Một người có thể sống cả đời theo cách nhìn mình thích là chuyện vô cùng khó khăn. Chúng ta không giây phút nào không bị thế giới chỉ trỏ, lâu dần sẽ quên mất tâm tư ban sơ, mất đi tư duy độc lập và giữ vững cái tôi. Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo của Mộ Nhan Ca được ví như là một hồi chuông thức tỉnh, nó sẽ giúp chúng ta tỉnh táo hơn trong việc ý thức bản thân, nhìn thấy tầm nhìn và lòng dạ hạn hẹp của mình kèm theo tất cả những vấn đề mà bản thân chúng ta không nhìn rõ. Từ đó, chúng ta sẽ có cơ hội để sửa sai và thay đổi góc nhìn của mình về cuộc sống.
*Giới thiệu về tác giả
Mộ Nhan Ca là một bác sĩ tâm lý, là một người thích viết và suy tư. Ngoài khía cạnh về chuyên môn, cô còn có các công trình nghiên cứu tâm lý và dịch thuật. Các tác phẩm của cô bao gồm: Cuộc đời nay phải sống vì bản thân mình, Đời khốc liệt bao nhiêu, bạn phải kiên cường bấy nhiêu.
*Giới thiệu về nội dung sách
Với 6 chương sách với phong cách viết thẳng thắn nhưng tinh tế, Lòng tốt của bạn cần thêm đôi phần sắc sảo tập trung vào những vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa người với người. Trong quyển sách, hai câu hỏi lớn đang được đặt ra cho độc giả đó là: Chúng ta có nên lương thiện hay không? Và lòng tốt của chúng ta có đang được sử dụng đúng chỗ hay không?
Đầu tiên, Mộ Nhan Ca đưa ra một số cái bẫy mà con người hay có xu hướng mắc sai lầm trong tất cả những mối quan hệ của mình từ gia đình, cha mẹ với con cái, tình yêu đôi lứa, bạn bè và đồng nghiệp, vv. Một số cái bẫy phổ biến như sau:
- Họ hay có xu hướng “suy bụng ta ra bụng người”, hay phỏng đoán và suy nghĩ tiêu cực về hành vi của đối phương.
- Họ vin vào khuyết điểm của chính bản thân mình để làm cái cớ cho sự kém cỏi của bản thân.
- Họ hay lo sợ người khác đánh giá mình, và hay xem những lời đánh giá chủ quan của người khác để “đo” giá trị của bản thân.
- Họ hay “vượt quá phận sự” với đối phương, can thiệp vào chuyện riêng của người khác và luôn cho mình là trung tâm của vũ trụ.
Sau đây là một số bài học mà mình học được từ quyển sách này:
Bài học 1: LO NGHĨ CHO THIÊN HẠ QUÁ NHIỀU CHỈ CHUỐC TOÀN PHIỀN MUỘN CHO BẢN THÂN.
Điều này hoàn toàn đúng trong tất cả trong các mối quan hệ: tình yêu đôi lứa, bạn bè, đồng nghiệp, cha mẹ với con cái, vv.
+ Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái:
Hầu hết các bậc cha mẹ thường hay có xu hướng bao bọc và bảo vệ con của mình một cách thái quá. Họ hay dùng cái danh nghĩa là “thương con, vì con” nhưng điều này lại gây ra không ít rạn nứt trong mối quan giữa cha mẹ và con cái. Chính vì quá áp đặt những kỳ vọng của mình cho con trẻ nên đã có không ít những đứa trẻ dễ rơi vào tuyệt vọng, chúng cảm thấy nghi ngờ bản thân vì không đáp ứng được kỳ vọng của cha mẹ mình.
+ Trong mối quan hệ tình yêu đôi lứa:
Việc hy sinh tất cả cho người mình yêu là một điều dễ hiểu và đáng trân trọng. Tuy nhiên, bạn nên hy sinh một cách khôn ngoan hơn. Việc hy sinh một cách “thừa thãi” chỉ khiến cho bạn chịu nhiều tổn thương và gây khó khăn cho người khác. Với những trường hợp như thế này, sự hy sinh của bạn không phải là yếu tố chính cho sự thành công của đối phương.
Trong một mối quan giữa người với người, luôn cần có sự trách nhiệm và sự cố gắng của cả hai. Nếu tất cả những gánh nặng và hy sinh chỉ dồn về một phía thì ngay từ đầu, mối quan hệ này đã là một sai lầm. Tuy nhiên, thường thì trong những mối quan hệ như thế này, đối phương vì muốn cảm kích sự hy sinh của người kia mà sẽ “đáp trả” lại tấm chân tình ấy, theo lý mà nói thì nó không còn là tình yêu chân thành nữa mà chỉ là một cuộc trao đổi không hơn không kém.
Nếu chúng ta muốn người yêu mình hạnh phúc thì cách duy nhất là nên để họ tự do, độc lập được làm điều mình muốn. Vì đơn giản không có sự can thiệp của bạn, họ vẫn sống rất tốt. Nhận thức được giới hạn của bản thân ở đâu và đồng thời không quá can thiệp vào những việc mà đáng ra bạn nên giữ bình tĩnh và chỉ lẳng lặng quan sát và hỗ trợ họ khi cần, là một điều quan trọng trong một mối quan hệ.
Hãy là một người có nguyên tắc và tôn trọng sự lựa chọn của người khác. Hy sinh vừa đủ vì không phải ai cũng trân quý những thiện ý của bạn, mà ngược lại họ lại xem việc hy sinh đó như là một lẽ hiển nhiên và dần dần, trong mắt họ bạn là một con người quá dễ dãi và vô nguyên tắc. Kết quả là họ sẽ không còn tôn trọng bạn nữa.
Tại sao “lòng tốt” lại có thể làm cho bạn tổn thương?
Nếu bạn là một người tử tế và biết yêu thương người khác, bạn muốn cho đi mà không mong được nhận lại bất cứ điều gì thì chuyện bạn cho đi là một việc hết sức đáng hoan nghênh và đáng được trân trọng. Hãy tiếp tục làm những gì bạn cho là đúng nếu đó là mục đích của cuộc đời bạn.
Tuy nhiên, ở đây chúng ta sẽ bàn về việc sử dụng lòng tốt nhằm mục đích mong nhận lại sự đền đáp từ đối phương và tại sao nó làm cho cuộc đời của chúng ta chao đảo.
Đơn giản là vì khi bạn cho đi hết tất cả, bạn sẽ hy vọng sự đền đáp và biết ơn từ đối phương, nhưng nếu họ không hiểu và cảm nhận những gì bạn làm cho họ, họ sẽ không làm như theo những gì bạn kì vọng, thế là bạn thất vọng và tổn thương. Trong tất cả các mối quan hệ giữa người và người, chúng ta nên dùng sự tốt bụng của mình một cách đúng mực.
Việc bạn tốt bụng một cách quá mức với người khác như vậy, đôi khi chỉ là bạn đang mong chờ vào sự khẳng định và tán thành từ xã hội. Vì nếu bạn không tỏ ra tốt bụng và dễ tính với người khác, bạn sẽ cảm thấy nghi ngờ bản thân vì bạn không đủ tốt. Ví dụ điển hình nhất là trong công việc, vì bạn là kiểu người tốt tính và lúc nào cũng giúp đỡ người khác, chính vì vậy người khác sẽ lợi dụng sự tốt bụng đó một cách vô tội vạ và đương nhiên họ sẽ không biết điểm dừng.
Họ có thể sai vặt bạn làm những việc vô giá trị, mà những việc đó cũng chẳng liên quan gì đến công việc của bạn. Hoặc họ có thể cạch mặt bạn nếu bạn nói “Không” với những yêu cầu của họ. Hay nói cách khác, họ chỉ muốn bạn hy sinh quyền lợi của mình và nếu bạn không đáp ứng nhu cầu của họ, họ sẽ làm tổn thương bạn gấp bội.
Kết quả cuối cùng chỉ có bạn là người mệt mỏi và chịu thiệt thòi. Điều quan trọng là bạn phải vạch rõ giới hạn của bản thân với người khác, dám nói ra những quan điểm và suy nghĩ của mình mà không sợ chỉ trích và không sống trong ánh nhìn của người khác.
Lòng tốt thật sự là để người bên cạnh tự sống vui mỗi ngày, vào lúc cần giúp đỡ thì dốc hết sức giúp đỡ. Không ai có quyền áp đặt ý tốt của mình hoặc cưỡng ép người khác tuân theo “ bổn phận đạo đức” mà mình cho là đúng cả. Tôi không muốn phạm “tội tốt bụng” kiểu này với bản thân và người khác.

Nhắc đến việc dám thẳng thắn nói “Không” với người khác và không sợ bị người khác đánh giá, hãy cùng nhau điểm qua bài học thứ 2 nhé.
Bài học 2: HÃY BIẾT GIỮ VỮNG CHÍNH KIẾN & LẬP TRƯỜNG CỦA MÌNH.
Trong xã hội mà văn hóa đám đông đang chiếm ưu thế như hiện nay, việc giữ vững lập trường và chính kiến của mình là một việc vô cùng khó khăn. Vì cách mà xã hội hay đám đông vận hành, những việc mà bạn cho là nên làm và không nên làm dần dần bị lu mờ trong ý thức của bạn, cuối cùng bạn thỏa hiệp với đám đông và đứng “trơ mắt” ra trước những sự việc bất bình.
Trong câu chuyện, tác giả đọc một mẩu chuyện trên mạng, vấn đề liên quan đến trầm cảm hậu sau sinh của các sản phụ. Các sản phụ sau sinh thường sẽ rất dễ bị tổn thương và trầm cảm nghiêm trọng, điều đó dẫn đến một vài hiện tượng tâm lý bất ổn trong một thời gian. Tuy nhiên, thay vì đồng cảm và thấu hiểu cho họ, những cá nhân khác trên mạng đã bình luận một cách ác ý và không bày tỏ sự cảm thông nào dành cho vị sản phụ này.
Các câu đại loại như: “Lúc trước tôi sinh con cũng đâu có nghiêm trọng như cô, có cần phải làm quá như vậy không?” hay “Tôi cũng trải qua chuyện đó, đâu có khó khăn đến thế.” Trong tình huống này, họ đang dùng cảm nhận của chính bản thân họ để đánh giá “cái sai” của vị sản phụ kia. Tiếc thay, vì không muốn bị chỉ trích và lên án, tác giả cũng đành lẳng lặng cho qua và không nói lên được chính kiến của mình vì sợ rằng nếu mình nói ra cũng không có tác dụng gì.
Qua câu chuyện, tác giả cho chúng ta một bài học: Thay vì sáng suốt giữ mình, chi bằng tỏ ra có lập trường.
Nếu bạn bắt gặp một nữ tài xế bị một gã đàn ông đánh đập trên phố, bạn sẽ làm gì?
Nếu bạn bắt gặp một cậu bé bị tai nạn và nằm yên bất động trên phố, bạn sẽ xử lý ra sao?
Bạn sẽ dửng dưng đi qua hay bạn sẽ đi theo tiếng gọi của lương tri?
Bạn sẽ làm theo những gì bạn cho là đúng hay bạn sẽ bị tiếng nói của người đời dập cho tơi tả?
Tất cả nằm ở quyết định và sự sáng suốt của bạn.
Một người có lập trường thì thà bị chỉ trích mạnh mẽ bởi dư luận, chứ không nhất quyết bỏ qua những chuyện mà họ cho là đúng. Hãy làm những việc mà bạn không thẹn với lòng; bàn đúng sai chứ không bàn lợi hay hại; bàn cả đời chứ không bàn một lúc nhất thời.

Bài học 3: KHÔNG PHỎNG ĐOÁN & ÁP ĐẶT KỲ VỌNG CỦA MÌNH LÊN NGƯỜI KHÁC.
Chúng ta thường hay có thói quen áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác, suy đoán lung tung và tự cho rằng họ đang có ác ý với mình. Vì thiếu sự tỉnh táo và sáng suốt trong tư duy, nên chúng ta rất dễ mắc những lỗi lầm này.
Chúng ta quen xuất phát từ góc độ của mình để suy đoán, nghiền ngẫm, đánh giá người khác, mà hoàn toàn quên rằng, đối phương có thể nghiệm, có một hệ thống nhận thức hoàn toàn khác với chúng ta. Do đó, dù chúng ta có đứng ở vị trí của người đó để suy xét, cũng không thể thông qua tư duy lý tính mà biết chính xác cảm nhận và hệ thống nhận thức của đối phương, từ đó dẫn đến sai lầm nhận thức trong nhiều mối quan hệ.
Vì không biết giới hạn của bản thân và đối phương nên dễ gây ra những hiểu lầm và rạn nứt trong những mối quan hệ. Điều mà chúng ta có thể làm là giữ khoảng cách thân mật, không xâm phạm giới hạn của người khác, và chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Tuy nhiên, điều này trên thực tế lại là một việc hết sức khó khăn vì chúng yêu cầu chúng ta phải gạt bỏ đi hết những quan niệm và toàn bộ logic hành vi của chúng ta- vốn đã ăn sâu trong tiềm thức và xây dựng lại từ đầu.
Tôi nghĩ, chẳng ai thích điều này cả, vì chẳng khác nào bạn sẽ phủ định lại tất cả những niềm tin trước đây của mình, những lý lẽ mà bạn cho là hiển nhiên, hệt như bạn đang nghiền nát bản thân và sau đó là ghép lại. Tuy nhiên, đây lại là con đường duy nhất.
Cách tốt nhất bạn có thể làm là tôn trọng sự lựa chọn của người khác, không “vượt quá phận sự” cũng không “bị vượt quá phận sự”. Lựa chọn của người khác không liên quan gì đến bạn, vì đó là cách họ muốn. Bản chất của quá trình trưởng thành là khi chúng ta nhận ra hiểu lầm và không được thấu hiểu là một chuyện hết sức bình thường, đừng ép người khác hiểu mình, và cũng đừng ép mình lấy lòng người khác.

Bài học 4: TỐT BỤNG, CÓ KHI CHỈ LÀ CÁI CỚ CỦA KẺ YẾU
Có khi nào bạn gặp phải những trường hợp sau đây không?
Bạn đang xếp hàng mua đồ thì gặp một người lớn tuổi hơn chen lên trước, bạn tranh cãi với người đó, bên cạnh liền có người bảo, làm người đừng tính toán chi li, chuyện có to tát gì đâu, nhường anh ấy một chút thì có ra làm sao.
Cộng sự của bạn làm không đến nơi đến chốn, gây khó khăn rất lớn cho bạn, nhưng khi bạn nổi nóng, cô ta gạt nước mắt chạy vụt ra ngoài. Vậy là chưa đến nửa ngày, cái tiếng“miệng mồm ghê gớm, mắng người ta đến phát khóc” của bạn có lẽ đã lan truyền hết trong công ty, sau đó cả đám người đến nói với bạn, đều là đồng nghiệp với nhau cả, cậu hãy độ lượng một chút đi.
“Tôi đã mỉm cười xin lỗi anh rồi, anh còn muốn thế nào nữa?”
“Cô ấy đã thảm thương như vậy rồi, anh không thể tử tế một chút sao?”
Thật kỳ lạ là, không biết đã từ bao lâu rồi, tốt bụng lại là một cái cớ để đạp lên mọi lý lẽ?
Trong câu chuyện của Mộ Nhan Ca, cô từng có khoảng thời gian sống nhà trọ ở ghép với một cô gái, cô gái ấy gia đình giàu có tuy nhiên cô ta thì không biết làm gì trong nhà, thậm chí rửa bát cũng không. Trong khoảng thời gian ở chung, cô ta không hề quét dọn nhà, không đổ rác, không trả tiền gas và điện nước, vv, tất cả mọi việc đều do tác giả đích thân làm.
Tuy nhiên, có một hôm thì tác giả bị ốm liệt giường một tuần, thay vì giúp săn sóc cô, cô gái ấy lại cứ tiếp tục “ở không”, rác thì chất cao đầy nhà, chén bát thì để nguyên đó. Khi tác giả nổi giận thì cô ta lại đi bêu rếu khắp nơi nói rằng cô ta đáng thương ra sao, còn tác giả thì vô tình thế nào, dù biết cô ta là không biết làm gì nhưng cũng không thông cảm cho cô ta, bạn học thì khuyên là cậu nên khoan dung cho cô ta một tí, đại loại là như vậy.
Bài học mà chúng ta học được đó là thật ra làm một người tốt bụng đơn giản hơn là một người có lý. Những kẻ yếu hay là những kẻ dùng cái cớ tốt bụng của chúng ta để làm cho chúng ta cảm thấy tội lỗi. Những kẻ này thường chỉ biết đứng về phía đáng thương là xem như xong chuyện. Tuy nhiên, bạn phải hiểu một điều, dung túng cho những kẻ như thế này chỉ là rước phiền não vào thân.
Không nên để những kẻ yếu không nói lý lẽ đem lòng tốt của mình ra làm cái cớ. Hãy là một người sáng suốt và hiểu lý lẽ, bạn chỉ nên quan tâm đến những cái thiện thật sự, hay là sự thật. Đừng vội vàng tin theo lời khuyên của ai đó rồi xuôi theo đám đông để cuối cùng vừa chịu thiệt thòi vừa dung túng cho “kẻ yếu tức là có lý”. Hãy tỏ ra không khoan nhượng một cách đúng mực đối với những hạng người này.
Bài học 5: HỌC CÁCH NÓI “KHÔNG” VỚI NGƯỜI KHÁC.
Hãy thành thật với bản thân, điều gì mình cảm thấy không làm được hoặc đơn giản bạn đang ưu tiên những nguyện vọng của bản thân mình trước thì hãy nói KHÔNG. Không có lý do gì mà bạn không thể từ chối người khác, hãy học cách từ chối người khác và chấp nhận việc người khác từ chối mình. Đó là quy luật. Hãy làm một người có nguyên tắc.
Khi có ai đó yêu cầu bạn giúp đỡ trong khi bạn không có khả năng và thời gian, hãy thẳng thắn và dứt khoát bày tỏ quan điểm và sự từ chối của mình. Việc từ chối không có nghĩa là bạn vô tâm và không muốn giúp đỡ, đơn giản là bạn không thể giúp họ trong thời điểm đó được. Điều đó chứng tỏ bạn là một chân thật và có nguyên tắc. Những người hiểu bạn họ sẽ hiểu bạn và tôn trọng quyết định của bạn.
Hãy ưu tiên những việc ưu tiên của riêng mình trước, nếu cần thiết thì phối hợp với người khác khi bạn có thời gian để giúp đỡ họ. Đừng chấp nhận mọi yêu cầu của người khác vô tội vạ, quá dễ dãi và vô nguyên tắc như thế, trong mắt người khác, người ta chỉ xem việc bạn làm là một sự ngu xuẩn chứ không phải là lòng tốt nữa rồi.
Bài học 6: HÃY TÀN NHẪN VỚI BẢN THÂN MỘT CHÚT ĐỂ DÁM THAY ĐỔI.
Đừng dung túng bản thân, đừng cho phép bản thân mình sống quá an toàn và nhàn nhã đến cuối đời, hãy mạnh dạn bước ra vòng an toàn để học hỏi những điều mới, liên tục cải thiện bản thân. Bên kia của vùng an toàn là sự tự do và hạnh phúc. Hãy cứ va chạm với cuộc sống vì đó là những quyền mà con người được “hưởng”, chính sự khó khăn đó sẽ trui rèn lòng can đảm của bạn theo thời gian. Thực tế thì không ai có thể giúp bạn sống của bạn được, chỉ riêng bản thân bạn mới có thay đổi và xoay chuyển quỹ đạo cuộc đời của chính mình.

Lời kết
Đời người là một quá trình thử sai, trưởng thành cũng không ngoại lệ. Nên làm những gì, đi con đường nào, mỗi người đều tuân theo tiếng nói của nội tâm, dò dẫm từng bước một. Vấp ngã, thì bò dậy; va vỡ đầu, thì lùi lại; đi đường sai thì quay lại; lạc lối thì ngừng chân.
Cuộc đời của mỗi người mỗi khác, ai ai cũng phải tự mình trải qua, mỗi người đều có bài học nhân sinh cần bản thân một mình tự hoàn thành. Nguyện cho tất cả chúng ta luôn trưởng thành và vẫn tốt bụng như xưa, nhưng cũng đừng quên cứng rắn và khôn ngoan nhé.
Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn – Bookademy
Hình ảnh: Tuyết Sơn