Giới thiệu về tác giả:
Matt Haig là một tác giả người Anh. Nhiều tác phẩm của ông liên tục là best-seller, riêng cuốn tự truyện Những điều giữ tôi còn sống từng nằm trong danh sách bán chạy 46 tuần liên tiếp tại Anh.
Cuốn sách này dành cho ai?
Dành cho tất cả những người trẻ hiện đại, những người đã và đang sử dụng mạng xã hội như một công cụ để kết nối và phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau trong công việc và cuộc sống. Đặc biệt, Ghi Chép Về Một Hành Tinh Âu Lo dành cho những ai muốn thoát khỏi vòng tròn luẩn quẩn của công nghệ, tự tạo ra vũ trụ của chính mình và dành nhiều thời gian cho những điều quan trọng.
Ghi Chép Về Một Hành Tinh Âu Lo là tập hợp những ghi chép, quan sát và suy ngẫm của Matt Haig về thực trạng xã hội và những vấn đề mà con người đang gặp phải trong một thế giới với tốc độ phát triển của công nghệ nhanh đến chóng mặt. Bên cạnh đó, tác giả phân tích những tác động và ảnh hưởng của việc dùng mạng xã hội đã dẫn đến những hệ lụy không đáng có với chúng ta ra sao, kèm theo những giải pháp thiết thực và những lời khuyên thực tế.
Tại sao bạn nên đọc quyển sách này?
Matt Haig viết cuốn sách này với tư cách cá nhân và là một nạn nhân của chứng “rối loạn lo âu tổng quát” và “trầm cảm”, vì vậy cách hành văn của tác giả rất gần gũi và thông tin mang tính tức thời. Hàng loạt những dẫn chứng khoa học và những ví dụ mang tính thuyết phục được đưa ra góp phần tạo ra một luồng nhận thức trong tư duy của con người về thế giới mà chúng ta đang sống. Có thể thế giới này đang trở thành một mớ hỗn độn hay có thể mọi thứ không tồi tệ như chúng ta vẫn nghĩ.
/Chúng ta chưa ý thức được sức mạnh vô hình của mạng xã hội với sức khỏe tâm lý của mình/
Trong thế giới tất bật và hối hả như ngày nay, thật khó để chúng ta ngừng kết nối và quay về với chính mình. Lịch trình bận rộn với những mớ deadlines, những kế hoạch công tác, những suy nghĩ và âu lo về một dự án mới, những thông báo mới từ email, những cuộc gọi không ngừng nghĩ trên Skype, vv. Không lúc nào mà não bộ chúng ta không hoạt động với tối đa công suất, và kết quả là mỗi đêm chúng ta trằn trọc suy nghĩ đến mức mất ngủ, hoặc có khi chúng ta cứ mải mê sống trong thế giới của “kỹ thuật số” và rồi quên mất đi những nhu cầu thiết yếu của bản thân.
So với hàng trăm năm trước, thế giới mà bạn đang sống phát triển với tốc độ vượt bậc, vượt ra ngoài khả năng tưởng tượng đơn thuần, đặc biệt là mảng công nghệ. Mạng xã hội hay bây giờ với tên gọi nghe có vẻ “ngầu” hơn là “mạng lưới toàn cầu” đang khiến cho chúng ta điên đảo và sắp rơi vào trạng thái tê liệt về cảm xúc cũng như ảnh hưởng sâu sắc đến trạng thái tâm lý và hành vi trong thực tế.
Vậy mạng xã hội Internet và công nghệ nói chung đã tác động đến chúng ta như thế nào?
Người trẻ hiện đại đều quá quen thuộc với các ứng dụng như Facebook, Snapchat, Instagram, Twitter, vv. Việc lên Google để tìm bất kỳ một thông tin nào mà bạn muốn tìm kiếm bây giờ đã quá dễ dàng và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với những năm trước đây.
Theo thống kê, số lượng người dùng Internet đang ngày càng gia tăng theo từng năm. Vào những năm 1995, gần như chẳng ai kết nối mạng cả: 16 triệu người, chỉ 0.4% của thế giới. Một thập kỷ sau, năm 2005, số người dùng đã tăng lên đến một tỷ người – 15% dân số đã kết nối mạng. Và tính đến năm 2017, con số này đã nhảy lên 51%.
Không chỉ người dùng Internet tăng lên, thời gian họ dành cho chúng cũng ngày một tăng. Có thể nói, thời đại ngày nay là thời đại tân tiến nhất trong lịch sử, con người chưa bao giờ kết nối nhiều hơn thế, mọi thứ diễn ra quá nhanh đến nỗi chúng ta chưa kịp kiểm soát được tình hình. Tôi không phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ với đời sống của chúng ta, tuy nhiên hãy cùng nhìn vào thực tế để có một cách nhìn đúng đắn hơn về chúng. Biết đâu, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ như tôi sau khi đọc xong quyển sách này đấy.
Bản thân tôi là người sử dụng mạng xã hội, tôi đã chứng kiến và trải nghiệm qua những hệ lụy mà mạng xã hội tạo ra.
1/ Mạng xã hội đang dần thao túng người dùng và cô lập chúng ta trong một “buồng vang”.
Tôi nhớ đến một tác phẩm mang tính thời sự của nhà hoạt động xã hội Đặng Hoàng Giang về việc chúng ta đang “đi vào buồng vang” (echo chamber) trong tác phẩm Thiện, Ác và Smartphone của mình như sau:
Con người ta vốn thích cố thủ trong quan điểm của mình. Chúng ta có xu hướng tìm tới những người cùng quan điểm, chuyện trò trong cái nhóm khép kín đó, và ngày càng tin tưởng vào sự đúng đắn của mình, không phải vì mình tìm được bằng chứng mới, mà là những người xung quanh đồng tình với nó. Theo chữ của giáo sư Cass Sunstein tại Đại học Chicago, chúng ta cùng nhau chui vào một cái buồng vang (echo chamber), một căn phòng mà âm thanh dội lại giống như trong hang, ở đó chúng ta chỉ nghe được chính mình.
Mạng xã hội có xu hướng giúp chúng ta chui vào những cái buồng vang này một cách dễ dàng, mặc dù điều đó thoạt nhiên có vẻ mâu thuẫn vì ta vốn nghĩ đó là công cụ kết nối với tất cả mọi người. Trên thực tế, thuật toán của Facebook ưu tiên hiển thị những nội dung giống với những nội dung mà ta hay like. Dần dần, với thời gian, chúng ta chỉ còn thấy trên newsfeed của mình những ý kiến giống ta – ta ở trong một cái hang hoàn hảo. Sự tương tác sẽ chỉ xảy ra những nhóm có suy nghĩ giống nhau, kết quả là họ trở nên cực đoan hơn, xã hội phân cực hơn.
Hãy thử nghĩ mà xem, tất cả những lượt like của bạn, những kết quả tìm kiếm của bạn trên Google, những chiếc video mà bạn đang xem, vv… tất cả đều nằm trong kế hoạch của các nhà làm marketing và chuyên gia nghiên cứu thị trường. Họ sẽ thu thập tất cả những dữ liệu mà bạn cung cấp trên Internet để có thể hiểu và sau này tệ hơn là thay đổi hành vi của đối tượng một cách tinh thông.
Bạn có bao giờ tự hỏi rằng những gì bạn xem trên newsfeed Facebook hay Instagram của mình đều là hiển thị những gì bạn quan tâm và yêu thích không? Chắc chắn là có. Bản thân mình cũng vậy. Khi tra cứu bất cứ điều gì trên Google, mình đều nhìn thấy những gì mình quan tâm trên Facebook newsfeed… ngày hôm sau. Bạn có thể thấy khó chịu và cũng khó hiểu, nhưng đó là thực tế mà bạn nên nhìn nhận.
Sẽ rất vô lý và lỗ mảng khi nói rằng mạng xã hội hay Internet nói chúng đang gây “chia rẽ” chúng ta, nhưng thực chất là nó đang xảy ra. Việc chỉ nhìn thấy những thứ bạn quan tâm, những người bạn yêu thích sẽ dần khiến bạn trở thành một con người có tư tưởng cực đoan và ngại thay đổi. Bạn sẽ có xu hướng bốc đồng và khó chịu khi tư tưởng hay quan điểm của ai đó khác biệt với mình. Thế giới mà bạn nhìn thấy chỉ có trắng và đen, ngoài ra không có bất kì ranh giới nào để bạn đi sâu vào tìm hiểu.
2/ Vẻ đẹp bất hạnh và cơn sốt mất ngủ
Bạn sẽ đặt câu hỏi: Hai việc trên có liên quan gì đến việc bạn dùng mạng xã hội hiện nay? Nếu nhìn và cảm nhận sâu hơn, bạn sẽ thấy có một sự liên quan chặt chẽ đến không ngờ.
/Vẻ đẹp bất hạnh/
Việc dành thời gian quá nhiều cho mạng xã hội và công nghệ nói chung đã vô hình chung làm cho chúng ta trở nên bất ổn về mặt tâm lý và quá “tôn thờ” một phiên bản sống ảo trên mạng của chính mình. Việc liên tục nhìn thấy những bức ảnh lung linh, những tờ báo hay tạp chí về một model nào đó, tất cả những hình ảnh tiếp cận đến bạn đều mang đến cho bạn một khao khát muốn trở thành một ai đó khác với chính mình, một phiên bản tốt đẹp hơn bây giờ, sự so sánh là điều khó tránh khỏi. Điều tồi tệ nhất là chúng khiến bạn không hài lòng với bản thân hơn bao giờ hết.
Tôi không phủ nhận việc so sánh hay được truyền cảm hứng bởi những người nổi tiếng, một thần tượng hay một phương cách ăn uống tân thời nào đó để khiến bản thân bạn phấn đấu và tiến bộ hơn, tuy nhiên điểm khác biệt duy nhất là bạn có quyền “cảm nhận” những thứ ấy nhưng không bị “tiêm nhiễm” vào đầu những hào nhoáng và sự hoàn hảo đến mức cực đoan và không cần thiết.
Một người tư duy lý trí và không bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa hoàn hảo trên mạng là người sẽ nói: “Tôi đang cố gắng để trở thành cô người mẫu nổi tiếng kia nhưng nếu tôi không thể thì cũng có sao đâu nào”.
Trong thời đại của vlog trang điểm, blog làm đẹp, và hướng dẫn tập thể dục trực tuyến, chúng ta có đầy rẫy những lời khuyên làm sao để thu hút và xinh đẹp hơn. Chúng ta bơi trong hằng hà sa số những cuốn sách về ăn kiêng, các khóa học tập thể dục, những bài tập để có “cơ bụng trong mơ”, “yoga cho khuôn mặt” mà chúng ta có thể theo dõi dễ dàng trên Youtube. Ngày càng có nhiều bộ lọc chỉnh ảnh và nhiều ứng dụng để có thay đổi những gì mà sản phẩm không làm được. Chỉ cần chúng ta muốn, chúng ta có thể biến mình một phiên bản ảo vọng phi thực tế của chính mình. Vì vậy, ngoại hình là một vấn đề đáng lo ngại của nam giới và nữ giới ngày nay.
Theo nghiên cứu, tại Nhật Bản, 38% người được phỏng vấn cảm thấy không hài lòng với vẻ bề ngoài của mình. Những người sống tại Nhật Bản, Anh, Nga, Hàn Quốc lại có vẻ rất khốn khổ về ngoại hình của họ so với người Mexico hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên thực tế, những mẩu quảng cáo, những gì mà marketing làm đang nhằm khơi gợi trong bạn sự không chắc chắn, nỗi sợ hãi và sự thiếu tự tin. Trong một số trường hợp, dù chúng không “kích hoạt” phần sợ hãi trong bạn thì ít nhiều chúng có thể tác động đến tâm lý của bạn ở một mức độ nhất định. Điều mà các nhà tiếp thị không muốn nói với bạn là: Để trở nên hạnh phúc và thu hút hơn trước hết bạn phải chấp nhận chính con người mình. Nhưng điều đó mãi mãi là một bí mật khi họ đang tiếp tục đào sâu vào nỗi đau của bạn để có được những thứ họ muốn.
Hãy nhìn vào thực tế bạn sẽ thấy rằng việc ngoại hình bạn có trở nên xinh đẹp hay thu hút hơn thì cũng không thể giúp bạn giảm bớt lo lắng về chúng. Nhiều vấn đề sẽ phát sinh sau đó mà bạn sẽ không thể tưởng tượng được. Một cách nghịch lý, những người mẫu như Victoria Secret chẳng hạn đều lo lắng về ngoại hình của họ nhiều hơn hẳn những người kiếm sống bằng nghề biểu diễn thời trang. Họ sẽ xem ăn uống như thế nào, không nên ăn những gì, ngủ điều độ và nhiều khía cạnh khác để bảo vệ ngoại hình của mình. Chính những điều đó càng làm cho họ trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Bạn đừng nghĩ có một ngoại hình chuẩn là câu chuyện sẽ xong, chúng sẽ không bao giờ kết thúc, ngược lại còn mang nhiều vấn đề cho bạn nữa đấy.
Điều quan trọng hơn hết là hy vọng bạn hiểu một điều: CHÚNG TA SẼ KHÔNG BAO GIỜ BẤT TỬ. Tất cả những sản phẩm được tạo ra giúp ta trông trẻ trung hơn, rực rỡ hơn và tràn đầy sức sống đang không giải quyết gốc rễ của vấn đề. Chúng ta có quyền chăm sóc bản thân thật tốt, nhưng đừng quá mải mê theo đuổi thanh xuân đến mức quên đi điều gì là quan trọng và hãy để mọi chuyện diễn ra theo cách tự nhiên nhất có thể.
Có lẽ khi chúng ta coi việc lão hóa, coi nếp nhăn của mình và người khác là đương nhiên thì những người làm marketing sẽ khó có thể dùng nỗi sợ hãi của chúng ta làm tài liệu để phóng đại lên.
/Cơn sốt mất ngủ/
Có thể bạn ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày? Nếu như thế là thì bạn không đọc những dòng này nữa vì chúng quá dư thừa. Còn nếu bạn cảm nhận rằng bạn đang trong tình trạng thiếu ngủ và lúc nào cũng uể oải và mệt mỏi thì tôi khuyến khích bạn nên đọc kỹ và áp dụng ngay vào lối sống của mình (mặc dù rất dễ nhưng khó thực hiện!).
Nếu so sánh với mấy trăm triệu năm về trước, giấc ngủ đối với chúng ta ngày nay được xem là quá xa xỉ. Chúng ta không phải là rô-bốt, vì vậy chúng ta cần ngủ để nạp năng lượng và điều chỉnh nhịp điệu sinh học bên trong cơ thể. Ấy vậy mà, chúng ta ngủ không đủ chút nào. Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố rằng thiếu ngủ là DỊCH BỆNH ở các quốc gia công nghiệp hóa, và khuyến nghị mọi người nên ngủ từ bảy đến chín tiếng mỗi đêm. NHƯNG đó không phải là điều mà ai cũng làm theo.
Theo nghiên cứu của Tổ chức giấc ngủ Quốc gia Mỹ, người Mỹ, Anh, và Nhật đều ngủ dưới bảy tiếng mỗi đêm, trong khi các quốc gia khác – như Đức và Canada – chỉ lơ lửng ở mức bảy tiếng. Và theo nhiều nghiên cứu khác, lần này là một khảo sát của Gallup, hiện nay chúng ta ngủ ít hơn một tiếng so với năm 1942.
Việc chúng ta mất ngủ kinh niên là một lý do dễ hiểu trong thời đại công nghệ ngày nay. Có quá nhiều thứ khuyến khích ta tiếp tục thức giấc. Quá nhiều email để trả lời, quá nhiều tập phim hay chương trình yêu thích cần được xem ngay. Quá nhiều thứ cần mua trên mạng. Quá nhiều tin tức cần bắt kịp, vv. Chúng ta đang rơi vào một vòng luẩn quẩn không hồi kết.
Ai trong chúng ta đều biết rằng một giấc ngủ dở tệ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tâm lý. Điều này thì không cần chúng ta giải thích nhiều, tuy nhiên việc thực hiện lại vô cùng khó. Theo Matthew Walker, tác giả của quyển sách “Tại sao chúng ta ngủ?” thì: Những suy giảm về thể chất và tâm lý gây ra bởi một đêm mất ngủ lớn hơn nhiều so với khi chúng ta không ăn hoặc không tập thể dục.
Thật khó để tin rằng giấc ngủ ngày nay đang được thương mại hóa và trở thành kẻ thù “đáng gờm” của chủ nghĩa tiêu dùng. Vì khi chúng ta ngủ, chúng ta không thể mua gì trên mạng, chúng ta không thể làm việc, kiếm tiền hay đăng ảnh trên Instagram khi ngủ, và đó là những công ty công nghệ hoặc thương mại điện tử không thích điều này.
Giám đốc điều hành của Netflix, Reed Hastings, tin rằng giấc ngủ – không phải HBO, không phải Amazon, không phải bất kỳ dịch vụ chiếu phim trực tuyến nào khác – mới là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của công ty. Bạn biết đấy, hãy nghĩ mà xem, khi bạn xem và nghiện chương trình trên Netflix, bạn sẵn sàng thức khuya. Chúng tôi đang cạnh tranh từng chút một với giấc ngủ. Do đó, nó là khoảng thời gian rất lớn đáng để tận dụng.
Thật khó để tin, đúng không? Xã hội với công nghệ và những ứng dụng giả trí đang chiếm trọn thời gian của chúng ta, thậm chí tước đi không gian để chúng ta nghỉ ngơi và ngủ. Một cách vô hình, chúng ta đang bị thống trị bởi đồng hồ, bởi chiếc điện thoại thông minh luôn phát sáng, và những thú vui tiêu khiển không có điểm dừng.
Nếu chúng ta nhìn xa hơn, không chỉ riêng về mạng xã hội hay Internet mà thế giới hiện đại ngày nay cũng đang ảnh hưởng chúng ta rất nhiều về mặt thể chất cũng như tâm lý. Hiện tại, mọi thứ trong thế giới ta đang sống đang dần trở nên quá tải và quá thừa thãi. Chúng luôn khiến chúng ta luôn trong trạng thái kích thích muốn có tất cả mọi thứ. Thật vậy, chúng ta có thể có tất cả những gì chúng ta cần chỉ cần một cú click trên mạng, nhưng chính những tham vọng sở hữu đó lại càng khiến ta căng thẳng và lo âu hơn bao giờ hết.
Chúng ta than phiền rằng giá như tôi có thời gian để đi học đàn piano, viết sách, tham gia câu lạc hộ tập yoga, tạo dựng website, vv nhưng thực tế vấn đề không phải là chúng ta không có thời gian, mà là có quá nhiều thứ phân tán sự tập trung của ta. Như vậy, điều đó có phải là một bất lợi với bạn không? Tôi nghĩ là không, vì chúng ta không thể phủ nhận công nghệ và thế giới mà ta đang sống đã mang đến cho chúng ta vô số trải nghiệm và những điều mới mẻ. Điều quan trọng là chúng ta nên phân bổ sự TẬP TRUNG của mình vào một vài điều quan trọng, tốt hơn hết là TRÂN TRỌNG những gì bạn đang có. Vì đơn giản là BẠN KHÔNG THỂ CÓ TẤT CẢ MỌI THỨ. Nguồn lực và tài nguyên là vô hạn nhưng khả năng của bạn chỉ ở mức HỮU HẠN mà thôi.
Một trong những lý do khiến chúng ta ngày càng căng thẳng và u uất nhiều hơn là những cú sốc tin tức lan truyền đầy rẫy trên các phương tiện truyền thông. Chỉ cần một cú click chuột trên chiếc điện thoại nhỏ bé xinh xinh kia, bạn sẽ được tiếp cận hàng ngàn thông tin, từ kinh tế, chính trị, làm đẹp hay xã hội của các quốc gia trên thế giới. Việc liên tục xem tin tức luôn khiến bạn cảm thấy tuyệt vọng và lo lắng. Hầu hết những mẫu tin trên các mạng xã hội luôn cố gắng thu hút sự chú ý của bạn bằng những tiêu đề “giật gân” và khiêu khích sự tò mò nơi bạn.
Ví dụ:
/Cô đơn kéo dài là một đại dịch trong thế giới hiện đại/
/Căng thẳng nơi công sở ảnh hưởng đến 73% nhân viên/
/Tự tử tại trường học và áp lực phải hoàn hảo/
/Instagram – ứng dụng mạng xã hội tệ nhất cho sức khỏe tâm lý của giới trẻ/
Sau khi đọc xong, bạn cảm thấy thế nào? Tâm trạng của tôi đã bắt đầu chùng xuống rồi đấy. Những tin tức mang hơi hướng tiêu cực như thế này đang dần thống trị, xâm nhập và chi phối tâm trí của các độc giả. Chúng luôn đặt chúng ta vào trong trạng thái kích động và lo âu kéo dài. Đặc biệt hơn hết, chúng khiến chúng ta trở thành một con người suy nghĩ tiêu cực hơn là ngược lại. Từ đó, chúng ta không còn hy vọng tốt đẹp nào với thế giới mà ta đang sống, và trầm cảm sẽ xuất hiện như một hệ quả tất yếu.
Một điều cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ, chúng ta chưa bao giờ kết nối nhiều như vậy nhưng cũng cô đơn hơn bao giờ hết. Những cuộc gọi Facetime, những tin nhắn trao đổi thông tin, những cuộc gọi từ xa xuyên biên giới đang hình thành một khoảng cách lớn, làm cho những kết nối trực tiếp với người thật trở nên khó khăn hơn. Tôi không phủ nhận lợi ích của những việc trên, tuy nhiên chúng ta đang lạm dụng chúng quá đà, ngày càng nhiều chúng ta đang cô lập chính mình khỏi những mối quan hệ bền vững trong thế giới thật để chạy theo những ảo vọng trong thế giới mạng xa xỉ kia. Đó cũng là lý do vì sao hiện tượng trầm cảm lại ngày càng phổ biến đến như thế trong thế kỷ XXI này.
Không chỉ ảnh hưởng bởi công nghệ, các vấn đề trong xã hội cũng cần được phân tích một cách khách quan, đặc biệt là công việc của chúng ta.
Guồng quay công việc với nhiều áp lực và trách nhiệm đang đẩy chúng ta rơi vào trạng thái tuyệt vọng và căng thẳng kéo dài. Ở một vài khía cạnh, công việc là một THỨ ĐỘC HẠI, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta vô cùng lớn.
Tại sao ư? Hãy cùng nhau phân tích sâu hơn.
Nạn bắt nạt nơi công sở ngày càng gia tăng. Bản chất của cạnh tranh của nhiều môi trường làm việc thúc đẩy sự cạnh tranh quyết liệt – về sau, sự cạnh tranh này sẽ phát triển thành thao túng và bắt nạt. Theo nghiên cứu của Đại học Phoenix, 75% người làm việc tại Mỹ chịu ảnh hưởng từ việc bắt nạt nơi công sở với tư cách là mục tiêu hoặc nhân chứng của việc bắt nạt.
Trong nhiều trường hợp cực đoan, căng thẳng nơi công sở có thể gây tử vong. Ví dụ điển hình là Pháp Orange đã báo cáo về làn sóng tự tử của 35 nhân viên chỉ trong vòng vài tháng, giám đốc đã coi nó là “mốt” mặc cho báo cáo chính thức được tờ Guardian trích dẫn lên án tình trạng “quản lý quấy rối” làm “suy yếu tâm lý của nhân viên và tấn công sức khỏe tâm lý cũng như thể chất của họ.”
Văn hóa đánh giá cũng vô cùng độc hại. Việc giám sát từng chi tiết nhỏ và liên tục bị đánh giá và theo dõi chỉ khiến cho chúng ta căng thẳng về tương lai thay vì thoải mái ở hiện tại. Chính văn hóa này có thể làm suy giảm sự tự tin trong chúng ta. Chúng ta được khuyến khích rằng thành công là thành quả của sự chăm chỉ, phấn đấu không ngừng của mỗi cá nhân. Khi chúng ta phạm sai lầm hay liên tục thất bại thì không khó để cảm thấy mình thật vô dụng và đang bị xã hội đào thải.
Có nhiều nghiên cứu cho rằng làm việc liên tục ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta không hề nhỏ. Con người dành nhiều thời gian cho công việc, nhưng những giờ làm thêm này không đảm bảo rằng năng suất sẽ tăng. Vô số người làm việc ngày đêm kiếm ít tiền hơn rất nhiều so với những người sinh ra đã ở vạch đích.
Vì vậy, công việc đang đẩy chúng ta gần tới rìa vực thẳm. Chúng ta cần đánh giá xem liệu công việc có đang khiến bản thân phát ốm hay không, nếu đúng là như vậy thì chúng ta nên làm gì để cải thiện tình hình. Chúng ta đã đang đặt quá nhiều áp lực lên chính mình trong khi thực tế chúng ta có thể thay đổi cách làm việc và nhận thức đúng đắn hơn về bản chất thực sự của nó.
Vậy, với tốc độ phát triển nhanh chóng của công nghệ và sự tiến bộ không ngừng của chúng, liệu chúng ta có thể làm gì trong hành tinh đang quá tải như thế này? Liệu có cách nào để chúng ta có thể ngăn cản quá trình biến đổi không ngừng này không?
Theo Yuval Noah Harari, giáo sư sử học của Đại học Jerusalem, cho rằng vấn đề không phải là chạy trốn khỏi công nghệ và sự thừa thải về mọi thứ trong thế giới ngày nay, vấn đề ngày nay là sử dụng chúng cho nhiều mục đích khác nhau. Bạn sử dụng như thế nào sẽ quyết định tương lai của bạn như thế đó. Tử tế với chính mình cũng là cách bạn tử tế với xã hội và thế giới xung quanh, với tư cách cá nhân và tập thể.
Yuval Noah Harari cho rằng:
Bạn không thể dừng tiến bộ công nghệ. Kể cả khi một quốc gia ngừng nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, những quốc gia khác sẽ vẫn tiếp tục làm điều đó. Câu hỏi thật sự ở đây là chúng ta phải làm gì với công nghệ. Bạn có thể sử dụng cùng một công nghệ cho những mục đích xã hội và chính trị rất khác nhau. Chúng ta nên tự hỏi rằng chúng ta nên làm gì với công nghệ, với câu hỏi này chúng ta vẫn còn nhiều khả năng để tác động định hướng cho tương lai.
Vì vậy việc trốn tránh khỏi công nghệ và một thế giới hỗn loạn ngày nay là một việc bất khả thi. Vậy bạn cần làm gì để “sống chung” với những điều này? Sau đây là một vài giải pháp bạn có thể tham khảo:
/LÀM SAO ĐỂ NGỦ TRONG MỘT HÀNH TINH ÂU LO?/- những lời khuyên vô cùng đơn giản nhưng lại khó thực hiện vô cùng!!
Có đủ các loại giải pháp công nghệ mất phí hoặc miễn phí hiện có. Từ những thiết bị theo dõi giấc ngủ, đến bóng đèn không có ánh sáng xanh, đến liệu pháp thôi miên rồi cả mặt nạ ngủ. Nhưng các sản phẩm tiêu dùng này lại đang tìm cách khiến cho chúng ta ngày càng lo lắng hơn về giấc ngủ.
Trên thực tế, những phương pháp tốt nhất lại khá đơn giản. Các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều giải pháp như tạo ra một thói quen, tránh cafein, nicotin và quá nhiều đồ uống có cồn vào buổi tối, tập thể dục hằng ngày, tiếp xúc với ánh sáng ban ngày tự nhiên, tránh ăn quá nhiều vào buổi tối và thư giãn trước khi ngủ.
Điều quan trọng nhất là hãy đi ngủ sớm hơn. Hãy thắt chặt thời gian sử dụng điện thoại và máy tính của bạn. Cố gắng không dùng chúng trước khi ngủ vì ánh sáng xanh sẽ ảnh hưởng xấu đến melatonin – nội tiết tố giúp chúng ta ngủ ngon.
/LÀM SAO ĐỂ TỈNH TÁO TRÊN INTERNET?/- Danh sách những lời răn dạy hoàn hảo nhưng chưa chắc bạn đã làm được!!
1/Hãy kiêng khem, đặc biệt là kiêng mạng xã hội. Kiềm chế bản thân không bị lôi kéo vào bất cứ thứ gì độc hại.
2/ Hãy hiểu rằng những gì bạn tưởng là thật, có khi hoàn toàn không phải là sự thật. Khía cạnh nổi bật nhất của Internet chính là những tấm gương phản chiếu cuộc sống bên ngoài, nhưng các bản sao đó không thể thay thế được thế giới ngoài kia. Đúng, bạn có thể thật sự có những người bạn trên Internet, nhưng thực tế ngoài đời vẫn là một bài kiểm tra tốt cho tình bạn ấy.
3/ Đừng theo dõi những người bạn ghét. Theo dõi ai đó mà bạn ghét không giúp bạn bớt phẫn nộ, ngược lại mà còn đổ thêm dầu vào lửa. Việc theo dõi những người bạn ghét hay bất đồng quan điểm còn dễ khiến bạn trở nên cực đoan. Đừng kiếm tìm những thứ khiến bạn không vui.
4/ Đừng chơi trò đánh giá. Mạng Internet rất thích đánh giá, xếp hạng dù đó là đánh giá trên Amazon, TripAdvisor, Rotten Tomatoes, hay đánh giá từng bức ảnh, từng lượt like. Hãy bỏ mặc chúng. Đừng bao giờ đánh giá bản thân bằng những thứ phù du đó.
5/Đừng bao giờ trì hoãn một bữa ăn, một giấc ngủ chỉ vì mạng Internet.
6/Đừng dành thời gian cả đời để lo lắng về việc bạn đang bỏ lỡ điều gì. Hay sống không chỉ hài lòng với những gì bạn đang làm, mà hãy hài lòng với con người mà bạn đang trở thành nữa.
/SÁU CÁCH ĐỂ THEO KỊP TIN TỨC MÀ KHÔNG PHÁT ĐIÊN!/
1/ Hãy nhớ rằng cách bạn phản ứng với tin tức không chỉ là về tin tức đó, mà còn cách bạn tiếp nhận nó. Thật dễ dàng để tin rằng mọi thứ đang trở nên tồi tệ hơn, nhưng chúng chỉ đang khiến chúng ta cảm thấy tồi tệ hơn.
2/ Giới hạn số lần bạn xem tin tức.
3/Nhận ra rằng thế giới này không bạo lực như chúng ta vẫn nghĩ.
4/ Hãy ở gần động vật. Động vật là một nguồn trị liệu tốt. Các tin tức về chính trị, kinh tế hay xã hội ngoài kia đều không liên quan đến chúng, chúng không quan tâm. Cuộc sống của chúng vẫn trôi qua một cách nhẹ nhàng.
5/Đừng lo lắng về những gì bạn không thể kiểm soát. Tin tức có rất nhiều thứ bạn không thể thay đổi. Hãy làm những gì bạn có thể làm, nâng cao nhận thức về những vấn đề bạn quan tâm, hãy làm tất cả cho những đam mê của bạn và chấp nhận những việc bạn không thể thực hiện.
6/ Hãy nhớ rằng, chăm chú vào tin xấu không có nghĩa là tin tốt đang không diễn ra. Nó vẫn diễn ra ở khắp mọi nơi. Nó đang diễn ra ngay bây giờ. Chỉ cần có một suy nghĩ tích cực và hy vọng, bạn sẽ thấy thế giới này kỳ diệu đến nhường nào.
/5 CÁCH LÀM VIỆC MÀ KHÔNG SUY SỤP/
1/Hãy làm một việc gì đó bạn yêu thích. Nếu bạn thích công việc mình đang làm, bạn sẽ trở nên giỏi hơn trong lĩnh vực đó. Nếu bạn yêu thích chúng, chúng sẽ không khiến bạn cảm thấy gánh nặng nữa.
2/ Đừng đặt mục tiêu để hoàn thành nhiều hơn. Hãy đặt mục tiêu để có ít thử phải làm hơn. Trở thành một người tối giản trong công việc. Làm việc nhiều không phải lúc nào cũng tương đương với thành tích tốt.
3/Đặt giới hạn. Hãy dành những khoảng thời gian trong ngày và trong tuần để không làm việc, không trả lời hay nhận email, không phiền nhiễu.
4/Đừng làm một kẻ cầu toàn Con người chẳng ai hoàn hảo. Công việc của con người cũng chẳng thể hoàn hảo. Đừng trở thành rô-bốt. Hãy ôm trọn những khuyết điểm của mình. Tiến hóa chỉ có thể xảy ra qua những sai lầm.
5/ Đừng quá quan trọng công việc của bạn.
Theo Bertrand Russell:
Một trong những triệu chứng cho thấy bệnh suy nhược thần kinh đang đến gần là niềm tin rằng công việc của họ thật sự vô cùng quan trọng.
Khi mọi thứ dường như quá tải, hãy tự nhủ với bản thân rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Hãy tiếp xúc với thế giới thiên nhiên nhiều hơn, dành nhiều không gian cho tâm trí của bạn như: đọc sách, đi dạo với chú cún cưng. Bạn đã đủ đầy từ khi sinh ra, vì vậy không cần phải so sánh chính mình với người khác. Bạn chỉ cần thay đổi hành vi của mình để thay đổi hành tinh mà bạn đang sống. Điều quan trọng là hãy sống chậm lại, chấp nhận mọi thứ diễn ra theo cách mà chúng phải diễn ra một cách tự nhiên. Cuộc sống chỉ có một lần duy nhất, hãy tử tế với chính mình và chấp nhận những khiếm khuyết của mình vì bạn là độc nhất.
Lời kết
Thật khó để có thể tỉnh táo trong một thế giới “đang gần như phát điên” nhưng tôi tin chỉ cần bạn có đủ nhận thức và một tinh thần sẵn sàng hành động vì những điều tốt đẹp, bạn có thể thay đổi hành tinh của chính mình. Dù ngoài kia có biết bao nhiêu điều khiến bạn phân tâm và khiến bạn bất ổn, hãy tin rằng bạn mới là người tạo nên vận mệnh của chính mình. Hãy sống đúng với chính mình và nhìn thế giới này bằng một đôi mắt khác, đôi mắt của sự hy vọng, yêu thương và sự tin tưởng. Và đôi khi, bạn có thể tận hưởng trọn vẹn thế giới của chính mình chỉ cần lãng quên chiếc điện thoại trong vòng mười phút.
Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn
Hình ảnh: Tuyết Sơn