Đời sống ngày càng hiện đại, tôi tự hỏi vì sao tỷ lệ trầm cảm lại ngày càng cao đáng kể trong những năm gần đây. Dù cuộc sống vật chất của chúng ta có thể khiến cho chúng ta hạnh phúc và thỏa mãn nhất thời. Song, khi nhìn lại đời sống tinh thần của bản thân thì hóa ra tất cả chỉ là một khoảng không vô tận, chất đầy những lo âu và áp lực từ xã hội. Phương pháp điều trị trầm cảm của Tiến sĩ Stephen S. Ilardi mang đến cho bạn đọc, đặc biệt những con người đang và sắp trải qua giai đoạn khủng hoảng nhất của đời người – trầm cảm, những kiến thức chuyên môn cùng những liệu trình hết sức cô đọng và thực tế. Bằng phương pháp Trị Liệu Thay Đổi Lối Sống, hàng nghìn bệnh nhân trầm cảm của ông đã hoàn toàn bình phục chỉ sau vài tuần. Hãy cùng nhau điểm qua bí quyết của “liệu pháp” này nhé.
Phương pháp TLC (Therapeutic Lifestyle Change)- Phương pháp trị liệu thay đổi lối sống tập trung vào sáu bước chính trong việc điều trị trầm cảm.
**Về nội dung sách
Một quyển sách hết sức thực tế và khoa học. Bố cục mạch lạc và logic khiến cho người đọc không thể dừng lại dù chỉ một giây.
Đầu tiên, tác giả phác họa cho chúng ta chân dung bệnh trầm cảm là gì và ảnh hưởng của chúng lên đời sống tinh thần của chúng ta như thế nào.
Khi chúng ta nhắc đến từ “trầm cảm”, chúng ta có khuynh hướng suy nghĩ rất đơn giản. Tuy nhiên, khi xét theo góc độ y học thì ý nghĩa của nó lại khác biệt hoàn toàn.
Trong đời sống hằng ngày, khi chúng ta trao đổi với nhau về việc trầm cảm. Thường tâm trạng này sẽ có ý nghĩa giống với sadness – nỗi thất vọng, buồn bã và chán chường. Đó là những cảm giác hết sức bình thường khi chúng ta trải qua những thất bại trong đời.
Nhưng xét trên góc độ y học, thì trầm cảm lại có một ý nghĩa hoàn toàn khác biệt. Khái niệm chẩn đoán chính xác là Hội chứng rối loạn trầm cảm chủ yếu, nhưng hầu hết các nhà lâm sàng gọi nó là Chứng trầm cảm/Trầm cảm. Trầm cảm là một dạng thức suy nhược sâu sắc của sức khỏe tinh thần. Những hội chứng này làm tiêu hao năng lượng, giấc ngủ, niềm vui, sự tự tin, khả năng yêu thương, ham muốn tình dục, làm việc và vui đùa của con người. Thậm chí, nó có thể tước bỏ đi ý sống của họ. Theo thời gian, trầm cảm phá hủy não bộ và cơ thể của chúng ta.
Tiếp theo là một số sai lầm khi nghĩ về trầm cảm. Quan trọng hơn hết, sự hiểu biết đóng vai trò như thế nào trong việc giúp những bệnh nhân bị trầm cảm.
Sau khi hiểu được sức phá hủy khủng khiếp của trầm cảm, chúng ta sẽ không thể làm ngơ trước những ai đang mắc phải hội chứng này. Trầm cảm không đơn giản như bạn nghĩ, chỉ cần có sự hiểu biết về chúng, bạn đã góp phần cứu vớt bản thân và những người xung quanh.
Cuối cùng, khi đang trong giai đoạn trầm cảm, việc quá lạm dụng thuốc sẽ gây ra rất nhiều tác dụng phụ. Theo nghiên cứu cho thấy, cứ 100 người thì chỉ có ¼ bệnh nhân hồi phục từ việc dùng thuốc. Các loại thuốc hầu hết chúng ta hay sử dụng: Zoloft, Prozac, Paxil.
Theo nghiên cứu, có rất nhiều tác dụng phụ xảy ra khi các bệnh nhân quá lạm dụng thuốc: rối loạn cảm xúc, tăng cân, mất ngủ, thậm chí là tự tử. Điều này đặc biệt đang ở mức báo động ở phụ nữ. Tỷ lệ trầm cảm ở phụ nữ thường cao hơn nam giới gấp 2 lần. Chính vì vậy, xét theo khía cạnh khoa học và áp dụng 6 bước liệu trình như sau sẽ cải thiện rất nhiều lối sống của các bệnh nhân.
/THỰC PHẨM CHO NÃO/
Đối với hầu hết các chứng bệnh trầm cảm, chất béo đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cách vận hành của cơ thể và cải thiện tâm trạng của chúng ta. Vậy tại sao chất béo lại quan trọng đến thế?
Có thể đối với bạn, chất béo là một từ đáng sợ. Khi nhắc đến chất béo, thì không ít chúng ta sẽ nghĩ đến việc tăng lượng cholesterol trong máu, tăng cân, hay tắc nghẽn động mạch. Tuy nhiên, đứng trên khía cạnh khoa học thì chất béo không đáng sợ như bạn nghĩ. (Nhiều lượng chất béo có lượng cholesterol rất thấp).
Chúng ta cần chất béo. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo các tế bào trong cơ thể luôn được khỏe mạnh và là những khối quan trọng trong việc tạo nên cấu trúc các tế bào thần kinh trong não bộ chúng ta.
Chất béo trong cơ thể chúng ta thực chất không được tạo ra đồng đều. Sẽ có những chất béo có sẵn trong cơ thể chúng ta, tuy nhiên sẽ có 2 dạng chất béo chúng ta cần phải dung nạp từ thực phẩm bên ngoài: Omega-3 và Omega-6. Nhìn sơ qua thì 2 loại axit béo này không có gì khác biệt, nhưng nếu bạn nghiên cứu sâu hơn bạn sẽ thấy chúng khác biệt lớn như thế nào.
Omega-3 có nguồn gốc trong cỏ, lá thực vật và động vật ăn tảo. Chúng ta có thể tiếp thu trực tiếp lượng lớn Omega-3 này trong thịt của những động vật hoang dã ăn cỏ. Trái lại, Omega-6 lại có nguồn gốc từ tất cả các loại hạt và ngũ cốc.
Từ thời xa xưa, tổ tiên của chúng ta đều luôn chú trọng sự cân bằng về tỷ lệ Omega-3 và Omega-6. Omega-3 đóng vai trò quan trọng nhất trong việc đẩy lùi chứng rối loạn trầm cảm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ Omega-3 và Omega-6 có sự chênh lệch quá cao. Ở Mỹ hiện nay, tỷ lệ này bây giờ là 16:1 (Omega-6 vs Omega-3).
Tại sao lại có sự thay đổi này?
Với sự ra đời của nông nghiệp từ 12 nghìn năm trước cùng với nền công nghiệp hóa vào thế kỷ XX , chế độ ăn chuyển từ lá sang hạt ngũ cốc cho những động vật chăn nuôi đã khiến cho lượng Omega-6 tăng vọt đến mức đáng kể. Ngạc nhiên hơn nữa, sự tiêu thụ khủng khiếp của các loại dầu hạt đã khiến cho tỷ lệ cân bằng giữa Omega-3 và Omega-6 đột biến đáng kể. Nói như vậy, không có nghĩa Omega-6 là không tốt. Omega-6 đặc biệt hữu ích trong việc chống viêm cho cơ thể.
Tại sao Omega-3 lại quan trọng cho việc chống trầm cảm?
Nếu trong các tế bào thần kinh của chúng ta thiếu Omega-3 sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng trong việc định vị hành vi và điều chỉnh tâm trạng của chúng ta. Chúng ta đều biết rằng, serotonin và dopamine là 2 chất dẫn truyền hóa học trong não bộ giúp kiểm soát căng thẳng và duy trì động lực giúp chúng ta đạt được những gì mình muốn.
Serotonin có vai trò trong việc dập tắt những căng thẳng khi có một sự việc phát sinh ngoài tầm kiểm soát. Nó thực thi nhiệm vụ bằng cách nhảy từ tế bào não này sang tế bào não khác, đặt lại tín hiệu của nó bằng một mã hóa học. Tuy nhiên, điều này sẽ không khả thi khi trong não bộ thiếu axit béo Omega-3, các tế bào não sẽ không thể nhận biết tín hiệu của serotonin. Kết quả là, bạn sẽ càng ngày cảm thấy căng thẳng.
Tương tự, đối với dopamine. Dopamine đảm nhận chức năng trong phần vỏ não trước (prefrontal cortex). Nếu các tế bào não thiếu Omega-3 thì tâm trạng chúng ta lúc nào cũng không ổn định và dẫn đến trầm cảm nặng hơn.
Vì vậy, có 2 cách chúng ta nên thiết lập cân bằng trong chế độ ăn của mình:
- Tăng lượng Omega-3
- Giảm lượng Omega-6
Omega-3 có 3 loại: DHA ( loại dài), EPA ( loại trung bình), AHA ( loại ngắn). DHA và EPA đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng não. DHA là loại duy nhất có nhiều trong não bộ.Tỷ lệ chuẩn của DHA và EPA là 1:2 ( ví dụ: 200mg DHA: 400mg EPA).
Nếu tỷ lệ Omega-6 và Omega-3 quá cao, bạn sẽ xuất hiện một số triệu chứng sau:
- Khô da/khô mắt
- Móng tay và tóc trở nên giòn
- Thiếu carbohydrates
- Táo bón
- Uể oải (sau khi thức dậy)
- Kém tập trung
- Mệt mỏi
MỘT SỐ THỰC PHẨM CÓ CHỨA OMEGA-3
/Dầu cá Omega-3/
Khi uống loại này bạn phải xem kỹ trên nhãn dán. Trên bao bì, sẽ có đầy đủ chi tiết thành phần và viên dầu cá phải được chưng cất phân tử ( loại bỏ những tạp chất và chất độc ở mức độ phân tử)
/Đơn thuốc có chứa Omega-3/
Liều lượng tiêu chuẩn cho các bệnh nhân trầm cảm là 1000mg EPA và 500mg DHA mỗi ngày.
/Chất chống oxy hóa/
Như ở trên, dầu cá rất tốt tuy nhiên viên nang cá này sẽ dễ bị hư nếu tiếp xúc với oxy. Và cơ thể chúng ta, cũng có những oxy độc hại đi kèm với những phân tử độc hại được gọi là gốc tự do (free radicals). Những phân tử này sẽ làm hỏng viên nang cá, làm cho lượng Omega-3 ít hữu ích hơn trong não. Cách tốt nhất để chống lại là bổ sung vitamin C hoặc vitamin tổng hợp với liều lượng 500mg mỗi ngày.
Một mẹo đơn giản là ăn chín khẩu phần trái cây và rau củ cũng sẽ có tác dụng tương tự với những vitamin tổng hợp nhé.
/Bổ sung GLA/- axit gamma linolenic- axit béo hoạt động tương tự Omega-3
Ăn nhiều bột yến mạch và bổ sung dầu cây anh thảo buổi tối. Chỉ sử dụng 1 viên/tuần thôi nhé.
/Chuyển sang thịt bò ăn cỏ, hoặc đơn giản là loại bỏ thịt bò khỏi chế độ ăn/
/Chủ yếu ăn thịt nạc như ức gà và cá/
/Sử dụng bơ thay vì bơ thực vật/
/Nấu ăn bằng dầu oliu hoặc dầu chiết xuất từ trái cây;tránh xa các loại dầu hạt/
/Tránh ăn vặt và đồ nướng/
/Đọc kỹ nhãn dán trên sản phẩm và tránh các thành phần chiết xuất từ hạt/
/TẬP THỂ DỤC ĐỀU ĐẶN/
Chúng ta ai cũng đều hiểu rõ rằng lợi ích to lớn của việc tập thể dục. Tuy nhiên, chúng càng quan trọng hơn cho những người mắc bệnh trầm cảm. Bằng việc tập thể dục 3 giờ/tuần cũng có thể làm cho tâm trạng thoải mái và lạc quan hơn. Vì vậy, hãy lên lịch trình và cùng bắt tay vào việc vận động cơ thể nhé. Tập thể dục duy trì hệ thống tim mạch ổn định và giúp cho não sản sinh ra chất BDNF- chất tạo ra cảm giác hạnh phúc và vui vẻ.
Đối với những người bình thường, việc tập thể dục có thể đôi lúc có chút khó khăn do thiếu động lực. Đối với các bệnh nhân trầm cảm, việc này khó càng thêm khó. Vì vậy, hãy chủ động tìm một người đồng hành có thể cùng bạn tập chung, sinh hoạt và nhắc nhở bạn trên con đường chống trầm cảm nhé.
**Lưu ý nhỏ: Các bài tập cardio, aerobic,và co giãn cơ bắp là những bài tập trọng tâm bạn cần lưu tâm nhé.
/GIẤC NGỦ/
Giấc ngủ rất quan trọng trong đời sống tinh thần của chúng ta. Tuy nhiên, khi nhắc đến trầm cảm thì việc mất ngủ là một hiện tượng thường xuyên xảy ra và khó tránh khỏi. Để khắc phục tình trạng này, phương pháp TLC của tác giả mang đến cho chúng ta những thói quen tốt trong việc cải thiện chất lượng giấc ngủ hon.
XÁC ĐỊNH THỜI LƯỢNG NGỦ CẦN THIẾT
Tất cả chúng ta đều biết rằng chất lượng ngủ tốt nhất là 8 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn số lượng mất ngủ kinh niên của người dân Mỹ thì bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên. Trung bình, người Mỹ chỉ ngủ 6-7 tiếng/ngày. Đó là lý do vì sao 90% họ thường dùng cafein hoặc các chất kích thích khác để kích hoạt trạng thái tỉnh táo của tinh thần. Điều này không chỉ đúng ở Mỹ mà ngay tại Việt Nam, điều này cũng đang là một vấn đề đáng báo động.
Chúng ta đôi khi vì quá bận rộn với công việc mà quên đi việc chăm sóc bản thân và giấc ngủ đóng vai trò thiết yếu trong những khía cạnh cuộc sống. Thiếu ngủ sẽ dẫn đến suy nhược tinh thần, giảm năng suất trong công việc, tâm trạng không ổn định, lên xuống thất thường cùng hàng loạt những hậu quả nghiêm trọng khác. Chỉ cần chúng ta trang bị cho mình những thói quen tốt, giấc ngủ của bạn sẽ ngon hơn. Từ đó, trầm cảm cũng sẽ suy giảm một cách đáng kể.
/8 THÓI QUEN ĐỂ CÓ MỘT GIẤC NGỦ LÀNH MẠNH/
1/Chỉ sử dụng giường để ngủ
Tuyệt đối không lên giường ngủ khi chưa buồn ngủ, vì điều đó sẽ không giúp ích gì cho giấc ngủ của bạn, mà ngược lại khiến cho bạn tỉnh táo hơn. Trong vòng 15 phút khi bạn đã ở trên giường ngủ, nếu bạn không rơi vào giấc ngủ dễ dàng thì bạn nên rời khỏi giường, thư giãn cho tới khi bạn cảm thấy buồn ngủ. Có thể đọc một quyển sách hay nghe một bản nhạc nhẹ. Tuy điều này đòi hỏi bạn phải vận động một chút, nhưng theo nghiên cứu đây cũng là một điều tốt để kích thích cảm giác buồn ngủ của bạn.
2/Bất cứ điều gì bạn để tăng sự buồn ngủ nên được thực hiện ở một nơi nào đó ngoài phòng ngủ.
Khi lên giường ngủ thì nhiệm vụ chính của chúng ta là ngủ. Nếu bạn lên giường mà còn tỉnh táo thì việc này sẽ cản trở giấc ngủ của bạn. Sẽ có một ý kiến trái chiều về việc việc gia tăng cảm giá buồn ngủ nên được thực hiện ở phòng ngủ mới hợp lý. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, khi bạn thực sự buồn ngủ, bạn sẽ ít khi bị kích thích bởi những yếu tố xung quanh. Đi từ phòng khách sang phòng ngủ khi bạn thực sự buồn ngủ là một điều khả thi. Quan trọng hơn nữa là bạn đang thiết lập giường ngủ với việc “chỉ đi ngủ”. Không xem phim, hay lo lắng trên giường ngủ nhé.
**Lưu ý nhỏ: Tránh ngủ bất cứ nơi nào ngoại trừ phòng ngủ nhé. Việc thiết lập giấc ngủ với ghế sofa, phòng khách hay ghế tựa sẽ cản trở việc thiết lập phản xạ giấc ngủ xảy ra trên giường của bạn.
3/Tập thói quen đi ngủ và thức dậy cùng một thời điểm trong ngày
4/Tránh ánh sáng mạnh vào buổi tối
Não chúng ta được thiết lập để nhận biết đâu là ánh sáng ban ngày. Khi chúng ta bật ánh sáng quá nhiều vào buổi tối trước khi ngủ thì mặc định bộ não sẽ luôn trong trạng thái tỉnh táo vì nó nghĩ rằng trời vẫn chưa tối. Chính vì vậy, trước khi đi ngủ 1 tiếng, chúng ta nên tắt hết đèn. Hoặc đơn giản là sử dụng nến hoặc ánh sáng mờ từ thời điểm đó.
Đối với bệnh nhân mắc chứng mất ngủ khởi phát – thường hay khó ngủ vào ban đêm. Họ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì họ cứ mở hết tất cả các đèn cho đến khi lúc ngủ, leo lên giường và phải mất vài giờ để chìm vào giấc ngủ. Chúng ta cần rất ít ánh sáng để thuyết phục bộ não rằng đã đến đêm tối và chuẩn bị cho giấc ngủ.
Quan trọng là tắt máy tính khi sử dụng vào ban đêm vì nếu khoảng cách quá gần, não bộ sẽ mô phỏng hoàng hôn và cho rằng vẫn đang là thời điểm ban ngày.
5/Tránh sử dụng alcohol, cafein hay những chất kích thích khác
Nghiên cứu chỉ ra rằng các chất kích thích như nicotin hay cafein có ảnh hưởng mạnh đến xu hướng ngủ của chúng ta. Cafein có chu kỳ phân rã đặc trưng trong cơ thể khoảng bốn giờ. Điều đó có nghĩa là cứ mỗi bốn giờ, nồng độ máu của bạn sẽ giảm 50%.
Ví dụ: Nếu như bạn uống một cốc cafe có chứa 200mg cafein vào buổi trưa, thì khoảng 4 giờ chiều bạn vẫn còn 100mg cafein trong cơ thể. Đến tận 8 giờ tối, còn khoảng 50mg nữa. Cuối cùng đến lúc đi ngủ, giả sử 10 giờ thì trong cơ thể bạn vẫn còn lượng cafein chạy trong tĩnh mạch. Kết quả là bạn sẽ khó rơi vào giấc ngủ và cứ trằn trọc thâu đêm.
Hạn chế dùng các đồ uống có cồn, ban đầu nghe có vẻ hợp lý khi sử dụng chất có cồn để ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, những nhân tố kích thích này sẽ làm cho bạn liên tục thức giấc giữa đêm đấy.
6/ Giảm nhiệt độ vào ban đêm
Việc giảm nhiệt độ lạnh vào ban đêm sẽ giúp cho giấc ngủ của bạn tốt hơn.
7/Đừng mang những vấn đề khác lên giường ngủ
Khi chuẩn bị đi ngủ, đừng suy nghĩ lung tung. Bạn cũng có thể tập những dạng bài tập co giãn để thả lỏng những nhóm cơ trên cơ thể.
8/ Đừng cố ngủ
Điều quan trọng là bạn không nên cố ép bản thân để ngủ.Chúng sẽ phản tác dụng. Hãy cứ để mọi thứ tự nhiên và cơn buồn ngủ sẽ tìm đến bạn.
/THAM GIA NHỮNG HOẠT ĐỘNG LÀNH MẠNH/
Đối với những cá nhân đang bị trầm cảm bủa vây, trầm tư là xu hướng thường hay xảy ra nhất. Họ suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn. Nghiêm trọng hơn nữa, họ cứ tập trung vào duy nhất một vấn đề rất nhiều lần trong ngày. Chính hành động này đã khiến cho mọi hoạt động trong ngày trì trệ hơn. Khi chúng ta quá chú tâm vào những suy nghĩ, chúng sẽ cản trở hoạt động tư duy và khiến cho nội tâm của chúng ta càng trở nên rối bời hơn.
Có 2 cách để chúng ta có thể chuyển hướng sang một hoạt động tích cực hơn:
Bước đầu tiên, bạn cần phải ý thức được rằng bạn đang trầm tư.
Bước tiếp theo, chuyển trọng tâm sang những hoạt động lành mạnh, giúp cho tâm trạng bạn thư giãn và thoải mái hơn.
Cách tốt nhất là hãy sắm một quyển nhật ký. Bạn sẽ ghi lại tâm trạng của bạn trong ngày khi thực hiện một số việc. Từ sáng đến lúc bạn đi ngủ, sẽ có những khoảng thời gian bạn trầm tư nhiều và ít. Vì vậy, bạn phải ý thức ghi chú lại hết những hoạt động diễn biến tâm trạng nhé. Bạn có thể cài Reminder hoặc các công cụ PDA (Personal Digital Assistant) nhằm nhắc nhở bạn ghi chú lại.
Sau đó, khi quan sát và nhận thấy khoảng thời gian nào khiến cho bạn trầm tư nhất, bước tiếp theo là thay thế những hoạt động trầm tư đó sang những hoạt động có thể khiến bạn tập trung hơn và tạm thời không nghĩ tiêu cực quá. Bạn có thể đọc sách, nghe audiobooks, đi dạo công viên, hay tham gia vào những hoạt động cộng đồng.
Ví dụ: Nếu sau khi thức dậy, bạn nhận thấy lúc bạn đánh răng và rửa mặt cũng là lúc bạn trầm tư nhiều nhất, thì bạn có thể thay khoảng thời gian sau khi đánh răng và rửa mắt ấy bằng việc nghe nhạc không lời, uống một tách trà. Hoặc đơn giản là ngồi thiền trong vòng 5 phút nhằm kiểm soát tư tưởng của mình nhé.
/KẾT NỐI XÃ HỘI/
Trầm cảm sẽ luôn là nỗi ám ảnh khi chúng ta chỉ có một mình. Chính vì vậy, chúng ta nên cố gắng chia sẻ những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân cho những người mà chúng ta tin tưởng. Họ có thể là ba/mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, hay vợ/chồng. Việc có ai đó bên cạnh chia sẻ là một liều thuốc giúp xoa dịu tâm trạng chán chường và giúp chúng ta hồi phục nhanh hơn.
Nếu có thể, bạn hãy chủ động tham gia những hoạt động cộng đồng, tham gia những nhóm lợi ích có cùng sở thích với bạn. Bạn cũng có thể đến nhà thờ để cầu nguyện, tham gia những tổ chức chăm sóc động vật. Cảm giác được cống hiến luôn là một món quà cho những ai đang trên hành trình chống chọi với trầm cảm. Họ sẽ tin vào bản thân hơn. Từ đó, có niềm tin vào cuộc sống hơn.
/ÁNH SÁNG MẶT TRỜI/
Ánh sáng có vai trò quan trọng trong việc điều tiết tâm trạng của các bệnh nhân trầm cảm. Việc hấp thụ ánh sáng mạnh vào sáng sớm kích thích quá trình sản xuất serotonin – một chất dẫn truyền hóa học giúp bạn giảm tải căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
Tùy vào thời điểm tiếp nhận ánh sáng mặt trời, sẽ có nhiều triệu chứng khác nhau. Ánh sáng chúng ta hấp thu sẽ có tác động nhiều đến giấc ngủ của chúng ta và làm thay đổi đồng hồ sinh học của mỗi cá nhân. Trong đó, rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD-Seasonal Affective Disorder) là một nhánh nhỏ trong bệnh trầm cảm. Tuy nhiên, những bệnh nhân mắc phải hội chứng này sẽ có những đặc điểm lâm sàng đặc biệt.
**Các triệu chứng như sau:
- Lo lắng.
- Mất năng lượng.
- Xa lánh xã hội.
- Ngủ nhiều.
- Mất quan tâm đến các hoạt động từng rất thích.
- Sự thèm ăn thay đổi, đặc biệt là tham ái đối với thực phẩm cao trong carbohydrates.
- Tăng cân.
- Khó tập trung và xử lý thông tin
- Lo lắng.
- Khó chịu.
- Kích động
- Chán ăn
- Gia tăng tình dục
- Trọng lượng mất mát
Hội chứng này thường diễn ra vào mùa thu và mùa đông.Chúng kết thúc sớm vào đầu mùa xuân hoặc mùa hạ. Những bệnh nhân có hội chứng này thường có khuynh hướng ngủ quá nhiều. Họ có thể ngủ đến hơn 12 tiếng đồng hồ, tuy vậy, sau mỗi lần thức dậy, họ lại chếnh choáng và uể oải. Chính vì tiếp xúc với ánh sáng quá ít, đồng hồ sinh học của họ đã bị thay đổi và chênh lệch quá nhiều.
Vì vậy, liệu pháp ánh sáng mạnh là một phương pháp an toàn. Chỉ cần họ tiếp xúc với ánh sáng mạnh vào sáng sớm tầm 15-30 phút mỗi ngày. Việc hấp thụ ánh sáng này sẽ giúp cho họ thiết lập lại đồng hồ sinh học, đồng thời cải thiện giấc ngủ hơn. Trong trường hợp bạn không thể ra ngoài tiếp xúc với ánh sáng, thì hộp ánh sáng là một giải pháp lý tưởng thay thế. Hộp ánh sáng 10.000 lu xơ là quá lý tưởng cho việc điều trị hội chứng ngủ nhiều này nhé.
Thông qua 6 bước lộ trình rõ ràng và cụ thể, các bệnh nhân trầm cảm sẽ có những tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, TLC sẽ không phát huy hết tác dụng nếu các bệnh nhân đang có những yếu tố khác gây ảnh hưởng chứng rối loạn trầm cảm của họ. Gen di truyền, các rối loạn về tinh thần, các bệnh liên quan khác sẽ khiến cho quá trình phục hồi của họ chậm và lâu hơn. Vì vậy, khi có những tiền sử về bệnh trước đó, bạn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ để có những chẩn đoán chính xác trước khi bước vào liệu trình TLC nhé.
Lời kết
Phương pháp điều trị trầm cảm không chỉ là một cuốn sách về trầm cảm. Chương trình của Tiến sĩ Stephen S.Ilardi còn có thể giúp cho tất cả chúng ta sống hạnh phúc và lạc quan hơn. Trầm cảm không hề dễ dàng để vượt qua, nhưng nếu bạn đủ kiên trì và có một ý chí quyết tâm sắt đá thì không sớm thì muộn, tình trạng của bạn sẽ được cải thiện và bạn sẽ bắt đầu tự nhủ với bản thân rằng: Tôi thật sự đã làm được rồi. Chúc bạn và những ai đang gặp khó khăn trong “cuộc chiến” này hãy vững lòng và kiên nhẫn với bản thân từng chút một. Chỉ cần bạn có lý do để thay đổi cuộc sống của mình, phép màu sẽ đến với bạn.