Share this post on:

Giới thiệu về Gill Hasson: Gill Hasson là một giáo viên, người hướng dẫn và là nhà văn. Cô có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bản thân.

Đầu tiên, về cảm nhận của mình về quyển sách nhỏ nhỏ xinh xinh này là bìa sách rất đẹp và bắt mắt, phối màu rất cân xứng và làm nổi bật lên nội dung của quyển sách. Sách của Bloom Books mình để ý thiết kế sách rất xinh, chỉnh chu và mang một phong cách riêng.

Nội dung quyển sách này chủ yếu xoay quanh về TRÍ TUỆ CẢM XÚC (Emotional Intelligence), một yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của chúng ta. Chúng ta không thể nào sống quá lý trí mà bỏ quên đi cảm xúc và ngược lại. Nội dung quyển sách này được chia làm 4 phần, tác giả sẽ dẫn dắt đọc giả qua nhiều “chặng đường” của cảm xúc từ vui buồn đến sự giận dữ, cô đơn, đồng thời đưa ra những phương pháp tuy đơn giản nhưng mang tính áp dụng cao để kiểm soát và quản lý cảm xúc của mình, vì nội dung rất phong phú và nhiều thông tin nên mình quyết định  sẽ đi vào chi tiết từng phần và chỉ nêu lên những điểm nổi bật cho từng phần. Nội dung mà tác giả thể hiện qua từng phần rất liên quan chặt chẽ với nhau, đọc tới đâu là mình thấy có sự liên kết và không hề dư thừa một điểm nào nhé. Trước hết là PHẦN 1-THẤU HIỂU CẢM XÚC.

                                    THẤU HIỂU CẢM XÚC

Nguồn: Pinterest

Phần này chủ yếu Gill Hasson đưa ra cho chúng ta một định nghĩa về trí tuệ cảm xúc là gì, việc cảm xúc có vai trò quan trọng với chúng ta như thế nào trong việc định hình tư duy, suy nghĩ và hành động của chúng ta, tại sao chúng ta phải nhận biệt cụ thể những cảm xúc mà chúng ta đang trải nghiệm, việc nhận biết các yếu tố kích thích cảm xúc là điều quan trọng như thế nào và thật sự hiểu mục đích tích cực của cảm xúc ra sao.

Theo tác giả, cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta suy nghĩ và hành động, chúng bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa bên ngoài và những tác nhân nguy hiểm khác, những cảm xúc như giận dữ, sợ hãi, chán ghét không chờ bạn tư duy mà chúng lập tức vận hành để giúp bạn đối phó với một tình huống có khả năng làm nguy hại đến bạn, hay nói cách khác tư duy lí trí của bạn quá chậm để tiếp nhận và xử lý tình huống thì khi ấy tư duy cảm xúc đã ra tay theo kiểu “fast and furious” rồi.

Khái niệm trí tuệ cảm xúc hay còn gọi là EMOTIONAL INTELLIGENCE trong tâm lý học là một khái niệm phổ biến và mang tính ứng dụng cao. Việc phát triển trí tuệ cảm xúc là một việc làm quan trọng trong đời sống hằng ngày của bạn, nói theo một cách dễ hiểu, trí tuệ cảm xúc là việc SỬ DỤNG cảm xúc để ĐỊNH HÌNH tư duy, và sử dụng tư duy đó để thấu hiểu và kiểm soát cảm xúc của bạn. Tùy vào cảm xúc của bạn ra sao mà cơ thể bạn sẽ có những phản ứng khác nhau với một tình huống.

Ví dụ: Khi bạn nóng giận, bạn bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, bạn đổ lỗi cho người khác khiến cho bạn giận, hoặc bạn tự trách bản thân mình lại nóng giận vô cớ về một việc nhỏ nhặt nào đó, và rồi dẫn dến những phản ứng cơ thể khi bạn suy nghĩ nóng giận là tim bạn đập nhanh, hơi thở gấp gáp, máu dồn lên não khiến khuôn mặt bạn đỏ và nóng rang,  và rồi hành động tiếp theo của bạn là đập bàn, hay nói những lời làm tổn thương người khác, hay thậm chí là dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Đó là một trong những ví dụ điển hình về việc để cảm xúc quyết định cách bạn tư duy và hành động, thay vì bị chi phối bởi chúng, bạn nên biết cách trung hòa, thấu hiểu cảm xúc ấy, khi đã có sự hiểu biết về chúng, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát hành vi của mình hơn.

Một điểm nữa mình thấy hay và thực tế trong phần này là việc chúng ta hiểu về MỤC ĐÍCH của cảm xúc và tập THÓI QUEN gọi tên chính xác cảm xúc của mình. 

Các cảm xúc theo cách chúng ta suy nghĩ là “tiêu cực” thì ẩn sau chúng đều có mục đích “tích cực” nếu chúng ta tin là như thế. Cảm xúc chỉ trở nên tiêu cực nếu chúng ta bế tắc với những suy nghĩ tồi tệ, tự chỉ trích và thụ động, nhưng đó không phải là sự tiêu cực của cảm xúc mà là sự tiêu cực trong cách chúng ta suy nghĩ và sự thiếu tinh thần chủ động của chúng ta thôi.

Nói vậy, thì mục đích tích cực của ân hận là gì. Nó có thể là cho bạn một bài học đáng nhớ và rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình cho những lần trải nghiệm tiếp theo, hay mục đích tích cực của sư giận dữ là nhìn lại nguyên nhân vì sao chúng ta giận dữ, học cách kiểm soát lại kì vọng của bản thân, biết thông cảm hơn cho người khác và suy nghĩ cho người khác, vv. Điều quan trọng là khi chúng ta trải nghiệm một cảm xúc nào đó, đặc biệt là “tiêu cực” thì cách chúng ta suy nghĩ về cảm xúc ấy sẽ quyết định cách chúng ta tư duy và hành động trong thời điểm đó. Hãy thật sự khôn ngoan, bình tĩnh và dừng lại để quan sát cảm xúc của mình nhé.

Tiếp theo  là việc chúng ta nên có thói quen gọi tên những cảm xúc của mình một cách cụ thể, hầu như trong cuộc sống những cảm xúc như hạnh phúc, vui hay buồn đều là những cảm xúc rất chung chung, chúng chưa thật sự miêu tả chính xác cảm xúc mà chúng ta đang cảm nhận, vì khi chúng ta gọi tên cảm xúc của mình thật cụ thể, chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát chúng hơn. Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gọi tên hay diễn tả cảm xúc của mình một cách chính xác, chính vì vậy hãy xây dựng cho mình một kho từ vựng về cảm xúc và hãy bình tĩnh trước những sự kiện trong cuộc sống để từ từ xem mình đang cảm nhận như thế nào nhé.

Có khi nào bạn nhận thấy bản thân mình mỗi khi cảm thấy buồn là hay ăn đồ ngọt, hay nghe một bản nhạc buồn, hay ra ngoài công viên đi dạo để khuây khỏa không? Hay nói cách khác cho dễ hiểu thì khi đói thì chúng ta ăn, tương tự đối với cảm xúc, khi cảm nhận được NHU CẦU của cảm xúc, chúng ta sẽ thử mọi cách để đáp ứng nhu cầu cảm xúc đó như đi dạo công viên hay nghe nhạc chẳng hạn.

Việc xác định nhu cầu cảm xúc rất quan trọng, vì chúng quyết định tâm trạng của bạn ngày hôm đó và cách bạn suy nghĩ, tương tác với người khác trong ngày. Vậy làm thế nào để nhận biết nhu cầu cảm xúc của mình?

Theo tác giả, bà cho chúng ta một phương pháp đó là hãy cảm nhận và xác định xem liệu bạn có thường kì vọng người khác- bạn bè, gia đình, người yêu, hay đồng nghiệp khiến bạn hạnh phúc không? Hay nếu bạn phụ thuộc vào người khác để tránh nỗi buồn hay sự cô đơn không? Hay phổ biến hơn là bạn có trông chờ vào người khác để được ghi nhận và tán thành không? Nếu bạn khó ở và cần ai đó dỗ dành, chính những điều ấy là dấu hiệu cho thấy bạn đang có NHU CẦU VỀ CẢM XÚC rồi đấy. Vì vậy, một khi đã xác định được nhu cầu cảm xúc của mình rồi, hãy chấp nhận chúng trước, sau đó là có trách nhiệm với chính nhu cầu ấy của mình theo hướng lành mạnh nhất có thể vì không ai phải cảm thấy có trách nhiệm với cảm xúc của bạn đâu nhé.

Điều này dẫn đến ý tiếp theo đó là làm chủ cảm xúc. Chúng ta phải có trách nhiệm về cảm xúc hiện tại của mình, vui buồn, nóng giận, cô đơn nhưng chúng ta không vì thế mà bắt người khác phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc của mình. Chúng ta nên thay đổi lòng tin cũng như kỳ vọng của mình về cảm xúc, liệu chúng có đang ràng buộc chúng ta hành xử theo một cách nhất định nào đó không? Liệu tha thứ cho ai đó có cần một điều kiện nào không? Và bạn có đang tin rằng phải cần có những điều kiện gì để tin tưởng ai đó không? Hãy thử thách niềm tin của bạn về cảm xúc, liên tục hỏi bản thân rằng: “Tại sao mình lại nghĩ như vậy? Điều này có ích gì? Điêu này vô ích ra sao?”

Việc kiểm sóat kỳ vọng về cảm xúc của chúng ta giúp chúng ta điều chỉnh phù hợp và làm chủ chính mình.

👉👉Tóm tắt:

  • Thấu hiểu cảm xúc của chính mình
  • Làm chủ cảm xúc của chính mình
  • Thấu hiểu mục đích tích cực của từng loại cảm xúc, kể cả giận dữ, lo âu và vui buồn
  • Tập thói quen gọi tên cảm xúc mà mình đang cảm nhận, lập một kho tàng từ vựng về cảm xúc
  • Việc phát triển trí tuệ cảm xúc là điều tối quan trọng, cảm xúc sẽ quyết định tư duy và hành vi của chúng ta
  • Xác định lại kì vọng và niềm tin của bản thân về một loại cảm xúc nhất định nào đó

Reviewed by Tuyet Son

#bookreviews

#khonglamthinhvoicamxuc

#gillhasson

#bloombooks