Trong đời bạn sẽ có bao nhiêu lần gặp gỡ? Những người bạn nói chuyện ngày hôm nay liệu có còn hội ngộ lần sau? Bầu trời mà lúc này bạn bỏ qua có còn xanh ngắt vào ngày mai? Những cảm xúc, đam mê hiện tại liệu sẽ vẹn nguyên đến mai này? Cuộc sống vốn vô thường, hiện tại là một món quà, nếu ta bỏ qua những khoảnh khắc tưởng chừng như nhỏ bé thì cơ hội sẽ mất đi vĩnh viễn. Hy vọng với Ichigo Ichie – Nhất Kỳ Nhất Hội của Héctor Garcia và Francesc Miralles sẽ là một kim chỉ nam giúp bạn sống trọn vẹn hơn với từng thời khắc trong cuộc sống, tin tưởng vào tình yêu của vũ trụ và biết trân trọng những gì bạn đang có, đặc biệt là những người yêu thương xung quanh bạn.
An yên, vui vẻ và bình yên là 3 tính từ diễn tả tâm trạng của mình ngay lúc này sau khi hoàn thành quyển sách này. Hy vọng sau khi đọc xong, bạn cũng có cảm giác giống mình. Cùng nhau tìm hiểu nhé.
|| KHÁI NIỆM ICHIGO ICHIE
Bởi vì không tìm được từ ngữ thích hợp trong ngôn ngữ của chúng ta, chính vì vậy khái niệm trọng tâm ichigo ichie trong quyển sách này được dịch là “một lần gặp gỡ, một thời khắc duy nhất”, hoặc là “vào thời khắc này, thời cơ”. Lối sống ichigo ichie này của người Nhật Bản ám chỉ rằng mỗi lần gặp gỡ vào những thời điểm nào đó luôn là một giây phút quý báu và tuyệt đối không nên bỏ lỡ vì những giây phút này sẽ không bao giờ lặp lại như đúng mà chúng đã xảy ra ở lần gặp gỡ đầu tiên.
||CÁCH ÁP DỤNG ĐƯƠNG ĐẠI CỦA ICHIGO ICHIE
Ichigo ichie thường hay được nhắc đến trong nghi thức trà đạo Nhật Bản. Ngoài ra, họ còn sử dụng cụm từ ichigo ichie trong hai trường hợp sau:
1/ Trong lần gặp gỡ với những người không quen biết
2/ Trong buổi gặp mặt của những người mà ta đã biết để nhấn mạnh đặc điểm độc nhất của mỗi sự kiện này
Hãy hình dung bạn đi lạc trong một thành phố Kyoto xa lạ, bạn hỏi xin sự giúp đỡ và rốt cuộc lại tán gẫu tận 10 phút với người mà bạn mở lời cầu cứu. Một cách thích hợp để kết thúc cuộc trò chuyện là nói “ichigo ichie”. Với cách nói này, bạn hiểu được rằng đây là một cuộc gặp gỡ thật thú vị và chắc chắn sẽ không gặp lại trong tương lai.
Cách dùng thứ hai với những người thân quen sẽ gần gũi hơn, ám chỉ rằng mỗi lần gặp gỡ hay hội ngộ cùng nhau đều là những khoảnh khắc tuyệt vời và là duy nhất.
Cuộc sống luôn không ngừng thay đổi, con người và sự vật luôn biến hóa theo thời gian. Không một ai có thể nói cho chúng ta biết rằng ngày nào sẽ kết thúc. Hôm nay bạn chìm vào giấc ngủ, không ai dám chắc rằng ngày mai bạn sẽ tỉnh dậy. Một khoảnh khắc trôi qua đồng nghĩa với việc chúng ta đã bỏ lỡ biết bao những hoài niệm và cái đẹp của giây phút đó. Chính vì vậy, hãy trân quý những giây phút hiện tại đang hiện hữu xung quanh ta, chỉ khi sống hết mình cho thực tại, bạn mới có thể tận hưởng hết những vẻ đẹp của vũ trụ này.
“Ta không tắm hai lần trên cùng một dòng sông, bởi mọi thứ đều thay đổi: Đó không còn là dòng sông xưa kia và ta cũng không còn là con người cũ.”
-Heraclitus-
|| HÃY TRỞ THÀNH MỘT KẺ ĐI SĂN KHOẢNH KHẮC
Điều này có nghĩa là bạn hãy trở thành một người đi săn những khoảnh khắc quý báu của hiện tại, tận hưởng chúng một cách trọn vẹn. Bày tỏ sự biết ơn của mình và trân trọng từng thời khắc đang được chia sẻ bất kể đó là một ai đó hay một sự vật nào.
|| KAIKA & MANKAI – VẺ ĐẸP CỦA NHỮNG ĐIỀU THOÁNG QUA
Những ai từng biết đến đất nước Mặt trời mọc đều không thể không biết đến những buổi đẹp nhất trong năm là những ngày hoa sakura nở rộ, trên những cành hoa anh đào. Mỗi năm, người Nhật đều chăm chú theo dõi dự báo về thời gian của những cánh hoa trắng nở rộ. Mùa hoa anh đào nở báo hiệu cho sự khởi đầu của lễ hội thiên nhiên nơi mọi người dân đều tham gia.
Khi những dự báo về đợt nở hoa thành hiện thực, gọi tên là sakura zensen, người Nhật ngay lập tức đổ xô ra các công viên để làm nghi lễ hanani – ngắm nhìn hoa. Ở tất cả các địa điểm công cộng, những gia đình vui vẻ trò chuyện và tản bộ, những cặp tình nhân chụp hình trước những cây hoa. Lễ hội ngắm hoa này còn kéo dài đến sau hoàng hôn, thời điểm này những chiếc lồng đèn nhỏ được treo lên cây mang một màu sắc lung linh và ấm áp.
Những nhóm bạn hay các cặp đôi, với một chén rượu sake trên tay, cùng một vài thức đồ để nhấm nháp, phòng khi ngồi thâu đêm để thưởng thức vẻ đẹp của hoa anh đào nở, có một trải nghiệm hiển nhiên là ichigo ichie. Hoa anh đào chỉ nở được một tuần và chóng tàn một tuần sau đó, bắt đầu bằng kaika – thời điểm hoa bắt đầu nở cho đến khi đạt được mankai – giai đoạn hoa nở và khoe sắc trọn vẹn nhất. Người dân cố gắng tận hưởng khoảnh khắc này vì họ biết rằng phải mất một năm nữa mới có thể chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tự nhiên này, hơn nữa trải nghiệm tiếp theo cũng không bao giờ như lần đầu.
Khái niệm kaika và mankai đều là những nhân tố quan trọng trong việc tìm kiếm ikigai của bạn (tìm lại mục đích sống và đam mê của cuộc đời).
Bạn có bao giờ tự hỏi những giây phút nào trong lòng bạn chớm nở một sự thích thú, hay một sự quan tâm về một ai đó hay một sự vật nào đó chưa ngay từ lần gặp đầu tiên chưa? Sau đó, bạn bắt đầu theo đuổi việc đó cho đến khi bạn tận hưởng niềm hạnh phúc khi chúng trở thành một phần của cuộc sống bạn không?
Mình tin chắc là có. Kaika xuất hiện trong những cuộc gặp gỡ đầy yêu thương, cũng giống như hoa anh đào bung nở tượng trưng cho mùa xuân. Một người, mà chỉ vài giây phút trước hoàn toàn xa lạ, vẫn chưa hề tồn tại đối với chúng ta lại có thể bỗng chốc khiến chúng ta choáng ngợp và trở thành trọng tâm trung tâm cuộc sống của chúng ta. Trong giai đoạn đầy bí ẩn của tình yêu, điều gì có thể khiến cho bạn yêu một người?
Có thể là:
- Lần đầu tiên nghe giọng nói của anh ấy, tôi cảm thấy như tim mình ngừng đập
- Ánh mắt của cô ấy vừa buồn bã và sâu thẳm khi nhìn mọi thứ mà tôi muốn hiểu được thế giới nội tâm của cô ấy
- Tôi mê mẩn cái cách mà anh ấy đã luôn bên cạnh tôi trong những thời khắc tồi tệ nhất của cuộc đời mình
Đó chính là những khoảnh khắc ichigo ichie, những thời điểm độc nhất, nếu chúng ta biết nắm lấy và trân trọng chúng, chúng có thể soi rọi những ngày còn lại của cuộc đời ta.
Khi đã trải qua giai đoạn kaika, đây là lúc biến những thứ vừa chớm nở trong lòng bạn sinh sôi và khoe sắc trong chính hình hài của nó, hay còn gọi là mankai. Dưới đây là một vài ví dụ:
- Người đang yêu sẽ quyết định chăm sóc cho mối quan hệ của mình, vào những ngày đẹp trời hay những ngày âm u.
- Nhà văn mới vào nghề, sau khi xây dựng một ý tưởng cho một cuốn sách, tự buộc mình phải làm việc vào một khung giờ nhất định để việc viết được tiến triển
- Lòng kiên trì và bền gan của người chủ doanh nghiệp không muốn dự án của mình tan thành mây khói và luôn tìm cách tối ưu hóa cũng như đổi mới.
Hãy tự hỏi bản thân bạn đã có đủ kaika và mankai chưa? Nếu như bạn đã yêu thích một việc gì và đam mê với chúng trong một khoảng thời gian, hãy đầu tư thời gian cho việc đó. Khi đã xác định đam mê của mình, hãy vững lòng, kiên trì và đặt hết tâm sức vào việc nuôi dưỡng và bảo vệ con đường mình đang đi, vì đó là khi mankai của bạn hé lộ với hình hài trọn vẹn nhất.
Thời gian + ikigai + kaika = mankai
|| TÁM BÀI HỌC ZEN CHO MỘT ĐỜI SỐNG ICHIGO ICHIE
Chúng ta đều biết rằng Zen hay còn gọi là đạo Thiền tông, là một phương pháp thiền định phổ biến nhất Nhật Bản. Nếu nhìn sâu hơn thì chúng ta có Zazen – phương pháp thiền định trong lúc ngồi. Thiền với tư thế thẳng lưng, ánh mắt nhìn vào mặt đất, hướng ra xa khoảng một mét. Khi thiền, chúng ta nên tập trung tất cả sự chú ý vào thực tại. Ta cần học cách không suy nghĩ, những suy nghĩ thoáng qua trong đầu hãy để chúng lướt qua mà không cần níu giữ chúng.
Steve Jobs nổi tiếng với việc theo đuổi con đường tâm linh, thực tập phương pháp Zen này. Tất cả những triết lý sống và các sản phẩm “Apple” của ông luôn theo đuổi sự giản đơn, lược bỏ những điều không cần thiết và tối ưu hóa những điều cốt lõi. Khi ông đưa ra một quyết định dành toàn bộ phần đời còn lại cho Zen, sư phụ của ông Kobun Chino Otogawa với hơn 20 năm đồng hành và hướng dẫn cho Steve Jobs đã nói với ông một câu rằng:
Cậu sẽ tìm thấy Zen trong sự tồn tại ngày qua ngày, bằng cách dâng hiến mình với đam mê mà cậu thích thú (…). Cậu có thể tiếp tục có một cuộc sống tâm linh mà vẫn điều hành công ty của mình.
Được truyền cảm hứng từ Zen Soto (trường phái chính của Thiền định Phật giáo tại Nhật Bản hiện nay), những bài học của Zen đã mang đến cho chúng ta tận hưởng những giây phút ichigo ichie trong đời sống thường nhật.
1/Bằng lòng ngồi xuống và quan sát những gì đang diễn ra.
Đôi lúc sự thiển cận trong trí tuệ khiến chúng ta tìm kiếm ở rất xa – về không gian và thời gian, những thứ mà trong thực tế đang ở rất gần. Zen đơn giản giúp chúng ta ý thức được rằng mỗi khoảnh khắc là duy nhất, hãy cứ ôm trọn từng giây phút. Nếu bên cạnh ta còn có những người xung quanh đồng hành, hãy trân quý họ như những món quà mà tạo hóa ban tặng cho bạn.
2/ Sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng
Cuộc sống có những biến chuyển không ngờ, có những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Chúng ta chỉ sống một lần mỗi ngày, hãy sống hết mình cho hôm nay vì không ai biết rằng ngày mai sẽ như thế nào. Ý thức được sự hữu hạn của thời gian sẽ giúp bạn sống tỉnh thức hơn.
3/ Tránh những việc khiến chúng ta phân tâm
Một câu ngạn ngữ nói rằng kè nào săn đuổi hai con mồi cùng một lúc sẽ chẳng có được con nào. Đó là những gì thực tế chúng ta đang làm, trong khi nói chuyện với ai đó lại nhìn vào màn hình điện thoại, lắng nghe người khác trong khi trong đầu liên tục suy nghĩ cách làm sao đáp trả đối phương. Chúng ta luôn bị phân tâm vào những suy nghĩ vụn vặt. Zen dạy cho bạn rằng khi bạn làm một điều gì, hãy làm như thể việc đó là quan trọng nhất. Đặt hết tâm sức và trái tim vào việc đó, bạn sẽ cảm nhận được sự kì diệu của hành động này.
4/Giải phóng mình khỏi những điều thứ yếu
Hãy là một kẻ du hành chu du nhẹ gánh, gạt bỏ những gánh nặng phía sau. Hãy hỏi bản thân “Ta cần bỏ lại điều gì?” trên hành trang khám phá thế giới này. Cuộc sống là một chuyến phiêu lưu với những điều lý thú, hãy tận hưởng và gom nhặt những trải nghiệm trong suốt quá trình. Sống một cuộc đời không lo ưu phiền.
5/ Nhìn nhận bản thân mình với lòng khoan dung
Trước khi so sánh mình với người khác, hoặc quan tâm đến những gì người khác nghĩ gì về bạn thì bạn nên ý thức rằng bạn là một cá thể độc lập và duy nhất trên đời. Một cá thể chưa từng tồn tại trước đó và cũng không tồn tại sau này.
6/ Ngợi ca sự không hoàn hảo
Thế gian muôn hình vạn trạng, có lúc gập ghềnh khúc khuỷu, có những sinh sôi và lụi tàn, thiên nhiên không hề hoàn hảo, vậy cớ sao chúng ta lại phải hoàn hảo? Mỗi một khiếm khuyết đều mang một vẻ đẹp riêng của chúng. Mỗi thất bạn mà bạn kinh qua đều tạo nên con người bạn như hôm nay. Đừng chối từ chúng, hãy chấp nhận và học hỏi từ những thất bại đó để đạt sự giác ngộ và trưởng thành trên con đường bạn đi.
7/ Hãy vận dụng lòng trắc ẩn
Đứng dưới góc nhìn Phật giáo, điều này không có nghĩa là chịu đau đớn thay cho người khác, mà đó là sự thấu cảm sâu sắc cho phép chúng ta đứng ở vị trí của người khác để hiểu và thông cảm những gì họ đã trải qua, những gì thôi thúc họ và những sai lầm của họ. Ngay cả khi hành xử của họ là đáng tranh cãi, ở đây và ngay lúc này, đó là điều tốt nhất mà họ có thể làm với tất cả những gì họ có tại thời điểm đó.
8/ Rũ bỏ những kỳ vọng
Tâm thế chờ đợi hay tiên đoán một điều gì đó xảy đến với mình là hành động giết chết khoảnh khắc ichigo ichie lúc này. Hãy trân trọng những gì bạn đang có và tận hưởng chúng.
Khi bạn nhận ra mình không thiếu gì cả, thế này sẽ thuộc về bạn.
-Lão Tử-
|| DUKKHA – NỖI THỐNG KHỔ
Dukkha theo khái niệm Phật giáo có nghĩa là: “Nỗi lo lắng và sự không thỏa mãn mà mọi cá thể luôn cảm nhận thấy sâu bên trong chính mình, bời biết rằng sự đổi thay là điều khó tránh khỏi.”
Tất cả chúng ta đều mang trong người những dukkha khác nhau. Cuộc sống luôn có những niềm vui lẫn những nỗi thống khổ, cùng với những việc nằm ngoài tầm kiểm soát. Chính thái độ và phản ứng với sự việc sẽ quyết định chất lượng cuộc sống của chúng ta ra sao.
Hãy cùng nhau tìm hiểu câu chuyện sau về mũi tên thứ hai sau đây:
Nếu một người đi bộ trong rừng bị một mũi tên bắn trúng, liệu có đau đớn không? Phật hỏi.
Tất nhiên rồi ạ, vị môn đồ đáp lại.
Nếu người đó ngay sau đó lại bị một mũi tên thứ hai bắn trúng, liệu có đau đớn nữa không? Phật tiếp lời.
Tất nhiên rồi ạ, còn đau hơn cả mũi tên đầu.
Vậy thì, hãy cho rằng mũi tên đầu tượng trưng cho những điều bất hạnh xảy đến với chúng ta, Phật đúc kết, và ta không thể tránh khỏi chúng bởi ta không có bất cứ quyền kiểm soát nào lên chúng. Tuy nhiên, với mũi tên thứ hai, chính ta lại là người ném nó về phía mình, tự hành hạ mình bởi một nỗi đau vô ích.
Vậy câu chuyện trên cho chúng ta một thông điệp gì?
Mũi tên đầu tiên là những gì hiện hữu trong cuộc sống, chúng có thể xảy đến với tất cả chúng ta bất cứ lúc nào. Chúng ta không có quyền kiểm soát lên chúng, chỉ có chấp nhận sự việc vốn sẽ xảy ra. NHƯNG, mũi tên thứ hai lại là một mấu chốt quan trọng. Mũi tên thứ hai đại diện cho những suy nghĩ cũng như những cảm xúc của ta về sự việc đã xảy ra trước đó hoặc trong quá khứ.
Sự việc sẽ rất đơn giản nếu chúng ta chấp nhận sự kiện vừa mới xảy ra và bước chân đi tiếp, nhưng điều ngăn cản chúng ta sống một cuộc sống thư thái và an yên lại là chính những cảm xúc hối hận, lo lắng, sợ hãi về vấn đề đó. Chúng ta cứ mãi suy nghĩ về nó và lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng. Hay nói cách khác, chúng ta đang làm hại và khuếch đại nỗi đau của chính mình một cách vô ích.
Vậy chúng ta nên làm gì để quay trở về với thực tại và chấp nhận sự vô thường của vạn vật?
1/ Hiểu rằng cuộc sống được tạo nên từ những sự khó khăn và thỏa mãn
Nếu không có khó khăn, chúng ta sẽ không có được niềm vui và cũng không biết trân trọng những giây phút tươi đẹp nhất.
2/ Ý thức về tính nhất thời của nỗi đau
Thực tế thì nỗi đau chỉ kéo dài một khoảng thời gian nhất định, với điều kiện chúng ta không khuếch đại và kéo dài hệ lụy của chúng. Chỉ cần chúng ta có một tâm thế bình thản và đứng dậy sau nỗi đau cũng là một điều đáng tự hào rồi.
3/ Cân bằng những chuyện không như ý bằng cách tận hưởng những khoảnh khắc ichigo ichie
Thay vì đắm chìm trong nỗi thống khổ và sự tổn thương, hay dành thời gian cho việc thưởng trà, chơi một môn thể thao yêu thích, đọc một quyển sách yêu thích. Chính những hoạt động này sẽ giúp bạn trở về nơi cư ngụ của niềm vui và tận hưởng những gì tốt đẹp nhất mà cuộc sống mang tới.
Cuộc sống có nhiều niềm vui hơn chúng ta tưởng. Nỗi đau nào rồi cũng sẽ qua đi. Thay vì lo lắng được mất, hãy cứ sống hết mình cho hôm nay. Không ai biết được ta có thể biến mất trong cõi đời này bất kỳ lúc nào, cuộc sống là vô thường, chỉ cần bạn đừng trì hoãn hạnh phúc và ý thức từng giây phút trong những việc bạn làm và những người bạn gặp. Chính lối sống này hay còn gọi là carpe diem nghe có hơi hướng tiêu cực về sự vô thường và phù du của vạn vật, nhưng chúng là hồi chuông thức tỉnh chúng ta đang lạc lối trong những giấc mộng huyền ảo xa vời ngoài kia.
Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta chỉ sống lần một lần mỗi ngày, mà trớ trêu thay chúng ta nghĩ là sẽ sống bất tử mãi mãi. Chúng ta ưu tiên những việc quan trọng của người khác, trì hoãn hết lần này đến lần khác, đợi tất cả điều kiện hội tụ để làm một điều gì đó, lo sợ những gì người khác nghĩ về bản thân, vv. Nhận thức được điều này sẽ khiến trong lòng bạn giải tỏa được rất nhiều rào cản vô hình và sống một cuộc đời ung dung hơn.
||ĐỊNH MỆNH PHỤ THUỘC VÀO KHOẢNH KHẮC
Mình tin rằng các bạn đã từng trải nghiệm cảm giác này rồi trong suốt giai đoạn đi tìm chính mình. Khoảnh khắc bạn bắt chạm ánh mắt của ai đó khiến cho trái tim như ngừng đập, khoảnh khắc bạn nộp đơn xin việc cho công ty mà bạn đã lên kế hoạch từ lâu, khoảnh khắc bạn quyết định viết nên cuốn sách của đời mình, vv. Nếu không có những khoảnh khắc đó, nếu không có sự chủ động của bạn thì cũng sẽ không có kết quả ở thời điểm đó. Đôi khi sự khác biệt nằm ở việc bạn có trân trọng và bắt lấy những cơ hội trước mắt hay không.
Quyết định có nộp đơn xin ứng tuyển học bổng hay xin việc ở một công ty mới, hãy bắt đầu vào hành động thay vì tự nhủ “nếu như mình thất bại thì sao?”, chính hành động của bạn sẽ giúp bạn mở những cánh cửa mới trong cuộc sống của mình.
Quyết định sẽ thực hiện đến cùng hay bỏ qua ý tưởng viết sách chỉ vừa loáng thoáng trong đầu, điều này sẽ tạo ra sự khác biệt giữa bạn là một nhà văn hay không là gì hết.
Nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh đó, thì “người đàn ông của đời bạn” cũng sẽ không có cạnh bạn ngay giờ đây.
Tất cả những khoảnh khắc như trên đều liên quan đến một hiện tượng tâm lý học gọi là “Hiệu ứng cánh bướm”. Hiệu ứng này gắn liền với câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Cái đập cánh của chú bướm ở Hồng Kông có thể gây ra một trận bão ở New York.”
Bất kể một thay đổi nhỏ nào, dù nhỏ bé tới đâu, rốt cuộc cũng sẽ tạo nên những tình huống hoàn toàn khác biệt do một quá trình khuếch đại.
Vì vậy, tất cả các khoảnh khắc đều mang giá trị sống còn. Chỉ một lần bạn bỏ lỡ, một sự thay đổi nhỏ xảy ra thì mọi chuyện đã đi một hướng khác. Định mệnh không phải là cái gì đó từ trên trời rơi xuống, mà là do sự quan sát, thái độ biết nắm bắt thời cơ và trân trọng từng giây phút của bạn mà tạo nên đấy.
|| SỐNG ICHIGO ICHIE VỚI 5 GIÁC QUAN (Vị giác, khứu giác, thính giác, thị giác & xúc giác)
Chanoyu “con đường của trà” là ý nghĩa của nghi thức trà đạo Nhật Bản, nó không hẳn là một nghi thức đơn thuần mà biểu tượng cho cách sống ichigo ichie của chúng ta, nhằm nuôi dưỡng 5 giác quan theo những cách thức khác nhau. Hãy cùng nhau tìm hiểu nhé.
|| NGHỆ THUẬT LẮNG NGHE – THÍNH GIÁC
Chúng ta ai cũng đều biết rằng lắng nghe là một nghệ thuật cần phải được rèn giũa và tập luyện để có thể phát huy tác dụng tối đa trong việc kết nối với người khác. Song, trên thực tế không ai ai cũng chăm chú lắng nghe lời người khác nói. Giữa những gì người khác nói và những gì chúng ta nghe đang tồn tại một khoảng cách và những rào cản vô hình : những lời phán xét, những kỳ vọng của chúng ta về vấn đề đó, những suy nghĩ muốn đáp trả lại đối phương, vv.
Để sống ichigo ichie, bạn cần phải lắng nghe với tất cả sự tập trung, tuyệt đối không cắt lời người nói chuyện, chỉ đưa ra những lời khuyên khi thật sự cần. Thực tế cho thấy người khác muốn bạn lắng nghe hơn là bảo họ cần phải làm gì. Thỉnh thoảng, trong giao tiếp, bạn nên có những phản hồi đúng lực như tóm gọn ý của người đối diện để chắc chắn bạn hiểu ý anh ta. Hãy bớt phán xét và hãy lắng nghe nhiều hơn, bạn sẽ có những khoảnh khắc ichigo ichie kì diệu khi hiểu được câu chuyện của một ai đó.
|| NGHỆ THUẬT CHẠM – XÚC GIÁC
Nhiều nghiên cứu cho thấy, những cái chạm đều mang một cảm xúc tích cực cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Đối với những đôi lứa, chỉ cần 8 cái ôm mỗi ngày, mỗi lần kéo dài sáu giây cũng đủ để hooc-môn hạnh phúc – oxytocin giúp cho bạn giải tỏa căng thẳng và phấn chấn hơn rất nhiều.
Ngoài ra, chạm vào người khác cũng là cách để bày tỏ sự tin tưởng và gần gũi. Chỉ cần một cái “vỗ nhẹ sau lưng” hay một cái ôm chân thành cũng đủ xóa tan bầu không khí lạnh lùng.
Quan trọng hơn nữa, tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể giúp chúng ta củng cố động lực và củng cố vững chắc những mối quan hệ. Các nhà tình dục học nhận thấy rằng những cử chỉ dịu dàng âu yếm với sự tiếp xúc cơ thể thì mức độ thông cảm cho họ phát triển ở một mức cao hơn.
=>Bài tập nhỏ để sống ichigo ichie:
1/Tạo thói quen chạm vào mọi thứ trong cuộc sống hằng ngày của bạn. Trong một hiệu sách, đừng ngại lướt tay qua những quyển sách mới để biết chất liệu của chúng.
2/Hãy cụ thể hóa những thay đổi về cảm xúc trên làn da của bạn: Bạn cảm thấy cái lạnh hay sức nóng của ánh nắng mặt trời, độ ẩm, gió, vv.
3/Trên bề mặt không khiến bạn có nguy cơ tổn thương – mặt sàn gỗ, sân cỏ, mặt đất nhẵn, hãy bước đi nhiều nhất có thể với đôi chân trần để đánh thức sự nhạy cảm nơi bàn chân. Hãy cảm nhận trọng lượng cơ thể bạn nhé.
|| NGHỆ THUẬT NẾM – VỊ GIÁC
Những món ăn ngon thách thức vị giác của chúng ta qua những lần trải nghiệm ẩm thực. Việc tận hưởng mùi vị của món ăn cũng góp phần thay đổi tâm trạng của bạn và giúp cho bạn tập trung hơn trong việc thưởng thức chúng. Tầm quan trọng của vị giác cho phép con người nhận biết đặc điểm của những loại thực phẩm mà họ có thể chưa từng nếm qua. Vị ngọt giúp chúng ta xác định những món ăn giàu năng lượng, vị mặn là những món ăn giàu muối, thành phần không thể thiếu trong các cơ quan cơ thể. Vị đắng và chua báo hiệu cho ta biết đó có thể là loại thực phẩm nguy hiểm.
=>Bài tập nhỏ để sống ichigo ichie:
Chọn lựa một loại trái cây, hay một món ăn bất kỳ, trái táo chẳng hạn. Sau đó, trước khi bắt đầu ăn nó, bạn hãy gạt bỏ hết những ý nghĩ, những kế hoạch cho ngày mai, những phiền muộn, không quá khứ cũng không tương lai. Chỉ có duy nhất trái táo mà thôi.
Cầm trái táo và cảm nhận trọng lượng, trạng thái rắn và đặc của nó, tiếp xúc với làn da bạn. Đưa mũi của bạn đến gần trái táo để cảm nhận mùi hương của nó, sau đó nhai miếng táo như thể đó là thứ duy nhất tồn tại trên thế giới này. Bằng cách làm bài thực hành này, bạn sẽ trân quý hơn những thực phẩm bạn đang ăn, và tận hưởng nhiều niềm vui hơn khi thưởng thức chúng.
|| NGHỆ THUẬT CẢM NHẬN – KHỨU GIÁC
Một nghịch lý đầu tiên có thể cho ta thấy mình có ít hiểu biết về khứu giác đến mức nào: Con người có thể nhận biết được mười ngàn mùi hương khác nhau, thế nhưng phần lớn mọi người chỉ nắm bắt được khoảng mười tính từ để miêu tả về chúng.
Khứu giác vận hành với những thứ vô hình, thế nhưng nó lại có mối quan hệ mạnh mẽ nhất với ký ức.
Mình chắc chắn rằng khi bạn ngửi một mùi hương quen thuộc, những ký ức trong quá khứ sẽ ùa về trong tâm trí bạn, bất kể đó là một mùi nước hoa, mùi hương của món ăn nào đó trên bếp, mùi hơi bốc lên từ gỗ.
Mùi hương thân quen này ném bạn trở lại một quãng thời gian khác, có thể là một tình huống cụ thể, một khoảnh khắc đã ngủ quên trong một góc hồi ức và bỗng chốc bừng tỉnh.
=>Bài tập nhỏ để sống ichigo ichie:
Hãy tập thói quen có một quyển “nhật ký mùi hương”. Ghi chép lại những khoảnh khắc mùi hương mang bạn đến những vùng đất của hoài niệm và kí ức tươi đẹp trong quá khứ. Chỉ cần bạn hít mùi hương mang lại cho bạn cảm giác đặc biệt thì không gì tuyệt vời hơn phải không nào.
|| NGHỆ THUẬT QUAN SÁT – THỊ GIÁC
Để sống ichigo ichie, ta cần lấy lại khả năng nhìn trực diện mọi thứ xung quanh ta bằng chính đôi mắt của mình chứ không phải qua màn hình điện thoại. Rất nhiều người nhìn mà không thấy, nghĩa là họ không thực sự chú tâm và để ý đến những gì trước mắt họ.
=> Bài tập nhỏ để sống ichigo ichie: Bạn cần “tập thể dục cho đôi mắt”
Dành nhiều thời gian quan sát và để tâm đến những thứ xung quanh bạn, tập trung vào những chi tiết của những nơi bạn đi qua, những nơi mà theo thói quen bạn thường hay bỏ qua, trên đường đi làm, vv. Hãy tưởng tượng cuộc sống này là một phòng triển lãm khổng lồ, hãy thật sự chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nó mỗi phút mỗi giây.
Ngoài ra, điều này còn giúp ích cho bạn trong việc kết nối và tạo dựng các mối quan hệ xã hội. Khi giao tiếp với người khác, hãy quan sát cử chỉ, điệu bộ trên khuôn mặt của họ để xem họ đang cảm thấy như thế nào, hoặc là quan sát hôm nay họ mặc những bộ đồ gì, từ những chi tiết nhỏ này sẽ giúp cho bạn “đọc vị” người khác và tạo thêm sự gần gũi của đôi bên, khiến cho trải nghiệm khó quên hơn.
Trải nghiệm 5 giác quan sẽ giúp cho từng khoảnh khắc của bạn ý nghĩa hơn đấy.
||ĐIỀU GÌ SẼ XẢY RA NẾU…?
Trong cuộc sống cũng như trong công việc thường nhật, sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy căng thẳng và chán nản, không tìm thấy một xíu động lực nào để có thể đứng dậy và bước tiếp, guồng công việc cứ cuốn tâm trí chúng ta vào, lúc nào ta về nhà cũng trong trạng thái mệt nhừ và kiệt sức. Để có những khoảnh khắc ichigo ichie, chúng ta nên giải phóng khả năng sáng tạo của mình để khám phá những điều mới mẻ mỗi ngày.
Bằng cách đặt câu hỏi thần kỳ: “Điều gì sẽ xảy ra nếu…?” sẽ giúp chuyển từ trạng thái tê liệt sang trạng thái hành động, giúp cho bạn mang đến những thay đổi trong cuộc sống của mình.
Dưới đây là vài tình huống thường gặp nhất trong cuộc sống, hãy đặt câu hỏi cho chính mình khi bạn bắt đầu vô cảm trước cuộc sống:
1/Thời gian gần đây công việc hiện tại khiến tôi chán nản và không có lối thoát
“Điều gì sẽ xảy ra nếu sau khi đã đề nghị kỳ nghỉ không lương và tiết kiệm đủ tiền sau vài tháng, tôi tự cho phép mình khám phá những hướng đi khác?”
“Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi dành thời gian chăm sóc bản thân và bớt lo lắng thái quá hơn?”
2/Trong đời sống đôi lứa, chúng tôi cãi cọ không ngừng
“Điều gì sẽ xảy ra nếu mỗi ngày chúng tôi dành cho nhau những lời lẽ tích cực, không ai được có một ý nghĩa chỉ trích hay tiêu cực về đối phương?”
“Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng tôi quyết định cùng nhau nói ra những gì còn ẩn giấu trong lòng để cùng nhau thấu hiểu hơn?”
3/Tôi đang trải qua một cuộc khủng hoảng và cảm thấy cuộc đời mình không làm tôi hài lòng, nhưng lại không biết lý do đang nằm ở đâu?
“Điều gì sẽ xảy ra nếu trong vài ngày tới, hoặc thậm chí vài tháng tới, được là một người khác, một người hoàn toàn mới và là người mà tôi muốn trở thành?”
“Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi nghiêm túc ngồi xuống, nhìn lại bản thân và phân tích những gì tôi còn đang thiếu sót và tôi đang buồn phiền điều gì trong vài tuần tới?”
Và.. “Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn đọc xong những triết lý sống này, bạn sẽ thay đổi sâu sắc lối sống của mình chứ?”
Bằng việc thêm hành động vào sau cụm từ, bạn sẽ thấy phép màu tìm đến bạn. Hãy cố gắng luyện tập và thử thách suy nghĩ của mình mỗi ngày để luôn tìm được niềm vui trong từng khoảnh khắc.
Lời kết
Nhịp sống hối hả, không có giây phút nào mà bạn không hoạt động và cuốn theo guồng công việc bận rộn. Bạn ngày càng căng thẳng và chán nản, nhưng hy vọng sau khi đọc xong quyển sách này, bạn sẽ tìm lại động lực để sống trọn vẹn cho từng khoảnh khắc vốn chỉ có một lần trong đời. Chỉ cần một thay đổi nhỏ mỗi ngày, kết quả mà bạn nhận được sẽ vượt qua sự tưởng tượng của bạn đấy. Chúc các bạn sống trọn vẹn niềm vui mỗi ngày nhé.