P/S: Sách hay và khuyên đọc cho tất cả mọi người trong việc cải thiện các mối quan hệ xã hội.
Những quyển sách cùa Thiền sư Thích Nhất Hạnh mình rất thích và khi đọc mình cảm thấy rất bình an và học hỏi được rất nhiều, có thêm nhiều góc nhìn và tu tập nhiều hơn.
Cuốn sách này mình nghe mọi người khuyên đọc rất nhiều trong tất cả những quyển sách cùa Thầy, vì vậy mình đã quyết định mua và đọc. Nếu các bạn có hứng thú với sách tiếng Anh các bạn có thể tìm đọc: “The Art of Communicating” by Thich Nhat Hanh.
Sau đây là một vài điểm chính mà mình thấy tâm đắc trong quyển sách này nhé:
🦋CHÁNH NGỮ LÀ ĐIỀU TỐI QUAN TRỌNG TRONG VIỆC TRUYỀN THÔNG VỚI NGƯỜI KHÁC.
Chánh ngữ là những từ ngữ mang tính yêu thương, không phân biệt cũng như kì thị. Khi truyền thông với người khác, chúng ta muốn trao đi những yêu thương và sự thông cảm chứ không phải là những lời nói mang tính chua chát, phán xét hay đe dọa.
Khi chúng ta cảm thông và thấu hiểu cho người khác, biết lắng nghe và thông cảm thì chúng ta sẽ truyền thông cho người khác tốt hơn. Sẽ không có những bất đồng, mâu thuẫn hay những hiềm khích cho nhau.
🦋BỐN ĐẶC TÍNH CỦA CHÁNH NGỮ
Trong quyển sách này, Thiền sư có nhắc đến khi nhắc đến chánh ngữ thì sẽ có 4 đặc tính chung mà chúng ta phải ghi nhớ:
🍃Không nói dối hay những lời không thành thật, luôn nói sự thật nhưng phải nói một cách khéo léo và từ bi.
🍂Không nói hai lời
🍃Không nói những lời nói độc ác mang tính nhục mạ
🍂Không thêu dệt, biến những chuyện nhỏ thành lớn
Khi chúng ta thực hành những điều trên thì khi chúng ta nói ra điều gì đều mang tâm từ bi và yêu thương, khiến người nghe dễ chấp nhận và thay đổi hơn.
🦋MUỐN XÁC ĐỊNH XEM CHÁNH NGỮ CỦA MÌNH CÓ CHÂN THỰC HAY KHÔNG THÌ CHÚNG TA NÊN SỬ DỤNG NGÔN NGỮ CỦA THẾ GIAN VÀ QUÁN CHIẾU TÂM THỨC CỦA HỌ ĐỂ NGHE HIỂU THEO CÁCH MÀ HỌ HIỂU TRONG ĐỜI SỐNG HẰNG NGÀY.
Khi chúng ta cho lời khuyên hay giao tiếp với người khác, người khác có thể nhận ra chúng ta có tâm ý chân thành hay không tùy thuộc vào cách chúng ta thấu hiểu những vấn đề của họ và sử dụng chánh ngữ thích hợp để giúp đỡ họ.
Hay nói cách khác, chúng ta phải tùy theo tâm thức, trình độ hiểu biết của người nghe để quán chiếu và truyền thông cho tốt. Mỗi người sẽ có những cách suy nghĩ và tư duy riêng, chính vì vậy tuy những gì chúng ta nghe và học được từ sách vở hay bạn bè, nhưng không có nghĩa là chúng ta lặp lại y chang và rập khuôn như những gì mình đã học cho người khác, chúng ta phải xem khả năng hiểu của người nghe như thế nào rồi truyền đạt theo cách mà người nghe dễ hiểu nhất vì hoàn cảnh và thời điểm của từng người nghe sẽ khác nhau.
“ Mỗi người có thể nhạy cảm về một vấn đề nào đó mà chúng ta phải thay đổi cách nói. Chúng ta chia sẻ điều gì mà người nghe có thể tiếp nhận học hỏi và sử dụng sau này chứ không nhất thiết là ngay bây giờ.”
Và hơn nữa, chúng ta phải truyền thông làm sao mà lời nói của chúng ta phản ánh sự thật và mang tính chân lý.
Theo quan điểm của Thầy, “không sinh không diệt” là một sự thật, thoạt đầu người nghe có vẻ khó hiểu tuy nhiên khi chúng ta dùng ví dụ và hình ảnh để minh họa thì chúng ta sẽ hiểu ngay lập tức là chúng là sự thật. Ví dụ như đám mây trên bầu trời chúng không biến mất mà chỉ là chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, chúng không mất đi. Chúng có thể biến thành hơi nước, hay là những giọt mưa rơi xuống đất liền.
🦋SÁU CÂU THẦN CHỮ ÁI NGỮ (MANTRAS)
Theo Thiền sư, sử dụng 6 câu thần chú này sẽ giúp chúng ta thấu hiểu được nỗi đau của chính mình cũng như của người khác để thấu hiểu và thông cảm, dùng tất cả tuệ giác để ý thức và lắng nghe người khác bằng tất cả sự yêu thương và chân thành.
🌸Mantra 1: “Anh luôn có mặt ở đây cho em”
Đại ý là khi nói chuyện với đối phương, chúng ta phải thật sự tập trung cho hiện tại, phải thật sự “ở đó” vì người kia, không suy nghĩ quá khứ hay tương lai gì cả. Làm sao mà chúng ta yêu thương hay hiểu cho người khác nếu chúng ta không tập trung ở giây phút hiện tại và thật sự lắng nghe và có mặt cho người đó? Chúng ta phải có mặt cho họ ở đó để có thể hiểu và yêu thương họ.
🌸Mantra 2: “Anh biết em ở đây và anh hạnh phúc vì điều đó”
Bằng cách nói lên điều này, chúng ta trân trọng sự có mặt của người kia, sự có mặt của họ là vô cùng quý báu và điều đó làm chúng ta hạnh phúc. Và quan trọng hơn hết, vì chúng ta cũng có mặt cho người đó nên chúng ta cũng nhận thấy được sự có mặt của đối phương. Đó gọi là chánh niệm trong giây phút hiện tại.
🌸Mantra 3: “ Anh biết em đang đau khổ và anh đang ở đây cho em”
Vì thực tập chánh niệm nên chúng ta sẽ thật sự thấu hiểu và thông cảm cho đối phương, chúng ta tìm hiểu những nỗi đau của đối phương và tìm cách giúp họ bớt khổ. San sẻ yêu thương và lòng từ bi là cách tốt nhất để xoa dịu nỗi đau của họ. Vì sự tồn tại của họ là vô cùng quý báu nên khi họ gặp khổ, chúng ta cũng sẵn sàng bên cạnh họ để giúp đỡ.
🌸Mantra 4: “ Tôi đang đau khổ, xin hãy giúp tôi”
Việc thừa nhận chúng ta là những con người và cá thể yếu đuối, mong muốn được người khác giúp đỡ sẽ giúp cho chúng ta trưởng thành và khiến cho cuộc đời chúng ta đi nhẹ nhàng và bớt khổ hơn. Vì khi chúng ta cứ cố chấp, kìm nén những cảm xúc tiêu cực vào lòng, hay những vấn đề mà một mình ta không thể giải quyết được thì chúng ta nên nhờ sự giúp đỡ. Nhờ người khác giúp đỡ không phải là một sự yếu đuối mà là sự trưởng thành, trưởng thành để chấp nhận bản thân như nó vốn có và tin rằng bản thân mình xứng đáng được nhận sự giúp đỡ từ người khác.
🌸Mantra 5: “ Đây là giây phút hạnh phúc, hạnh phúc là ngay tại đây ngay lúc này”
Ý thức được hạnh phúc là những gì chúng ta đang có, ngay ở đây vì vậy hãy trân quý những gì mình có trước khi chúng ta đánh mất chúng.
🌸Mantra 6: “Anh có thể đúng một phần nào”
Con người ai cũng có ưu và nhược điểm, chính vì vậy khi có ai đó nhận xét hay bình luận về con người chúng ta, cũng đừng quá bi quan mà suy sụp, hãy nhận thức được rằng những gì họ nói về chúng ta chỉ một phần nào là đúng, không hoàn toàn là đúng hoàn toàn. Ví dụ: Họ bình luận rằng bạn thô lỗ, thẳng tính và hay giận dữ nhưng đâu đó bạn cũng có những ưu điểm của mình, bạn cũng biết yêu thương người khác, thông cảm và chăm sóc cho những người mình yêu thương. Những gì họ bàn tán chỉ phản ánh 1/10 giá trị bản thân bạn, vì vậy đừng vì thế mà sinh ra phiền muộn không đáng có. Hãy tự tin về bản thân.
Tóm lại, nếu chúng ta muốn truyền thông tốt với người khác, chúng ta phải thật sự LẮNG NGHE và sử dụng ÁI NGỮ để có thể hiểu mình và hiểu người. Khi nổi cơn thịnh nộ, hãy tìm hiểu và quay về với chính mình, “chăm sóc” cơn giận của mình trước khi trừng phạt người khác, hãy hiểu và cùng nhau giải quyết vấn đề vì không phải lúc nào nhận thức của ta về người và về thế giới hoàn toàn là đúng. Những gì chúng ta nói ra đều mang theo dấu ấn của ta, chính vì vậy chúng sẽ tiếp nối không ngừng. Ý thức được điều đó sẽ giúp chúng ta lựa chọn những lời hay ý đẹp để truyền thông tốt hơn với người khác. Sống trong chánh niệm mới có thể giúp chúng ta hạnh phúc viên mãn.
Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!
Written by Tuyet Son
#bookreviews
#nghethuatthietlaptruyenthong
#thichnhathanh