Share this post on:

Sống xanh không phải một nhiệm vụ “bất khả thi”, ngược lại nó là một hành trình để bạn cảm nhận sự tuyệt diệu của thiên nhiên và tận hưởng niềm vui khi bạn có thể đóng góp công sức của mình trong nỗ lực “tô lại” màu xanh cho thế hệ sau.

Với 52 tips, Sống xanh sẽ giúp bạn từng bước hình thành một lối sống bền vững, từ thói quen dọn dẹp nhà cửa, mua sắm thực phẩm, lựa chọn thời trang, cho đến những mẹo nhỏ DIY với các sản phẩm làm sạch thân thiện với môi trường, làm đẹp tự nhiên để bạn có là ai, bạn vẫn hoàn toàn có thể làm được dễ dàng.

Về tác giả:

Jen Chillingsworth là một nhà văn và nhiếp ảnh gia tự do. Trước khi cô trở thành một người làm vườn, cô làm việc trong lĩnh vực quản lý nghệ thuật và từng viết ảnh, chụp ảnh họa báo cho các ấn phẩm được xuất bản và đăng tải trên tạp chí The Simple Things và 91 Magazines. Blog Little Birdie của cô thường xuyên đăng bài về chủ đề sống chậm và đơn giản, ăn uống xanh theo mùa.

——————–

EAT GREEN: ĂN XANH UỐNG SẠCH

Cách hiệu quả nhất để thực hành sống xanh trong bếp là để ý đến lượng thức ăn thừa chúng ta ném vào thùng rác. Hầu hết thức ăn thừa đều bị bỏ phí tại các bãi rác, rồi mục nát ở đó, tạo nên khí mêtan khủng khiếp gây hại cho môi trường.

Ở Mỹ, 150,000 tấn thực phẩm bị các hộ gia đình vứt đi hằng ngày.

Cách đơn giản nhất để tiết kiệm lượng thực phẩm còn dư thừa là chúng ta hãy học cách trân quý thực phẩm hơn bằng việc nghĩ đến số tiền bạn đã chi trả để mua thực phẩm, và số tiền đó đang theo dòng sữa để xuống cống hay những quả táo bạn sắp ăn.

Sau đây là một số cách bạn có thể áp dụng để “ăn xanh uống sạch” nhé. Mình sẽ phân loại theo từng phần để các bạn có thể theo dõi dễ dàng hơn. Ngoài ra, mình sẽ tóm gọn các ý trong phạm vi có thể áp dụng được tại Việt Nam, vì không hẳn các cách của những tác giả nước ngoài không phải lúc nào cũng áp dụng được cho lối sống tại Việt Nam.

* Trước khi đi mua sắm:

1/ Lên danh sách các items cần phải mua

Hãy lên kế hoạch danh sách các đồ dùng cần thiết trước khi đi siêu thị nhé. Việc liệt kê ra trước những thứ bạn cần sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí hơn. Bằng cách làm việc này, bạn sẽ hạn chế mua những đồ dùng không cần thiết mà không có kế hoạch trước.

2/ Dọn dẹp tủ chạn

Trước khi đi mua sắm, hãy xem trong tủ lạnh xem còn thức ăn thừa nào hay không, hay còn những nguyên liệu nào mà bạn có thể tái sử dụng cho những bữa ăn trong gia đình không. Việc thường xuyên kiểm tra trong tủ chạn của mình trước giúp cho bạn biết được mình đang còn những nguyên vật liệu, hay thực phẩm nào đã mua trước đó mà chưa dùng đến nhằm tiết kiệm tiền bạc trước khi đi mua sắm.

3/ Nấu sẵn hoặc sơ chế lại những thực phẩm thừa từ ngày hôm trước

Có nhiều thực phẩm khi để sang ngày hôm sau hương vị sẽ ngày càng ngon hơn, ví dụ như soup. Do đó, bạn có thể sử dụng lại hoặc đối với những nguyên vật liệu trong tủ lạnh như: hành tây, tỏi, hay khoai tây bạn có thể bảo quản chúng để kéo dài thời gian sử dụng.

Ngoài ra, bạn có thể chế biến món ăn và nấu sẵn cả tuần cho cả gia đình để tiết kiệm thời gian đi lại và tránh mua đồ ăn lung tung bên ngoài.

4/ Hãy chuẩn bị các loại túi bảo vệ môi trường để đựng thực phẩm

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều doanh nghiệp đã sản xuất ra những loại túi hữu cơ, dễ phân hủy sinh học để người tiêu dùng có thể mang theo nhằm phục vụ cho mục đích tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bạn có thể chuẩn bị cho mình các loại túi có nguyên liệu từ cotton (bông hữu cơ), vải đay (jute bags), túi lưới (string bags) để có thể đựng thực phẩm và mang theo dễ dàng. Vừa tiện lợi, vừa giảm lượng rác thải nhựa hằng năm được tạo nên từ những túi nhựa khó phân hủy sinh học.

 *Sau khi mua sắm

Sau khi mua về những thứ cần mua ở siêu thị, thì quá trình xử lý và hạn chế rác thải nhựa là điều thực sự bạn cần lưu ý.

1/ Đối với những loại hạt, bạn có thể bảo quản chúng trong chai lọ thủy tinh thay vì hộp nhựa thông thường. Hoặc có thể dùng hạt để làm một ly sinh tố ngon lành cùng với những nguyên liệu sẵn có.

 Quan trọng hơn nữa nếu bạn có ý định mua hạt, nên mua chúng đựng trong túi giấy nhé.

2/ Tất cả những thực phẩm dạng lỏng như sữa, bạn có thể bảo quản trong chai lọ thủy tinh hoặc chế biến thành một món ăn yêu thích.

3/ Các loại rau củ như khoai tây: Bạn có thể nướng, hoặc luộc trước sau đó để vào lò nướng, sau khi hoàn thành công đoạn nướng xong, bạn có thể trữ chúng trong tủ đông nhé. Chúng có thể được bảo quản trong vòng một tuần.

4/ Đối với các loại trái cây: Bạn có thể dùng làm sinh tố hoặc nếu là chuối, bạn có thể xắt lát và cho vào tủ đông.

5/ Dùng đồ đựng riêng cho mỗi loại thực phẩm

  • Lọ thủy tinh: hãy dùng hộp, lọ thủy tinh có nắp đậy, hộp đựng bằng thép không gỉ hoặc tái sử dụng hộp nhựa. Những chai lọ này có thể sử dụng để bảo quản đồ nguội, thịt, cá.
  • Nếu bạn thích mua bánh mì từ tiệm bánh mì hoặc si6u thị, hãy dùng túi bánh mì bằng vải Linen hoặc vải bông (cotton).
  • Dùng túi đựng đồ bằng vải bông, hoặc vải từ cây gai dầu (hemp) để đựng trái cây.

Điều quan trọng là bạn nên suy nghĩ thật kỹ về những thực phẩm cũng như bao bì đóng gói trước khi mua. Những món ăn bạn có thể làm tại nhà thì không nhất thiết phải mua chúng nếu không cần thiết.

Ngoài ra, chúng ta còn nhiều cách để có thể ăn uống lành mạnh và bảo vệ môi trường.

  • Mua số lượng nhiều:  các loại bột (bột làm bánh, bột mì, vv), cà phê hoặc trà. Mua với số lượng nhiều, bạn sẽ tiết kiệm thời gian và tránh việc tiêu thụ nhiều sản phẩm đóng gói từ nhựa.
  • Ưu tiên mua thực phẩm nơi địa phương bạn đang sống: đơn giản vì chúng tươi, không chất bảo quản,  và cũng là một cách để ủng hộ những người bán và cư dân tại khu vực ấy.
  • Đối với trà và cà phê: nên mua trong những hộp car-tong hoặc hộp thiếc.
  • Dùng bình nước cá nhân nếu mua những thức uống take-away hoăc để đựng đồ ăn.

Một vài mẹo khi mua cà phê và trà:

1/ Trà

  • Khuyến khích mua trà lá, vì thông thường chúng ta thường hay mua trà túi lọc nhưng trong túi lọc cũng một ít thành phần từ nhựa nên khi tiếp xúc môi trường đất sẽ khó phân hủy sinh học.
  • Nếu có thể, hãy mua bình trà tích hợp (nghĩa là có bộ lọc có thể tách rời, bỏ trà vào phần lọc, cho nước sôi vào và lấy đồ lọc ra, sau đó thưởng thức).
  • Tự làm trà thảo mộc để thưởng thức tại nhà. Bạn có thể dùng trà với một vài nhánh bạc hà và gừng để tăng thêm hương vị.
  • Sử dụng bình trà để giữ được độ nóng và hương vị của trà

2/ Cà phê

  • Tự xay hạt cà phê để tiết kiệm tiền
  • Dùng phin cà phê thay vì dùng bộ túi lọc, hoặc bạn có thể chế biến cà phê bằng cách ủ lạnh (cold-brew).
  • Đối với vỏ cà phê, bạn có thể sử dụng để tái chế và dùng làm phân hữu cơ
  • Đối với bã cà phê (coffee grounds):
  • Bạn có thể sử dụng để làm phân bón. Bạn dùng trộn vào đất để bón phân cho cây
  • Tẩy tế bào chết: Bạn có thể trộn với dầu dừa và đường nâu để tạo ra dung dịch tẩy tế bào chết. Hoặc có thể tham khảo những công thức khác.
  • Ủ tóc: dùng bã cà phê để bóp vào tóc, sau đó để ủ 10 phút, sau đó rửa sạch tóc với nước. Bã cà phê có thể tăng màu sắc của tóc một cách tự nhiên
  • Trang trí: bạn có dùng màu của bã cà phê để trang trí giấy gói quà hoặc thiệp mừng.

——————

SỐNG XANH TỪ TRONG SINH HOẠT (ECO HOUSEHOLD)

 Phần này chúng ta sẽ bàn về cách sử dụng những nhu yếu phẩm “xanh”  sử dụng trong nhà, nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe cá nhân, gia đình, vật nuôi và môi trường.

1/ Các nhu yếu phẩm “xanh” bạn nên trang bị ngay bây giờ.

  • Bàn chải cọ rửa:thay vì dùng bàn chải bằng nhựa, hãy chọn loại có tay cầm bằng gỗ với đầu thay thế có lợi long làm từ vật liệu thực vật. Chúng 100% phân hủy sinh học. Bàn chải rửa chén bằng tre cũng là một ý tưởng không tồi.
  • Miếng rửa bát: Đa phần những miếng rửa bát trong siêu thị đều chứa nhựa và nhuộm hóa học. Các lựa chọn thay thế tuyệt với là miếng cọ rửa xơ mướp (loofah) hoặc xơ dừa (coconut).
  • Khăn giấy: thay vì sử dụng khăn giấy thông thường, chúng ta thường chỉ sử dụng một lần sau đó ném đi thì chúng ta có thể mua khăn giấy làm từ tre. Tre cực kỳ chắc chắn và thấm chất lòng nhiều gấp mười lần so với khăn giấy thông thường. Chúng không dễ rách như khăn giấy thông thường.
  • Bóng giặt sinh học: bóng giặt không mùi, chứa đầy khoáng chất và chất có nguồn gốc từ thực vật bên trong.

2/ 03 “vũ khí” thần thánh cho việc lau chùi nhà cửa: xà phòng thực vật – baking soda – giấm chưng cất. Hay còn gọi là chất tẩy rửa xanh.

Giấm là một chất làm sách tự nhiên tuyệt vời vì nó khử trùng, đánh sạch sẽ dầu mỡ và khử mùi tốt. Khi không pha loãng, giấm còn có thể tiêu diệt vi khuẩn và vi-rút nữa đấy. Nhưng tuyệt đối không dùng giấm trên bàn làm việc bằng đá granit hoặc cẩm thạch vì axit có thể làm hỏng bề mặt tự nhiên của đá. Tương tự như vậy, không dùng giấm cho sàn gỗ nhé.

Baking soda cũng là một chất khử mùi tốt. Cả giấm và baking soda đều không độc hại, có thể phân hủy sinh học, cực kỳ linh hoạt và kinh tế. Hãy mua giấm đóng chai thủy tinh trong siêu thị, hoặc baking soda đóng gói trong những hộp các-tông nhằm tái chế và bảo vệ môi trường.

Xà phòng thực vật được làm từ những thành phần thiên nhiên, loại xà phòng này có xuất xứ từ Tây Ban Nha. Chúng được làm từ thực vật (cây gai dầu, bơ, dừa, dầu ô liu). Vì không chứa chất béo động vật nên có thể gọi đây là xà phòng chay.

Bạn có thể mua xà phòng dạng lỏng hoặc dạng bánh nhé.

Sau đây là một vài cách mà bạn có thể sử dụng với GIẤM & BAKING SODA:

  • Lau cửa kính: dùng một bình xịt (1 lít), thêm 200ml cốc giấm trắng vào cùng một lượng nước, sau đó lắc đều. Xịt trực tiếp lên kính, sau đó lau sạch bằng vải mềm và khô. Nếu không thích mùi giấm, bạn có thể tinh dầu vào nhé (tinh dầu tràm trà, oải hương, vài giọt chanh). Tuy nhiên, nếu nhà có vật nuôi thì không nên dùng tinh dầu.
  • Cọ nhà vệ sinh: bạn có thể dùng hỗn hợp như trên để xịt trực tiếp lên bồn cầu, nắp, bát, vv. Để trong 5 phút. Thêm một nắm nhỏ baking soda vào bát, sau đó chà bằng bàn chải vệ sinh. Sau đó, xả với nước.
  • Thông cống: Vụn thực phẩm thừa hay cặn xà phòng có thể gây tắc nghẽn đường cống. Bạn chỉ cần đổ một ít baking soda xuống miệng cống, để trong vòng 20 phút, rồi xả nước nóng là xong.
  • Vệ sinh lò vi sóng/ thùng rác: bỏ một ít baking soda vào, để trong 10 phút, sau đó sử dụng miếng cọ rửa hoặc khăn giấy để lau sạch.

Một số cách sử dụng với XÀ PHÒNG THỰC VẬT (Castile soap):

  • Rửa bát: sử dụng thay thế nước rửa bát thông thường, thậm chí khả năng đánh bay vết bẩn còn cao hơn nước rửa chén thông thường. Có những vết thực phẩm cháy lì trên chảo, để xử lý chúng, bạn chỉ cần đổ một ít xà phòng thực vật lòng lên vết bẩn, chờ 10 phút, sau đó chà bằng miếng cọ rửa.
  • Lau sàn: Pha xà phòng thực vật(50ml) vào một xô nước ấm, sau đó lau sàn bằng giẻ lau hoặc bàn chải lau sàn. Không cần chùi rửa lại. Cách này tiết kiệm rất nhiều thời gian cho bạn, thay vì phải lau sàn lại bằng nước sạch theo cách thông thường, bây giờ chỉ cần lau sàn thế là đủ.
  • Vệ sinh đa bề mặt: Bạn có thể dùng chai xịt kết hợp nước và xà phòng thực vật, xịt trực tiếp lên bàn ăn, bàn làm việc, bàn bếp, chỉ cần xịt nhẹ và lau chùi là xong.

——————

SỐNG XANH TỪ NHÀ RA VƯỜN

1/SỐNG XANH TRONG CÁCH TRANG TRÍ

Có thể bạn chưa biết: CHẤT UNG THƯ NÀY VẪN ĐANG TỒN TẠI TRONG CHÍNH CĂN NHÀ CỦA BẠN.

Chắc hẳn bạn đã từng ít nhiều nghe về VOC (Volatile Organic Compounds). Đây là hợp chất hữu cơ dễ bay hơi hầu như tồn tại mọi nơi trong không khí. VOC được phát tán dưới dạng khí từ những chất rắn, chất lỏng được sử dụng rộng rãi trong sơn, vecni,  sáp, nến thơm, sơn móng tay, thuốc tẩy, nước xả vải, bột giặt,hồ dán, nước hoa, nước xịt phòng, máy in, máy photocopy, thuốc trừ sâu,…

Trong sơn, VOC được phóng thích trong quá trình sấy khô, và chất độc này có thể lưu lại đó trong nhiều tháng liền, thậm chí tận bảy năm tính từ khi sử dụng. Một vài trong số đó có đặc tính gây ung thư và có hại cho môi trường. Nếu chúng ta tiếp xúc nhiều với hợp chất này sẽ gây ra các vấn đề liên quan đến hô hấp, hay mắt, mũi, cổ họng. Nặng hơn nữa có thể dẫn đến tổn thương các cơ quan bao gồm hệ thần kinh trung ương, gan và thận. Thậm chí, VOC còn được biết đến là chất gây ung thư mức độ cao khi tiếp xúc nhiều với thời gian lâu dài. Trẻ em và những người bị hen suyễn dễ bị tác động xấu từ hợp chất này.

Đó là lý do vì sao thị trường sơn luôn được quản lý chặt chẽ và phải đặt dưới sự rà soát gắt gao của pháp luật. Hầu hết các thương hiệu cung cấp sơn gia dụng có mức VOC thấp, nhưng vẫn có các chất độc hại khác như amoniac, formaldehyde và chất làm mềm acrylic – và chúng gây ô nhiễm không khí trong chính căn nhà của bạn.

VOC tồn tại trong chính những vật dụng hàng ngày mà mọi gia đình đều sử dụng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết đến tác hại nguy hiểm của nó đối với sức khỏe của mọi thành viên trong gia đình. 

Vậy làm thế nào để loại bỏ VOC khỏi cuộc sống? Có những lựa chọn thay thế khác có thể mang lại những lợi ích sức khỏe cho bạn.

  • Son cho nội thất gỗ: Những sản phẩm thân thiện đều có những thành phần chính là vỏ trứng và nước.
  • Sáp/chất tẩy rửa: bạn có thể sử dụng sáp ong, hoặc các loại sáp có thành phần là nước
  • Sơn nội thất: hãy chọn các loại sơn nội thất từ than hoặc khoáng chất. Chúng hoàn toàn không chứa VOC.
  • Sơn phòng em bé: Đối với phòng em bé thì phải là những loại có chứng nhận “phù hợp cho trẻ em”.
  • Xử lý sơn thừa: tìm hiểu xem khu vực bạn sống có xử lý sơn thừa hay không nhé, hoặc bạn có thể quyên góp chúng cho những tổ chức từ thiện.

2/ TỰ TRỒNG CÂY TẠI NHÀ

Gợi ý làm phân bón trà vỏ chuối cho cây cà chua, rau diếp, hoa hồng:

Bạn cần 1 lọ thủy tinh và 2 vỏ chuối (chọn loại hữu cơ vì chúng không có thuốc trừ sâu/diệt cỏ có hại).

Đầu tiên, bạn nhét 2 vỏ chuối vào bình, đổ đầy nước. Đậy nắp bằng vải, để trong 48 giờ. Lấy vỏ ra và thêm chúng vào thùng ủ hoặc chôn xuống đất (sâu ít nhất 10cm để ngừa sâu bọ). Đổ chất lỏng vào bình và tưới cây.

CÀ CHUA

Cà chua là loại cây rất dễ nảy mầm mà không cần ngâm hạt giống. Hãy chọn các giống cây bụi hoặc cây treo. Bón chúng với phân bón rong biển hữu cơ dạng lỏng.

HOA ĂN ĐƯỢC

Cây lưu ly, calendula (cúc vạn thọ), nasturtium và violas, là những cái tên chuộng khí trời, và là những thành phần tuyệt vời cho bát salad, sốt pesto của bạn đấy.

THẢO MỘC

Cúc nhỏ, bạc hà, hương thảo (rosemary), xô thơm (sage) và húng tây (basil) đều phát triển tốt trong các chậu ngoài trời.

Bạn nhớ trồng cây bạc hà trong chậu riêng, vì nó lớn rất nhanh và ngăn các loại thảo mộc khác phát triển.

Với các lá thảo mộc dư, bạn có thể dùng để xông tinh đầu.

ĐẬU

Hãy ngâm chúng trong nước suốt 24 giờ. Gieo các hạt đậu gần nhau và lấp phân bên trên, sau đó tưới nước lên bề mặt.

Tiếp tục tưới nước hàng ngày trong thời tiết ấm áp hoặc mỗi ngày nếu trời lạnh hơn. Sau 2 tuần, chúng sẽ nảy mầm và sẵn sàng thu hoạch. Và vèo một cái, bạn sẽ thu hoạch vụ thứ hai không chừng.

Đậu ngoài việc ăn hạt đậu non thì đọt và lá non cũng rất ngon lành cho món salad hoặc rau xào đấy.

RAU MẦM

Rau mầm (hay baby salad leaves/microgreens): Bạn hãy gieo hạt trực tiếp vào chậu. Phủ một lớp phân mỏng và tưới nước thường xuyên để giữ ẩm đất.

Khi chúng phát triển, bạn hãy canh tỉa ngọn để tránh việc chúng trở nên xum xuê, chật chội nhé.

Khi lá đã cao bạn có thể thu hoạch ngay, bởi chúng mọc lại khá nhanh. Đừng quên tránh cho chúng khỏi nắng nóng vì làm thế dễ héo đấy.

Các loại rau có thể trồng rau mầm: củ cải trắng, củ cải đỏ, rau muống, cải mù tạt, hướng dương, bông cải xanh, đỗ xanh

——————

Ngoài ra, bạn có tiết kiệm năng lượng trong nhà bằng cách nấu nướng hợp lý (đậy nắp chảo hay nồi để đồ ăn chín hơn, rã đông đồ ăn bằng cách chuyển xuống ngăn mát thay vì làm nóng bằng lò vi sóng, đổ một lượng nước vừa đủ khi nấu nướng); dùng TV hợp lý ( TV càng to thì năng lượng tiêu thụ càng lớn, hãy tắt TV khi không sử dụng, chọn mua TV vừa và nhỏ để giảm lượng tiêu thụ điện năng nhé).

——————

THỜI TRANG BỀN VỮNG

 1/ Mua sắm thông minh

Hãy mua những gì thật sự cần thiết.

Hãy xác định rõ ràng trong tủ quần áo của bạn có những gì và tự hỏi bản thân:

  • Những mẫu nào tôi chủ yếu mặc?
  • Những kiểu dáng nào tôi thích nhất?
  • Những chất liệu nào hợp tôi nhất?
  • Đâu là thương hiệu yêu thích nhất của tôi?

Bằng việc  đặt ra những câu hỏi trên, bạn có phối hợp những món đồ thời trang của mình theo phong cách đậm chất cá nhân. Khi muốn mua bất kỳ bộ quần áo nào, hãy quay lại những câu hỏi trên, xác định cái nào phù hợp với mình.

2/ Ưu tiên những chất liệu làm từ sợi thực vật tự nhiên

  • Vải Linen
  • Vải cây gai dầu
  • Vải bông hữu cơ (Cotton)

Những loại vải này rất bền và chắc. Càng mặc càng mềm mịn. Những loại cây nào khi nuôi trồng không cần tiêu tốn nhiều nước và thuốc trừ sâu.

——————

LÀM ĐẸP TỰ NHIÊN

 Đối với những sản phẩm làm đẹp, chúng ta nên chọn lựa những sản phẩm thân thiện với môi trường và có thành chất từ thiên nhiên.

  • Mỹ phẩm:

Trước khi chuyển sang những sản phẩm sinh thái, bạn hãy thay đổi từ từ từng món một, để làn da có thời gian thích nghi và cũng dễ thở cho túi tiền của bạn. Trước khi quyết định mua bất kỳ một sản phẩm nào, hãy đọc rõ thông tin sản phẩm hay những đánh giá từ các beauty blogger có lối sống vì môi trường và chuộng làm đẹp tự nhiên. Tốt nhất nên là những sản phẩm thuần chay (không thử nghiệm trên động vật). Ở Việt Nam, mình có biết đến dòng sản phẩm làm đẹp thuần chay từ thương hiệu Cocoon. Hiện tại, mình đang sử dụng và rất ưng ý. Bạn có thể tham khảo nhé.

Đối với các bạn gái, việc tẩy trang là vô cùng quan trọng. Thay vì mua khăn lau mặt hay bông gòn sử dụng một lần, hãy chuyển sang miếng bông hữu cơ có thể tái sử dụng.

Ngoài ra, một trong những tội phạm khủng khiếp nhất trong ngành làm đẹp là sơn móng tay vì nó chứa đầy hóa chất độc hại. Các độc tố này bao gồm: phosphate, formaldehyde, dibutyl, vv. Hãy kiểm tra dán nhãn trước khi mua nhé.

Tẩy sơn móng tay cũng nên cân nhắc kỹ. Bạn nên chuyển sang sơn móng tay đậu nành không chứa acetone, không độc hại và có thể phân hủy sinh học.

  • Chăm sóc cơ thể:

1/ Túi xà phòng

Mua một túi xà phòng lưới làm từ tre. Nhét thanh xà phòng của bạn vào túi, làm ướt túi và sử dụng nó như một chất tẩy tế bào chết. Vừa sạch cơ thể, vừa không phí phạm xà phòng.

2/ Thiết bị cạo

Chuyển từ nhựa dẻo sang dao cạo an toàn. Lưỡi dao cạo nên rửa sạch cặn trong lưỡi và mài lưỡi dao thật kỹ.

3/ Dùng vòi sen tắm thay vì sử dụng bồn tắm

4/ Tự làm tẩy tế bào chết sử dụng tinh dầu chanh, muối biển và hoa oải hương. Bạn có thể tìm công thức trên mạng nhé.

  • Dưỡng da tự nhiên

1/ Son dưỡng:

Hầu hết các sản phẩm thông thường đều có chứa thạch dầu mỏ, hương liệu tổng hợp, paraben và dầu khoáng. Hãy tìm kiếm những sản phẩm làm từ sáp ong, bơ hạt mỡ hoặc dầu dừa nhé.

2/ Sử dụng bông hữu cơ để tẩy trang hay chăm sóc da mặt

  • Chăm sóc tóc

1/ Sử dụng dầu gội có thành phần từ thiên nhiên, không chứa sulfate, paraben và phthalates.

2/ Dùng giấm táo sạch

3/ Nhuộm tóc theo phương pháp nhuộm màu tự nhiên, không dùng amoniac. Hoặc có thể tự nhuộm tại nhà.

Lời kết

Trên đây là những cách mà chúng ta có thể áp dụng lối sống xanh từ sinh hoạt, sản phẩm làm đẹp, mua sắm và thời trang. Chỉ cần thay đổi nhỏ của bạn cũng sẽ giúp cho môi trường trở nên tốt hơn. Hy vọng Sống xanh sẽ khơi gợi trong bạn nguồn cảm hứng để bắt đầu hành trình ăn xanh, uống sạch và sống bền vững nhé.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn

Hình ảnh: Tuyết Sơn