Cuộc sống là một hành trình dài và nhiều chông gai. Không ai có thể đảm bảo bạn có thể chinh phục từng giai đoạn một một cách thành công nhất. Tuy nhiên, nếu như trong lòng bạn vẫn còn chan chứa một trái tim nhiệt thành và hết lòng yêu thương cuộc đời này thì việc trưởng thành của bạn sẽ rất có ý nghĩa. Với phong cách viết trực diện và khách quan, Mỗi Ngày Đều Đóng Vai Một Người Lớn Điềm Tĩnh của tác giả Cú Mèo của Lão Dương chắc chắn sẽ mang đến cho độc giả những giây phút đáng suy ngẫm nhất trong hành trình tự chiêm nghiệm cuộc sống của chính mình.
Về tác giả:
Cú Mèo của Lão Dương sinh năm 1987, là một tác giả mạng được biết tới với những tác phẩm mang âm hưởng nhẹ nhàng, được viết nên từ trải nghiệm của chính tác giả và các câu chuyện cuộc sống thường ngày.
Sách được chia làm 5 phần, mỗi phần đều chứa đựng những bài học sâu sắc của chính tác giả và những câu chuyện xoay quanh cuộc sống thường ngày. Với phong cách hài hước và trung tính, tác phẩm đã đi vào lòng độc giả một cách nhẹ nhàng. Hãy cùng nhau tìm hiểu chi tiết các phần nhé.
PHẦN 1: ĐÚNG VẬY, TRƯỞNG THÀNH LÀ MỘT VIỆC KHÔNG HỀ VUI VẺ GÌ!
Trưởng thành là khi bạn thật sự thấu hiểu sự đời!
Cuộc sống vốn muôn hình vạn trạng, sẽ có những điều vốn không như ý, khiến cho bạn thất vọng và bất mãn. Tuy nhiên, nếu như thật sự gào thét có thể giải quyết vấn đề thì thế giới tỷ người này đã thành một “hội trường” lớn rồi.
Trưởng thành là dù trong lòng chứa đầy yêu thương hoặc thất vọng, bạn vẫn giữ cho mình một tâm trạng bình tĩnh. Sau đó hòa mình vào đám đông vội vã, thản nhiên đón nhận mọi gian nan vất vả trong đời.
Trưởng thành là quá trình va chạm và cọ xát với thế giới bên ngoài cho đến khi cuộc sống cho bạn những bài học khiến cho bạn tỉnh ngộ.
Có lúc, bạn đầy ắp niềm tin vào cuộc sống, nhưng cũng có thể phủ nhận tất cả chỉ trong một giây. Khi niềm tin tràn đầy, bạn cảm thấy mình không gì là không thể làm được, nhưng chỉ mới bị cuộc sống ngáng trở một chút, đã lập tức trở nên vô cùng đau khổ buồn bã.
Quá trình trưởng thành là một hành trình liên tục khẳng định đồng thời phủ định chính bản thân và những lựa chọn của chính mình. Những gì bạn quan niệm là đúng trong quá khứ, cho đến nay chúng không còn xác đáng nữa rồi. Có những người bạn luôn cho rằng là quan trọng với bạn nhất, nhưng khi đã đủ chín chắn rồi, thì họ đã không còn quan trọng như bạn nghĩ nữa rồi.
Thấu hiểu sự đời của người trưởng thành đã đạt đến một sự tĩnh ngộ. Họ không còn bị cảm xúc dẫn dắt nữa, mà họ kiểm soát tâm trạng của mình một cách xuất sắc. Người lợi hại nhất là người có thể khống chế tâm trạng bộc phát của mình, sau đó bình tĩnh giải quyết vấn đề của mình một cách có lý trí nhất có thể. Họ không phải những người “hở một chút là xù lông”, vì khi tâm trạng tiêu cực xuất hiện, họ chỉ càng khiến cho sự việc trở nên phức tạp hơn mà thôi.
Vạn sự khởi đầu nan, chặng giữa khó, chặng cuối cũng có!
Mọi người thường quan niệm rằng, khi bắt đầu một việc gì đó, bạn luôn tin rằng thời gian đầu chắc chắn sẽ khó khăn, nhưng cùng với thời gian biết đâu vấn đề sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Và rồi, càng làm bạn càng thấy thật ra sự việc không như bạn tưởng tượng.
Khi một vấn đề xảy ra, bạn ra sức giải quyết. Bạn cho rằng như thế là xong, nhưng đâu có dễ dàng như thế. Không vấn đề này thì vấn đề khác xảy ra, bạn sẽ phải liên tục gánh vác và xử lý trong suốt quá trình của cuộc sống này. Lúc còn học trường đại học, mong muốn rằng sau khi tốt nghiệp, cuộc sống mình sẽ dễ thở hơn. Nhưng khi bắt đầu đi làm rồi mới hiểu có nhiều vấn đề cùng nhau được “triệu hồi” để đến với bạn.
Mỗi giai đoạn đều có những khó khăn và vấn để riêng. Tuổi đôi mươi sẽ có những vấn đề của đôi mươi, khi lên năm mươi tuổi thì sẽ có những vấn đề tương ứng. Hạnh phúc là khi trong quá tình giải quyết vấn đề bạn học được điều gì.
Trưởng thành thật sự là khi bạn hiểu rằng, một cuộc sống hạnh phúc ngoài việc trải nghiệm những điều tốt đẹp, còn cả trải nghiệm mọi gian nan và khổ ải của nhân gian nhưng không chính vì thế mà cho rằng nhân gian không đáng sống. Dù bạn có lựa chọn như thế nào, cuộc sống vẫn sẽ luôn có những khó khăn. Cách duy nhất để đối mặt là mỉm cười đón nhận và trải nghiệm chúng. Chỉ có từ trong khó khăn và nghịch cảnh, mới biết được khả năng và năng lực của bản thân như thế nào.
PHẦN 2: ĐÚNG VẬY, TÌNH YÊU CHÍNH LÀ CẢ HAI CÙNG CHỮA TRỊ CĂN BỆNH TINH THẦN CHO NHAU
Không nên vì bị người ta từ chối, bị tổn thương hay bị lừa gạt mà ủ ê rầu rĩ nói rằng “ nhân gian không xứng đáng”.
Thật ra, sự thật lúc nào cũng khiến cho người ta cảm thấy bị tổn thương, nhưng cho dù có trầy da tróc vảy như thế nào, chúng ta vẫn luôn muốn lắng nghe sự thật và nhìn nhận thực tế một cách khách quan nhất có thể.
Kỳ thực, thế giới con người vốn dĩ đã là như vậy, có những điều không mong đợi xảy đến, cũng có những cuộc chia ly không lời từ biệt. Có những thứ có cầu cũng chưa chắc có được, có những cuộc tình dù nồng cháy biết bao cũng sẽ đến ngày lụi tàn và chia tay trong nước mắt. Tất cả những điều đó không đáng để bạn buồn bã, yếu đuối hay thất vọng vì đó điều tất yếu của cuộc sống.
Không phải lúc nào cuộc sống cũng màu hồng, không phải ai sinh ra cũng ở vạch đích, sẽ có những điều làm cho chúng ta mất niềm tin vào cuộc sống này. NHƯNG bạn cần tìm mọi cách để giữ được sự lạc quan của mình, đồng thời không tiếc yêu thương cuộc sống này, cố gắng từng ngày để hoàn thiện chính mình và sống đời thật rực rỡ.
Trong tình yêu cũng vậy, đừng vì một người đã làm tổn thương bạn mà từ bỏ đi cơ hội gặp gỡ người sau này tốt hơn. Nếu bạn đã quá đau khổ vì mối tình trước đó, hãy cho bản thân thời gian để chữa lành. Đừng vội đi tìm một mối tình mới và rồi gieo rắc thêm đau khổ cho họ. Họ không đáng để bị đối xử như thế.
Đừng mang những kỳ vọng, những “thói quen cũ” từ người cũ mà áp đặt lên người mới, điều đó vô cùng không công bằng và ấu trĩ. Thế gian này, có biết bao nhiêu tỷ người, có cơ hội gặp nhau thì xem như đó là một mối lương duyên, hãy yêu nhau như yêu lần đầu tiên. Cho dù có dốc hết lòng vì nhau nhưng cuối cùng không được ở bên nhau thì ít ra bạn đã từng có một ký ức vui vẻ trước đó. Tất cả mối tình đã qua đều cho bạn một bài học để ngày càng trưởng thành hơn.
Thật ra cho dù bạn có rơi bao nhiêu giọt nước mắt, thương tiếc và đau khổ bấy nhiêu thì sau một lúc, chỉ có chính bản thân bạn là người lau khô những giọt nước mắt ấy, tự chữa lành những vết thương của chính mình. Thay vì phó mặc cho sự tiêu cực và thất vọng, chi bằng hãy tự xốc dậy tinh thần của mình và làm những việc có ý nghĩa hơn vì thời gian không cho phép bạn lãng phí vào những việc không đâu vào đâu.
Tình yêu chính là cả hai cùng chữa trị căn bệnh tinh thần cho nhau.
Tình yêu là một điều gì đó thiêng liêng. Nó mang đến cho chúng ta rất nhiều điều tuyệt vời, nhưng cũng mang đến rất nhiều phiền phức trong cuộc sống. NHƯNG chúng ta không vì thế mà từ bỏ đi tình yêu.
Tình yêu đôi lứa là một thứ tình cảm thiêng liêng. Nó có thể giúp ta và đối phương thay đổi theo chiều hướng tiêu cực hay tích cực hơn. Tiêu cực hay tích cực đều phụ thuộc vào tính cách của cả hai và thế giới quan của cả hai.
Tình yêu thú vị ở chỗ khi ta yêu người, ta thấy người lúc nào cũng đáng yêu, yêu thương đến tận xương tủy. Nhưng nó đáng ghét ở chỗ khi cả hai về chung sống với nhau, cả hai lại cảm thấy đối phương vô cùng cố chấp, vì vậy càng căm hận đến tận xương tủy. Kết quả là, hôm nay yêu đến mức chết đi sống lại, ngày mai lại căm hận đến mức gà bay chó chạy.
Tất cả chúng ta đều có những ưu và khuyết điểm riêng. Không ai là thập toàn thập mỹ. Khi chấp nhận yêu một người, bạn cần hạ cái tôi của mình xuống, đừng đặt quá nhiều kỳ vọng phi thực tế cho đối phương vì như thế khoảng cách sẽ ngày càng xa trong mối quan hệ của bạn. Khi yêu, bạn sẽ phải học rất nhiều thứ như sắp xếp, tổ chức và lên kế hoạch cho những dự định sau này, học cách giao tiếp tốt hơn với họ. Khi yêu, bạn hy sinh kể cả những thứ bạn không thích chỉ để khiến cho họ cảm thấy vui vẻ và hạnh phúc. Ta bắt đầu có trách nhiệm và muốn chở che cho họ.
Khi người yêu nhõng nhẽo với bạn, bạn xem đó là sự đáng yêu đơn thuần. Khi họ cần bạn đi bên cạnh bạn mọi lúc mọi nơi, bạn xem đó là sự tin tưởng tuyệt đối. Khi họ muốn bạn làm một điều gì đó cho họ, như thoa kem đánh răng cho họ mỗi sáng, bạn xem đó là một hành động vui vẻ và hạnh phúc. Tất cả những gì người yêu ta làm trong mắt ta đều vô cùng đáng yêu. Còn nếu như không yêu, tất cả những điều trên đều xem như vô nghĩa.
Mình rất thích một câu nói nổi tiếng trong bộ phim nổi tiếng: “Tôi không có điểm gì đặc biệt, tôi chỉ là một người bình thường, sống một cuộc sống hết sức bình thường, thế giới không dựng bia kỷ niệm cho tôi. Nhưng tôi lại vĩ đại và trung thành hơn bất kỳ ai trong một việc, đó là tôi toàn tâm toàn ý dùng cả cuộc đời mình để yêu thương một người.”
Thật vậy, có một điều chúng ta nên nhìn nhận rằng rất khó để duy trì một mối quan hệ lâu dài và mãnh liệt với một người. Nhưng nếu hai phía đều không muốn từ bỏ tình cảm này, hai người sẽ lại yêu thương nhau hết lần này đến lần khác.
Điều quan trọng nhất không phải là chỉ yêu những ưu điểm của đối phương, mà còn phải chấp nhận luôn cả những điểm thiếu sót, những điều không hoàn hảo nơi họ. Nói cách khác, bạn đã yêu sự ưu tú và thận trọng của anh ấy, bạn cũng phải yêu ngay cả sự sa sút và tầm thường của anh ấy.
Chúng ta gặp nhau là do duyên Trời, còn ở được với nhau hay không là do ý người vậy. Trên thế gian này, làm gì có chuyện lúc đầu yêu nhau thắm thiết thì bảo là “tính cách hợp nhau”, còn khi đến lúc chia tay lại bảo là do “tính cách không hợp nhau”. Trừ khi, cảm giác tươi mới đã hết, các bí mật đã tiêu tan, sức hấp dẫn không còn đủ, thế nên không còn muốn hòa hợp nữa.
Tình yêu không chỉ là sự thăng hoa, hạnh phúc, vui vẻ mà còn có cả sự chán ghét, chướng mắt, không chịu đựng nổi và nhạt nhẽo. Kỳ thực, những điều này đều là một phần của tình yêu.
Thế nên, vì tình yêu, hãy học hỏi đi. Ai cũng có những điều cần học hỏi và những chỗ cần cải thiện. Có người cần học cách mỉm cười, có người cần học cách ôm hôn, có người cần học cách kìm nén tâm trạng, có người cần tăng cường thể chất… bạn không muốn thay đổi dù chỉ một chút vì người mình yêu, điều đó thực sự chứng tỏ rằng bạn đã mất đi khả năng kết nối với người kia rồi.
Hy vọng chúng ta không vì những điểm chưa vừa ý nơi người ấy mà từ bỏ tình cảm này, hãy cố gắng tìm hiểu, nhìn nhận những điểm tốt của họ, vì nhau mà thay đổi theo chiều hướng tích cực và tốt đẹp hơn. Cũng giống như hoa hồng, không phải vì hoa hồng có gai mà chúng ta ghét bỏ chúng, chính vì chúng có gai góc nên chúng ta biết cách để không bị gai đâm và trân trọng chúng. Suy cho cùng, quan hệ logic của tình yêu không phải là “Bởi vì… cho nên” mà là “Cho dù…vẫn…”
Cho dù em có những tính cách hơi thất thường nhưng ta vẫn yêu dáng vẻ đáng yêu của em khi làm nũng.
Cho dù em có những lúc nóng tính và khó chịu với ta, nhưng ta vẫn luôn yêu em vì những lúc ta ốm đau hay bệnh tật, em vẫn bên cạnh và chăm sóc cho ta.
Cho dù em nóng vội và hấp tấp, nhưng ta vẫn luôn trân trọng điều đó nơi em vì đôi khi những lúc em lo lắng khi ta bệnh, vội vàng mua thuốc lại càng ta thương em hơn.
Cho dù em có những thói quen chưa tốt lắm, hay ngủ nướng nhưng ta vẫn luôn yêu và thương em vì ta thấy em luôn kỷ luật với những mục tiêu em đề ra.
Tình yêu là hết lần này đến lần khác, thấu hiểu và không ngừng hiểu nhu cầu của đối phương. Tình yêu là học cách thay đổi. Luôn hoàn thiện nhau, quan tâm và chăm sóc cho nhau.
Thật may mắn biết bao, trên thế giới có biết bao nhiêu người nhiều tiền, bao nhiêu người tài năng, bao nhiêu người đa sầu đa cảm, bao nhiêu người quấy rầy quậy phá, bao nhiêu người phong độ ung dung như vậy, lại chỉ có người ấy khiến bạn mỉm cười vui vẻ, thoải mái trách mắng, yên lặng khóc than và yêu thương không hề che giấu. Yêu đúng người, bạn thật sự không cần phải trưởng thành.
Cái gọi là “khoảng cách”, thực ra là tình yêu chưa kịp hiểu rõ.
Tình yêu cha mẹ dành cho con cái luôn là một đề tài chúng ta luôn quan tâm. Tình thương của gia đình luôn được xem như một sức mạnh vô hình giúp cho chúng ta – những người con luôn cảm thấy an toàn và cả thấy tự tin hơn về bản thân hơn. Tuy nhiên, đối với tình yêu thương của chúng ta dành cho cha mẹ và ngược lại cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
Như đã nói, “khoảng cách” được nhắc ở trên tiêu đề chính là con cái không thể cảm nhận sự lao tâm khổ tứ của cha mẹ, cha mẹ không hiểu được cảm nhận chân thực của con cái, chính là cảm giác: “tôi làm gì, đối phương cũng không ưa, tôi làm gì, đối phương cũng không muốn nghe”.
Nhiều bậc phụ huynh sẽ có những cách yêu thương con cái khác nhau. Tôi đã gặp rất nhiều bậc cha mẹ yêu cầu con cái phải như thế này như thế kia, đồng thời không cho phép con được làm những gì chúng yêu thích và đam mê. Họ xem con cái như một loại tài sản riêng.
Con cái chỉ có hai kiểu tuổi là “Con đã bao nhiêu tuổi rồi?” và “Con mới mấy tuổi chứ?”. Hai kiểu tuổi tác này sẽ dựa vào tình hình cụ thể để lấy ra sử dụng. Khi cha mẹ thể hiện uy quyền của mình, sẽ liền hỏi: “Con mới mấy tuổi chứ?”, còn khi muốn con mình chịu trách nhiệm cho một việc gì đó thì hỏi: “Con đã bao nhiêu tuổi rồi?”
Ngày nay, con cái không được phản kháng chỉ có tuân theo mệnh lệnh và phục tùng một cách vô điều kiện. Nhìn bên ngoài, cha mẹ rất yêu thương con cái, tuy nhiên khi thật sự nhìn vào nội tình, họ đang nuôi dưỡng những đứa trẻ trầm cảm, thiếu tự tin và không có đặc trưng tính cách rõ ràng.
Sẽ có nhiều cách nuôi dạy con cái khác nhau, tuy nhiên áp đặt, quyết đoán và bao bọc con quá mức sẽ chỉ khiến cho những đứa trẻ lớn lên thiếu lòng tự trọng, thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội và đặc biệt là dễ dàng đầu hàng trước những khó khăn và thất bại trong cuộc sống.
Chính những vì cách yêu thương con “chưa phù hợp” với con cái, nên trong nhiều trường hợp con cái lại chỉ trích lại chính cha mẹ của mình. Họ chê bai cha mẹ mình như thế này như thế kia, xâm phạm vào đời tư của họ quá nhiều, vv. Chính vì những kiểu hành vi này của cha mẹ mới có những đứa trẻ nói dối bẩm sinh.
Khi các bậc phụ huynh yêu cầu con mình phải như thế này, phải đạt được thành tích nhất định, phải thành công, hay nói cách khác phải đáp ứng kỳ vọng của họ, họ vô hình chung khiến cho những đứa trẻ phải dùng cách nói dối để bao biện cho những sai lầm và những lần thất bại của mình. Rất hiếm khi các bậc phụ huynh lắng nghe con cái và chia sẻ chân thành về những vấn đề mà con đang gặp phải.
Sỡ dĩ chúng lựa chọn cách nói dối chính bởi vì sau khi cân nhắc giữa lợi và hại, chúng phát hiện ra rằng: “Thành thật = tra xét không ngừng nghĩ + những lời oán trách không chịu nổi”, còn “Nói dối= khả năng yên ổn cao + có khả năng đạt được lợi ích cao”.
Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, cha mẹ cũng sẽ có những nỗi khổ tâm riêng của mình. Chỉ vì quá yêu thương con cái nên mới có những hành vi yêu thương chưa phù hợp như vậy. Chỉ là cách làm chưa đúng, chứ bản thân sự yêu thương là một điều đáng để chúng ta trân trọng. Cha mẹ dù như thế nào vẫn là một con người, mà đã là con người thì không ai hoàn hảo.
Cha mẹ chúng ta cũng có những điều vụng về, cũng mắc sai lầm, cũng có lúc suy sụp mất phương hướng.
Muốn nói với những người làm con rằng, mẹ của bạn xưa kia cũng là một cô gái bé bỏng nhận được hàng ngàn hàng vạn tình yêu thương. Bố của bạn năm ấy cũng là một thiếu niên tràn trề bầu nhiệt huyết. Họ năm xưa cũng giống như bạn bây giờ, tự cao tự đại, tư yêu chiều bản thân, hư vinh, vì vậy họ có thể phạm sai lầm, có thể ích kỷ, có thể lúng túng vụng về.
Cha mẹ lần đầu tiên làm cha mẹ, bạn cũng là lần đầu tiên làm con, ai đảm bảo bản thân mình không phạm sai lầm chứ? Khi bạn oán trách cha mẹ độc đoán, chuyên quyền, hy vọng bạn có thể tự nhắc nhở bản thân: Họ không phải là những người lớn hoàn mỹ, bạn cũng chẳng phải là một đứa con hoàn hảo.
Điều duy nhất bạn có thể làm là trân trọng họ. Chia sẻ chân thành và làm tất cả những gì bạn có thể để có thể cho cha mẹ của mình thấy bạn có đủ trách nhiệm và năng lực để có thể trưởng thành và sống tốt trong thế giới vốn phức tạp và nhiều cám dỗ ngoài kia. Điều các bậc phụ huynh mong muốn chỉ là mong muốn con mình hạnh phúc.
Khi cha mẹ bạn già đi, bước chân bắt đầu chậm chạp, còn khi ấy bạn đã khôn lớn, đủ lông đủ cánh để bay đến những phương trời xa, hy vọng chúng ta luôn để họ trong trái tim, dành nhiều thời gian cho họ. Vì có một sự thật không thể tranh cãi, họ dùng tuổi trẻ xinh đẹp và rực rỡ để đổi lấy cuộc sống tươi đẹp của bạn hôm nay, còn cuộc sống tươi đẹp của bạn lại đổi lấy những năm tháng tàn lụi cuối đời của họ. Chỉ mong sao cha mẹ và con cái đều thấu hiểu nỗi lòng của nhau.
PHẦN 3: THẬT LÒNG MÀ NÓI, NẾU GÀO THÉT CÓ THỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ, VẬY THÌ CON LỪA SẼ THỐNG TRỊ CẢ THẾ GIỚI
Tĩnh tọa thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi!
Có nghĩa là khi bạn ở một mình, bạn nên suy ngẫm về những sai lầm của bản thân và tự chiêm nghiệm; còn trong lúc đàm luận nhàn rỗi, chớ nên kể lể chuyện xấu của người khác.
Trong nhiều trường hợp, trong một mối quan hệ với những bạn bè xung quanh, người thân, có những vấn đề bạn chỉ có thế góp ý kiến, còn sự lựa chọn đều do nơi họ quyết định. Có những người tìm đến bạn không hẳn là tìm kiếm câu trả lời, mà đơn giản họ chỉ muốn bạn lắng nghe và thông cảm. Nhưng một khi bạn đưa ra lời khuyên và bảo họ phải làm cái này cái kia thì dường như kết quả cuối cùng thường rất tệ.
Con người thường như thế này: nếu sự việc tốt đẹp, anh ta sẽ coi đó là do trí tuệ, sự cố gắng hoặc vận may của mình. Nhưng nếu sự việc trở nên tồi tệ, trách nhiệm chắc chắn sẽ do người khác gánh chịu.
Có một vài sự việc, một vài sự lựa chọn của người khác đều có một mục đích riêng. Đừng bao giờ đứng trên lập trường của bản thân để chỉ trích và đánh giá người khác phải làm theo ý bạn.
Trong cuộc sống, tôi gặp rất nhiều người luôn nghĩ rằng bản thân mình là đúng, rất nhiều người không hiểu được sự lựa chọn của người khác. Khi đàm luận nhàn rỗi thì hay lấy sai lầm của người khác ra làm chủ đề bàn tán.
Ví dụ như, khi bạn đã nhận định người đồng nghiệp kia lạnh lùng và không thân thiện, thì cho dù có bao nhiêu buổi tiệc, bạn cũng không thèm để ý đến cô ta. Tiếp theo, bạn cũng không muốn trò chuyện hay tiếp xúc gì với họ nữa.
Bạn đã nhận định sếp mình là một người thích “bới lông tìm vết” thì dù cô ta có làm điều gì đúng hay hợp lý đi nữa, bạn cũng cho rằng cô ta thích chỉ trích và chỉ chú ý vào sai lầm của người khác.
Bạn thật sự cảm thấy phản cảm với ai đó, vậy thì cho dù anh ta ngày nào cũng làm từ thiện, bạn vẫn sẽ cảm thấy rất khó chịu khi nghe tên anh ta, thậm chí bạn cũng sẽ cảm thấy bị sỉ nhục nếu như anh ta có cùng sở thích chung với mình.
Thật ra, con người một khi đã nhận định một sự việc nào đó, cách suy nghĩ sẽ trở nên phiến diện và cố chấp. Đừng bao giờ xem bản thân mình luôn đúng, vì như thế chỉ có bạn chịu thiệt thòi mà thôi.
Một khi con người đã nhận định rằng mình đúng, sẽ trở nên cố chấp, tự tin quá mức, không tiếp thu ý kiến người khác, đồng thời tin chắc rằng mình sẽ không thể phạm sai lầm. Vì vậy, họ vốn không ý thức được kiến thức nông cạn của mình sẽ đưa ra những quyết định hoang đường như thế nào, cũng không nhìn thấy những hành vi đơn độc cương quyết của mình gây cười biết bao nhiêu.
Cuộc sống không phải là một phi vụ phá án, không nhất thiết vừa tự chứng minh bản thân đúng, còn một mặt thì lại chỉ trích người khác và chứng minh họ cũng phạm sai lầm. Thế giới muôn hình vạn trạng, vì vậy nên mỗi sự lựa chọn đều hoàn toàn khác nhau. Chúng ta không thể sống cuộc đời người khác, điều chúng ta nên làm là tôn trọng quyết định của họ. Nếu có thể, hãy tiếp thu những điều mới, chia sẻ chân thành với nhau, ai cũng có thể mắc sai lầm. Sống ở đời nên dịu dàng với nhau mới là ý nghĩa của cuộc sống.
Thiết nghĩ, dù đã chiếm trọn ưu thế, cũng không nên muốn làm thì thì làm. Trước khi có đầy đủ chứng cứ chứng minh đó là sai lầm của người khác, hãy nhận lỗi sai về mình trước. Trước khi vấn đề được giải quyết, hãy bắt đầu tìm nguyên nhân từ chính bản thân mình.
Vì vậy, bất cứ việc gì cũng nên đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ, đặt mình vào vị trí của người khác để hành động, đặt mình vào suy nghĩ của người khác để làm người, đó mới là thành công của sự giáo dục.
Người luôn muốn cãi thắng người khác đều không phải là người tốt đẹp gì.
Trong cuộc sống, tôi tin chắc là rất nhiều chúng ta sẽ rơi vào những trường hợp như thế này, trong một cuộc tranh luận kết quả cuối cùng chỉ có hai bên mang theo sự bực dọc và khó chịu ra về, kết thúc trong sự tuyệt vọng và sự hiếu thắng.
Có một số người luôn cho rằng: “Cái này không đúng, cái kia không đúng”; “Tôi không quen với việc bạn dẫn dắt sai lệch người khác như thế”; “Tôi nghĩ bạn nói sai rồi”. Tất cả những chuỗi trò chuyện đều liên tục phủ định ý kiến người khác đồng thời khẳng định quan điểm của chính mình. Đến lúc này, cuộc tranh luận thực chất đã không còn bàn về đúng sai của một vấn đề cụ thể, mà chỉ là để bảo vệ lập trường và lòng tự trọng của chính bản thân mình.
Cuộc tranh luận bổ ích là cùng nhau trao đổi ý kiến, biện luận lý lẽ rõ ràng, sau đó hai bên điềm tĩnh kết thúc cuộc trò chuyện. Còn cuộc tranh luận vô bổ nhất là đôi bên khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình, kết quả là cũng lãng phí thái độ, chia tay trong bực tức.
Đối với tôi, người thích tranh luận là người có tính hiếu thắng và không khoan dung độ lượng. Họ cứ sống trong thế giới của mình, không chịu tiếp thu ý kiến từ người khác. Đố với những loại người này, tuyệt đối không nên hết lòng, nếu có thể hãy tránh xa họ càng sớm càng tốt.
Nếu bạn phát hiện mình và đối phương không cùng một trình độ thì không nên cố gắng trò chuyện thêm nữa, cũng không nên miễn cưỡng làm bạn với anh ta. Bất kỳ một cuộc trò chuyện nào, nếu không có sự công nhận quan điểm của đôi bên sẽ khó đi đến một hồi kết tốt đẹp.
PHẦN 4: XIN LỖI, THANH XUÂN CỦA BẠN ĐÃ KHÔNG ĐỦ SỐ DƯ, LẠI CHẲNG THỂ NẠP THÊM TIỀN
Thế gian làm gì có chuyện vẹn cả đôi đường như bạn nghĩ.
Đôi lúc chúng ta thường hay nghi ngờ bản thân mình, lo sợ một ngày nào đó chúng ta không thành công. Thật ra, có một số người than phiền rằng cuộc sống quả thật không công bằng, luôn bất mãn với cuộc sống. Một giây trước còn nói là “Mình phải rời xa cái nơi quái quỷ này”, một giây sau đã là “Mình còn có thể đi đâu nữa”; một giây trước là “Mình phải rời xa vùng an toàn này”, một giây sau đã là “Mình có thích ứng được với môi trường mới hay không?”
Một mặt muốn thay đổi hiện trạng, nhưng mặt khác lại quay đầu và lùi bước vì tự nghi ngờ bản thân mình kém cỏi. Bạn tự an ủi rằng: “Mặc dù nơi này chẳng ra sao, nhưng chỗ khác chưa chắc đã tốt hơn”; “Mặc dù người này rất nhàm chán, nhưng người khác chưa chắc đã thú vị”.
Thật sự mà nói, nếu thật sự muốn theo đuổi thành công, thì bạn đừng lo sợ nguy hiểm. Bỏ công sức nỗ lực trước, mặc cho kết quả như thế nào đi nữa. Vì cuộc sống mà bạn mong muốn, bạn bắt buộc phải từ bỏ một số thứ. Kế hoạch vẹn cả đôi đường thực ra vô cùng hiếm gặp.
Bạn muốn có tự do thì phải hy sinh sự an toàn. Bạn muốn được nhàn rỗi thì sẽ không có thành tựu trong mắt số đông. Bạn muốn được vui vẻ thì không nên để tâm tới bình luận của người khác. Bạn muốn bay nhảy ở phương trời xa xôi thì phải dũng cảm rời xa môi trường an nhàn hiện tại.
Mất tự do lớn nhất của một người chính là đứng nguyên tại chỗ chần chừ lưỡng lự, sau đó khẳng định rằng mình đã hết đường rồi.
Ở độ tuổi đôi mươi, con đường mập mờ, bản thân mất phương hướng là một việc hết sức bình thường. Không biết phải nỗ lực như thế nào, không biết phải tự trải qua bao nhiêu tranh đấu thì cuộc đời mới có những thay đổi lớn. Tuy nhiên, nếu bạn chăm chỉ đọc sách, kiên nhẫn nghe giảng, vận động rèn luyện thể chất một cách có quy luật, học tập và tích lũy kiến thức có mục đích, lúc đó có thể không cảm thấy thay đổi gì, nhưng trên thực tế cuộc đời của bạn đã bắt đầu khác đi rồi.
Một cuộc đời không phương hướng sẽ khiến bạn đi thụt lại về phía sau. Không nhất thiết bạn phải làm những việc kinh thiên động địa để khiến bản thân và thế giới tốt hơn, chỉ cần làm tốt những việc nhỏ nhặt nhất trước mắt đã là một nỗ lực đáng mừng rồi.
Chỉ e là khi muốn hành động, bạn lại bị những ý nghĩ trì hoãn, lười biếng hay từ bỏ xuất hiện. Khi cảm thấy ước mơ ngày càng xa vời, đừng ngại lập ra một vài mục tiêu nhỏ trước. Hãy rèn luyện sức khỏe, đọc thêm nhiều sách, thật lòng kết giao với những người bạn tốt, vv. Khi bạn ép buộc bản thân mình cố gắng thêm một chút, cuộc sống mới đối xử dịu dàng với bạn hơn một chút, một nửa mà bạn sẽ gặp trong tương lai có thể sẽ càng hài lòng hơn một chút. Khi bạn đã bắt đầu hành động thì bạn đi trước rất nhiều những người chưa thực sự bắt đầu.
Quy tắc vận hành của thế giới là: Bạn trở nên ưu tứ rồi, những sự việc khác mới theo đó mà dần tốt lên.
Từ bỏ không khó, nhưng kiên trì nhất định sẽ rất ngầu
Khi muốn có bất cứ điều gì, bạn cần biết tự kỷ luật bản thân mình. Nhưng nói thì dễ, làm được hay không lại là một chuyện khác. Đôi khi bạn biết việc này là đúng và nên làm nhưng mãi cũng không thể bắt tay vào hành động. Chỉ vì tâm trạng tiêu cực tích tụ mỗi ngày sẽ khiến cho bạn “đầu hàng” trước những cám dỗ và những mê hoặc ngoài kia. Ngay lúc này, tự kỷ luật là điều quan trọng nhất.
Tự kỷ luật là một chiến tự phát với chính bản thân, bạn phải chống đối lại bản tính của chính mình. Nếu như kiên quyết lên kế hoạch tập thể dục mỗi ngày, nhưng vì tâm trạng mệt mỏi và thói quen lười biếng chế ngự, bạn sẽ rất dễ rơi vào bẫy và từ bỏ chặng đường bấy lâu nay xây đắp.
Nếu bạn giống như động vật, lúc nào cũng chỉ nghe theo dục vọng, trốn tránh đau khổ, lựa chọn sự thoải mái và dễ dàng, vậy thỉ thứ bạn có được không phải là tự do mà là nô lệ. Cuộc đời của bạn không giống như đang lựa chọn, mà là đang phục tùng. Nói theo cách khác, nếu bạn muốn có một cuộc sống theo ý muốn, cần phải học cách khống chế và nhẫn nại. Mọi lo lắng và hoang mang dù nhiều đến mấy cũng đều phải chịu nhận thất bại trước hành động.
Vì vậy, dù xuất phát điểm của bạn lúc này như thế nào, dù bạn có phạm bao nhiêu sai lầm, dù tiến bộ của bạn chậm chạp bao nhiêu, bạn đã dẫn trước nhiều người còn chưa bắt đầu. Chỉ cần bạn kiên trì, bạn sẽ càng tiến gần đến đích đến của thành công. Kiên trì không chỉ bởi vì một kết quả, ý nghĩa của việc kiên trì nằm ở chỗ nó khiến thời thanh xuân của bạn có sức sống và ý nghĩa hơn.
Và quan trọng hơn hết đó là một khi bạn mong muốn có một điều gì thì phải gánh chịu kết quả tương ứng của việc đó. Bạn muốn có một kết quả nào đó, bạn phải trả một cái giá tương ứng. Nếu bạn cảm thấy không thể chịu đựng được nữa, muốn từ bỏ rồi, vậy thì đừng nên hối hận và than phiền nữa.
PHẦN 5: TRÊN THỰC TẾ, THỜI GIAN LÀ ÔNG GIÀ LANG BĂM TỰ XƯNG LÀ CÓ THỂ CHỮA ĐƯỢC BÁCH BỆNH
Thời gian không thể chữa lành thứ gì, chỉ khiến những việc chúng ta từng cảm thấy vô cùng quan trọng trở nên không còn quan trọng nữa.
Trong bất cứ việc gì, đặc biệt là tình yêu, khi trải qua một mối tình đổ vỡ, thời gian chỉ có thể giúp bạn tạm ngưng để tự xử lý vết thương, chứ không hề giúp bạn xóa hết mọi khổ đau.
Tôi biết, có người khuyên bạn nên đi du lịch, ăn uống, đi mua sắm, đi tìm người yêu mới nhưng sau khi đi du lịch về vẫn cảm thấy hụt hẫng, tâm trạng cũng rất cải thiện được chút xíu nào, bây giờ bạn mới phát hiện ra rằng thời gian không hề đáng tin cậy.
Thực ra, thứ có thể thật sự chữa lành vết thương cho bạn, xưa nay không phải là thời gian, mà là thấu hiểu.
Hiểu rõ bản thân mình còn rất nhiều quan trọng cần làm, vì vậy không nhắc lại chuyện cũ nữa.
Hiểu rõ thời gian đang sầm sập lao về phía trước, chỉ cần không quay đầu nhìn lại, vậy thì quá khứ sẽ không xuất hiện lại nữa.
Hiểu rằng cuộc sống vẫn sẽ tiếp tục. Hiểu rõ suy nghĩ, cảm nhận và tiêu chuẩn của mình rồi cũng sẽ thay đổi.
Thời gian chỉ có thể giúp cho bạn ngày một trưởng thành hơn. Trải qua nhiều cuộc tình không hẳn là lãng phí thanh xuân và tuổi trẻ của bạn, mà là chúng khiến bạn học được những bài học sâu sắc và tự bản thân biết rõ bản thân đang cần điều gì, quan trọng hơn hết là hiểu được bản chất của con người.
Lời kết
Hy vọng Mỗi Ngày Đều Đóng Vai Một Người Điềm Tĩnh sẽ mang đến cho bạn những góc nhìn mới về cuộc sống, để từ đó bạn càng thêm tin yêu vào thế gian này. Cuộc sống sẽ có những lúc gập ghềnh và chông chênh, nhưng hy vọng bạn sẽ là nguồn tự cổ vũ cho chính mình để có thể mạnh mẽ vượt qua những thử thách và chông gai. Nếu bạn yêu cuộc đời, cuộc đời cũng sẽ yêu bạn đắm say.
Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn
Hình ảnh: Tuyết Sơn
————————————————–