Share this post on:

Đã bao giờ bạn tự hỏi rằng việc người khác phải làm theo kỳ vọng của mình là một chuyện “dĩ nhiên”chưa? Hay bạn có đang trong hoàn cảnh buộc phải “để ý đến sắc mặt” của người khác để sống một cách an toàn và tránh bị tổn thương chưa? Tôi tin chắc rằng tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống, bạn sẽ rơi vào những trường hợp như trên. Có một điều quan trọng là bạn không cần phải sống theo cách như thế. Với Thao túng cảm xúc của Chou Mu-Tzu, bạn sẽ biết các cách thức để bảo vệ bản thân, tôn trọng cảm nhận của mình và biết đặt ra ranh giới cảm xúc với người khác. Bạn sẽ không còn sống trong nỗi bất an và sợ hãi nữa, mà ngược lại sống một cách ung dung, tự tin trong việc thể hiện cái tôi của mình và thiết lập lại các mối quan hệ với thế giới xung quanh một cách tốt hơn.

Về tác giả

Chou Mu-Tzu có bằng Thạc sĩ Tâm lý học và tư vấn thuộc Đại học Giáo dục quốc gia Đài Bắc. Cô giữ vai trò nhà tâm lý học và cố vấn tại nhiều trung tâm tư vấn. Hiện cô đang điều hành Sincere Counselling Center.

Thao túng cảm xúc là cuốn sách đầu tay của cô, đã gây tiếng vang lớn, trở thành một trong những cuốn sách bán chạy nhất Đài Loan trong năm 2017. Sách bán được hơn 110.000 bản và đứng đầu danh sách bán chạy của trang books.com.tw suốt 34 tuần.

Thế nào là thao túng cảm xúc?

Thao túng cảm xúc (Emotional Blackmail) là khái niệm mà nhà tâm lý học nổi tiếng Susan Forward đã đưa ra trong cuốn sách cùng tên. “Thao túng cảm xúc” thường xuất hiện trong các mối quan hệ giữa con người với con người: giữa bố mẹ con cái, vợ chồng, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới, vv.

Kẻ thao túng cảm xúc có thể vô tình hay cố ý sử dụng các biện pháp “thao túng” trực tiếp hoặc gián tiếp như yêu cầu, đe dọa, gây áp lực, chiến tranh lạnh, vv…, khiến người bị thao túng sản sinh các loại cảm xúc tiêu cực, ví dụ như cảm giác thất bại, cảm giác tội lỗi, sợ hãi… Những cảm giác này sẽ nhen nhóm trong lòng họ, khiến cho họ bất an và lo sợ. Vì vậy, để xoa dịu chúng, người bị thao túng sẽ phải thuận theo yêu cầu của đối phương, lâu dần sẽ hình thành một vòng luẩn quẩn. Người thao túng cảm xúc sẽ thao túng người bị thao túng, kiểm soát mọi quyết định và hành vi bằng những biện pháp như trên. Kết quả là họ sẽ mất đi toàn bộ năng lực và “cái tôi” của họ bị ăn mòn theo thời gian.

Vòng tuần hoàn thao túng cảm xúc luôn xuất hiện trong các mối quan hệ đời sống. Bất kỳ lúc nào bạn cũng có thể trở thành kẻ đi thao túng cảm xúc và kẻ bị thao túng. Xét về góc độ tâm lý học, khi chúng ta phân tích nội tâm và hành vi của hai dạng người như trên, chúng ta sẽ có một góc nhìn đa chiều hơn. Từ đó, tránh rơi vào bẫy và trở thành “nạn nhân” của chiếc bẫy vô hình này.

Trên thực tế, với tư cách là kẻ thao túng cảm xúc, họ cũng không ý thức được rằng mình đang có hành vi như vậy. Chỉ là họ đã quen dùng cách này để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Có thể anh ấy không nhận ra rằng việc này khiến bạn khó chịu, khi đối diện với nỗi lo lắng và sợ hãi trong lòng vì nhu cầu của anh ta đang bị đe dọa, anh ta sẽ trở nên hung dữ để bảo vệ quyền lợi của bản thân. Chính vì vậy, anh ta sẽ không còn tâm trí để chú ý đến cảm nhận của bạn nữa.

Nhưng, nói đi cũng phải nói lại, sỡ dĩ bạn rơi vào chiếc bẫy vô hình này cũng vì bạn đã chấp nhận kiểu thao túng của họ. Bạn tình nguyện dâng hiến những nguồn lực của mình để đáp ứng nhu cầu của họ. Hay nói cách khác, bạn dùng nó để bảo vệ con tim bất an của mình, đổi lấy sự bình yên tạm thời trong lòng bạn.

Vậy thao túng cảm xúc có những đặc điểm như thế nào? Làm thế nào để chúng ta nhận diện được chúng? Cùng nhau xem qua câu chuyện dưới đây và tự hỏi xem bạn có phải đang là nạn nhân không nhé.

/6 ĐẶC TRƯNG CỦA THAO TÚNG CẢM XÚC/

A vừa tốt nghiệp đại học, với thành tích học tập xuất sắc, chẳng bao lâu sau A được mời vào một công ty gọi phỏng vấn. Giám khảo B trong lúc phỏng vấn luôn tỏ ra thân thiện, khen ngợi A hết lời và có nhã ý mong muốn A làm việc ở công ty lâu dài. Những yêu cầu và đãi ngộ giám khảo B đưa ra khiến A cảm thấy vui sướng vô cùng, A cảm thấy mình rất may mắn. Cuối cùng, A chấp nhận công việc mới này.

Sau khi bắt đầu công việc mới, mặc dù A làm việc rất chăm chỉ, nhưng trong quá trình giao tiếp với B, A dần nhận ra có gì đó không bình thường. Lúc phỏng vấn, công việc và trách nhiệm công việc đã được trình bày rất rõ ràng. Lúc đó, A cũng nói đến những hạn chế và yêu cầu của mình trong công việc với B. Nhưng sau khi đi làm, A mới phát hiện ra thái độ của B dường như khác hẳn so với lúc phỏng vấn. B bắt đầu “gài” một số công việc ngoài trách nhiệm công việc của A, thậm chí rất hay yêu cầu A tăng ca hoặc đi công tác thường xuyên hơn. Khi thấy A tỏ vẻ khó chịu, B sẽ nói: “Cô mới bắt đầu đi làm, nên cố gắng hết sức để hoàn thành công việc, cố tích lũy kinh nghiệm… Cô phải biết rằng cô vào được công ty chúng tôi là cực kỳ may mắn, phải biết trân trọng chứ.”

Lúc nào nghe B nói vậy A cảm thấy áp lực vô cùng. Khi mọi thứ đi quá giới hạn, A trình bày nhu cầu và nguyện vọng của mình thì không những B không lắng nghe, mà còn đe dọa A rằng: “Vốn tôi tưởng cô là người có thể đào tạo được, vì vậy tôi mới giới thiệu cô với cấp trên. Không ngờ, cô lại thiếu tích cực trong công việc như vậy, thực sự làm tôi thất vọng ghê gớm. Bây giờ cô vẫn chưa qua thời kỳ thử việc, nếu cô cứ tiếp tục làm việc với thái độ như vậy, tôi e là cô có vượt qua giai đoạn này không nữa, cô suy nghĩ kỹ đi.” Vì lo sợ mình sẽ mất đi công việc này, A đành miễn cưỡng mọi yêu cầu của B, nhưng cô cũng hoài nghi không biết mình có làm nổi công việc này hay không.

Theo Susan Forward, bà đã chỉ ra sáu đặc trưng của thao túng cảm xúc dựa trên câu chuyện trên lần lượt là: yêu cầu, phản kháng, áp lực, đe dọa, thuận theo, chuyện cũ tái diễn.

1.Yêu cầu (Demand)

Sau khi vào làm việc, A liên tục bị B yêu cầu “làm thêm một số việc”. Những việc đó đáng lẽ B phải làm, hoặc là vượt ra ngoài phạm vi công việc mà B cam kết với A.

Trên thực tế, trong mối quan hệ giữa người với người, đặc biệt là tại công sở, ta rất hay gặp phải những công việc không thuộc phạm vi phụ trách của mình, hay nhận những yêu cầu của những người quan trọng xung quanh. Do vậy, không phải tất cả những các yêu cầu đều là thao túng cảm xúc. 

Sự khác biệt lớn nhất là thực ra ở chỗ đối phương, họ có khăng khăng giữ nguyên yêu cầu, không chấp nhận thỏa hiệp hay không. Họ có không “thèm đếm xỉa” đến cảm nhận và ranh giới của bạn, dồn bạn vào chân tường và không từ một thủ đoạn để đạt được mục đích của họ hay không?

2. Phản kháng (Resistance)

Trước những yêu cầu của B, A bày tỏ sự không đồng ý của mình. A không đồng ý ngay những yêu cầu vô lý của B lúc đầu. Đồng thời, bắt đầu nghi ngờ những gì mà B trao đổi trước đó. Tuy thấy có vấn đề, nhưng A vẫn miễn cưỡng và không thẳng thắn từ chối.

3. Áp lực (Pressure)

Khi B phát hiện A không chấp nhận ngay những yêu cầu của anh ta, trước sự phản kháng của A, không những anh ta không tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của cô mà còn dùng những lời lẽ áp lực để gây áp lực cho cô: “Cô mới bắt đầu đi làm, nên cố gắng hết sức để hoàn thành công việc, cố tích lũy kinh nghiệm… Cô phải biết rằng cô vào được công ty chúng tôi là cực kỳ may mắn, phải biết trân trọng chứ.” B muốn đạt được mục đích thông qua hạ thấp giá trị của A.

4. Đe dọa (Threat)

Khi phát hiện ra sự phản kháng của A, bên cạnh việc gây áp lực cho A, B còn đe dọa A bằng cách: “Vốn tôi tưởng cô là người có thể đào tạo được, vì vậy tôi mới giới thiệu cô với cấp trên. Không ngờ, cô lại thiếu tích cực trong công việc như vậy, thực sự làm tôi thất vọng ghê gớm. Bây giờ cô vẫn chưa qua thời kỳ thử việc, nếu cô cứ tiếp tục làm việc với thái độ như vậy, tôi e là cô có vượt qua giai đoạn này không nữa, cô suy nghĩ kỹ đi.”

Bằng cách này, anh ta thật sự khơi gợi cảm giác tội lỗi của A, và anh ta lúc nào cũng biết “điều gì là quan trọng nhất” với A, khiến cho cô ta làm theo ý muốn của mình. Câu nói trên ám chỉ rằng: “Nếu cô không làm theo ý tôi, tôi sẽ khiến cô mất đi thứ rất quan trọng: đó là công việc này.”

5. Thuận theo (Compliance)

Lo sợ và bất an trước sự việc mất đi công việc mới này, cách duy nhất mà A có thể làm là thuận theo yêu cầu của B.

6. Chuyện cũ tái diễn (Repetition)

Dần dần, trong quá trình tiếp xúc và làm việc với A, B biết điều gì là quan trọng với A, vì vậy anh ta sẽ liên tục thao túng cô ta bằng nhiều cách nhằm khiến cho A “vâng lời.” Việc A liên tục thỏa hiệp khiến cho vòng tuần hoàn này cứ tiếp diễn không có lối thoát.

/3 NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG LIÊN QUAN ĐẾN THAO TÚNG CẢM XÚC: CẢM NHẬN VỀ GIÁ TRỊ BẢN THÂN, CẢM GIÁC TỘI LỖI & CẢM GIÁC AN TOÀN./

Thông qua câu chuyện trên, kẻ thao túng cảm xúc rất giỏi trong việc hạ thấp bạn hoặc năng lực của bạn, khơi gợi cảm giác tội lỗi trong bạn và tước đoạt đi cảm giác an toàn của bạn.

Trong cuộc sống bạn sẽ gặp rất nhiều loại người khác nhau. Tuy nhiên, thao túng cảm xúc xảy ra khi mối quan hệ giữa chúng ta ngày càng thân thiết hơn, đặc biệt là cha mẹ con cái, vợ chồng, đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới.

Đã bao giờ bạn gặp những tình huống này chưa?

“Tôi chỉ muốn tốt cho anh thôi.”

“Tôi đánh giá anh/chị cao như vậy, mà anh/chị làm tôi thất vọng quá.”

“Anh/chị không làm theo ý tôi, lẽ nào anh/chị không yêu tôi sao?”

“Tôi tốt với anh/chị như thế mà anh/chị không nghe lời tôi sao?

Hoặc là: 

“Anh/em mà làm như thế nữa thì mình chia tay đi.”

“Con mà kết hôn với nó thì chúng ta sẽ đoạn tuyệt quan hệ.”

“Con mà không làm như mẹ nói thì mẹ chết cho con xem.”

“Cô mà không làm như lời tôi nói thì cô sẽ mất đi công việc này.”

Những kẻ thao túng cảm xúc rất giỏi trong việc hạ thấp đi giá trị của bạn. Họ sẽ biết điều gì làm bạn lo sợ mất nhất. Từ đó, họ sẽ xoáy sâu vào “vết thương” đó để thao túng và yêu cầu bạn đáp ứng kỳ vọng của họ. Trớ trêu thay, đôi lúc nội tâm chúng ta chưa đủ vững vàng để có thể kháng cự với chiếc bẫy vô hình này. Nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể thoát khỏi chúng.

Trước khi chúng ta trang bị cho chính bản thân những cách để tránh bị thao túng cảm xúc, hãy cùng nhau phân tích sâu hơn về tại sao chúng ta có thể trở thành kẻ thao túng cảm xúc và ngược lại. Họ có thật sự là những kẻ thao túng hay còn điều gì tiềm ẩn ảnh hưởng đến cách họ suy nghĩ và hành động? Quan trọng hơn hết, trong văn hóa Á Đông như Việt Nam, điều gì khiến cho bạn dễ bị thao túng đến thế?

Đối với kẻ thao túng cảm xúc sỡ dĩ họ có hành vi thao túng như thế vì thời thơ ấu họ bị tổn thương về mặt tâm lý, thế giới quan bị bóp méo, lòng tự trọng bị hạ thấp, cảm giác “không đủ tốt” lúc nào cũng canh cánh trong lòng. Để bù đắp cảm giác tồi tệ ấy, họ chỉ biết nhắm đến người khác. Yêu cầu người khác làm theo kỳ vọng của mình, và nghiêm trọng hơn nữa họ sẽ xem những gì người khác làm cho mình là một điều dĩ nhiên.

Ngược lại, những kẻ bị thao túng cảm xúc (có cả chính bạn và tôi) đều có những đặc điểm sau đây:

1/Những người xem nhẹ  giá trị bản thân của mình

Giá trị bản thân ở đây là việc bạn có chấp nhận bản thân hay không cùng với thái độ tôn trọng bản thân dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Giá trị bản thân khác với tự tin. Tự tin phụ thuộc vào năng lực kèm với những thành tựu bạn đã đạt được. Thông qua quá trình trải nghiệm và học hỏi, bạn tự tích lũy cho mình một vốn kiến thức và kinh nghiệm để cảm thấy tự hào và tự tin về bản thân. Cảm giác hài lòng về bản thân.

Nhưng nếu chúng ta nhìn sâu hơn, việc chấp nhận bản thân bạn dù thành công hay thất bại là một chìa khóa quan trọng. Dù bạn có tự tin về thành công của mình bao nhiêu, nhưng nếu bạn không chấp nhận những ưu và nhược điểm của mình, tự trách khi thất bại xảy ra thì rất khó lòng bạn vững vàng trước những kẻ thao túng cảm xúc.

Những người có giá trị bản thân thấp luôn hay nghi ngờ bản thân, cho rằng mình không đủ tốt, lúc nào cũng mong chờ vào sự khẳng định của người khác. Họ quên mất một điều rằng cho dù họ làm không tốt hay có bao nhiêu thất bại thì điều đó cũng không chứng tỏ họ không tốt, chỉ là họ làm việc đó không tốt mà thôi.

2/Nền văn hóa xem trọng “quyền uy” và trọng lễ nghĩa

Với sức ảnh hưởng về quyền uy, như ba mẹ và con cái, cấp trên và cấp dưới, vv, đã làm cho chúng ta dễ bị người khác thao túng. Đơn giản là người lớn hay người có uy quyền phát ngôn thì chứng tỏ điều đó là đúng, chúng ta không được tranh luận hay phản kháng. Kết quả là, chúng ta chỉ biết tuân theo những tục lệ như thế, đẩy mình vào thế bị động và luôn phải đáp ứng nhu cầu của người khác. Khi đi ngược lại với những gì được xem là tiêu chuẩn thì bị xem là “không biết điều”.

3/ Cách giáo dục của bố mẹ

Cách ba mẹ dạy dỗ một đứa trẻ thuở nhỏ khi chúng đối mặt với khó khăn quyết định cách chúng suy nghĩ và hành động khi đối diện với khó khăn và những chuyện nằm ngoài tầm kiểm soát. Nếu ba mẹ có thể cùng con bầu bạn, chia sẻ những khó khăn, dạy chúng cách để tự đứng lên sau vấp ngã thì khi trưởng thành, chúng sẽ rất tự tin trong việc khám phá thế giới trong khi vẫn có ba mẹ ủng hộ phía sau.

Kết quả sẽ ngược lại nếu ba mẹ quá nuông chiều và bảo vệ con, họ không cho phép bất kỳ ngoại cảnh nào tác động đến con mình. Khi con vấp ngã, họ dạy đứa bé tất cả đều do một ai đó làm, hoặc là trong một số trường hợp không quan tâm đến cảm nhận của đứa bé. Chính vì vậy, khi lớn lên, chúng sẽ không những đổ hết trách nhiệm cho người khác khi gặp khó khăn mà còn trở thành một người theo chủ nghĩa hoàn mỹ, luôn tự trách bản thân khi làm sai điều gì.

/LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI CHIẾC BẪY THAO TÚNG CẢM XÚC?/

Bạn phải xác định rõ giá trị bản thân là quan trọng nhất. Tập coi trọng cảm nhận của chính mình.

Khi bạn xem trọng cảm nhận của chính mình, nghiêm túc cảm nhận những cảm xúc khi bị kẻ khác thao túng cảm xúc, bạn sẽ dần nhận ra một điều rằng bạn không đáng để bị đối xử như vậy. Bạn sẽ biết làm gì để đặt ra giới hạn cho người khác và trở thành người như thế nào để thoát khỏi vòng luẩn quẩn này. Một khi bạn biết yêu thương bản thân, học cách bày tỏ nhu cầu của mình, đòi hỏi quyền lợi cho mình, bạn sẽ thấy mình mạnh mẽ và quan trọng hơn. Còn người khác, qua những lời từ chối và lời lẽ của bạn, họ sẽ học cách để thấu hiểu và tôn trọng theo cách mà bạn muốn.

Tôi tôn trọng cảm nhận của mình không có gì là sai, không cần phải hoài nghi; tôi không cần người khác quyết định hộ xem cần phải cảm nhận như thế nào, bởi vì đó là một phần quan trọng thuộc về tôi và đáng được trân trọng với tư cách một con người.

 Đừng lo lắng khi người khác phớt lờ nhu cầu của bạn.

Trong một số trường hợp, khi bạn không bày tỏ cảm nhận của mình, đối phương cũng sẽ không biết bạn cần cái gì, không phải họ “ác ý” mà vì do nỗi lo của chính bạn. Bạn lo sợ rằng: “Một khi bày tỏ cảm nhận của mình, liệu có bị người khác cho rằng mình là người khó gần không?” hay “Liệu người khác có làm tổn thương mình không?”. Vì vậy khi yêu cầu ai khác làm gì cho mình, bạn sẽ xem đó là một “việc phiền” và ngại yêu cầu để tránh từ chối. Tuy nhiên, nếu bạn không yêu cầu mà đối phương cũng không chú ý đến, bạn lại thấy thất vọng, và cảm thấy mình không có giá trị. Vậy nên hãy tập bày tỏ cảm nhận của mình, không chỉ là bảo vệ bản thân mà còn thể hiện sự tin tưởng của bạn đối với thế giới và với người khác.

 Chịu trách nhiệm cho cảm xúc của bản thân. Tránh chịu trách nhiệm cho cảm xúc cho người khác.

 Những kẻ dễ bị thao túng cảm xúc luôn hay có xu hướng chịu trách nhiệm cho cảm xúc của đối phương. Họ cảm thấy tiêu cực khi người khác tỏ vẻ tiêu cực hay buồn bã. Họ cho rằng sự tuyệt vọng của người khác đều là họ gây ra. Vì vậy, họ sẽ luôn tìm cách lấy lòng, trốn tránh, giải thích và nổi giận với đối phương vì họ cho rằng đó là trách nhiệm của họ.

Hãy đặt ra ranh giới cho cảm xúc cho chính bạn. Khi chịu trách nhiệm cho cảm xúc của đối phương, bạn sẽ vô cùng mệt mỏi, áp lực và luôn luôn trong trạng thái sợ hãi vì sợ “mình làm sai”.

/Luyện tập quan trọng 1/- Đối diện với cảm xúc tiêu cực của người khác

Lần sau khi đối diện với cảm xúc tiêu cực của người khác, hãy dừng lại và tự nhủ rằng: “Đó là cảm xúc của anh ta, là trách nhiệm của anh ta, không phải của tôi, không liên quan gì đến tôi.” Hãy tập chịu đựng cảm giác lo lắng mình “nhất định phải làm gì đó”. Nếu quá khó khăn, bạn hãy rời khỏi hiện trường, hoặc tìm một công việc khiến cho bạn hứng thú mà làm. Cố gắng chuyển hướng sang những hoạt động tích cực nhé.

/Luyện tập quan trọng 2/- Làm thế nào để thiết lập ranh giới cảm xúc của mình

1/Khi giao tiếp với người khác, thông thường bạn sẽ vì chuyện gì mà cảm thấy “không thoải mái”?

2/Những cảm nhận “không thoải mái” đó là gì?

3/Điều gì khiến bạn không thể nói với đối phương cảm giác “không thoải mái” này?

4/Khi trong đầu bạn xuất hiện những cảm giác “không thoải mái” này, trong đầu bạn xuất hiện những ý tưởng hay câu nói nào ngăn cản?

Hãy viết chúng ra giấy. Thay thế những suy nghĩ cho người khác thành tôn trọng cảm nhận của bản thân thì bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Hãy luyện tập hằng ngày nhé.

 Lời kết

Trong vòng tuần hoàn thao túng cảm xúc, nếu như ngay cả bản thân bạn còn không hiểu được cảm nhận và bảo vệ được chính mình khỏi những tổn thương, thì càng không ai có thể hiểu và bảo vệ bạn được cả. Khi bạn bước vào con đường thay đổi này, sẽ có khó khăn cùng với những nỗi cô đơn, tuy nhiên xin hãy đồng hành và tin tưởng bản thân. Khi những lời nói và sự đánh giá của người khác ảnh hưởng đến bạn, khiến cho bạn cảm thấy lo lắng, bạn cần phải học cách tự an ủi và nhắc nhở mình: Tôi làm vậy không có gì là sai, không có lỗi với bất kỳ ai. Chúc bạn ngày càng mạnh mẽ và bảo vệ bản thân mình tốt hơn.