chúng ta sẽ biết trân quý những gì mình đang có. Mỗi phút giây trôi qua đều sẽ không bao giờ trở lại được như lúc ban đầu. Mình rất thích triết lý trong trà Đạo Nhật Bản là “Ichigo-ichie” – tức là mỗi khoảnh khắc bạn đang trải nghiệm chỉ xảy ra đúng một lần, sẽ không có lần hai với trải nghiệm giống nhau. Vì vậy, một khi bạn còn sống, hãy tận hưởng, trân quý những gì mình đang có vì một khi đã đánh mất thì có hối tiếc cũng đã muộn rồi.

| WABI SABI ĐỀ CAO SỰ TỐI GIẢN VÀ HẠNH PHÚC BÌNH DỊ
1/ HẠNH PHÚC BÌNH DỊ
Mình rất thích phương trình hạnh phúc theo chủ nghĩa wabi sabi: Hạnh phúc = Thực tế – Mong muốn
Điều này có nghĩa là, nếu bạn muốn hạnh phúc, hãy tập buông bỏ những thứ không cần thiết, ít mong cầu những gì vượt ngoài tầm kiểm soát và tận hưởng những gì mình đang có, đó mới là hạnh phúc.
Một khi chúng ta có trong tay những gì mong muốn thì lại tiếp tục mưu cầu và muốn những thứ tốt hơn nữa. Đây là một vòng tròn nguy hiểm khiến cho cuộc đời chúng ta tràn ngập những khổ đau và tuyệt vọng. Chỉ khi biết đâu là điều khiến bạn hạnh phúc mới có thể khiến cho tâm hồn bạn thư thái và thong dong hơn.
Khi bạn nhận ra mình không thiếu gì cả thì thế giới này sẽ thuộc về bạn.

2/ SỰ TỐI GIẢN
Sự tối giản ở đây được hiểu là từ không gian sống, những thứ chúng ta sở hữu, thông tin chúng ta tiếp nhận hằng ngày, cách chúng ta sống mỗi ngày, vv.
- Tối giản trong không gian sống: hãy tạo cho không gian bạn đang sinh sống trở nên thoải mái nhất có thể. Hãy thử những tip sau nhé:
– Thu dọn tủ quần áo của bạn
– Dành ra một tuần trong kế hoạch của bạn cho “kỳ nghỉ cá nhân”
– Làm sạch hòm thư của bạn
– Dành thời gian cho việc đi dạo, thiền, dành thời gian riêng tư cho bản thân bạn
– Hít thở sâu và hình dung những gì tốt đẹp đang xảy ra trước mắt bạn
– Dọn dẹp những đồ vật không cần thiết
– Khi nhắc đến việc dọn dẹp thì có một triết lý: danshari – nghệ thuật từ bỏ những thứ không cần thiết của người Nhật:
- Dan – từ chối: đây là bước đầu tiên và đòi hỏi chúng ta phải chọn thứ mà ta chuẩn bị từ chối trong cuộc sống.
- Sha – vứt bỏ: vứt bỏ hoặc cho đi, quyên góp hay tái chế những thứ bạn chọn trong bước đầu tiên
- Ri- tách ra: đây là việc phân tách cảm xúc khỏi những đồ vật bạn bỏ đi. Phần lớn chúng ta gặp khó khăn trong việc từ bỏ những đồ vật không còn quan trọng chỉ vì nó có giá trị kỉ niệm hay liên quan đến một ký ức nào đó trong quá khứ. Tuy nhiên, hãy thật sự biết điều gì là quan trọng với mình bạn nhé.
Sống hoà hợp với wabi sabi không phải là từ bỏ hết tất cả mọi thứ mà là chỉ giữ lại những gì khiến cho bạn vui vẻ và hạnh phúc, đồng thời vứt bỏ những thứ không còn hữu ích với mình.
- Tối giản trong việc tiếp nhận thông tin:
– Chọn lọc thông tin mà bạn muốn tiếp nhận một cách thông minh.
– Loại bỏ những trò giải trí tạp nham. Sáng suốt lựa chọn những chương trình, bộ phim, sách mà bạn xem. Những gì tâm trí bạn tiếp nhận có sức mạnh thay đổi con người bạn.
– Thay vì bị cuốn vào những chế
- Tối giản trong chế độ ăn:
– Thay vì bị cuốn vào chế độ ăn hợp thời hay “trending” ngoài kia, thì hãy tập trung vào những gì hợp với bản thân mình nhất. Hãy thiết lập chế độ ăn của mình với đầy đủ chất dinh dưỡng, mọi thứ ở mức độ vừa phải. Không quá nhiều cũng không quá ít. Áp dụng nguyên tắc 80/20: Chỉ ăn no khoảng 80%, 20% còn lại cho việc tiêu hoá thức ăn của dạ dày.
– Hãy áp dụng chế độ nhịn ăn ngắt quãng (Intermittent fasting). Bạn có thể thử bắt đầu ăn từ 12 giờ trưa đến 7 giờ tối, không ăn bất cứ thứ gì trước và sau khoảng thời gian đó. Bản thân mình cũng đang trong quá trình nhịn ăn gián đoạn và thấy rất hiệu quả và khoẻ.
- Tối giản trong các mối quan hệ xã hội:
– Xoá bỏ những mối quan hệ “độc hại”. Hãy gặp gỡ những người luôn tin tưởng bạn, học hỏi và duy trì mối quan hệ với họ lâu dài.
– Nói ít đi và lắng nghe nhiều hơn nhằm tạo dựng những mối quan hệ có chiều sâu, cũng như mở rộng tầm nhìn khi lắng nghe những câu chuyện từ người khác
- Tối giản trong việc rèn luyện sức khỏe thể chất:
– Hãy chọn những bài tập thể dục nào phù hợp với bạn. Ví dụ, nếu như muốn có một cơ thể săn chắc và “6 múi” thì chỉ nên tập trung cho những bài tập chuyên sâu về chúng. Điều quan trọng là sự kiên định luyện tập mỗi ngày. Đừng để mình bị rối bởi những bài tập khác nhau.
– Mỗi khi cảm thấy mệt mỏi và căng thẳng, bạn hãy thử co giãn cơ thể, yoga để thay đổi. Đừng ép buộc bản thân quá nhiều vì một ngày lười biếng không tập thể dục nhé. Có nhiều cách khác nhau để khiến cho cơ thể thoải mái.
- Tối giản trong cách sử dụng đồ vật:
– Đừng mua bất cứ thứ gì trong vòng 3 tháng ( trừ thức ăn!)
– Dành khoảng 1-2 ngày để dọn dẹp những đồ vật không cần thiết trong nhà. Bạn có thể quyên góp hay tặng hàng xóm nếu cần nhé.
– Sửa hoặc tái chế những gì đã hỏng hoặc không dùng được.
- Tối giản trong việc giải quyết vấn đề tài chính:
– Không để bản thân bị thuyết phục bởi những đề xuất từ ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính
– Hạn chế những chi phí nhỏ hằng ngày, học cách lên kế hoạch và tiết kiệm cho tương lai
…. và còn nhiều cách tối giản khác trong nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Điều quan trọng là bạn hãy luôn ý thức mình đang làm gì và chuyển hướng để có một cuộc sống lành mạnh.

| NHẬT KÝ 2 CÂU HỎI
Khi nhắc đến Wabi Sabi, chúng ta đều nghĩ đến sự không hoàn hảo. Nhưng hiện thực cuộc sống thì mọi thứ lại khác. Chúng ta mưu cầu và theo đuổi sự hoàn hảo. Chúng ta tự trách mình nếu như không hoàn thành công việc đúng hạn; nếu không đáp ứng kỳ vọng của người khác thì chứng tỏ bản thân thật yếu đuối, vv.
Thật ra, có những việc cho dù chúng ta có giải quyết hay không thì cũng không còn quan trọng nữa. Có những việc đã hoàn thành 80-90% cũng đã được xem là tốt rồi. Cũng chẳng có gì to tát nếu chúng ta không đủ thời gian để thực hiện những công việc cần phải làm trong ngày. Hay nói cách khác, chẳng có gì to tát nếu chúng ta KHÔNG HOÀN HẢO.
Cuộc sống bộn bề với vô số áp lực, có hằng hà sa số thông tin cần phải tiếp nhận, có biết bao nhiêu cần phải xử lý, đồng thời có những con người hay việc khiến chúng ta cạn kiệt năng lượng. Nhưng cuộc sống không nhất thiết phải thế.
Mình thích một tuýp nhỏ từ tác giả mỗi khi ông căng thẳng nhất là viết ra nhật ký 2 câu hỏi sau đây:
- Hôm nay, điều gì mang đến năng lượng cho mình?
- Hôm nay, điều gì khiến cho mình cạn kiệt năng lượng?
Khi bạn viết nhật ký 2 câu hỏi trong vòng một hoặc hai tuần, hãy đọc lại và chọn ra ba điều trong phần “điều gì khiến cho mình cạn kiệt năng lượng?”.
Dựa trên cơ sở đó, bạn sẽ bắt đầu hành động và tìm kiếm giải pháp để tránh vấp phải những vấn đề đó trong tương lai. Đôi khi giải pháp là từ bỏ một thứ gì đó, hoặc có thể là thay đổi thói quen sinh hoạt hằng ngày.
Mục đích chính là tập trung vào những hoạt động khiến cho bạn hạnh phúc và mỉm cười mỗi ngày. Tránh xa những hoạt động khiến bạn tiêu hao năng lượng nhé.
| VẺ ĐẸP CỦA NỖI U SẦU
Tại sao lại đề cập đến nỗi buồn?
Hầu hết chúng ta đều theo đuổi hạnh phúc và niềm vui, còn nỗi buồn thì tuyệt đối tránh xa vì chúng mang đến cho chúng ta một cảm giác không thoải mái. Tuy nhiên, theo triết lý Wabi Sabi nỗi buồn cũng có những công dụng của riêng chúng. Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.
Bạn cần hiểu rằng, nếu không có nỗi buồn chúng ta sẽ không biết cách trân trọng hạnh phúc trước mắt. Nếu không có lúc lâm bệnh nặng thì bạn sẽ không biết cách bảo vệ sức khoẻ; hoặc khi bạn gần ngưỡng cửa tử thần thì bạn sẽ không biết cách trân trọng từng khoảnh khắc và tận hưởng chúng.
Nghe có vẻ ảm đạm và u sầu, nhưng khi nhận ra bản chất của cuộc sống, bạn sẽ biết cách sống một cách khác hơn để những nỗi buồn hay hạnh phúc đều có ý nghĩa.
Nỗi buồn là tấm gương cho phép chúng ta nhìn vào sâu bên trong bản thân – thứ thường ngoài tầm với của chúng ta. Sự phản chiếu của u sầu của wabi sabi không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới, mà còn cho phép chúng ta chiêm nghiệm tâm hồn mình – thứ phản chiếu những gì chúng ta quan sát – một cách rõ ràng hơn.
Lời kết
Mỗi người đều có thể làm mới cuộc sống của chính mình, trở nên tinh tế và sáng tạo mỗi ngày. Bạn chỉ cần làm một việc đơn giản đó là học cách chấp nhận.
Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn
Hình ảnh: Tuyết Sơn