Share this post on:

Đã bao giờ bạn có suy nghĩ rằng việc làm phiền người khác là một chuyện rất phiền phức và khó xử chưa? Thật ra, nếu nhìn chung và đứng trên góc nhìn tâm lý học thì suy nghĩ này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nếu chúng ta thay đổi cách suy nghĩ về việc này thì hoàn toàn chính bản thân ta và những người xung quanh sẽ được lợi ích nhất định. Vì sao lại như thế và làm thế nào để chúng ta làm phiền người khác một cách đúng cách? Tất cả sẽ có trong quyển Sống Tự lập Chứ Đừng Cô Lập của tác giả Cách Tử San hứa hẹn sẽ không làm bạn thất vọng.

Một vài cảm nhận về sách:

1/ Phong cách viết thực tế, dễ hiểu và gần gũi.

2/ Nội dung phong phú, bao gồm những vấn đề chúng ta hay gặp phải. Tác giả đặt ra vấn đề về việc liệu chúng ta có cần phải sống tự lập suốt cả một đời mà không cần đến ai hay không, từ đó đưa ra cách giải quyết và lời khuyên hữu ích dựa trên góc nhìn tâm lý học nhằm gỡ bỏ tư duy bảo thủ và bắt đầu hành trình thay đổi bản thân.

3/ Đánh giá: ⅘

4/ Đây là quyển sách đánh trúng tâm lý của những ai đang có tư duy “Liệu tôi có nên làm phiền người khác hay không?”. Vấn đề không khó như bạn nghĩ, chỉ cần thay đổi cách suy nghĩ thì chúng ta sẽ tiến gần đến mục tiêu phát triển bản thân và vun đắp những mối quan hệ xung quanh.

Nào, hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.

/SỨC LỰC CỦA MỘT NGƯỜI SUY CHO CÙNG CŨNG CHỈ CÓ HẠN/

Có một lần người sáng lập Phật Giáo Là Thích Ca Mâu Ni hỏi các đệ tử của Ngài: “Làm thế nào để một giọt nước không bao giờ khô cạn?” Các đệ tử đưa mắt nhìn nhau, chẳng ai biết đáp án là gì. Thấy thế, Thích Ca Mâu Ni cười nói: “Hòa giọt nước đó vào biển cả.”

Thật ra chúng ta cũng vậy. Nếu có một mối quan hệ lành mạnh với những người xung quanh thì chỉ có sự giao tiếp không ngừng, nương tựa lẫn nhau, dịu dàng đến từ cả hai phía mới có thể cùng nắm tay nhau cùng đi xa hơn.

Độc lập là một chuyện tốt, không có gì xấu cả. Tuy nhiên, nếu quá độc lập bạn sẽ thiếu đi hơi ấm tình người.

Trẻ con chào đời cần dòng sữa mẹ nuôi nấng, nếu không chúng sẽ không sống được. Sau khi lớn lên, chúng ta có thể tự lực cánh sinh, kiếm tiền nuôi sống bản thân, nhưng cũng không thể nào tự mình làm ra thực phẩm để ăn no, tự mình làm ra quần áo để mặc ấm, tất cả đều phải nhận lấy từ bên ngoài.

 Vì vậy, hãy học cách chấp nhận sự giúp đỡ của người khác, đồng thời lên tiếng nhờ người khác hỗ trợ mình, đó mới là cách làm thông minh.

Trạng thái tốt nhất của cuộc đời chính là duy trì nhân cách độc lập của bản thân, đồng thời có cách ứng xử mềm dẻo linh hoạt. Nhân cách độc lập cho bạn một cái tôi mạnh mẽ và một bộ khung ổn định. Sự mềm dẻo linh hoạt có thể giúp bạn xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp với bên ngoài, làm cho bạn mặc dù vẫn độc lập với đời nhưng lại chưa đến mức tới độ khó có thể lại gần.

/TỪ CHỐI VÀ BỊ TỪ CHỐI LÀ TRẠNG THÁI BÌNH THƯỜNG CỦA CUỘC ĐỜI/

Trong tất cả chúng ta, ai cũng đã từng trải qua cảm giác bị người khác từ chối và chính bản thân cũng đã từng từ chối người khác. Một số cá nhân xem việc bị từ chối là một việc bình thường, tuy nhiên sẽ có phần đông chúng ta lại xem chúng là một việc hoàn toàn không tốt.

Từng có rất nhiều lần, trong cuộc sống của chính mình, việc bị từ chối bởi người khác đã khiến cho mình không khỏi thất vọng và tự trách bản thân. Mình luôn cho rằng bản thân mình không xứng đáng để nhận được sự giúp đỡ từ người khác, chính vì vậy họ đã từ chối mình một cách rất thẳng thắn. Mình chợt nhận ra rằng, thật ra đối phương cũng có những lý lẽ riêng của mình, họ từ chối mình không có nghĩa là mình kém cỏi hay không đáng để giúp đỡ, mà đơn giản là họ đang có những ưu tiên khác. Có lẽ, bạn cũng đã trải qua những việc thế này.

Ở một thời điểm nào đó, khi ai đó nhờ mình giúp đỡ trong khi mình đang rất bận với những việc khác, mình cũng thẳng thắn từ chối họ. Chính lúc đó, mình thấy mình có lý do chính đáng để từ chối, sau đó khi mình có nhiều thời gian rảnh hơn, mình sẽ giúp họ. Từ chối một ai đó không có nghĩa là phủ định họ, chỉ là bạn đang từ chối YÊU CẦU hay THỈNH CẦU của đối phương mà thôi.

Nhiều người không hiểu được điều này nên lúc nào cũng ôm tâm trạng lo lắng và bất an khi từ chối hay bị từ chối bởi một ai đó. Có một số việc nếu đã không thể thực hiện và giúp người khác, tốt nhất bạn nên sẵn sàng từ chối. Nhiều người nói không sai, lời từ chối thật sự rất khó nói ra miệng. Một mặt, họ lo sợ người khác sẽ không chịu nổi sự từ chối của mình, một mặt họ lo lắng đối phương sẽ đánh giá mình là một người hẹp hòi, không có nghĩa khí.

Thật ra, người không biết từ chối cũng khó có thể chấp nhận sự từ chối của người khác đối với mình. Họ hiểu nhầm từ chối chính là phủ định, nếu có người từ chối mình, họ sẽ cảm thấy mình rất mất mặt, không được yêu quý, không được thừa nhận.

Chính vì lo sợ bị từ chối, hầu như chúng ta đều không dám lên tiếng xin người khác giúp đỡ, nhỡ đâu đối phương từ chối, họ sẽ bị tổn thương rất lớn. Để tránh loại tổn thương này, họ gần như không bao giờ tìm người khác giúp, ngay cả khi họ đang gặp khó khăn to lớn, cần sự trợ giúp tức thì họ cũng sẽ không làm phiền ai.

Bạn hãy suy nghĩ thoáng một chút. Bạn có thể dứt khoát từ chối người khác, người khác cũng dứt khoát từ chối bạn. Không ai có thể đáp ứng yêu cầu của bạn mãi mãi được. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình kém cỏi, chỉ đơn giản là họ đang từ chối yêu cầu của bạn mà thôi. 

Mỗi ngày chúng ta đều sống trong quá trình từ chối và bị từ chối.

“Bạn ơi, bạn có thể nhận hàng chuyển phát nhanh giúp mình được không?”

“Xin lỗi, mình hơi mệt, mình không nhận giúp được.”

“Bố ơi, bố có thể cho con vay mấy nghìn được không?”

Xin lỗi, dạo này bố đang kẹt tiền, không muốn cho con vay.”

Khi bạn thấu hiểu được điều này, bạn sẽ bớt gay gắt với bản thân và người khác hơn. Cuộc sống của bạn vì thế cũng thoải mái và phóng túng hơn.

/SỰ BIẾT ĐIỀU CỦA BẠN LÀ SỰ VÔ TÌNH TRONG MẮT NGƯỜI KHÁC/

Điều này có nghĩa gì?

Trước hết, bạn có phải là một người rất sợ làm phiền người khác không? Nếu câu trả lời là có, thì hãy cùng nhau tìm hiểu sâu hơn.

Làm phiền người khác có nghĩa là làm cho người khác hy sinh lợi ích để thỏa mãn nhu cầu của mình. Mình cũng là một người không thích làm phiền người khác. Cho nên, mình sẽ không bao giờ nói với người khác thế này: “Bạn có thể mua giúp tôi một cốc cà phê được không?”; “Bạn mua đồ ăn sáng giúp tôi được không?”, “Tôi muốn vay bạn ít tiền”, vv.

Mua cà phê, tự mình mua; đồ ăn sáng, mình tự mang; không có tiền, mình tự tiết kiệm ăn uống. Những gì mình có thể tự làm được, mình tuyệt đối sẽ không làm phiền bất cứ ai. Bạn có thấy giống mình không. Nhưng mình phát hiện ra một điều, dần dà sự biết điều của mình lại là một sự vô tình trong mắt người khác. Họ xem mình như là một người lạnh lùng, vô tình và khó gần. 

Sau khi nghe góp ý và chỉ bảo từ những tiền bối, thì mình cũng đã cởi mở và học cách thoải mái để “làm phiền người khác” hơn. Mình quyết định buông bỏ chiếc mặt nạ biết điều, tiến vào thế giới của những người xung quanh, sẵn sàng giao tiếp với họ, làm cho họ thấy rằng, thật ra mình vẫn là một người có máu thịt, biết khóc biết cười. 

Em không muốn làm phiền người khác, mục đích ban đầu dĩ nhiên là tốt, nhưng em có bao giờ nghĩ rằng, nếu em vẫn không làm phiền, không tác động qua lại lẫn nhau thì mối quan hệ giữa em và những người đó sẽ không thể nào trở nên thân thiết, người khác nhìn thấy em đương nhiên sẽ cảm thấy em lạnh như băng không?

Thì ra, mối quan hệ tốt chỉ xuất hiện khi hai bên làm phiền lẫn nhau. Bạn cho rằng, không làm phiền người khác là biết điều, là quan tâm thấu hiểu cho người khác, họ sẽ thích bạn hay thân thiết với bạn hơn, tuy nhiên hóa ra mọi chuyện lại cho ra kết quả hoàn toàn trái ngược. Người khác chỉ cảm thấy bạn lạnh lùng, không muốn đến gần họ. Vì thế, khoảng cách giữa bạn và họ ngày càng xa, đến tận khi bạn hoàn toàn bị xa lánh, biến chính mình thành một kẻ gàn dở không muốn tiếp xúc với ai.

Đứng trên góc nhìn tâm lý học, ai cũng thích thân thiết và tiếp xúc với những người ấm áp và cởi mở, không ai thích tiến gần đến một người lạnh lùng cả. Vì thế, bạn hãy thường xuyên giao tiếp hơn, sẵn sàng “làm phiền” người khác, đồng thời cũng sẵn sàng bị người khác làm phiền.

Mối quan hệ giữa người với người chỉ có thể ấm lên trong quá trình giao tiếp gần gũi. Bạn cho rằng làm một người biết điều, không làm phiền người khác là sẽ không tăng thêm gánh nặng cho người ta, nhưng trên thực tế bạn làm như vậy trái lại chỉ khiến người khác bực bội. Mỗi lần nhìn thấy bạn, trong lòng họ sẽ không hề cảm thấy ấm áp và thoải mái mà chỉ có lạnh lẽo và nặng nề.

/ĐỘC LẬP QUÁ MỨC THƯỜNG LÀM NGƯỜI KHÁC KHÓ CÓ THỂ THÂN THIẾT/

Ý này liên quan đến ý trên. Nếu bạn quá kiên cường, quá mạnh mẽ thì bạn chỉ đang tạo ra một khoảng cách lớn trong mối quan hệ với những người xung quanh.

Chúng ta không hề phủ nhận sự độc lập kinh tế đến tinh thần là một đức tính tốt và đáng được tuyên dương. Bạn sẽ thấy rằng, nếu như bạn đã trưởng thành mà vẫn còn ăn bám cha mẹ, bạn sẽ bị mọi người trong xã hội chỉ trích, người khác sẽ nói bạn, có tay có chân, sao không tự lực cánh sinh và tự nuôi sống bản thân một chút? Hoặc là khi bạn quá dựa dẫm vào người yêu, thiếu cái tôi thì nếu sau này, người yêu vứt bỏ bạn, người khác chẳng những sẽ không thông cảm với bạn mà còn cho rằng như vậy là đáng đời, ai bảo bạn không độc lập, không có thế giới của riêng mình, cả ngày chỉ biết xoay quanh người yêu?

Đúng vậy, độc lập và trưởng thành là tốt, rất nhiều chuyện chúng ta có thể tự mình giải quyết, không cần phải làm phiền đến người khác. Tuy nhiên, chuyện gì tốt quá cũng hóa dở, như tác giả có nói, một người quá mức độc lập thường bơm căng chính mình thành một quả bóng bay, đẩy hết toàn bộ “không khí” dịu dàng từ người khác ra xa. Bạn cho rằng, bạn tự lập nhưng người khác lại nghĩ bạn rất khó gần.

Thật ra, trong tâm lý học có một thuật ngữ là “được cần đến” để biết giá trị tồn tại của mình. Trong đời sống giao tiếp hằng ngày, bạn hay thường nghe là “lợi dụng người khác”. Thật ra bị người khác lợi dụng không phải chuyện gì quá xấu hổ cả, đáng mất mặt là chính bản thân mình không có giá trị gì để người khác lợi dụng. Nghe có vẻ nặng nề, nhưng thực tế luôn là như vậy.

Cảm giác “được cần đến” này rất quan trọng. Nếu bạn quá mạnh mẽ và kiên cường thì người khác khi ở bên bạn cũng sẽ cảm thấy nặng nề và cô quạnh, đặc biệt trong chuyện tình yêu. Họ sẽ nghĩ rằng, à thì ra một mình cậu ấy cũng sống rất tốt, thì ra cậu ấy hoàn toàn không cần mình, sự tồn tại của mình không có bất cứ giá trị và ý nghĩa gì đối với cậu ấy. Ai cũng có nhu cầu được công nhận và cần đến. Nếu như không ai quan tâm thì họ sẽ cảm thấy cuộc sống rất vô vị.

Trong tình yêu, câu nói mà chúng ta thường xuyên nghe, khiến cho bao trái tim của các cặp đôi rung động và thao thức, không phải là Anh yêu em, Anh nhớ em hay Anh thương em, mà là ANH CẦN EM. Bạn nghĩ câu nào còn có sức sát thương cao hơn nữa?

Trong gia đình, một câu “CON CẦN CHA MẸ” sẽ làm cho khóe mắt của cha mẹ ươn ướt, thì ra con đã lớn rồi nhưng vẫn cần mình, mình vẫn còn giá trị, mình không phải là một ông già/bà già vô dụng.

Trong tình bạn, “TÔI CẦN BẠN” đây là câu sẽ làm cho tình hữu nghị thêm đậm sâu, bạn của bạn sẽ thầm nghĩ: “Thì ra, mình và cậu sống xa nhau lâu vậy rồi mà cậu ấy vẫn còn nhớ đến mình”.

Mỗi người đến với thế giới này đều là vì theo đuổi thứ cảm giác giá trị và cảm giác thuộc về. Được người khác cần đến chính là biểu hiện tập trung của thứ cảm nhận này. Khi bạn được cần đến, nội tâm của bạn sẽ căng tràn, khóe miệng sẽ mang nụ cười, bước chân của bạn sẽ có lực.

Thật ra, nếu suy nghĩ một cách đơn giản, nhiều lúc bạn cho rằng làm phiền người khác là một chuyện không nên, là rắc rối và phức tạp nhưng chắc gì người khác đã nghĩ như vậy. Bạn cho rằng những yêu cầu của mình là vô lý hay không chính đáng, nhưng có thể đối với đối phương, họ chỉ xem chúng là một chuyện “không thành vấn đề”. Nhiều khi, chính suy nghĩ phức tạp của bạn đang trói buộc bạn vào những thành kiến và tư duy bảo thủ.

Trong bất kỳ mối quan hệ nào, hãy để người khác giúp đỡ bạn. Cho họ cảm giác được cần đến, cho họ cảm nhận sự tồn tại và giá trị của mình. Có như vậy, mối quan hệ của cả hai mới lâu bền và phát triển.

/HÃY CHO NGƯỜI KHÁC CƠ HỘI ĐỂ HIỂU BẠN/

Không làm phiền người khác, không lên tiếng xin sự giúp đỡ cũng đồng nghĩa với việc bạn dần cắt đi sợi dây liên kết giữa bạn và người khác. Người khác sẽ không có cơ hội hiểu bạn, thấy được giá trị của bạn. Nhiều người cho rằng, người thật sự hiểu bạn sẽ tự động biết giá trị và năng lực bạn nằm ở đâu. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thực tế thì tỷ lệ đó quá ít ỏi. Chẳng có ai có thời gian để theo dõi hay quan sát bạn 24/24 để đưa ra đánh giá khách quan nhất có thể. Họ đã quá bận rộn với bộn bề cuộc sống của mình rồi, thời gian đâu mà lo để ý và theo dõi bạn?

Bạn phải tự mình tỏa sáng trong đám đông, nếu không suốt đời bạn chỉ là “cục than xấu xí” không ai dòm ngó đến. Cách tốt nhất để tỏa sáng đó là gì? Đó là làm phiền lẫn nhau, từ đó mối quan hệ tình cảm mới có thể được vun đắp từ đó.

Khi bạn hoạt bát, vui vẻ và giao tiếp cởi mở với mọi người thì dần dần, họ sẽ phát hiện ra tính cách và con người thật của bạn. Trái lại, nếu như bạn giống như một hòn đảo hoang, không muốn tiếp xúc với ai thì e rằng bạn chỉ có thể là một người lạnh lùng trong mắt người khác. Ít hay nhiều, chính sự nhìn nhận này từ người khác sẽ khiến cho bạn gặp không ít khó khăn trong công việc và cuộc sống đó. Một khi cảm giác tin tưởng dành cho bạn cũng không có, thì đừng nói đến việc giao cho bạn nắm giữ những chức vụ quan trọng.

/NGƯỜI KHÁC KHÔNG CÓ NGHĨA VỤ PHẢI TRẢ GIÁ CHO SỰ LƯỜI BIẾNG CỦA BẠN/

Điều này có nghĩa là, có một số người khi nhận thức được mình cần sự giúp đỡ từ người khác, nhưng lại yêu cầu quá mức quá đáng hoặc vượt qua giới hạn của đối phương.

Như chúng ta đã nói, các mối quan hệ là nhờ làm phiền lẫn nhau mà có, nhưng nó không đồng nghĩa với việc bạn có thể làm phiền người khác một cách chẳng kiêng dè, có một số việc nếu như bạn có thể dễ dàng giải quyết, không hề tốn công thì đề nghị bạn hãy hoàn thành việc đó.

Trên thế giới này quả thật có rất nhiều thích giúp đỡ người khác, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn có thể tự ý lạm dụng lòng tốt và thiện ý của người khác dành cho mình.

Điều này làm mình nhớ đến câu chuyện của mình, nhiều lúc mình giúp đỡ một số người bạn một lần, sẽ có lần hai, lần ba, sau đó thì mối quan hệ không tốt như trước nữa. Nhiều khi họ yêu cầu giúp đỡ những việc mà họ có tự làm được, thậm chí yêu cầu mình làm nốt giúp họ,hoặc những việc đối phương có thể “Google” được nhưng họ vẫn lãng phí thời gian để hỏi mình, nhiều lúc mình cũng tự hỏi: “Sao cậu không tự Google đi?” Dần dần, mình và những người đó đã không còn liên hệ nữa. Họ không tôn trọng thời gian của chính họ và của mình thì hà tất gì phải qua lại với nhau nữa?

Mình nghĩ, bạn cũng sẽ gặp trường hợp tương tự. Chưa kể đến, đối với những người này, thì “lòng tham vô đáy” rồi. Nhận sự nhờ vả của họ là sự tôn trọng dành cho họ rồi, ngược lại họ còn quá đáng đến mức đòi hỏi vô ý và tỏ vẻ không hài lòng khi nhận về kết quả không như kỳ vọng. Đối với những loại người này, tốt nhất bạn nên tránh đi càng nhanh càng tốt.

Người có lòng tự trọng, quý trọng danh dự, trân trọng tiếng tâm của mình không bao giờ là một người chỉ biết đòi hỏi. Gặp phải vấn đề, đầu tiên họ sẽ xem chính mình có thể giải quyết hay khong, họ mới đi làm phiền người khác. Lúc này làm phiền là hợp tình hợp lý, người khác thông thường sẽ không từ chối, cũng không cảm thấy có bất cứ gánh nặng nào.

Chính vì vậy, đứng trên vai trò của một người xin giúp đỡ từ người khác thì đừng cho rằng sự giúp đỡ của người khác là dĩ nhiên. Khi yêu cầu giúp đỡ thì phải có chừng mực và có giới hạn. Người khác có thể hỗ trợ bạn, nhưng họ sẽ không trả giá cho sự lười biếng của bạn. Làm như vậy, không chỉ tổn hại đến mối quan hệ của đôi bên mà còn chứng tỏ bạn là một người không biết nhìn xa trông rộng và vô cùng ấu trĩ.

Không có ai dành toàn bộ thời gian cho một mình bạn. Bạn có thể làm phiền người khác, người khác vì chuyện này mà tốn công tốn sức, cho dù cuối cùng bạn không cần đến sự giúp đỡ của đối phương nữa, ít nhất bạn cũng phải bày tỏ sự xin lỗi và lòng biết ơn của bạn. Bời vì, bất kể có giúp bạn hay không,  thì thật sự người ta cũng đã bỏ công sức ra. Làm gì có thời gian của ai mà không quý giá cơ chứ. Chẳng có người nào sinh ra chỉ để phục vụ một mình bạn, dù đó là người bạn tốt nhất của bạn.

Trong công ty mình, có một cô bé rất đáng yêu và có tinh thần học hỏi rất tốt. Lúc nào cũng tò mò về mọi thứ xung quanh, khi không hiểu vấn đề nào đó thì ghi chép lại những chỗ khó hiểu trong quyển sổ, sau đó khiêm tốn nhờ những người có kinh nghiệm trong công ty chỉ bảo. Đối với những cá nhân có tinh thần học hỏi và cầu tiến như thế này, mình hoàn toàn sẵn sàng giúp đỡ họ hết sức có thể. Bởi vậy mới có câu: “Tự giúp mình thì trời cũng giúp.”

/ĐÃ LÀM PHIỀN RỒI, HÃY PHỐI HỢP ĐẾN CÙNG/

Một nghiên cứu trong tâm lý học cho thấy, nguyên nhân trực tiếp nhất tạo ra chứng lề mề là chúng ta không đủ hứng thú đối với kết quả. Nguyên nhân sau khi nhận lời giúp đỡ người khác lại lề mề kéo dài thời gian nói chung như vậy, chẳng liên quan gì mấy đến mình, đương nhiên chúng ta sẽ thiếu chủ động, không thấy hứng thú, hiệu suất không cao.

Trong nhiều trường hợp, bạn có bao giờ gặp phải trường hợp khi có ai nhận lời giúp đỡ của bạn, sau đó chẳng những chuyện không xong, mà mối quan hệ cũng bắt đầu rạn nứt không? Hoặc đơn giản, sau này bạn cũng còn chẳng dám yêu cầu nhờ vả họ nữa. 

Hoặc ngược lại, khi nhờ vả người khác giúp bạn, giữa chừng lại rút lại yêu cầu, bỏ lại một mình bạn phải khó xử? Mình chắc là các bạn đã từng trải qua những chuyện thế này.

Có một số người hay có xu hướng kéo dài thời gian hoặc làm không đến nơi đến chốn, dẫn đến lãng phí thời gian của cả đôi bên. Đứng từ vai trò của người nhận giúp đỡ, bạn nên đứng trên vị trí của người khác suy nghĩ.

Chuyện có lớn có nhỏ, có chuyện vặt vãnh như lông gà vỏ tỏi, có chuyện lớn như cháy nhà chết người. Đối với chuyện lông gà vỏ tỏi trì hoãn một lát có lẽ không ảnh hưởng đến toàn cục, nhưng gặp chuyện cháy nhà chết người thì trì hoãn chính là trí mạng.

Trong cuộc sống hằng ngày, chắc hẳn bạn cũng đã nghe những câu chuyện vì lo cho nỗi lo của người khác mới trở thành tấm gương cho người khác noi theo. Một người đàn ông đã lái xe vượt đèn đỏ mấy lần liền để đưa một sản phụ sắp sinh đến bệnh viện. Sau khi tra rõ nguyên nhân, cảnh sát giao thông không xử phạt hành vi vượt đèn đỏ của người này.

Khi đã chấp nhận yêu cầu giúp từ người khác đồng nghĩa với việc bạn chấp nhận mình phải hoàn thành “nhiệm vụ” đó. Không có năng lực để đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, lo cho nỗi lo của người khác, chỉ biết lười nhác kéo dài thời gian, thì mối quan hệ giữa bạn và người đó sẽ xuất hiện rạn nứt.

Nói tóm lại, khi nhờ vả và giúp đỡ ai đó, bạn nên có một tinh thần trách nhiệm, biết chừng mực và giới hạn. Biết đứng ở góc độ của đối phương để suy xét là một chuyện được lợi nhiều hơn hại.

/CÀNG THÂN THIẾT, CÀNG NÊN TÍNH TOÁN SÒNG PHẲNG/

 Khi bạn đã sẵn sàng giúp đỡ ai đó, cho dù có dốc hết sức làm đi chăng nữa nhưng cũng quá để mình chịu thiệt. Trong quá trình giúp đỡ, không ít việc bạn giúp người khác sẽ có liên quan đến chuyện tiền nong và đây là một vấn đề nhạy cảm.

Một số người nghĩ rằng, giúp người khác một chút, họ chịu thiệt một chút có sao đâu. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục như vậy thì e rằng ngay cả động lực để đi giúp người khác bạn cũng không có.

Đúng vậy, nếu bạn chịu thiệt một lần thì không sao, nhưng nếu cứ tiếp tục chịu thiệt, hết lần này đến lần khác “cháy túi” vì lòng tốt của mình với người khác thì bạn nên dừng lại. Giúp người khác lấy hộ đồ chuyển phát, bù tiền giúp họ một lần là chuyện bình thường, nhưng nếu cứ lần hai và những lần sau nữa thì thử hỏi bạn có còn động lực để giúp họ nữa không.

Đối với vấn đề tiền nong, trong quá trình giúp đỡ, nhất định bạn phải rõ ràng và thẳng thắn. Có nhiều lúc bạn chịu thiệt, phải bù tiền của mình hoặc mất cả tiền mỗi khi giúp đỡ ai đó. Bất cứ ai khi trải qua việc này, đều sẽ có cảm giác phiền lòng và khó chịu. Bạn cho rằng, tính toán tiền bạc thì quả thật không hay lắm, dễ động chạm đến mối quan hệ thân thiết của mình, người khác cũng cho rằng bạn hẹp hòi, nhưng thật ra thì hoàn toàn ngược lại. Chuyện tiền nong càng rõ ràng thì người ta lại cảm thấy thoải mái.

Không ai có nhiều thời gian để đi giúp bạn, ngoài việc tốn sức ra, còn phải tốn tiền, bạn thử nghĩ xem liệu lần sau người ta có còn giúp bạn nữa không? Thể hiện sự tôn trọng và chừng mực trong việc này là phép tắc cơ bản nhất trong đối nhân xử thế.

/GIÚP NGƯỜI KHÁC KHÔNG TỰ NHẬN LÀ ÂN NHÂN/

 Khi giúp đỡ người khác, bạn cần phải biết cách làm thế nào để bảo vệ danh dự và thể hiện cho họ. Có một số người luôn có thể biến chuyện tốt thành chuyện xấu, biến làm ơn thành bố thí, là tốn công mà không được lòng người khác.

Có một câu chuyện trong tác phẩm, hai người bạn của tác giả đang xích mích với nhau về chuyện chiếc váy. A tặng cho B chiếc váy, B sung sướng hạnh phúc vô cùng, còn A thì hăm hở, đi khoe khoang với mọi người rằng chiếc váy đó là do A tặng cho B đấy.

Quá đáng hơn nữa, mỗi lần B không mặc chiếc váy đó thì A lại hỏi rằng: “Chiếc váy lần trước mình cho cậu mặc đẹp không? Chiếc váy đó đắt lắm đấy, chất lượng rất tốt, cậu nên mặc nhiều vào.”

Mỗi lần nghe thấy những lời này, B đều rất không thoải mái. Cô cảm thấy khi nhận chiếc váy này như bị mắc một món nợ ân tình không bằng. Lúc nào có cơ hội thì A luôn liên tục tự nhận mình là “ân nhân”. Chính điều này làm cho B rất khó xử trước mặt bạn bè của cô ấy. Thế là hai người trở mặt, một thời gian rất dài không qua lại với nhau.

Thật ra, vốn dĩ chuyện tặng chiếc váy là một chuyện tốt, nhưng do lòng hư vinh của A quá mạnh, một chút ơn huệ nhỏ mà suốt ngày treo ở miệng, sợ người khác không biết, cũng sợ A quên.

Từ câu chuyện cho thấy, A là một người kém thông minh. Váy đã tặng rồi, nếu không nói ra thì người khác còn nhớ tấm lòng của mình, nhưng đằng này lại suốt ngày chứng tỏ mình là ân nhân, cho rằng mình là người đi ban phát ân huệ cho người khác thì người khác chẳng những không nhớ ơn mà ngược lại còn nảy sinh lòng oán hận.

Nhìn từ góc độ tâm lý học,  ai cũng đều có lòng tự trọng, chẳng ai muốn nhận sự bố thí từ người khác, lại càng không muốn bị người khác xem thường. Cho nên khi người khác làm phiền bạn, tìm kiếm sự giúp đỡ của bạn, bạn không được tỏ thái độ ăn trên ngồi trước, giống như bạn là kẻ mạnh, còn họ là kẻ yếu, càng không được tự nhận mình là ân nhân.

Chính vì vậy, bảo vệ thể diện và lòng tự trọng của người khác là một chuyện quan trọng. Đừng tỏ thái độ quá kiêu ngạo, cuối cùng mối quan hệ giữa bạn và mọi người xung quanh chỉ có thể đi vào ngõ cụt.

/GIỮ MỒM GIỮ MIỆNG, BẢO VỆ TỐT DANH DỰ CỦA NGƯỜI KHÁC/

Điều này có nghĩa là bất kỳ ai trong chúng ta đều có những chuyện riêng tư về bản thân mình, đã là riêng tư thì có nghĩa là họ không muốn người khác biết được.

Một người biết tôn trọng người khác sẽ không tùy tiện đào sâu tìm hiểu chuyện riêng tư của người khác, đồng thời người khác nói cho anh ta nghe bí mật của họ, anh ta cũng sẽ tự giác giữ mồm giữ miệng, bảo vệ sự riêng tư của người đó.

Đây cũng là chìa khóa trong tất cả các mối quan hệ của chúng ta đối với những người xung quanh. Chuyện riêng tư của một người là một chuyện nhạy cảm, nhưng họ lại sẵn sàng chia sẻ cùng bạn thì điều đó chứng tỏ bạn trong mắt họ là một người đáng tin tưởng. Nếu bạn biết cách bảo vệ danh dự và những gì bí mật thuộc về họ thì bạn mới không phụ lòng sự tín nhiệm của họ dành cho bạn.

Có một số người rất khó kiểm soát mồm miệng của mình khi nói đến việc giữ thông tin bí mật của người khác. Khi có người khác chia sẻ với bạn những gì riêng tư và thầm kín nhất thì họ lại đi truyền bá thông tin tràn lan, một chút tôn trọng cũng không có. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc họ đã tự tay vứt bỏ đi mối quan hệ đó rồi.

Giống như Karl Marx từng nói: Mỗi người đều giống như mặt trăng, luôn có một mặt sáng tỏ, nhưng cũng có một mặt tối tăm không bao giờ muốn người khác nhìn thấy.

Khi một người thổ lộ mặt tối tăm nhất trong lòng họ trước mặt bạn, điều này cho thấy họ đã bỏ qua cả thể diện và tự tôn của bản thân họ, hoàn toàn không phòng vệ.

Vì vậy, thứ quý giá nhất trên thế giới này chính là sự tín nhiệm. Người khác tin tưởng bạn mới có thể cùng bạn chia sẻ hết mọi thứ, vì vậy hãy là một người văn minh và tôn trọng người khác.

Giữ được bí mật của người khác chính là giữ được danh dự của họ và nhân phẩm của chính mình, đồng nghĩa với việc giữ được tình cảm và mối quan hệ giữa hai bên.

TÓM TẮT Ý CHÍNH:

1/Làm phiền người khác không phải là một việc xấu hay không có gì không tốt cả. Làm phiền đúng cách sẽ giúp cho bạn nhận được sự giúp đỡ cần thiết, đồng thời vun đắp mối quan hệ của bạn và những người xung quanh.

2/Hiểu rằng từ chối và bị từ chối là trạng thái bình thường của cuộc đời. Thẳng thừng từ chối người khác và cũng chấp nhận người khác từ chối mình. Người khác từ chối yêu cầu của bạn, chứ không phải chính bản thân bạn.

3/ Khi đã giúp đỡ và nhận sự giúp đỡ của người khác, hãy là một người có trách nhiệm và biết giữ giới hạn. Sự đúng mực luôn là yếu tố cần thiết trong quá trình qua lại giữa đôi bên.

4/ Năng lực của bạn có hạn, tất cả những gì bạn cần đều nằm ở người khác. Hãy mạnh dạn lên tiếng yêu cầu sự giúp đỡ. Có thế, bạn mới là một người thông minh.

Lời kết

Chúng ta phải thừa nhận một điều rằng sức lực của chúng ta có hạn, không ai có thể sống một mình mà không cần ai. Bản lĩnh và độc lập là những đức tính tốt, nhưng bạn cần có sự linh hoạt và tinh thần hợp tác với người khác để có thể duy trì một mối quan hệ lâu dài và bền vững với mọi người xung quanh. Hy vọng Sống Tự Lập Chứ Đừng Cô Lập của tác giả Cách Tử San sẽ như là một quyển sách gối đầu giường giúp bạn vượt qua những trở ngại trong tư duy và bắt đầu hành trình “làm phiền” người khác một cách hiệu quả, vừa bảo vệ chính mình vừa thấu hiểu người khác.