Trước hết, mình phải khen vì một tác phẩm quá xuất sắc và mang tầm ảnh hưởng. Cuốn sách thiên về TÂM LÝ HỌC và khơi mở rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Bối cảnh là một cuộc hội thoại giữa một triết gia ( philosopher ) và một chàng thanh niên (youth) về những trăn trở mà chàng thanh niên đang gặp phải, cùng với cách giải quyết vấn đề và dẫn dắt của nhà triết gia đã làm cho chàng thanh niên tâm phục khẩu phục.
Thật ra những vấn đề mà anh ta đang gặp phải là những vấn đề của CHÍNH CHÚNG TA trên con đường đi đến hạnh phúc đích thực. Tâm lý học Adler được sử dụng trong sách rất nhiều nhằm lý giải những vấn đề cốt lõi của chàng thanh niên và giúp chúng ta có một cái nhìn mới mẻ hơn.
✅Sơ lược về tiểu sử cùa chàng thanh niên này:
- Anh ta là một người rất tự ti về bản thân, căm ghét chính bản thân mình
- Hoang mang về con đường đang đi cũng như lúc nào cũng nghi ngờ bản thân
- Luôn quan niệm quá khứ là nguyên nhân hàng đầu khiến cho tình hình hiện tại của anh ta không tiến bộ và anh ta luôn cho rằng con người sẽ không bao giờ thay đổi
- Quá khứ từ việc cha mẹ đối xử không công bằng với anh, lúc nào cũng so sánh anh ta với anh trai nên lúc nào cũng cảm thấy cuộc đời này quá bất công, khiến cho anh ta lúc nào cũng phải để tâm đến ánh nhìn của người khác và luôn dè dặt sống cuộc sống của mình.
Sách có rất nhiều điểm hay để áp dụng và thực hành trong cuộc sống, đặc biệt mình cũng hiểu hơn là tâm lý học hiện đại của Alfred Adler trong cách chúng ta hành xử và nhìn nhận thế giới xung quanh.
🌸🌸 Nhìn chung, tâm lý học của Adler là tâm lý của sự dũng cảm ( Psychology of Courage)
🌸🌸Trải qua 5 đêm cùng với nhà triết gia vĩ đại, chàng thanh niên đã có những trải nghiệm quý giá cùng với những câu chuyện đằng sau những nỗi bất an của con người về chính bản thân họ cũng như thế giới xung quanh. Trái với THUYẾT NGUYÊN NHÂN ( luôn cho rằng những sự kiện trong quá khứ là nguyên nhân hàng đầu cho kết quả của hiện tại, hay con người chúng ta trong hiện tại) của Freud, tâm lý học Adler lại chú trọng vào THUYẾT MỤC ĐÍCH ( luôn cho rằng chúng ta ban đầu đã có mục đích về một sự vật hay sự việc nào đó dẫn đến những hành động sau đó để củng cố những mục đích ấy)
Ví dụ: Chúng ta muốn giam mình trong phòng suốt ngày từ ngày này qua ngày kia thì theo như giải thích như trên:
- Thuyết nguyên nhân: Do chúng ta từ nhỏ là nhút nhát, không có nhiều bạn bè cho nên khi lớn lên chúng ta cũng như vậy, do quá khứ ảnh hưởng đến chúng ta muốn giam mình trong phòng, không muốn tiếp xúc với ai vì chúng ta ĐÃ là người rất nhút nhát trong QUÁ KHỨ rồi.
- Thuyết mục đích: Quá khứ không ảnh hưởng gì đến HIỆN TẠI cả, chỉ có cách chúng ta gán những ý nghĩa về những sự kiện trải qua trong quá khứ như thế nào mà thôi, Hiện tại không được quyết định bởi quá khứ, mà do cách chúng ta NHÌN NHẬN và LỰA CHỌN sống như thế nào.
Nhìn chung, tâm lý học Adler phủ nhận vai trò của SANG CHẤN TÂM LÝ hay nói cách khác phủ nhận QUÁ KHỨ, ông cho rằng QUÁ KHỨ không quyết định HIỆN TẠI, mà chỉ có CHÍNH CHÚNG TA mới quyết định hiện tại mà thôi.
+Ông cũng cho rằng con người thường hay bất hạnh là vì họ CHỌN sự bất hạnh, chính chúng ta phải làm chủ chính mình, lựa chọn thay đổi cuộc đời mình. Lý do rất nhiều người ngại thay đổi là vì họ SỢ THAY ĐỔI. Nói cách khác, họ MUỐN thay đổi nhưng lại KHÔNG THỂ. Vi họ nghĩ rằng cuộc sống hiện tại dù có hơi bất tiện, hơi tthiếu tự do nhưng vẫn an toàn hơn, còn hơn là DÁM thay đổi vì không ai biết trước tương lai như thế nào, điều gì sẽ chờ mình phía trước, và cũng không biết phải xứ lý như thế nào vì vậy chúng ta không dám thay đổi cách sống hiện tại của mình.
🌸🌸 HÃY CỨ LÀ CHÍNH MÌNH, ĐỪNG SỐNG THEO CÁCH SỐNG CỦA NGƯỜI KHÁC- Don’t be a people-pleaser.
Nhà triết gia và chàng thanh niên cùng nhau thảo luận về việc hãy sống thật với chính mình và bàn về TỰ DO. Chàng thanh niên liên tục phải luôn để ý đến ánh nhìn của người khác về mình, anh sợ bị đánh giá và phê phán, anh tự tin về bản thân và mong muốn được thừa nhận ( seek approval from others). Tâm lý học Adler cho rằng sống theo cách nhìn của người khác là một cuộc sống VÔ NGHĨA và MẤT TỰ DO. Mình đang tự lừa dối chính mình và những người xung quanh.
Chúng ta phải có can đảm lựa chọn cách sống cho bản thân,đừng quan tâm người khác nói gì về mình, sống thật với chính mình và muốn được TỰ DO, chúng ta phải TRẢ MỘT CÁI GIÁ khá đắt đó là: PHẢI CÓ CAN ĐẢM ĐỂ BỊ NGƯỜI KHÁC GHÉT. Đó là TỰ DO.
Điều này có nghĩa là bị người khác ghét, phê phán, đánh giá cũng không sao vì mình đang sống cho cuộc đời của mình, làm những gì mà mình thích, đi trên con đường mà mình tin tưởng. Vì có một sự thật hết sức nghiệt ngã nhưng lại vô cùng đúng đó là: CHÚNG TA KHÔNG THỂ LÀM HÀI LÒNG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI và NGƯỢC LẠI. Sẽ có người thích hay ghét bạn, hãy xem đó là bình thường. Hãy lắng nghe theo trái tim mình và làm những gì mình cho là đúng là được.
🌸🌸 Khi đọc quyển sách này, chúng ta sẽ biết thêm một vài khái niệm hay ho về tâm lý học: cảm giác tự ti ( inferiority), mặc cảm hay phức cảm tự ti ( inferiority complex), phức cảm tự tôn ( superior complex),theo đuổi chủ nghĩa vượt trội ( strive to overcome).Mình sẽ giải thích ngắn gọn về những định nghĩa này:
- Cảm giác tự ti: là khi bản thân cảm thấy mình đang thiếu sót và cảm thấy thấp kém so với người khác, sống trong trạng thái cạnh tranh, xem mọi người như “kẻ thù” chứ không phải là “bạn”.
- Phức cảm tự ti: Là một dạng nâng cấp hơn của cảm giác tự ti. Nó không chỉ nói về cảm nhận về bản thân mình còn thiếu sót mà còn VIN vào nỗi tự ti ấy để bao biện cho sự không tiến bộ của bản thân.
- Phức cảm tự tôn: từ việc về cảm thấy tự tin về bản thân, khổ sở về tự ti nhưng lại không dám thay đổi, không chấp nhận bản thân không làm được gì, chính vì vậy mà bản thân hành động như là một người vượt trội. Một ví dụ đơn giản là viện đến quyền uy để khoe khoang và phô trương. Những người hay phô trương là những kẻ tư ti theo quan điểm của Adler.
- Theo đuổi chủ nghĩa vượt trội: Nôm na là con người là một sinh vật yếu đuối và còn nhiều thiếu sót, chính vì vậy chúng ta luôn mong muốn vượt trội, luôn muốn thay đổi bản thân để tiến bộ không ngừng.
Sẽ có nhiều bạn suy nghĩ là cảm giác tự ti là những cảm xúc xấu nên tránh xa, nhưng khi được sử dụng một cách lành mạnh thì cảm giác tự ti sẽ được sử dụng như một đòn bẩy để thúc đẩy bản thân nổ lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh và khó khăn để trưởng thành. Theo Adler, cảm giác tự tin lành mạnh không sinh ra từ việc so sánh với người khác mà là so sánh với BẢN THÂN LÝ TƯỞNG.
Mấu chốt vấn đề ở đây là không bị tê liệt trong cảm giác tự ti, mà chúng ta phải xem nó như là một động lực để chúng ta thay đổi bản thân.
🌸🌸Adler cũng cho rằng con người hay vin vào “CƠN GIẬN” để giải quyết vấn đề.
Nhiều người hay nổi giận vô duyên vô cớ, thậm chí từ những việc rất nhỏ và không quan trọng, theo Adler thì việc dùng cơn giận để thao túng người khác chỉ là một công cụ hay một một loại vũ khi để gây “sát thương” cho người khác. Thật ra, cơn giận là một trạng thái cảm xúc có thể kiểm soát được, chứ không phải là không kiềm chế được. Quan trọng là ở nơi chúng ta có muốn sử dụng cơn giận để khống chế đối phương hay không thôi. Trong sách, tác giả có đưa ra ví dụ về người mẹ và người con gái, người mẹ vô cùng tức giận và quát tháo cô con gái của mình, tuy nhiên trong lúc đôi co, thì có tiếng chuông điện thoại reo, người gọi là giáo viên của cô con gái thì ngay lập tức người mẹ chuyển giọng thành một con người rất điềm tỉnh, hiền hòa, sau khi kết thúc cuộc gọi, người mẹ ấy lại quát tháo đứa con. Thông qua ví dụ thì chúng ta thấy cơn giận là có thể KIỂM SOÁT được.
Chúng ta không nhất thiết là dùng cơn giận để giao tiếp và giải quyết vấn đề, điều quan trọng là chúng ta có thể sử dụng những cách khác hay hơn như là NGÔN TỪ và LÝ LẼ. Đối phương sẽ tiếp nhận một cách dễ dàng hơn và bị thuyết phục hơn. Những người nóng giận không phải là những người thiếu kiên nhẫn mà là do họ lựa chọn cơn giận để tấn công đối phương. Đây là một phương thức giao tiếp nguy hiểm và có thể gây ra hiện tượng “trả đũa” bởi đối phương.
Adler cho rằng tất cả những phiền muộn đều xuất phát từ mối quan hệ giữa người với người.
Chúng ta không thể thoát khỏi những mối quan hệ giữa người với người, khi đặt chúng ta trong bối cảnh xã hội thì dù ít dù nhiều, chúng ta sẽ vẫn phải chịu những tổn thương, chúng ta không thể né tránh, điều duy nhất chúng ta có thể làm là đối diện với chúng.
Adler quan điểm trong mối quan hệ giữa người với người, chúng ta hầu như xem những mối quan hệ của mình theo “hàng dọc”, thay vào đó chúng ta nên cư xử với mọi người theo mối quan hệ “hàng ngang”. Ông quan niệm CHÚNG TA KHÔNG GIỐNG NHAU NHƯNG LẠI BÌNH ĐẲNG VỚI NHAU.
Tuy chúng ta khác nhau về tuổi tác, trình độ, kinh nghiệm, văn hóa, vv nhưng chúng ta lại BÌNH ĐẲNG với nhau. Ví dụ dễ hiểu là khi so sánh trẻ con và người lớn thì chúng ta thấy đó là một trời một vực, làm sao mà trẻ con có thể được đối xử giống người lớn, tuy nhiên khi đi sâu hơn, chúng ta hãy xem trẻ con như những con người giống chúng ta, luôn tôn trọng chúng và đối xử với chúng như một con người thực thụ.
Chúng ta nên đối xử với mọi người là “bạn”, vui cho hạnh phúc của người khác, một khi chúng ta còn “sân si” với hạnh phúc cũng như thành quả của người khác, xem hạnh phúc của họ là thất bại của mình thì chúng ta chỉ đang sống trong một tư tưởng cạnh tranh khốc liệt với họ, xem họ như kẻ thù, cái mà chúng ta nên tập trung là cố gắng không ngừng cải thiện bản thân, cải thiện những điểm còn thiếu sót.
🌸🌸Tâm lý học Adler phủ nhận NHU CẦU ĐƯỢC THỪA NHẬN của con người.
Con người thường có mong muốn được thừa nhận bởi người khác, muốn mình được khen, chúng ta sống theo ánh nhìn của xã hội để điều chỉnh hướng đi của mình, sống mà mong muốn được thừa nhận bởi người khác là một lối sống MẤT TỰ DO. Chình vì mong muốn được thừa nhận, chúng ta làm đủ mọi cách để lấy lòng người khác, can thiệp vào việc của người khác để làm một việc tốt nhằm để họ “công nhận” mình là một người tốt và biết giúp đỡ mọi người. Theo quan điểm của Adler thì nhu cầu được thừa nhận của con người bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chế độ THƯỞNG-PHẠT.
Ví dụ: Nếu hành động nhặt rác với mục đích là bảo vệ môi trường, giữ cho môi trường sạch sẽ và vệ sinh , và xuất phát từ chính mong muốn của bạn thì không sao nhưng nếu hành động ấy xuất phát từ việc nhặt rác vì “mọi người”, vì muốn mọi người công nhận và khen ngợi mình, làm chỉ để một chút hư vô thì đó là nhu cầu được công nhận từ người khác, kết quả sẽ không đi đến đâu cả. Nói nôm na ra “Nếu được khen thì tôi làm, còn không thì đừng có mơ”.
🌸🌸Quan trọng hơn hết trong quan điểm tâm lý của Adler thì PHÂN CHIA NHIỆM VỤ là vô cùng quan trọng.
Phân chia nhiệm vụ quan trọng là vì đó là cách duy nhất để chúng ta bớt khổ sở hơn trong mối quan hệ giữa người với người. PCNV nghĩa là xác định ngay từ đầu và luôn đặt câu hỏi: “ Đây là nhiệm vụ của ai?” Vậy làm thế nào chúng ta biết cách PCNV hiệu quả mà không đánh mất hay phá vỡ đi những mối quan hệ ngoài kia? Hãy hỏi: “ Ai là người cuối cùng thụ hưởng kết quả do sự lựa chọn đó mang lại?” Từ đó, chúng ta sẽ không còn can thiệp vào việc của người khác nữa.
Sẽ có những phản biện về điều này, nếu trong quan hệ cha mẹ và con cái về việc học hành thì có vẻ nghe không hợp lý, nhiều người sẽ nhận định việc “bắt con học” là trách nhiệm của ba mẹ và cần phải can thiệp vào, nhưng thật ra quan điểm này theo Adler là sai hoàn toàn. Việc học là NHIỆM VỤ của trẻ, không phải NHIỆM VỤ của ba mẹ, chính vì vậy hãy ngưng can thiệp vào việc học của con, nhưng điều đó không có nghĩa là ba mẹ có thể vô trách nhiệm và không muốn biết con đang làm gì.
Điều quan trọng là quan sát con đang làm gì và tìm cách hổ trợ, ba mẹ có thể hổ trợ khuyến khích con dần có niềm tin vào khả năng của mình, để con tự nhận thức được đó là nhiệm vụ mà con phải giải quyết. Trợ giúp chứ không can thiệp.
Điểm mấu chốt ở đây là hãy giữ một KHOẢNG CÁCH PHÙ HỢP với đối phương. Nếu bạn gì mắt quá gần vào những trang sách thì sẽ không đọc được, cũng như cha mẹ can thiệp quá nhiều vào đời sống của con thì dần dần lại làm “hư” con, khiến chúng mất sự can đảm và tính độc lập trong suy nghĩ cũng như trong hành động cho tương lai của chúng. Điều này hoàn toàn đúng trong các mối quan hệ bạn bè, cha mẹ/con cái, tình yêu đôi lứa,vv.
PCNV đề cao sự TRÁCH NHIỆM của từng cá nhân trong việc giải quyết vấn đề của mình, chúng ta có thể trợ giúp họ nhưng không thể can thiệp giải quyết vấn đề cho họ. Cũng giống như chúng ta có thể dắt con ngựa đến dòng nước nhưng không thể bắt chúng uống nước.
🌸🌸Theo Adler thì việc cảm nhận bản thân mình CÓ GIÁ TRỊ HAY KHÔNG là khi cá nhân ấy cảm thấy “mình có ích cho xã hội”.
Khi chúng ta quan tâm đến xã hội và gạt bỏ những toan tính ích kỷ cho bản thân, ra sức cống hiến cho xã hội, nói cách khác là nghĩ đến cộng đồng hơn ngoài lợi ích của bản thân, chính điều đó mang đến ý nghĩa cho cuộc đời của bạn. Bản chất cuộc đời không có ý nghĩa gì cả, chính chúng ta là người tạo ra ý nghĩa đời mình.
Nhưng sẽ có những phản biện, “nếu tôi không làm gì có ích cho ai đó” thì tôi không có giá trị. Theo Adler, chúng ta đang đánh giá giá trị của bản thân hoặc của người khác theo cấp độ HÀNH VI, thay và đó chúng ta nên tập trung vào cấp độ TỒN TẠI. Nghĩa là chỉ cần chúng ta tồn tại thôi cũng đã là có ích cho xã hội rồi.
🌸🌸 Cuối cùng, chúng ta nên tập trung cho hiện tại và sống ngay lúc này, chỉ có lúc này chúng ta mới có quyền lựa chọn thay đổi bản thân và tận hưởng quá trình đi tìm ước mơ của mình, mổi một quá trình sẽ dạy cho chúng ta một bài học và giúp ta trưởng thành hơn. Cho dù trong quá trình có khó khăn như thế nào thì ít ra chúng ta cũng đã sống hết mình và không có gì hối tiếc.
Written by Tuyet Son
#bookreviews
#dambighet
#KishimiIchiro&KogaFumitake