Share this post on:

Nở muộn của Rich Karlgaard kết hợp những nguyên lý kèm những ví dụ hết sức thực tế về tâm lý học, với ngòi bút phân tích chân thực, rõ nét, và đánh trúng tâm lý của những late bloomers – những người thành công muộn, không những quyển sách mang đến cho chúng ta cái nhìn rộng hơn về thực tế xã hội, mà nó còn cung cấp những giải pháp cho chúng ta để lấy lại niềm tin vào bản thân và thông cảm hơn cho những thời điểm thành công khác nhau của mỗi người.

*Giới thiệu về tác giả:

Rich Karlgaard được biết đến với cương vị người phụ trách xuất bản tại Forbes Media- nơi ông đã làm việc suốt 27 năm với lĩnh vực chính viết về công nghệ, kinh doanh, kinh tế và phát triển con người. Karlgaard cũng là đồng sáng lập tạp chí Upside, Garage Technology Partners. Ông còn được bầu chọn là doanh nhân của năm khu vực Northern California.

Hiện tại, ông đang sống tại thung lũng Silicon và làm việc nhiều nơi tại thế giới.

*Giới thiệu về nội dung sách

 Nở muộn xoay quanh một hiện tượng vô cùng phổ biến trong xã hội chúng ta ngày nay là việc một người đi đến thành công ở một độ tuổi sớm hơn so với những bạn bè đồng trang lứa của họ thì được xem là thành công và được xã hội đề cao và tôn trọng, trong khi những người “chưa” thành công sớm như kỳ vọng của xã hội thì lại bị xem là “kì lạ” và là “một thất bại”.

Rich Karlgaard tập trung vào những vấn đề mang tính báo động đang xảy ra trong xã hội chúng ta, kèm theo đó là những ví dụ thực tế về chính cuộc đời ông cũng như những nhân vật mà ông đã từng tiếp xúc và làm bạn trên con đường thành công, cuối cùng là đặt vào tay chúng ta những giải pháp và những cơ hội để chúng ta- những late bloomers có thể tự tin và sống đúng với quá trình trưởng thành và phát triển của mình.

Vậy nói tóm lại, late bloomers là gì và cuốn sách này dành cho những ai?

“Late bloomers” theo Rich Karlgaard là những người thành công trễ hơn so với kỳ vọng của xã hội. Họ có nhiều tiềm năng mà nhiều người không nhìn thấy được. Quan trọng hơn hết là họ tiến đến thành công theo một cách riêng chứ không chật vật vất vả, cố sống cố chết để đáp ứng kỳ vọng của người khác nói riêng và xã hội nói chung.

Thông thường, những late bloomers sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về mặt tâm lý so với những early bloomers – những người thành công sớm, tâm lý lo sợ, lạc lối, cảm thấy bị thua kém và bị xem thường vì một lý do đơn giản là “chưa thành công” tại một thời điểm hay một độ tuổi nhất định, họ luôn hoang mang trên con đường thành công của chính mình. Vấn đề là lỗi không nằm ở họ, mà ở sự kỳ vọng và thời đại luôn đề cao những thành tích xuất sắc và chế độ “trọng nhân tài trẻ” như chúng ta trong thế kỷ ngày nay.

Cuốn sách này cho cả early bloomerslate bloomers, chúng ta nên đọc một lần để early bloomers có thể hiểu, thông cảm và tôn trọng từng thời điểm thành công khác nhau của mỗi người, khích lệ họ, hoặc tối thiểu là không làm cho vấn đề ngày càng nghiêm trọng hơn; và những late bloomers có thể có niềm tin vào bản thân, tự tin trên con đường mình đi, loại bỏ sự lo lắng không cần thiết và tỏa sáng theo cách riêng của mình.

Một điều quan trọng hơn hết là sách chứa đựng nhiều bài học quý báu, những thuật ngữ chuyên dùng trong kinh tế, kinh doanh, công nghệ cũng như là tâm lý học , chúng ta sẽ được nạp thêm nhiều kiến thức khác nhau, mở rộng tầm nhìn và không khỏi ngạc nhiên về khả năng thuyết phục tài tình của chính tác giả.

1/BỆNH THÀNH TÍCH VÀ CHẾ ĐỘ TRỌNG NHÂN TÀI TRẺ

Trong xã hội ngày nay, sự kỳ vọng của xã hội ngày càng lớn về việc một cá nhân nào đó PHẢI thành công ở một độ tuổi nhất định đang khiến cho những late bloomers ngày càng đau đầu và hoang mang về chính con đường thành công của mình. Việc một cá nhân nào đó thành công sớm ở tuổi 17 hay 18 tuổi thì đã và đang được xã hội hoan nghênh một cách nhiệt tình và dần dần theo thời gian, chúng trở thành một quy luật bất biến, không thể thay đổi.

Việc này không quá khó hiểu khi xã hội chúng ta luôn ám ảnh với những thành công sớm, những cái tên quen thuộc chúng ta có thể nghĩ tới khi nói đến early bloomers là ai? Các ca sĩ như: Taylor Swift, Adele,  Rihanna, Selena Gomez và Justin Bieber; các rapper như The Weeknd hay Chance the Rapper; các diễn viên như Jennifer Lawrence, Margot Robbie, Adam Driver, họ đều là những người nổi tiếng rất sớm trong nhiều nền tảng và có sức ảnh hưởng rất cao đến văn hóa. Đặc điểm chung ở họ là họ đều thành công RẤT SỚM, độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn thế.

Chính vì sự đề cao sự thành công sớm mà chúng ta đang bỏ qua đi những late bloomers, những con người chưa đúng thời điểm để tỏa sáng, họ lại bị xem là tụt hậu và thất bại trong cuộc đua với những early bloomers.

Nhìn chung, điểm chung của những early bloomers này là họ đều rất thông minh, xuất sắc, khả năng của họ phát triển sớm và tốt hơn những người bình thường. Không chỉ trong lĩnh vực nghệ thuật, mà còn rất nhiều lĩnh vực khác như công nghệ thì chúng ta có Bill Gates (nhà sáng lập Microsoft), Steve Jobs (Nhà sáng lập Apple) hay Mark Zuckerberg (nhà sáng lập Facebook) người kiếm được 1 tỷ đô la khi chỉ mới 23 tuổi.

Theo Rich Karlgaard, lý tưởng trọng nhân tài trẻ hiện nay đang trở thành một ngành công nghiệp mà tất cả chúng ta đang thèm khát. Trong ngành xuất bản tạp chí Forbes trong suốt nhiều năm, ông nhận thấy rất nhiều minh chứng cho chế độ trọng nhân tài trẻ, những người có IQ cao như thế này thì sẽ rất được xã hội ưu ái. 

Theo Forbes, những năm gần đây Forbes liệt kê 10 tỷ phú kinh doanh dưới 30 tuổi, trong đó bao gồm Evan Spiegel (CEO của Snap) và Bobby Murphy ( nhà sáng lập Snap), cả hai khởi nghiệp với Snap chỉ mới 22 tuổi.

Để khắc họa rõ nét hơn về một xã hội luôn đề cao thành tích và chế độ trọng nhân tài trẻ, hãy nhìn vào hai ví dụ dưới đây.

Nhìn từ góc độ kinh tế học, Rich Karlgaard cho chúng ta thấy rằng IQ đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc thành công của một cá nhân. Hai thuật ngữ nổi tiếng trong thế giới kinh doanh là các công ty atom và bitcoin.

Công ty atom được hiểu là một loại công ty chuyên kinh doanh các vật thể, ví dụ như thu hoạch mùa màng, chiết xuất nhiên liệu, rèn thép, sản xuất ô tô, hay lắp ráp TV. Công ty atom sử dụng tài nguyên vật chất, cần có nhà máy và cửa hàng, vì vậy đôi khi những mục đích này sẽ dẫn đến những tổn hại cho môi trường. General Motors (GM) là một công ty atom đỉnh cao, vận hành hàng chục nhà máy ở 17 quốc gia khác nhau, với hơn 200.000 nhân viên và sản xuất 10 triệu xe mỗi năm.

Trái lại, công ty bitcoin lại sử dụng ít tài nguyên vật chất hơn, họ không tạo ra sản phẩm hữu hình, họ sử dụng những thuật toán thông minh để tạo ra thị trường, họ sử dụng tài nguyên ở mức tối thiểu (ngoại trừ điện). Các công ty bitcoin thường bị đánh lãi suất vốn thấp hơn nhưng thuế thu nhập cá nhân lại cao hơn. Uber và Airbnb là những tay chơi sáng giá trong ngành.

Nhưng có một điều ngạc nhiên là tất cả những vốn đầu tư vào những công ty bit như Uber, tuy so sánh với công ty atom – GM thì lịch sử hình thành Uber không thể bằng với GM, nhưng vốn hóa thị trường của Uber cao hơn GM những 20 tỷ đô (72 tỷ đô của Uber so với 52 tỷ đô của GM), điều đó chứng tỏ sức hút của các công ty bit này.

Vậy điều này có gì liên quan đến early bloomers hay late bloomers?

Khi bạn thấy những chênh lệch về tỷ suất lợi nhuận như thế này, nếu bạn là một người tham vọng hoặc bạn bè xung quanh bạn thì ắt hẳn sẽ có một câu hỏi được đặt ra: “Làm thế nào để gia nhập một công ty bit?” Câu trả lời chắc hẳn bạn cũng biết rõ, ai mà chẳng biết công ty bit xem trọng các nhân tài,  họ muốn tuyển những người thông minh nhất và giỏi nhất trong lĩnh vực của họ.

Một sự thật mà chúng ta cần nhìn nhận rằng trong thế kỷ XXI này, các công ty có giá trị cao nhất đều được xây dựng bởi những cá nhân có IQ cao, hoặc điểm SAT, hay IELTS cao.

Thông qua ví dụ như trên, chúng ta có thể thấy xã hội ngày nay luôn luôn đề cao những người thành công sớm hay những cá nhân có IQ cao ngất ngưỡng mà bỏ qua đi những cá nhân “đầy tiềm năng” còn lại trong xã hội. Họ đã vội đánh giá quá nhanh những thành tựu sớm mà bỏ qua đi những yếu tố có thể làm cản trở sự thành công của những late bloomers.

Nói về những late bloomers, sẽ có nhiều yếu tố tác động làm chậm con đường thành công của họ ở từng thời điểm khác nhau, bao gồm chậm phát triển về thể chất, hoặc thần kinh, chấn thương thuở thơ ấu, tình trạng kinh tế xã hội, bệnh tật, nghiện ngập và rối loạn nghề nghiệp. Ngoài ra, chưa kể đến việc tự định kiến bản thân rằng “Tôi không có năng khiếu“, hay “Tôi sinh ra đã như vậy”, chính những điều này khiến họ không đạt được tiềm năng cần thiết về chuyên môn.

Điều quan trọng hơn, với sự ảnh hưởng của mạng xã hội và truyền thông đại chúng đã mở rộng khoảng cách giữa những early late bloomers, các mạng xã hội như Facebook hay Instagram đều có thể làm cho late bloomers ngày càng tuyệt vọng, những late bloomers này hay so sánh mình với cuộc sống hào nhoáng trên Facebook, rồi thầm tự trách mình sao cuộc sống của họ lại quá bất công.

Những late bloomers, họ chưa thành công không có nghĩa là họ thất bại hay tụt hậu, mà vì chúng ta đang có một cách nhìn quá khắt khe với họ và tốc độ thành công của từng người. Chúng ta áp đặt kỳ vọng và áp lực của mình lên họ mà không hề biết họ cũng có những nỗi niềm riêng. 

Dần dần, thay vì tự do phát triển trong khả năng của mình, họ bị ép buộc phải “trưởng thành” cho thật nhanh, thậm chí trước tuổi, đó là những điều chúng ta có thể dễ nhận thấy trong quan hệ giữa ba mẹ và con cái, việc ba mẹ áp đặt quá nhiều kỳ vọng lên đứa con trong khi chúng chưa thật sự đủ khả năng và thời gian để phát triển theo đúng độ tuổi của mình. 

Về mặt lâu dài, điều này không thật sự tốt cho chúng, giả sử như chúng thật sự trở thành những con người xuất chúng thì sâu trong tận thâm tâm, cảm giác lạc lõng và cô đơn sẽ trùm lấy chúng vì thực chất chúng không biết mình là ai và mình phấn đấu vì bản thân mình hay vì kỳ vọng của người khác.

Và một điều quan trọng hơn nữa là không hẳn những early bloomers lúc nào cũng thành công và đạt được nhiều thành tựu với một tương lai xán lạn. 

Ví dụ về Elizabeth Holmes là một minh chứng điển hình cho việc dù thành công rất sớm nhưng vẫn thất bại thảm hại.

Ở độ tuổi 18 khi có cho mình trong tay bằng sáng chế, từ đó bà từ bỏ đại học Stanford để làm nghiên cứu về y học với dự án Theranos, tuy nhiên kết quả cuối cùng là dự án Theranos đã thất bại thảm hại, suy ra bà đã lừa dối rất nhiều bệnh nhân, đội ngũ bác sĩ, các nhà đầu tư đã mù quáng rót vốn vào dự án lên tới 10 tỷ đô, sau khi sự thật bị phát hiện bời tờ báo Wall Street Journal, bà tìm mọi thủ đoạn để che giấu đi sự thật đằng sau, Gibbons là giám đốc trong phòng thí nghiệm của bà đã phải tự tử vì không chịu nổi áp lực từ bên bà Elizabeth.

Chính vì vậy, chúng ta nên từ bỏ giấc mơ thành công sớm và sống đ1ung với năng lực của mình.

Trong khi xã hội đánh giá quá cao những người thành công sớm, ít ai biết rằng những late bloomers sở hữu những tiềm năng và thế mạnh vô cùng lớn, hãy cùng nhau điểm qua nhé.

2/ NHỮNG SỨC MẠNH CHỈ LATE BLOOMERS MỚI SỞ HỮU

 || Trí tò mò

Những người thành công “muộn” thường có trí tò mò rất cao, họ luôn tìm tòi và học hỏi những điều họ thích, trong khi xã hội đang khuyến khích sự tốc độ và sự tập trung, họ lại chìm đắm trong việc đi tìm bản thân, khám phá niềm đam mê của mình vì chẳng ai biết sự tò mò sẽ dẫn họ đi đến đâu và chạm đến những cánh cửa cơ hội nào trong tương lai. Thay vì chạy theo cuộc đua với early bloomers, họ tự tách ra và tự đi theo con đường của mình.

|| Khả năng phục hồi cao

 Vì là những người chạm ngưỡng thành công khá trễ so với kỳ vọng của xã hội, họ thường rất kiên cường và lạc quan khi gặp những vấn đề khó khăn trong cuộc sống, họ cũng đối mặt với nhiều định kiến từ xã hội nên khả năng “miễn nhiễm” cũng khá cao.

 Khi vấp ngã họ sẽ đứng lên tiếp tục, trái lại theo nghiên cứu của giáo sư Carol Dweck trong cuốn Mindset của mình, những người thành công sớm chưa chắc họ có khả năng phục hồi sau thất bại như late bloomers, mà khi gặp những thất bại, những early bloomers sẽ không tiến thủ và lâm vào sự tuyệt vọng cục bộ.

|| Sự bình tĩnh đỉnh cao

Những late bloomers là những cá nhân có khả năng chịu áp lực cao và họ thường rất bình tĩnh khi giải quyết vấn đề. Vì họ đã có một khoảng thời gian trải nghiệm nhiều khó khăn, thử thách của cuộc sống, vì vậy họ đã có rất nhiều bài học và kinh nghiệm rút ra để giải quyết vấn đề và dùng sự bình tĩnh để nhìn vấn đề một cách toàn cảnh. Họ hiểu một điều việc gì cũng có thể giải quyết được, chỉ cần bình tĩnh, mọi chuyện sẽ qua đi và có hướng giải quyết.

|| Lòng trắc ẩn

Vì đã va chạm với cuộc sống rất nhiều lần, nên họ có khả năng thấu cảm rất cao, họ tha thứ và bao dung cho người khác hơn. Họ không buộc tội hay định kiến một ai, thay vào đó họ cố gắng tìm hiểu và dùng tình thương để cảm hóa và yêu thương người khác. Trong tâm lý học, hành vi này còn gọi là Pro-social (Tiền xã hội cao).

Họ có nhiều tiềm năng hơn chúng ta tưởng, chính vì vậy chúng ta nên có một cái nhìn khác hơn về họ- những late bloomers.

Cuối cùng, trong một xã hội luôn đề cao những thành tựu sớm, những late bloomers nên làm gì để có thể sống một cách thoải mái với năng lực của mình?

Đầu tiên, theo Rich Karlgaard, TỪ BỎ là một hành động can đảm và cần được lưu tâm kỹ. Từ bỏ không có nghĩa là yếu đuối, đơn giản chỉ là chúng ta chọn lựa một con đường riêng cho bản thân mình, từ bỏ những thứ không thuộc về mình, làm những việc mình yêu thích và phù hợp với khả năng thay vì chạy theo kỳ vọng của xã hội.

Chỉ cần chúng ta có can đảm để từ bỏ những thứ không thuộc về mình, chúng ta sẽ cảm thấy tự do. Một công việc không yêu thích hay một việc mà bạn cho rằng thích hợp với mình vì số đông đã làm như vậy. Biết từ bỏ đúng lúc sẽ giúp chúng ta bớt căng thẳng hơn, vui vẻ và ít bệnh tật hơn.

“Những người thành công là những kẻ “bỏ cuộc thông minh”, họ biết chuyển hướng khi nhận ra con đường hiện tại không giúp được gì cho mình trong tương lai, nhờ vậy mà họ giảm thiểu được các tổn thất, có cơ hội phân bổ lại thời gian và năng lượng cho các bước tiếp theo.”

Như chúng ta hay thường nói, liệu chúng ta có thật sự tìm được đam mê đích thực nếu không thử và từ bỏ những điều không phù hợp?

Tiếp theo, nếu những late bloomers, nếu “hoa cứ tiếp tục nở muộn” thì chúng ta nên THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG của mình, việc này bao gồm môi trường công việc, bạn bè xung quanh. Mấu chốt ở đây là dám thay đổi.

Thay đổi sẽ rất khó và không phải là một việc dễ dàng, vì vậy chúng ta nên cứ thay đổi từng bước nhỏ, hỏi bản thân liệu xem môi trường nào phù hợp với năng lực, tính cách và giá trị của mình.

 Nếu những người xung quanh, bạn bè hay đồng nghiệp không giúp cuộc sống của mình tốt lên thì tốt nhất nên thay đổi, tìm những người cùng chí hướng và giúp bạn tốt lên vì không ai muốn kết bạn với những người chỉ khiến cuộc đời mình đi xuống.

Quan trọng hơn hết nữa là hãy tin vào chính bản thân mình, rồi một ngày nào đó, bạn sẽ thành công chỉ cần bạn  nỗ lực và đi đúng hướng. Làm những gì mình yêu thích và rời khỏi đám đông. Cảm nhận vẻ đẹp của người đứng một mình. Một mình độc lập, tự tôn nhưng không cô đơn và lạc loài.

Lời kết

Chặng đường đi đến thành công là một chặng đường dài, những late bloomers cần nỗ lực, thu nhặt nhiều kỹ năng và kinh nghiệm hơn nữa để bước đi trên chính con đường của mình. Chúng ta chỉ cần tự tin, tận hưởng quá trình và thiết lập cuộc sống mà mình muốn. Tất cả những thành quả dù sớm hay muộn cũng sẽ đến cùng với chúng ta một cách xứng đáng.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn