Share this post on:

Quá trình trưởng thành có rất nhiều nỗi đau và thử thách chúng ta cần phải vượt qua. Mỗi giai đoạn và cột mốc cuộc đời đều đóng vai trò quan trọng trong việc định hình bản thân. Nếu như bạn không có chí hướng, cứ sống vô định không biết mình cần điều gì thì hy vọng Lời La Mắng Của Chị Gái của Kim Mi Kyung sẽ như là một kim chỉ nam chỉ dẫn và giúp bạn sáng suốt hơn. Tình cảm mãnh liệt nên lời nói cũng thêm nặng nề. Chắc chắn những lời “la mắng” này từ tác giả sẽ giúp bạn thức tỉnh để sống một cuộc đời tự chủ.

Về tác giả:

Kim Mi Kyung được mệnh danh là Oprah Winfrey Hàn Quốc, với sức lan tỏa và phủ sóng rộng rãi từ những hội thảo truyền cảm hứng cho tới các nền tảng xã hội, cô Kim Mi Kyung luôn là niềm cảm hứng bất tận cho thế hệ phụ nữ hiện đại xứ sở Kim Chi. Dù đang tiến gần đến tuổi 60 và mẹ của ba đứa con nhưng cô luôn nỗ lực và không ngừng từ bỏ việc nâng cao học vấn và sự nghiệp của riêng mình.

Đôi dòng cảm nhận về sách:

1/ Cấu trúc mạch lạc, rõ ràng, dễ theo dõi.

2/ Giọng văn có phần thẳng thắn nhưng pha chút hài hước.

3/ Bìa sách siêu sáng tạo và đặc biệt. Màu đẹp và bắt mắt, thu hút ánh nhìn của độc giả.

4/ Tác giả có nhiều kinh nghiệm và trải nghiệm sống nên những lời khuyên và chia sẻ đều hết sức thực tế.

Sách được chia làm nhiều phần, mình sẽ lược gọn thành những phần như sau: MƠ ƯỚC – CÔNG VIỆC – SỰ NGHIỆP – TÌNH YÊU- TIỀN BẠC.

Trong mỗi phần, mình sẽ chỉ nêu lên hai hoặc ba quan điểm hay và có ấn tượng nhất với mình để tránh gây dài dòng và lan man nhé.

PHẦN 1: MƠ ƯỚC

Phần này xoay quanh những mơ ước và tham vọng của con người. Tác giả chỉ ra những quan niệm sai lầm và cách chúng ta đặt ra mục tiêu cho bản thân và mau chóng hoàn thành chúng.

|| Bạn cần phân định rõ ràng sự khác nhau giữa: Ước mơ dựa trên tham vọng và ước mơ dựa trên thực tế hay sự thấu suốt.

Ai cũng có ước mơ và những hoài bão của riêng mình. Nhưng so với việc hiện thực hóa ước mơ bằng hành động với việc  chỉ ngồi đó suy nghĩ và lên kế hoạch sẽ cho ra hai kết quả khác nhau.

Theo tác giả, ước mơ cần dựa trên thực tế thì khả năng đạt được thành công sẽ cao hơn so với ước mơ dựa trên những ảo tưởng và những mơ mộng hão huyền. Sự khác nhau lớn nhất giữa những người thành công và thất bại nằm ở chỗ họ có khả năng tích lũy những “dữ liệu” mỗi ngày để biến ước mơ của mình thành sự thật hay không. Vậy dữ liệu ở đây nghĩa là gì?

“Dữ liệu” ở đây nghĩa là những bằng chứng, những kinh nghiệm cũng như trải nghiệm trong quá trình bạn đi đến thành công trong việc đạt được mục tiêu. Chúng không phải là những gì quá to tát, mà chỉ là những cột mốc nhỏ trong cuộc đời bạn. Nếu không có chúng thì khả năng bạn đạt được mục tiêu đề ra rất khó.

Còn ước mơ dựa trên tham vọng đại loại là kiểu:

“Sau này lớn lên con sẽ trở thành tổng thống.”

“Tôi muốn trở nên giàu có”.

Chẳng đầu chẳng đuôi cứ nói người giàu có vậy đó. Đây là ước mơ dựa trên tham vọng. Ước mơ dựa trên tham vọng thì không có tính khả thi. Ước mơ phải được ấp ủ trong khi nhìn nhận một cách thấu đáo cụ thể.

Ví dụ:

Nếu như bạn đặt cho mình một ước mơ (mục tiêu) là trở thành một người có cơ thể “sáu múi”, cường tráng và khỏe mạnh thì những dữ liệu ở đây có nghĩa là những ngày bạn tích lũy như tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày, ăn uống có chừng mực, bổ sung nhiều rau củ và trái cây cần thiết, hạn chế ăn đồ ăn ngoài, vv. Những dữ liệu này là CƠ SỞ cho bạn thấy được bức tranh tổng thể và biết được rằng mình cần ước mơ như thế nào. Nếu bạn theo dõi và tập luyện như kế hoạch đã định sẵn thì việc có một ngoại hình đẹp là nằm trong tầm với. Ngược lại, nếu chỉ ngồi đó ao ước một ngày nào đó trở nên săn chắc và khỏe mạnh hơn mà không có bất kỳ hành động nào thì e là bạn sẽ phải đợi một thời gian rất dài.

Ước mơ của bất kỳ ai cũng đều đáng quý và tôn trọng. Khi một ai đó nói với bạn rằng, một ngày nào đó họ sẽ mua nhà, siêu xe hoặc sẽ làm việc tại một trong những công ty danh giá nhất thế giới thì bạn cũng đừng ngạc nhiên. Đừng vội cho rằng họ khoác lác và chỉ biết khoa trương, biết đâu họ đã tích lũy cho mình những dữ liệu suốt ngần ấy năm để đợi ngày hiện thực hóa ước mơ.

Sẽ có nhiều người cho rằng, nếu như không có “dữ liệu” thì cũng không có ước mơ luôn hay sao? Câu trả lời là bạn vẫn có thể có ước mơ và tham vọng. Đơn giản là hãy bắt đầu xây dựng nên những dữ liệu ấy ngay bây giờ. Bắt đầu từ bước đi nhỏ nhất và tích lũy dần dần.

Nếu như bạn muốn quản lý tài chính tốt và tiết kiệm được 100 triệu/tháng thì hãy bắt đầu tiết kiệm tiền ngay bây giờ. Từng ngày từng ngày một ít. Tích tiểu thành đại.

Nếu như bạn muốn trở thành một nhà văn, hãy viết mỗi ngày. Học hỏi và tích lũy ngày qua ngày những bí quyết cũng như những bài học cần có để trở thành người viết chuyên nghiệp.

Những điều này hoàn toàn không khó. Cái khó là lên kế hoạch và thực hiện chúng ngày qua ngày. Hay nói cách khác, sự tự kỷ luật là điều vô cùng quan trọng.

Vì vậy, giữa một người chỉ biết khoác lác về việc thực hiện ước mơ trong khi trong tay không có gì và một người lặng lẽ hành động từng chút một để tiến đến mục tiêu đề ra thì người thứ hai là người đáng được tôn vinh.

Tự đối thoại và hỏi chính mình rồi hành động dựa trên lời đáp mà ta nhận được là tư thế cơ bản của một người có ước mơ.

|| Biến số năng lực = Thành tâm x Kiệt xuất

 Công thức trên có nghĩa là gì?

Trong công việc, bạn muốn nhận được mức lương gấp bốn lần so với đứa ngồi cạnh không? Vậy thì hãy chăm chỉ gấp bốn lần, hoặc chăm chỉ gấp đôi cùng với nâng cao sự kiết xuất thêm hai lần. Biến số năng lực này có mối liên kết trực tiếp với mức lương hiện tại của bạn.

Người làm việc năng suất nhất không hẳn là người làm nhiều việc nhất, mà là người biết sử dụng thời gian của mình một cách TỐI ĐA nhất.

Sự thành tâm sử dụng tiết kiệm thời gian một cách tối đa cùng với sự kiệt xuất có thể nhìn thấu trọng tâm của công việc trở thành thước đo có thể đánh giá khách quan năng lực của chúng ta.

Ví dụ: Nếu so với hiện tại, sự thành tâm sử dụng thời gian một cách tiết kiệm tăng lên ba lần, và sự kiệt xuất trong công việc cũng tăng gấp ba lần thì ta có phép nhân 3×3=9. Con số 9 này mang ý nghĩa là năng lực của bạn sẽ tăng gấp 9 lần so với hiện tại.

Ví dụ: Mức lương của bạn là 8 triệu/tháng thì biến số năng lực của bạn khi 2 khía cạnh nêu trên tăng gấp ba lần là: 

Biến số năng lực = 3×3 = 9×8 =72 triệu/tháng. Con số này hoàn toàn khả thi nếu như bạn dốc hết sức vào nâng cao giá trị bản thân. Tất cả chỉ là vấn đề thời gian.

Nếu trong bất kỳ khía cạnh nào trong cuộc sống, bạn luôn trau dồi biến số năng lực của mình thì khoảng cách giữa bạn và thành công sẽ không xa. 

Nếu có thể vừa rửa bát vừa nghe radio học thêm tiếng Anh thì bạn sử dụng thời gian tiết kiệm nhất.

Nếu có thể ngồi trong xe buýt và đọc sách trong khi chờ đợi thì quả thật rất lý tưởng. Thay vì lướt điện thoại, hãy dành thời gian đó để nâng cao tri thức và mở rộng góc nhìn thông qua sách.

Nếu khi bạn ngồi một mình và không biết gì làm thì hãy sử dụng thời gian đó để học một điều gì đó mới: học ngoại ngữ, đọc những chủ đề bạn quan tâm, nấu một món ăn yêu thích, vv.

Nếu trong công việc, bạn xung phong trong việc nhận nhiều trách nhiệm hơn, làm việc hiệu quả và chuyên nghiệp hơn bình thường thì việc thăng chức lên chức vụ mới là điều dễ hiểu.

Khi làm bất cứ điều gì, hãy suy nghĩ đến CHI PHÍ CƠ HỘI (Cost Opportunity). Khi thời gian bạn phung phí cho những chương trình truyền hình Netflix hay trò chuyện phím thì bạn đã mất một khoảng thời gian giá trị cho việc nâng cao năng lực bản thân. Đây là bài học mà mình học được để tránh lãng phí thời gian vào những việc không quan trọng.

Điều này cũng áp dụng rất tốt trong công việc. Nếu như bạn chăm chỉ hơn số đông, làm việc thông minh và sử dụng tiết kiệm nhất có thể (có thể làm nhiều việc cùng lúc) thì bạn đã đi xa rất nhiều người.

Lưu ý: Làm nhiều việc cùng lúc theo cách thông minh nhé. Có thể tự động hóa công việc hoặc sử dụng phần mềm quản lý khách hàng để tiếp cận khách hàng cùng một lúc như gửi email để tránh gây mất thời gian làm những việc thủ công.

Đừng tiêu xài phung phí thời gian quý báu vào đầu tư cổ phiếu mà nâng cao biến số năng lực của bản thân mình. Cứ nâng cao biến số năng lực như thế rồi em sẽ gặp được một bản thân trên mức lương tưởng tượng của chính mình lúc nào không hay.

PHẦN 2: CÔNG VIỆC

Phần này xoay quanh những vấn đề phụ nữ thường gặp trong công việc. Kim Mi Kyung đồng thời cũng cho chúng ta những bí quyết và lời khuyên giúp phụ nữ nói chung có một chỗ đứng vững chắc trong xã hội.

|| Hãy học hỏi “tình đồng chí” của những người đàn ông

Phụ nữ phải xóa bỏ suy nghĩ rằng ở công ty chỉ cần thông minh là được. Trong mười việc thì chỉ có một, hai việc có thể xử lý được bằng sự thông minh. Còn lại đa phần đều phải giải quyết nhờ vào tình chiến hữu khăng khít và tinh thần làm việc nhóm.

Công sở là nơi nếu ta không thấu hiểu người khác và không liên tục tiếp thu những điểm mạnh của họ thì ta sẽ sẽ không thể chịu đựng được dù chỉ vài tháng.

Vấn đề của hầu hết phụ nữ chúng ta là kể từ khi còn nhỏ, chúng ta đã không có quá nhiều trải nghiệm tập thể cùng nhau. Hầu hết thời gian đi học từ cấp một, cấp hai rồi đến thi đại học. Chỉ cần một mình học rồi đạt hạng nhất. Chỉ cần giữ mối quan hệ với giáo sư tốt là được, không cần quan tâm mấy đứa khác có nhốn nháo hay ồn ào hay không. Chỉ cần chăm chỉ, học xong rồi về. Chẳng việc gì cần phải hợp tác.

Tuy nhiên, ở nơi công sở, chẳng có mấy việc có thể giải quyết theo cách đó. Dù có là dự án nào đi nữa thì việc phát huy tinh thần làm việc nhóm là vô cùng quan trọng. Cánh đàn ông hay nói đó là “tình chiến hữu”.

Phụ nữ được ví như “nhân viên làm thêm” chỉ đi làm vào ban ngày. Ban ngày thì hoàn thành xong hết việc, tối thì về nhà với chồng con. Hầu hết những buổi tiệc liên hoan công ty đều rất ít thấy họ tham gia. Đa phần là một số lý do như:

 “Em phải đi đón con rồi ạ”.

“Hôm nay là sinh nhật mẹ chồng em, em phải sắp xếp và lo liệu ạ.”

và sau đó họ rời đi.

Đối với phụ nữ thì những vấn đề về gia đình, con cái đều là những việc quan trọng và chúng ta cần phải quán xuyến. Tuy nhiên, bạn chỉ nên tập trung vào những điều then chốt và lên kế hoạch để tham gia những sự kiện trong công ty. Không nhất thiết là bạn PHẢI tham gia tất cả những buổi tiệc liên hoan hay sự kiện quan trọng đó. Tuy nhiên, bạn nên có mặt ở những dịp liên hoan khi nhóm mình đạt được một thành quả nào đó – dịp mà mọi người sẽ cùng tổ chức ăn mừng và hô vang “Cố lên”.

Không những thế, những dịp sự kiện như thế cũng là nơi những thông tin quan trọng được trao đổi.

“Nhân uống rượu đây nên anh nói chuyện này, sắp tới công ty quyết định gửi một người đi học thạc sĩ quản trị kinh doanh. Vốn không phải chuyện để nói trên bàn rượu mà phải nói tại nơi đông đủ mọi người. Mà mấy đứa có muốn đi không?”

Đại loại là các kiểu như thế. Nếu bạn không đi thì rất có khả năng cơ hội sẽ vụt mất trong tầm tay lúc nào không hay. Ngoài ra, các buổi tiệc liên hoan cũng là nơi mọi người hàn gắn vết thương xảy ra trong những lần xảy ra mâu thuẫn để từ đó thấu hiểu và cảm thông cho nhau.

Nếu trở thành một người phụ nữ lúc nào cũng vắng mặt thì em sẽ bị cho ra rìa trong lòng họ. “Phụ nữ là ngoài rìa”, cánh đàn ông vẫn thường hay nói câu này. Đây không phải là ngoài rìa trong công việc mà là ngoài rìa trong lòng. Trong môi trường công sở, ngoài rìa trong lòng là vô cùng nguy hiểm. Không hoàn thành môn học quan trọng thì trở thành lãnh đạo sao được.

Không những thế, ngoài việc linh hoạt trong việc tham gia những hoạt động tập thể, nếu muốn trở thành một nhà lãnh đạo tài ba thì bạn cần phải có năng lực hàn gắn và giúp nội bộ làm việc trong tâm trạng vui vẻ và thoải mái. Không những phát huy thế mạnh của mỗi người mà còn khắc phục những điểm yếu của từng cá nhân trong công ty là điều quan trọng.

Khi phụ nữ lên một chức vụ cao và quan trọng thì năng lực giải quyết vấn đề cũng sẽ tăng theo. Ngoài việc tự quản lý đội nhóm của mình, còn phải cân bằng và hỗ trợ các phòng ban khác có liên quan. Nếu chỉ khăng khăng cho rằng chỉ cần thông minh là được, còn những việc trong công ty “ai làm gì mặc ai” thì một ngày nào đó, bạn sẽ được cho ra rìa. Mà phụ nữ cứ liên tục đứng ngoài rìa từ khi còn là nhân viên mới thì liệu có thăng tiến được không? Và quan trọng hơn, liệu có ai muốn làm nhân viên cấp dưới của một người phụ nữ như thế?

PHẦN 3: SỰ NGHIỆP

 Nội dung phần này xoay quanh những vấn đề chốn công sở, những băn khoăn mà chúng ta hay gặp phải như thời kỳ chuyển việc, chịu đựng áp lực công việc và mâu thuẫn giữa mối quan hệ con người với con người.

|| Dù việc có vất vả cũng gắng chịu đựng nhưng con người đáng ghét thì chịu không nổi ư?

Tại sao bạn nghỉ việc? Câu hỏi này có lẻ là câu hỏi thường được các nhà tuyển dụng hỏi nhất khi ứng viên trong quá trình phỏng vấn. Hầu hết các lý do phổ biến nhất được nhắc đến đó là các mối quan hệ giữa người với người.

“Do cấp trên công ty cũ cằn nhằn quá nên em đã nghỉ việc.”

“Do đồng nghiệp đấu đá lẫn nhau quá nên em đã không còn động lực để đi làm.”

Thật ra, có rất nhiều khi chúng ta quá nhạy cảm trong mối quan hệ với con người, đặc biệt là phụ nữ, nên đôi khi vô tình những mâu thuẫn và đối đầu lại trở thành nguyên nhân “không đâu vào đâu” khiến chúng ta muốn bỏ việc.

Nếu nhìn trên khía cạnh chủ quan nhất, nếu một môi trường làm việc quá độc hại thì việc rời đi là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nếu nhìn trên góc độ khách quan nhất, nếu công ty và chính sách đều khá tốt chỉ có những mối quan hệ với đồng nghiệp hay cấp trên có vấn đề thì việc cân nhắc rời bỏ công việc thật sự chưa hợp lý lắm.

Làm việc ở công ty nào cũng vậy, luôn sẽ có những người đồng nghiệp hoặc sếp trên xấu tính, tỷ lệ này chiếm 20-30%. Nếu bạn chuyển sang một môi trường khác thì có chắc chắn bạn không lại người tương tự? Cách khôn ngoan nhất không phải là trốn tránh vấn đề mà là học cách đối mặt và thích ứng với nhiều loại tính cách khác nhau của con người.

Càng làm việc lâu dài tại công sở thì ý chí càng quan trọng hơn năng lực. Sức mạnh chống chọi và chịu đựng là mang tính tuyệt đối. Thế nhưng người mà ngay cả những va chạm về mặt con người  nhỏ nhặt cũng không thể chịu đựng được thì làm sao xử lý công việc to lớn của công ty.

Con người không ai là giống nhau, tính cách không hợp nhau là chuyện bình thường. Đối với từng loại người sẽ cho bạn những bài học mà bạn cần phải học. Đối với một người sếp có nguyên tắc rõ ràng thì bạn cũng sẽ học được làm việc có kế hoạch và trách nhiệm hơn. Còn đối với một người sếp luôn quan tâm nhân viên, luôn thể hiện hòa khí thì bạn cũng sẽ trở nên tốt hơn. Nhưng đối với một người sếp không biết lên kế hoạch thì bạn cũng sẽ học cách chủ động trong công việc và tự lập hơn trong mọi quyết định của mình. Hay nói cách khác, lấy nhược điểm của họ làm bài học kinh nghiệm, biến ưu điểm của họ thành của ta.

Nếu chỉ trưởng thành dưới trướng những cấp trên có tính cách giống nhau thì chắc chắn đã không thể có ý chí và năng lực giải quyết nhiều vấn đề đa dạng như bây giờ.

Chính vì vậy, dù mối quan hệ con người có mệt mỏi đến đâu cũng hãy dũng cảm đối mặt với nó. Hãy suy nghĩ mình đang thực hiện một dự án khó, mà dự án thì cũng sẽ có lúc kết thúc. Quan trọng là phải chờ đợi và từ từ giải quyết. Mọi chuyện rồi sẽ qua. Tuyệt đối không được rung chuyển phím phương hướng cuộc đời ta vì những con người không đâu.

|| Sự cấp bách chính là chất bổ dưỡng nuôi sống một con người

Điều này có nghĩa là trong những thời khắc cấp bách nhất, năng lực con người sẽ được kích hoạt lên mức tối đa.

Sẽ như thế nào nếu bạn biết ngày mai là ngày diễn thuyết trước hàng chục đối tác lớn?

Sẽ như thế nào nếu bạn chỉ còn hai ngày để hoàn thành bài báo cáo cho cấp trên?

Sẽ như thế nào nếu như đầu bếp phải chuẩn bị thức ăn cho 100 người trong sáng ngày mai?

Khi bị đặt trong một tình thế gấp rút và khẩn cấp, con người ta sẽ phát huy năng lực của mình, và đặc biệt trở nên sáng tạo hơn.

Khi cho bạn một thời hạn nhất định (deadline), bạn sẽ phải sử dụng thời gian hiệu quả và ưu tiên những thứ quan trọng trước thay vì làm những việc lặt vặt. Bạn sẽ làm việc thông minh và hiệu quả hơn gấp nhiều lần bình thường. Đó là sức mạnh của sự cấp bách.

Trong sách, tác giả có đề cập đến quy tắc “10.000 giờ” trong quyển Outliers của Malcolm Gladwell, đại ý là nếu bạn miệt mài trong vòng 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày vào công việc của mình và liên tục làm điều đó trong vòng mười năm thì bạn sẽ thành công.

Nếu chỉ có 3 tiếng đồng hồ, vậy 21 tiếng còn lại đi đâu? Câu trả lời nằm ở Prime Time (giờ trọng điểm) và Sub Time (giờ phụ). Chẳng hạn, ba tiếng đồng hồ tác giả thuyết giảng là Prime Time, thời gian còn lại là Sub Time chuẩn bị cho sự thuyết giảng đó.

Nếu muốn trở nên xuất chúng, bạn hãy tự hỏi bản thân rằng: “10.000 giờ của mình đã bắt đầu chưa?”, sau đó hãy đi tìm câu trả lời. Đừng chỉ ngó nghiêng đây đó rồi già đi như thế, bạn phải xây dựng cho mình một kế hoạch để có thể xuất sắc và ưu tú hơn mỗi ngày hơn những người bình thường. Hãy dành ra ba giờ đồng hồ mỗi ngày làm những việc quan trọng và cứ như thế làm việc. Cứ như thế, bạn sẽ trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà bạn mong muốn bấy lâu nay.

Thứ không thể tin tưởng nhất là chính bản thân mình. Ngay trong chính mình cũng có người mới vào và cao thủ. Tuyệt đối không được tin vào người mới vào nghề.

|| Đừng gọi là stress, hãy gọi đó là nhiệt huyết!

“Mệt mỏi”. “Kiệt sức”. “Phát điên vì stress mất.”

Chị tuyệt đối không nói những lời này trong khi làm việc. Tất nhiên, trước đây chị cũng bị stress rất nhiều. Suy nghĩ thì thấy, chỉ khi đang làm việc, stress mới tìm đến chị. Bởi vậy, đó không phải là stress mà là nhiệt huyết với công việc. Thời điểm bị stress, đó là khi ta đang trong quá trình trăn trở và làm nên thứ gì đó.

Thông thường, khi đi làm việc bị stress và căng thẳng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quá bị áp lực và lúc nào cũng nơm nớp lo sợ vì chúng.

“Tôi mệt muốn chết”, “Giờ tôi kiệt sức rồi.” Đây là những câu mà bạn thường hay nghe trong công sở. Tuy nhiên, nếu bạn biết thay đổi “thói quen phát ngôn” thì nó sẽ quyết định đến “thói quen làm việc” của bạn. Thay vì nói “tôi đã kiệt sức”, ta có thể nói “tuy mệt mỏi nhưng tôi đã làm được”.

Điều này mình hoàn toàn đồng tình vì đã có khoảng thời gian mình mệt mỏi và kiệt sức với hàng tá công việc, nhiều lúc muốn bỏ việc. May thay, mình đã không suy nghĩ đường đột như thế. Stress là một phần của công việc, nó sẽ đi theo bạn trong suốt sự nghiệp hành nghề của mình. Thế nhưng,áp lực sẽ dần tan biến trong quá trình bạn làm việc. Nếu làm được 10% công việc thì áp lực cũng tan biến 10%, nếu làm được 20% công việc thì tan biến 20% căng thẳng.

Đối với những người nổi tiếng hay những nghệ sĩ hàng đầu thực thụ, tuy họ là siêu sao và được nhiều người mến mộ, nhưng họ vẫn chịu áp lực vô cùng. Cho dù công việc bản thân làm tốt đi chăng nữa, nhưng vì muốn làm tốt hơn nữa mới cảm thấy áp lực nặng nề.

Không chỉ stress trong quá trình làm việc tại nơi công sở mà còn stress khi đang nghỉ ngơi cuối tuần ở nhà. Mọi người thường có một nỗi sợ hãi và lo lắng rằng: “Việc tồn đọng biết bao giờ mới làm đây?”. Khi ở nhà thì hay suy nghĩ lung tung về đống công việc chưa hoàn thành trong công ty. Để tránh căng thẳng, bạn có thể lên kế hoạch cho ngày trước đó những công việc cần phải hoàn thành để chuẩn bị tâm lý và tinh thần. Khi đã biết mình cần làm gì vào ngày hôm sau thì áp lực cũng giảm đi đáng kể.

Một người hành nghề thì không được thả lỏng hoàn toàn. Luôn luôn phải sống chung với cảm giác căng thẳng thích hợp trong sự stress vừa phải.

Mọi người thường sợ stress nhưng họ chỉ đang nhìn một mặt của vấn đề, bên kia vấn đề đó là thành quả, và sự vui mừng hãnh diện khi hoàn thành công việc áp lực đó. Stress là một “gia vị” không thể thiếu trong công việc. Có stress, có căng thẳng thì bạn mới biết khả năng của mình có thể chịu đựng và xử lý đến đâu, nếu chỉ làm những việc nhẹ nhàng mà không có chút áp lực nào thì liệu có phải bạn đang phí hoài giá trị và năng lực của mình không? Chẳng những không học được điều gì, mà còn trở thành một nhân viên lười biếng. 

Vì vậy, hãy “chơi đùa” với stress và hãy biết thả lỏng một cách hợp lý. Đừng vì quá căng thẳng mà đánh mất đi niềm vui trong công việc. Nếu đã tận hưởng và quyết định chọn công việc này thì ít ra bạn phải có sức chịu đựng dẻo dai để nếm trải những khó khăn và áp lực đi kèm chứ, đúng không nào?

Hôm nay em cũng bị stress ư? Đó là chứng cứ em đã làm hết sức mình.

PHẦN 4: TÌNH YÊU & HÔN NHÂN

Nội dung phần này xoay quanh những vấn đề thường xảy ra trong hôn nhân của các cặp vợ chồng/ các cặp đôi trong tình yêu và bí quyết để chữa lành những rạn nứt không đáng có.

 || Muốn hiểu được tình yêu của người đàn ông cần có “thông dịch.”

Điều này có nghĩa là sao? Tức là cách thể hiện tình yêu giữa đàn ông và phụ nữ sẽ khác nhau hoàn toàn. Phụ nữ thường có xu hướng giao tiếp bằng ngôn ngữ phi hình thể, còn đàn ông thì ngược lại. Khi giận dỗi hay có điều gì muốn nói thi phụ nữ thường hay thể hiện cử chỉ trên khuôn mặt, hay hành động nhằm gây sự chú ý với đối phương. Còn đàn ông thì họ chỉ nhìn thấy những gì đang xảy ra trước mắt, phân tích bằng lý trí và thường sẽ bỏ qua và phớt lờ những hành động phi ngôn ngữ của phụ nữ.

Nếu đi trong một đám bạn cùng mua sắm, nếu có một đứa không mua thì chúng ta thường sẽ hay hỏi là: “Sao cậu không mua, có chuyện gì thế?”, còn đối với đàn ông thì sao: “Chắc không có gì đáng mua nên không mua.” Hay nói cách khác, đàn ông sẽ không tìm hiểu thêm ngoài những gì họ thấy bên ngoài. Họ suy nghĩ rất đơn giản, còn phụ nữ thì ngược lại. Nói như thế nhưng bên trong lại suy nghĩ khác.

Trong tình yêu và hôn nhân thì đa phần phụ nữ và đàn ông đều sẽ có xu hướng giao tiếp như vậy. 

Phần lớn các cuộc cãi vã của hai vợ chồng thường nảy ra vì cử chỉ, hành động của phụ nữ. Đàn ông nếu có lời muốn nói thì phải nói ra rõ ràng. Nếu nói chuyện thông qua cử chỉ hành động thì chỉ số stress của họ sẽ tăng cao vô cùng.

“Em phải nói bằng lời chứ, rốt cuộc tại sao em lại hành động như thế?”

Đó không phải là hành động mà thực ra phụ nữ đang nói. Người đàn ông thì càng bực bội về việc biểu lộ sự bất mãn của phụ nữ bằng hành động. Thật ra, sẽ có những người đàn ông họ thấy sự thông cảm và thấu hiểu người phụ nữ của mình, quan tâm từng cử chỉ xem đối phương có ổn không. Khía cạnh này thì chúng ta không bàn đến. Nhưng trong thực tế, đa phần chúng ta cần điều chỉnh cách thức giao tiếp với nhau để cả hai có thể hiểu và yêu thương nhau hơn.

Vì vậy, theo Kim Mi Kyung, cô đã ví đôi vợ chồng giống như một sinh vật huyền bí với một thân và hai đầu. Cô cho rằng để mối quan hệ thay đổi thì chỉ cần một bên thay đổi là được. Nếu phụ nữ hiểu tâm lý đàn ông trước thì có thể điều chỉnh phù hợp với đối phương. Nếu có gì không vừa lòng thì phụ nữ có thể nói trực tiếp để người đàn ông của mình hiểu.

Nếu đưa vào miệng đối phương thìa mật ong ngọt ngào thì cơ thể ta cũng sẽ trở nên dịu ngọt. Nếu đưa vào miệng đối phương ly thuốc độc thì cơ thể ta cũng sẽ đau đớn. Vậy nên, chỉ cần một trong hai vợ chồng sáng suốt không ngoan thì cặp vợ chồng nào cũng sống tốt như vậy.

Nhưng theo cá nhân mình thì để mối quan hệ bền vững và lành mạnh, cả hai người phải cùng thay đổi vì nhau. Nếu chỉ có một người chịu thiệt và thay đổi nhưng đối phương thì không có bất cứ động thái nào thì cũng vô ích.

|| Hãy thiết lập “mối quan hệ đối tác” với chồng

Quan điểm loại bỏ “suy nghĩ đầy tớ” của tác giả giúp chúng thay đổi góc nhìn trong cuộc sống hôn nhân cho cả người chồng và vợ.

Chồng có hay giúp đỡ bạn làm việc nhà không?

Đây là câu hỏi được hỏi nhiều trên truyền hình. Chồng “giúp đỡ” việc nhà? Đó là việc mà anh chồng hảo tâm giúp đỡ ư? Trong bản hợp đồng kết hôn đâu có viết rằng dọn dẹp là việc mà chỉ có phụ nữ phải làm. Cả đàn ông và phụ nữ đều ra ngoài làm như nhau. Vậy thì việc nhà thì cũng phải làm giống nhau chứ.

Tuyệt đối không được gieo vào đầu người chồng/ người vợ tư tưởng “đầy tớ”. Cả hai phải cùng giúp đỡ và hỗ trợ lẫn nhau. Chỉ khi có “suy nghĩ mối quan hệ đối tác” mới là con đường dẫn đến hạnh phúc.

Vợ chồng phải duy trì mối quan hệ đối tác và chung sống với nhau. Không ai là đầy tớ của ai, cả hai đều là cá thể đồng cấp và là đối tác của nhau. Hai vợ chồng cùng nhau dọn dẹp, cùng rửa bát, cùng nuôi dạy con cái và dẫn dắt gia đình.

Trong tất cả mọi khía cạnh, người chồng/ người vợ đều luôn thấu hiểu cho nhau. Sẽ không vì những nghi ngờ không cần thiết mà làm rạn nứt mối quan hệ. 

Nếu người vợ có chuyến đi công tác sáu tháng thì một người chồng tâm lý và xem vợ là đối tác thì sẽ nói rằng: “Em đừng lo, bọn trẻ để anh chăm sóc”, chứ không phải nói câu: “Còn con cái thì sao?”. Ngay từ đầu thời kỳ hôn nhân, phụ nữ cần phải thiết lập tư tưởng cho đàn ông.

Ngược lại, phụ nữ cũng phải giữ mối quan hệ đối tác. Liệu chuyện xấu hay tồi tệ không xảy đến với chồng mình sao? Ví dụ như công ty chồng bị phá sản, và người chồng phải ở nhà 1, 2 năm. Một người phụ nữ có tinh thần hợp tác sẽ cho chồng thời gian chuẩn bị để vực dậy. Cô ấy sẽ không vì chồng ở nhà mà khinh thường, bởi cô ấy suy nghĩ rằng, sống trên đời cũng có khi gặp phải những chuyện chẳng lành, và chuyện như vậy cũng sẽ đến với bản thân bất cứ lúc nào. Vì thế, cô ấy chọn cách thấu hiểu cho chồng.

Để có một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì việc xây dựng văn hóa gia đình từ đầu thời kỳ hôn nhân là một hướng đi đúng cho tất cả chúng ta. Chỉ khi như vậy thì khi về già bạn mới hạnh phúc.

PHẦN 5: TIỀN BẠC

|| Hãy tạo lịch sử cho đồng tiền của bạn

Khi nói đến tiền bạc thì chúng ta có hai khái niệm là “tiền thực” và “tiền giả”. Vậy hai điều này chúng ta biết để làm gì?

Tiền thực là những đồng tiền do chính tay chúng ta làm ra. Chúng là những “hạt giống” đầu tiên. Đồng tiền thực thụ là những đồng tiền do chính công sức của bạn bỏ ra, bạn có dùng chúng để mua những gì bạn muốn. Tất cả đều nằm trong phạm gia giới hạn đồng tiền mà bạn có.

“Tiền giả” là tiền không phải là của bạn. Hay nói khác hơn, đó là đồng tiền của người khác. Từ lúc nhỏ, chúng ta đã sử dụng những loại tiền giả này rất nhiều. “Tiền giả” này là tiền tiêu vặt của cha mẹ, của người thân xung quanh. Tiền này không có cơ sở và mang tính tạm thời. Vì chúng không phải là của bạn nên việc được mất là một chuyện dĩ nhiên.

Đồng tiền giả khi bạn tiêu xài, cảm giác vui vẻ có đây, chúng khiến bạn hạnh phúc nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, cảm giác này sẽ mau chóng lụi tàn. Vì đồng tiền giả là tiền của người khác nên khi sử dụng, bạn cũng chẳng biết lịch sử nó từ đâu ra, và bạn luôn tiêu xài một cách phung phí và vô tội vạ.

Nhưng đối với đồng tiền thực thụ do chính mình làm ra thì khi sử dụng, bạn sẽ biết trân quý chúng. Bạn sẽ chi tiêu hợp lý và biết ơn công sức mà mình bỏ ra để có được chúng. Lịch sử của đồng tiền thực thụ là bạn biết nó đến từ đâu, nó đến từ những nỗ lực cay đắng và gian khổ biết nhường nào. Từ đó, bạn sẽ không bao giờ xem thường nó.

Vậy từ ngay bây giờ, hãy nói không với tiền giả. Người khác cho bạn bao nhiêu thì họ có thể lấy lại bấy nhiêu. Quy luật trò chơi lúc nào cũng đơn giản như thế. Hãy tạo lịch sử cho đồng tiền, từ đó bạn sẽ biết trân trọng chúng hơn. Khi bạn biết được mình cực khổ thế nào để kiếm được đồng tiền này thì bạn sẽ tiết kiệm và chi tiêu có chừng mực và hợp lý hơn.

Đừng bao giờ so sánh khả năng kiếm tiền của mình với người khác. Họ có nhận mức lương cao hơn bạn hay tiêu xài nhiều hơn bạn thì đồng tiền đó thuộc về họ, KHÔNG PHẢI thuộc về bạn. Đừng đi ghen tỵ với tiền giả (tiền của người khác). Hãy trân trọng tiền thực của chính mình và biết ơn giá trị đồng tiền mang tới cho cuộc sống của bạn.

|| Đồng tiền dạy dỗ con người thông qua sự thiếu thốn

Em đã từng vì tiền mà khóc chưa? Đã từng vì tiền mà muốn chết? Em chưa từng vì đồng tiền mà nổi tính hiếu thắng không chịu thua?

Đồng tiền thực sự chính trực. Chính trực tới mức đáng ghét vô cùng. Nó nhất định khiến ta phải trả giá. Thêm nữa, đồng tiền không khai sáng cho con người qua sự sung túc dồi dào. Nó có tật xấu là khai sáng thông qua sự thiếu thốn.

Nhiệt huyết, thách thức, kiên trì, hiếu thắng, dũng khí. Căn nguyên của tất cả những thứ này là gì? Đó chính là đồng tiền. Cứ thử hết tiền mà xem. Ngay cả năng lực trước kia chưa từng có cũng tự nhiên xuất hiện. Em có nhớ những đợt kiểm tra giữa kỳ thời còn cắp sách tới trường không? Đêm trước ngày kiểm tra thật ảm đạm, mờ mịt ấy. Khi nước tới chân mới nhảy thì bỗng dưng cơn buồn ngủ cũng biến mất và ta tập trung vùi đầu vào sách vở với một sức mạnh phi thường. Đây chính là sức mạnh của thời hạn (deadline). Thế gian đã từng thảnh thơi, thư thả đột nhiên quay cuồng như bị lửa đốt. Sức mạnh của đồng tiền chính là điều này. Dĩ nhiên là đúng vào lúc chẳng còn xu dính túi.

Nếu bạn không có tiền thì bạn sẽ điên cuồng làm mọi cách để có được nó. Trong những tình huống cấp bách nhất, đồng tiền dạy cho chúng ta mau chóng trưởng thành. Khi bạn cần tiền thì mọi năng lực ẩn sâu bên trong đều lôi dùng ra hết thảy. Khi đặt con người vào trong tình thế cấp bách thì họ sẽ biết sử dụng năng lực và khả năng nội tại của mình ở mức tối đa nhất.

Nếu sống trong sự sung túc và an nhàn thì bạn sẽ không hiểu được giá trị của đồng tiền. Bạn cũng sẽ chẳng biết năng lực của mình tới đâu nếu như không rơi vào cảnh “cần tiền”.

Lịch sử của tất cả loài người xuất phát từ sự thiếu thốn và khổ nạn. Bởi vậy mong em không phán xét đồng tiền và cũng không để đồng tiền điều khiển mình – mà hãy để đồng tiền “dạy dỗ” bản thân, tiếp nhận điều đó với thái độ lạc quan và tư duy trưởng thành.

 Lời kết

Mong rằng sau khi nhận được những sự “la mắng” từ cô chị gái Seoul này, bạn có thể tái thiết lập lại cuộc đời của chính mình trong tất cả mọi khía cạnh cuộc sống. Trở nên mạnh mẽ và bản lĩnh hơn. Biết đấu tranh và sống hết mình với một trái tim chân thành và bản lĩnh nhất. Hy vọng khi đi qua bao chông gai cuộc đời, Lời la mắng của chị gái sẽ là chỗ dựa để bạn có thể ngồi ngẫm nghĩ và suy tư về con đường mình đang đi.


Review chi tiết : Tuyết Sơn – Bookademy
Hình ảnh: Tuyết Sơn