Share this post on:

Trong cuộc sống cũng như trong công việc, việc trở nên sáng tạo thường bị chúng ta đánh giá quá thấp, hoặc chúng ta cho rằng mình không có năng khiếu cho việc sáng tạo, bạn sẽ cho rằng: “Bản thân thì khô khan thì làm sao mà có thể sáng tạo điều gì”. Hy vọng đọc xong quyển cẩm nang Thay đổi tư duy, hãy cứ phi lý đi của Rod Judkins, bạn đọc sẽ tìm thấy được cảm hứng và động lực để tiếp tục hành trình đi tìm sự sáng tạo và tô điểm cho cuộc sống của mình ngày càng nhiều màu sắc hơn.

*Về tác giả:

Rod Judkins là một họa sĩ và giảng viên sống và làm việc tại London. Ông giảng dạy tư duy sáng tạo ở rất nhiều trường đại học, trong đó có Central ST Martins. Sau khi tốt nghiệp Đại học nghệ thuật Hoàng gia, ông đã có rất nhiều triển lãm nghệ thuật cá nhân ở London và nhiều quốc gia khác.

Những nhà nghệ sĩ, những nhà thiết kế, những nhạc sĩ vĩ đại, tất cả họ đều bình thường, họ sinh ra trong những gia đình bình thường, ở những ngôi nhà bình thường trong những phố thị bình thường…trước khi họ trở nên PHI THƯỜNG. Cuốn sách này sẽ lý giải vì sao họ trở nên những con người phi thường như thế.

/ĐỂ TRỞ NÊN SÁNG TẠO, TRƯỚC HẾT BẠN PHẢI TIN VÀO CHÍNH BẢN THÂN MÌNH/

Trên thực tế, những người sáng tạo không thật sự sáng tạo như bạn nghĩ. Nhưng điều khiến họ khác biệt chính là nhờ vào năng lực tin tưởng vào bản thân của họ. Họ tin rằng mình là người sáng tạo. Người khác nghĩ như thế nào không quan trọng bằng việc bạn xem trọng bản ra sao.

Khi Picasso lên ba lên bốn, óc sáng tạo của ông cũng như những đứa trẻ xung quanh. Khác biệt ở chỗ, ông không ngừng nghĩ về mình như một người sáng tạo. Chính vì vậy  mà ông có động lực trong việc liên tục tạo ra giá trị và cống hiến cho xã hội. Thật ra, nếu trong bất cứ khía cạnh nào của cuộc sống, kể cả lĩnh vực sáng tạo, nếu bạn không tin vào chính bản thân thì bạn mong ai sẽ tin tưởng vào mình chứ.

Nếu bây giờ, bạn đang là người viết, hãy xuất bản cuốn sách đầu tiên của đời mình.

Nếu bạn là một diễn viên, hãy tự viết kịch bản trong đó bạn là diễn viên chính.

Nếu bạn là tay chơi nhạc rock, hãy ghi âm và phát hành CD cá nhân.

 Hãy tin vào những giá trị mình tạo ra. Con đường đi đến sự thành công của bạn đôi khi rất cô đơn và lạc lối. Nó cần ở bạn sự kiên trì cố gắng và sự can đảm để vượt qua mọi rào cản. Việc sống đúng với đam mê của mình sẽ gặp phải không ít chỉ trích và đánh giá khắt khe của xã hội. Điều quan trọng là bạn cần một thứ gì đó có thể giúp bạn vượt qua, đó chính là niềm tin vào bản thân.

/ĐỪNG NGỒI CHỞ CẢM HỨNG ĐẾN VÌ NÓ SẼ KHÔNG BAO GIỜ XẢY RA/

Đã bao giờ bạn lên lịch trình và kế hoạch cho bản thân là phải tập thể dục mỗi ngày 30 phút, hay viết một bài luận trong vòng 15 phút, hay đơn giản là trao đổi với team về dự án sắp tới trong công ty nhưng rồi đến cuối ngày bạn cũng chưa hoàn thành xong không?

 Điều này cũng dễ hiểu. Con người có xu hướng làm những việc mình yêu thích, còn những việc bắt buộc hoặc yêu cầu họ làm thì tâm lý chống đối và trì hoãn sẽ được “triệu hồi” bất cứ lúc nào. Thông thường, những việc mà bạn lên kế hoạch “sẽ làm” đều là những việc quan trọng với cá nhân bạn. Thực tế, lên kế hoạch thì rất dễ nhưng thực tế làm được thì lại là một chuyện khác. Bạn mong chờ một thời điểm hoàn hảo để thực hiện chúng. Đại loại những lý do như sau:

“Nếu tôi thấy khỏe hơn, tôi sẽ tập thể dục ngay.”

“Nếu tôi có một cốc nước cam ngay bây giờ, tâm trạng tôi sẽ trở nên tốt hơn.”

“Hôm nay tôi bị đau đầu nên không muốn làm bất cứ việc gì, đợi khi nào tôi hết rồi thì tôi sẽ làm blah blah…”

Trong cuộc sống , bản thân mình cũng không ngoại lệ. Mình hay có thói quen trì hoãn đến một thời điểm hoàn hảo cho việc thực hiện mục tiêu, nhưng mình phát hiện ra: Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Cách tốt nhất để đánh bại sự trì hoãn là BẮT TAY VÀO HÀNH ĐỘNG NGAY. Chỉ có hành động mới giúp trí óc và tinh thần của bạn vận động, từ đó truyền động lực cho bạn bắt tay vào công việc. Nếu như chỉ ngồi đó suy nghĩ khi nào nên bắt đầu, thì có thể đến cuối đời bạn cũng không làm xong.

Tất cả những họa sĩ, nhà thiết kế, kỹ sư hoặc những nghệ nhân trong lĩnh vực nghệ thuật, họ đều có ý thức kỷ luật rất cao. Họ không chờ cảm hứng, mà họ bắt tay vào hành động ngay. Họ cũng không chờ có một môi trường hoàn hảo mà họ tự tạo ra nó.

Nếu bạn muốn chạy bộ hằng ngày, thì hãy kỷ luật bản thân, dậy sớm và đeo dây giày vào bắt đầu chạy trên những con đường gần nhà.

Nếu bạn thấy việc ở nhà quá nhàm chán và không thể tập trung cho công việc viết lách, sao không trang trí căn phòng của mình sao cho thoải mái và truyền cảm hứng hơn cho việc viết lách?

Nếu bạn muốn học tiếng anh nhưng không có ai để trò chuyện, sao không tham gia những câu lạc bộ ngoài kia?

Điều quan trọng là sự TỰ CHỦ ĐỘNG và tự tạo ra môi trường cho mình. 

/HÃY LÀM NHỮNG GÌ BẠN THỰC SỰ THÍCH/

Cuộc sống vốn ngắn ngủi, tuy nhiên hằng ngày chúng ta luôn bị bủa vây bởi rất nhiều thông tin hỗn độn, emails công việc, những cuộc họp không ngừng nghĩ, những nỗi lo âu, lo lắng và bất an của cuộc sống. Phần lớn thời gian chúng ta dành cho công việc, từ đó chúng ta dừng tìm kiếm đam mê của mình. Thật ra, làm công việc hiện tại mà bạn đang theo đuổi không có gì sai nếu như công việc đó mang đến cho bạn niềm vui. Trớ trêu thay, phần đông chúng ta đều mang tâm trạng bất mãn, tuyệt vọng cũng như không hài lòng trong công việc của mình, chính điều này làm cho chúng ta sống một cuộc đời nhàm chán.

Nếu bạn dành quá nhiều thời gian cho những điều bạn không thực sự quan tâm thì thật là rất lãng phí thời gian. Hãy tìm cho mình một việc mang lại niềm vui cũng như hạnh phúc cho bạn, cho dù công việc 8 tiếng mỗi ngày luôn là một phần quan trọng trong đời bạn nhưng ít ra bạn cũng nên khám phá những đam mê  khác của mình để có thể thấy cuộc đời này có ý nghĩa.

Để trở nên sáng tạo, tâm trí bạn phải được giải phóng. Chúng cần tự do phiêu lưu và gặp gỡ hàng ngàn những ý tưởng mới mẻ, những điều mà trước giờ chúng chưa từng biết để có thể tổng hợp và cho bạn một góc nhìn đa chiều về thế giới. Nếu chỉ bó buộc vào một việc nào đó, bạn sẽ khó có thể tư duy sáng tạo vì tâm trí bạn đang bị bó buộc bởi những suy nghĩ truyền thống và “cũ rích”.

Riêng cá nhân mình, ngoài công việc nơi công sở 8 tiếng/ngày thì niềm đam mê với sách và viết lách là một nền tảng cuộc đời mình. Cho dù công việc có bận rộn đến đâu thì khi làm những việc mình thích và đam mê thì mình như được tiếp thêm sức mạnh và năng lượng để tiếp tục tạo ra giá trị. Vì vậy, hãy dành thời gian để khám phá xem bạn cần định hình lại quỹ đạo cuộc đời mình như thế nào nhé.

Quan trọng hơn hết là luôn đi theo lý tưởng của mình. Cho dù áp lực xã hội đang đè nặng lên đôi vai thì hãy cứ can đảm và cứ khao khát. Bạn chỉ sống một lần. Hãy sống sao cho trọn vẹn nhất có thể.

/ĐỪNG CỐ TRỞ THÀNH NGUYÊN BẢN VÌ BẢN CHẤT BẠN ĐÃ LÀ MỘT NGUYÊN BẢN RỒI/

 Tất cả chúng ta đều muốn trở thành một người mà ai ai cũng ngưỡng mộ. Chúng ta hãy nhìn mà xem từ các lĩnh vực chính trị, nghệ thuật đến kinh doanh thương mại, sẽ luôn có những người xuất sắc nhất. Bill Gates, Steve Job trong kinh doanh, hay Picasso, Leonardo da Vinci trong hội họa hay Beethoven trong Âm nhạc, họ đều là những người xuất chúng. Chúng ta thì lại luôn muốn trở thành như họ, được mọi người tôn vinh. Kết quả là họ tìm cách sống theo cách sống của những người mà họ đang thần tượng. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc sống mà họ đang theo đuổi. Họ không hề biết rằng bản thân họ đã là một nguyên bản, một bản thể độc nhất rồi.

Thật ra, chúng ta đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi lối sống của những người xung quanh và truyền thông. Không có gì sai nếu như chúng ta bắt chước một ai đó. Bạn sẽ không bao giờ có thể hành động 100% giống với chủ thể mà bạn đang theo đuổi. Theo thời gian, chất và phong thái riêng của bạn sẽ được bộc lộ.

Trong lĩnh vực sáng tạo, điều này rất quan trọng. Đừng tự cho rằng việc copy một ai đó là sai, là không thể hiện cái tôi duy nhất của bạn. Chính những người đó sẽ là một nguồn cảm hứng cho bạn viết tiếp câu chuyện đời mình. Những người thành công mà chúng ta biết đều là những người noi theo những giá trị đạo đức và học hỏi cách những người xuất chúng làm việc.

Bạn đã bao giờ có tâm lý mình không được xem trọng, các tác phẩm của mình sẽ không có ai đọc hay quan tâm đến không?Tất cả chỉ vì một lý do ngớ ngẩn là trước đó đã có hàng nghìn người làm việc tương tự này rồi.

Là một người review và đam mê viết sách, mình hiểu rõ việc này nhất. Khi bản thân dự định viết về một đề tài nào đó, nhưng lại phát hiện đề tài ấy đã có người viết mất rồi. Kết quả là, mình phân vân và không muốn viết về nó nữa. Tuy nhiên, sau một thời gian, mình nhận ra rằng mỗi cá nhân chúng ta là một tổ hợp những điểm mạnh và “chất” riêng. Không ai giống ai cả. Tuy chủ đề đó có người viết rồi nhưng đó là theo phong cách của họ. Đề tài đó chưa được viết bởi CHÍNH BẢN THÂN  MÌNH. Mình tin rằng việc mình làm có giá trị và có chất riêng, vì vậy mình không ngần ngại viết về nó và chia sẻ cho mọi người.

Nếu bạn dự định làm một điều gì đó từ kinh doanh, viết sách hay theo đuổi sự nghiệp ca hát, vv. Hãy xem trọng cảm nhận của bản thân. Hãy làm vì bạn thấy đúng. Sẽ có ai đó bị lay chuyển bởi sự tâm huyết và tình yêu của bạn cho những việc bạn làm. Hãy tự hào vì bạn là một nguyên bản, đầy đủ và trọn vẹn nhất. Bạn có thể “tham khảo” lối sống của người khác, nhưng hãy cá nhân hóa và tự tạo lối đi riêng của mình. Điều quan trọng là hãy vượt qua rào cản tâm lý này và có niềm tin vào bản thân.

/LIÊN TỤC ĐẶT CÂU HỎI, MỌI LÚC MỌI NƠI/

Có một câu mà mình rất thích từ Voltaire: “Hãy đánh giá một người bằng câu hỏi họ đặt ra thay vì câu trả lời họ mang tới.”

Rất nhiều vấn đề trong cuộc sống phát sinh chính từ những sự võ đoán và định kiến của chúng ta. Nếu bạn chỉ đoán mò, bạn sẽ nghĩ bạn biết trong khi thực ra bản thân thì mù tịt. 

Việc thắc mắc sẽ phá hủy sự võ đoán. Những câu hỏi sẽ khơi gợi trong bạn tự tò mò và giúp cho bạn suy nghĩ có chiều sâu hơn về một vấn đề nào đó. Hãy hỏi những câu hỏi “Tại sao?” cho những thắc mắc của bạn. Quá trình tìm ra câu trả lời sẽ thú vị hơn nhiều so với việc chấp nhận những gì mà người khác nói.

 Tư duy đặt câu hỏi này sẽ giúp cho bạn luôn chủ động và nâng cao nhận thức về sự phong phú cũng như phức tạp của vấn đề, mở ra nhiều khía cạnh để bạn khám phá, từ đó trở nên sáng tạo hơn.

Trong tác phẩm,  Rod Judkins có đề cập đến một câu chuyện. Bảo tàng Rijksmuseum ở Amsterdam đã chi một khoản chi phí lớn để phục chế bức tranh “The Night Watch” của danh họa Rembrandt. Nhìn thấy khách tham quan chỉ dành trung bình tám giây để nhìn một bức tranh, nhà giám tuyển đã đề nghị mỗi du khách tự đặt cho mình các câu hỏi nhằm kéo dài thời gian họ chiêm ngưỡng tác phẩm. 

Các câu hỏi đại loại như: Giá của nó là bao nhiêu? Bức tranh này có bản sao nào ở trình độ tinh xảo không? Trên bức tranh có chỗ vẽ lồi nào không? Tại sao tác phẩm này đẹp? Các bộ câu hỏi này được ghim bên cạnh bức tranh khiến thời gian xem tác phẩm trung bình tăng lên nửa tiếng. Khách tham quan sẽ có thời gian đọc những câu hỏi, đồng thời nghiên cứu mẫu vật ngay bên cạnh. Việc này khiến họ nhìn sâu và lâu hơn.

/ĐỪNG ĐỂ Ý TƯỞNG NẰM YÊN TRONG ĐẦU/

Bất cứ khi nào trong cuộc sống, những ý tưởng mới lạ và cơ hội sẽ luôn xuất hiện. Khi bạn đang làm việc, đang ngồi chờ xe buýt hay đơn giản là ngồi nhâm nhi một tách cà phê buổi sáng sớm, những ý tưởng đó cũng có thể xuất hiện trong đầu bạn. Điều bạn cần làm là ghi chép thật nhanh chúng vào trong một quyển notebook. Đừng cho phép chúng ở trong đầu bạn quá lâu.

Thực tế cho thấy, khi có một quyển sổ ghi chép thì bạn sẽ nhận ra thật ra bạn có nhiều chúng hơn bạn tưởng. Những cuốn sổ phác thảo lưu giữ lại năng lượng và sự phấn khích của ý tưởng nguyên bản trước khi nó bị sàng lọc bởi lý trí. Khi đến một thời điểm thích hợp, bạn sẽ lại sử dụng những ý tưởng đó đấy.

/SỬ DỤNG SỰ GHEN TỊ NHƯ MỘT NGUỒN ĐỘNG LỰC/

Chắc hẳn ai làm trong ngành sáng tạo hoặc bất cứ ngành nghề nào cũng trải nghiệm cảm giác ghen tị và luôn so sánh bản thân/tác phẩm của mình với người khác. Ghen tị là một liều thuốc độc nếu bạn sử dụng nó quá thường xuyên. 

Những người sáng tạo xuất chúng không xem việc ghen tị với ai khác là một điều xấu hổ, ngược lại họ dùng nó như một động lực mạnh mẽ để thử và mạo hiểm. Họ tin rằng nếu người khác làm được thì họ cũng vậy.

Nếu như họ viết một quyển sách best-seller thì bạn cũng sẽ làm được như họ. Tại sao không thử?

Nếu như họ có một sự nghiệp đáng mơ ước, tại sao bạn lại không?

Thay vì ngồi đó “than thân trách phận” cho rằng “mình không đủ tốt” hay “thật quá liều lĩnh” thì hãy dùng cảm xúc ghen tị ấy làm động lực và cũng là một chất xúc tác để xem khả năng của bạn tới đâu.

/HÃY TỰ ĐẶT RA CÁC TIÊU CHUẨN CỦA BẢN THÂN/

Mục đích của việc này là giúp bất cứ thứ gì bạn làm đều đạt kết quả tốt nhất. Đừng bị áp lực ảnh hưởng đến chất lượng công việc của bạn. Đừng cho thế giới thấy bất cứ sản phẩm hạng hai nào.

Hãy đặt ra tiêu chuẩn cho những việc bạn làm. Không chấp nhận những thứ thấp hơn thế. Điều này không có nghĩa là bạn đang theo đuổi chủ nghĩa hoàn mỹ, mà là bạn đang tập cho mình tư duy “làm đến nơi đến chốn” và thật chuyên nghiệp. Bất kỳ những gì bạn làm đều nên có tiêu chuẩn để đánh giá và chỉnh sửa khi cần thiết. Đừng bao giờ thỏa hiệp quá sớm. Đôi lúc trong cuộc sống, áp lực cơm áo gạo tiền, kỳ vọng của người khác sẽ buộc bạn phải hạ thấp tiêu chuẩn của mình. Tuy nhiên, hãy có lập trường và là một chuyên nghiệp nhất có thể.

Tập cho mình thói quen khi làm việc gì thì làm cho đến cùng. Đừng mang tâm thế “sao cũng được” vào công việc bạn làm. Hãy trở thành phiên bản xuất sắc của chính mình.

Lời kết

Sáng tạo là một kỹ năng mà ai cũng có thể học và rèn luyện được. Thay đổi tư duy, hãy cứ phi lý đi hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn những hướng dẫn cũng như lời khuyên hết sức thực tế. Chỉ cần bạn tập trung và thực tập những phương pháp trong quyển cẩm nang nhỏ này, cuộc sống của bạn sẽ rất khác so với hiện tại đấy.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn

Hình ảnh: Tuyết Sơn