Cuộc đời là một bài toán vô cùng phức tạp mà trong đó mỗi người phải tự tìm kiếm câu trả lời cho chính mình vì vốn dĩ đời sống vốn là một bí mật, đòi hỏi một sự tìm kiếm không ngừng và đó cũng chính là ý nghĩa chân thật nhất của đời sống. Vì vậy, bạn đã sẵn sàng cho cuộc hành trình ấy chưa?
Nguyên Phong là một kỹ sư cao cấp tại Boeing trong vòng hơn 20 năm, một nhà khoa học của Đại học Carnegie Mellon và Đại học Seattle (Mỹ). Ông còn được biết đến như một dịch giả nổi tiếng của Việt Nam, những sách mà ông đã dịch và chuyển thể chủ yếu xoay quanh những vấn đề tâm linh và văn hóa phương Đông sau quá trình tìm hiểu và khám phá các giá trị tinh thần từ phương Đông.
Dấu chân trên cát chủ yếu lấy bối cảnh ở Ai Cập, xoay quanh câu chuyện về anh chàng y sĩ Sinuhe trên con đường nối nghiệp cha mẹ của mình, sứ mệnh hành y để giúp những người nghèo và sống một cuộc sống không vướng bận. Nhưng rồi trải qua rất nhiều thất bại từ những cám dỗ nhục dục, phải lòng yêu một cô gái rồi bị đắm chìm trong thù hận, ghen tuông với anh chàng bạn thân Horemheb, hay sau những lần tiền tài, danh vọng, quyền lực lu mờ đi đôi mắt cũng như là trái tim của anh chàng Sinuhe này, chàng quên đi con đường mà mình đang đi và quên đi lý tưởng của mình, quên đi những điều quan trọng mà cậu ấy đang ôm ấp và theo đuổi, nhưng cuối cùng anh chàng cũng nhận ra chân lý và trở về với bản tính tốt bụng và hiền lành khi xưa.
Trong câu chuyện, vị vua Pharaoh Akhenaten, một vị vua luôn yêu thương dân, hết lòng vì dân và là vị vua luôn đề cao sự hòa bình và không ủng hộ chiến tranh. Thay vì dùng quân lực để mở mang bờ cõi và liên tục tạo ra kẻ thù, thì ông quan niệm chỉ khi rằng chúng ta bớt hận thù lẫn nhau, luôn hiểu và cảm thông cho nhau thì sẽ không có những mâu thuẫn, chiến tranh với những hậu quả không đáng có. Ông cũng là một vị vua hết lòng yêu thương vợ, là một thơ sĩ, những đề tài mà ông sáng tác luôn chú trọng những đề tài về thiên nhiên và con người, ông chú trọng sự mộc mạc và chân chất trong cách sống của con người. Đặc biệt hơn nữa, từ thời xa xưa, những vị vua Pharaoh luôn tôn thờ nhiều vị thần linh khác nhau riêng vua Akhenaten chỉ tôn thờ một biểu tượng là Aten (Độc thần giáo)-ngôi sao Thái Dương, hay còn gọi là Chân lý tối thượng trong vũ trụ.
Sau đây là 5 bài học mà mình đút kết ra được khi hoàn thành quyển sách này:
*Bài học thứ nhất: Khi con người hiểu được vũ trụ thì cũng là lúc họ hiểu được chính bản thân họ.
Trong câu chuyện, chàng y sĩ Sinuhe rất có tinh thần hiếu học và luôn tò mò tất cả mọi thứ, vì tinh thần học hỏi nên chàng đã được tiếp xúc và chiêm nghiệm được các trường phái khác nhau của khoa học, đặc biệt là Khoa học về Sự sống và Khoa học về Sự Chết. Trong quá trình thực hành và tiếp thu những kiến thức mới, chàng nhận ra thật ra rằng chúng ta chỉ là một phần rất nhỏ trong vũ trụ này, mỗi cá thể trong vũ trụ này đều có những hoàn cảnh, thời điểm và điều kiện để chúng thích nghi và phát triển, kể cả những cá thể vô hình và hữu hình. Vũ trụ khi ta nhìn lên bầu trời là một khoảng không gian dường như vô hình, nhưng thật ra có rất nhiều cá thể, sinh vật ngoài kia đang tồn tại, chỉ có điều là chúng ta không nhìn thấy chúng theo một cách nào đó.
Khi chúng ta tác động lên một yếu tố nào đó trong vũ trụ thì ngay tức khắc những yếu tố có liên quan cũng bị ảnh hưởng theo, những yếu tố đó cố gắng để quân bình lại trạng thái cân bằng. Khi chúng ta gửi một tín hiệu ra ngoài vũ trụ, theo định luật quân bình, những tín hiệu của chúng ta sẽ được hồi đáp lại không bằng cách này thì sẽ bằng cách khác. Điều này giống với định luật hấp dẫn “The Law of Attraction”, nếu chúng ta mong muốn điều gì, chúng ta cầu nguyện và gửi những tín hiệu cho đấng tối cao thì trước sau gì chúng ta cũng có được những gì mình muốn, đương nhiên với hành động nữa thì chúng ta mới mong muốn có những kết quả tốt nhất.
Hơn nữa, trong vũ trụ tồn tại vô số muôn vàn sinh vật, hữu hình lẫn vô hình, khi chúng ta nhìn lên bầu trời chúng ta chỉ thấy một khoảng trống không gian vô tận, tuy nhiên khoảng không gian ấy được bao phủ bởi một năng lượng cực mạnh, chúng tồn tại những luồng khí điện cực mạnh ảnh hưởng và tác động lẫn nhau. Trong tất cả những loài sinh vật sống trong vũ trụ, ít nhiều chúng đều chịu tác động của những luồng khí điện này.
Ví dụ: Sự ảnh hưởng của những luồng khí điện và bản thân cá thể sinh vật mà chúng ta thường hay thấy, có những loài hoa chỉ đặc biệt nở vào ban đêm, nhưng cũng có những loài hoa chỉ nở vào ban ngày, hoặc chỉ những loài cây chỉ sống được với nhau còn có những loài cây khác lại xung khắc với nhau.
Tất cả mọi sự trên thế gian đều có một sự sắp đặt hết sức hoàn hảo, chúng không xảy ra ngẫu nhiên mà tất cả đều có nguyên nhân của nó. Luôn luôn tồn tại một quy luật vũ trụ mà chúng ta phải tuân theo, chúng ta không thể nào làm theo những gì chúng ta muốn. Nếu con người đi trái với quy luật của tự nhiên, thì hậu quả sẽ rất khôn lường. Khi sống với quy luật của tự nhiên, chúng ta sẽ sống đúng mực hơn, không làm những việc trái đạo lý và sống một đời thanh thản hơn. Cũng giống như trong âm nhạc, nếu chúng ta không tuân theo quy luật của âm nhạc thì chúng ta sẽ cũng chỉ sáng tác ra những bài hát vô hồn và rời rạc mà thôi.
Việc hiểu mình và vũ trụ là một việc hết sức quan trọng, khi hiểu rằng vũ trụ này vô cùng rộng lớn thì chúng ta chỉ là những cá thể rất nhỏ bé, giữa biển đại dương bao la chúng ta chỉ là một giọt nước nhỏ mà thôi, chính vì vậy chúng ta sẽ không ngạo mạn và kiêu căng, xem chính mình là trung tâm của vũ trụ nữa. Biết chấp nhận và trân trọng sự tồn tại của mình và cống hiến nhiều hơn cho cộng đồng.
*Bài học thứ hai: Đừng cố gắng thay đổi thế giới, hãy cố gắng thay đổi chính mình
Thay vì đích thân thay đổi và cứu thế giới thì chúng ta trước hết phải thay đổi chính bản thân chúng ta trước, chúng ta phải đi những bước đi đầu tiên, không ai có thể thay đổi được người khác, vì mỗi người đều có những suy nghĩ, lối sống, quan điểm cũng như cách họ trải nghiệm trong suốt quá trình lớn lên, chính vì vậy, chúng ta chỉ có thể tiếp nhận, tôn trọng và học hỏi từ những người có quan điểm và ý tưởng khác ta.
Chỉ khi chúng ta thay đổi bản thân trước, chấp nhận bước đi những bước đi đầu tiên thì theo thời gian người khác sẽ thấy được sự thay đổi của chúng ta, họ sẽ đủ nhận thức được những gì chúng ta làm là tốt hay xấu, họ sẽ tự động thay đổi theo chiều hướng có lợi cho họ.
Đừng cố thay đổi người khác phải làm theo ý mình, điều ấy thật vô lý. Chính từ việc muốn thay đổi người khác, muốn người khác làm theo ý mình mà chúng ta đã gây ra biết bao nhiêu sự hiểu lầm, chống đối thậm chí rộng hơn là chiến tranh giữa các nước chỉ vì mâu thuẫn về quan điểm.
Trong câu chuyện, chỉ vì hiềm khích và mong muốn thay đổi người khác mà mối thâm giao giữa Ai Cập và xứ nước Hittites trở nên tồi tệ hơn và lòng thù hận của người dân hai nước lại càng một nghiêm trọng hơn.
Chính vì vậy, chúng ta cần có sự hiểu biết để cảm thông và yêu thương người khác. Nếu không có sự hiểu biết, chúng ta chỉ nhìn thấy những sai trái và tật xấu nơi người khác. Vì tình thương chỉ xuất phát từ sự hiểu biết của chính bản thân ta, đến từ việc chúng ta thay đổi góc nhìn với thế giới, trải nghiệm những điều mà chúng ta chưa bao giờ trải nghiệm vì những sự kiện ấy sẽ mở rộng tư duy và biết cảm thông cho người khác hơn.
*Bài học thứ ba: Thất bại là một người Thầy vĩ đại giúp chúng ta trưởng thành và nhận ra chân lý của cuộc sống
Chỉ có thất bại mới giúp chúng ta mạnh mẽ, học hỏi từ những trải nghiệm ấy và tự đứng lên. Sau nhiều lần thất bại từ việc yêu cô nàng Nefer xinh đẹp, ghen tuông và thù hận với anh bạn thân Horemheb mà Sinuhe đã sang tận Palestine để trốn tránh và mang nỗi báo thù trong vòng 10 năm, nhưng cuối cùng những thất bại ấy, những sự hiểu lầm, những thách thức giúp cho Sinuhe nhìn nhận ra nhiều thứ và từ bỏ lòng thù hận để quay về với chân lý mà cậu từ lâu đã tôn thờ. Sinuhe nhận ra rằng thù hận chỉ khiến cho cuộc sống của cậu đau khổ, cậu cần có cái đầu lạnh để suy nghĩ chín chắn hơn và tìm hiểu căn nguyên của vấn đề hơn là cứ phản ứng lại tất cả mọi thứ xảy đến với cậu.
Cũng vì chính những thất bại qua nhiều triều đại mà vua Pharaoh Akhenaten nhận ra rằng dùng chiến tranh để giải quyết vấn đề không mang lại sự hùng mạnh của một quốc gia, mà ngược lại nó để lại những hậu quả vô cùng khôn lường không chỉ cho đất nước ấy mà còn cho những người dân vô tội.
Kẻ nào đòi khăng khăng đòi tiêu diệt kẻ khác, thì kẻ ấy không thể nào tiến bộ được, và chỉ quanh quẩn mãi trong phạm vi thù hận, bạo lực mà thôi. Một quốc gia chỉ chuẩn bị cho chiến tranh thì sẽ không thể tiến bộ ở những phương diện khác, một hoàng đế chỉ biết củng cố quyền lực của mình thông qua chiến tranh, thù hận thì quốc gia sẽ suy kiệt, thoái hóa, dân chúng sẽ lầm than, khổ cực. Trái lại, những hoàng đế biết vượt qua những lý luận tầm thường của sự oán hận, biết tha thứ cho những kẻ gây khó khăn cho mình, sẽ vươn lên cao và kéo kẻ khác cùng tiến bộ với mình.
Mỗi một thất bại là một bài học mà chúng ta cần phải học và nếm trải để tiến đến CHÂN-THIỆN-MỸ, vì nếu không có thất bại và khó khăn, chúng ta sẽ không biết được sức mạnh tiềm ẩn trong chúng ta to lớn như thế nào và chúng ta là ai trên cõi đời này.
*Bài học thứ tư: Giáo dục là một phần quan trọng trong việc giúp một đất nước đi lên
Chỉ có giáo dục mới là con đường giúp chúng ta trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ nhìn nhận mọi việc theo một chiều hướng khác và cách chúng ta trải nghiệm về những sự kiện trong cuộc sống cũng khác hơn những người khác. Giáo dục là một nghệ thuật mà trong đó người thầy cũng đóng vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng cũng như khuyến khích những ưu điểm, những tiềm năng trong bản thân học viên, học trò. Giáo dục giúp chúng ta có sự hiểu biết và tình yêu thương đối với người khác. Chỉ khi chúng ta hiểu được mình và hiểu được những gì xung quanh mình thì chúng ta sẽ hiểu được người khác.
Giáo dục là một nghệ thuật nên nhà giáo dục không những phải là người có kiến thức mà là còn những nghệ sĩ, những người có tâm hồn rộng mở với tự nhiên, biết rung động theo nhịp điệu của thời tiết, vui buồn với thế thái nhân sinh. Họ phải là những con người hoàn toàn tự do trong việc nuôi dưỡng, huấn luyện những tâm hồn còn non dại, ngây thơ này. Một vị thầy phải biết thích nghi với sự nảy nở của đứa trẻ, phải tiếp xúc với những giai đoạn phát triển của đứa trẻ để dạy bảo và dìu dắt đúng với khả năng tiếp nhận của nó.
Tầm quan trọng của cha mẹ trong việc nuôi dạy trẻ là điều rất quan trọng, nếu từ nhỏ, một đứa bé được nuôi dưỡng và giáo dục từ sự thù hận, ganh đua thì sau này tương lai của đứa bé ấy sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có chiều hướng tiêu cực. Nhưng nếu đứa trẻ ấy được giáo dục một cách chu đáo, cẩn thận thì sau này tương lai của chúng sẽ rất rực rỡ. Việc giáo dục một đứa trẻ cũng giống như gieo một hạt mầm, chúng ta chỉ cần tưới và nuôi dưỡng chúng hằng ngày với tất cả sự ân cần và tỷ mỷ thì chúng sẽ phát triển rất tốt.
*Bài học thứ năm: Một xã hội phân chia giai cấp là một xã hội kém phát triển
Trong lịch sử và văn hóa Ai Cập, có rất nhiều triều đại họ trị vì đất nước thông qua chế độ giai cấp, chia để trị, từ đó cuộc sống của từng thành phần trong xã hội có sự khác biệt rất lớn. Chính vì sự phân biệt trong giai cấp mà cách suy nghĩ của từng cá nhân rất khác nhau, gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu, gây những tổn thất to lớn cho những người dân vô tội.
Chính vì phân biệt các tầng lớp giai cấp, giàu hay nghèo, dân thường và hoàng tộc mới có những khoảng cách rất lớn trong việc phát triển quốc gia. Người mạnh thì được ưu tiên còn kẻ yếu thì bị rẻ rúng và phân biệt, vì thế cần lắm một xã hội công bằng và đề cao sự phát triển của từng cá nhân.
Người cao cả là người không chà đạp lên những kẻ yếu đuối, hiếp đáp kẻ thế cô. Người cao cả là người muốn yêu thương và giúp đỡ người khác, biết hy sinh mình cho kẻ khác. Người cao cả là người có lòng nhân ái, biết bênh vực những kẻ khốn cùng, che chở kẻ yếu đuối.
Vì vậy, mỗi người nên được đối xử bình đẳng với nhau, ai ai cũng có cơ hội học hỏi và phát triển cá nhân theo một cách tốt nhất. Hay nói cách khác, mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc, học hỏi những điều mới và tiếp cận tri thức như bất cứ ai trên thế giới, không phân biệt màu da, sắc tộc hay tôn giáo gì cả.
Ngày xưa, việc giáo dục chỉ dành riêng cho các gia đình quý tộc, nhưng ta không chấp nhận một sự phân biệt như thế. Đối với ta, bất cứ đứa trẻ nào phải được đối xử công bình như nhau.
Lời kết
Cuốn sách khép lại để lại trong chúng ta nhiều bài học cũng như những cảm xúc khác nhau, nếu bạn đề cao những giá trị như việc cho đi nhiều hơn và niềm tin mãnh liệt vào giáo dục sẽ giúp cuộc đời của mỗi cá nhân tốt lên thì quyển sách này là một quyển “gối đầu giường” cho bạn. Thêm nữa, bạn sẽ có thêm nhiều kiến thức lịch sử về văn hóa Ai Cập cổ đại, cuốn sách ra đời rất lâu rồi nhưng những chân lý và những lời dạy trong quyển sách này vẫn còn rất thực tế và còn mang đậm thông điệp dấu ấn lịch sử cho đến ngày nay.