P/S: MỘT TÁC PHẨM MANG TÍNH SUY NGẪM CAO (BÀI DÀI & NÊN ĐỌC CHẬM)
Giới thiệu sơ qua về tác giả Hyenam Kim: Bà là một chuyên gia tâm lý học, đặc biệt là về phân tích thần kinh, với hơn 12 năm kinh nghiệm cùng với tuổi đời từng trải bà đã đút kết ra rất nhiều kinh nghiệm cũng như bài học trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Quyển sách này mình đọc mình thấy khá hay và thực tế, nội dung xoay quanh về những câu chuyện cá nhân của bà với những bệnh nhân, những ví dụ về mối quan hệ giữa cha/mẹ với con cái, tình yêu đôi lứa, cũng như những vấn đề mà con người thường hay mắc phải về việc “trưởng thành” hay nói cách khác là sẵn sàng chịu trách nhiệm cho những cảm xúc nói riêng và cuộc đời mình nói chung.
Trong quyển sách này, ngoài việc chúng ta học hỏi thêm và có những góc nhìn mới mẻ hơn về vì sao chúng ta phải trưởng thành và sống độc lập, biết vị tha và yêu thương người khác hơn, biết buông bỏ quá khứ, vv, chúng ta còn học được thêm những thuật ngữ trong tâm lý học rất hay ho nữa. Mình thấy khá ấn tượng với kiến thức sâu rộng của tác giả khi trong những câu chuyện của bà, bà luôn đưa ra những dẫn chứng cũng như những lời thoại của những nhà văn, nhà triết học, sử gia nổi tiếng trên thế giới để minh chứng cho những lập luận của mình.
P/S: Một thuật ngữ tâm lý được nhắc đến là phức cảm Oedipus ( Oepidus Complex)- phức cảm Oedipus được đặt tên bởi nhà tâm lý học Sigmund Freud dựa trên một vở kịch Oedipus Rex do Sophocles viết vào năm 429 trước Công nguyên. Nói chung, phức cảm Oedipus này là một giai đoạn tâm lý vô cùng bình thường và tự nhiên đối với trẻ nhỏ từ 3-5 tuổi. Oedipus Complex này nói về giai đoạn mà trẻ con có xu hướng phát triển tình cảm sâu sắc và đang trong quá trình định dạng giới tính của mình, chúng có xu hướng thu hút đối với những cha/mẹ khác giới nhưng lại trở nên giận dữ và ích kỹ đối với cha/mẹ cùng giới.
Ví dụ: Đối với những bé trai thường rất thích và gần gũi bên mẹ hơn là cha vì đấy là bản năng tự nhiên và rất bình thường, chúng muốn thực hiện những hành động giống như cha chúng làm với mẹ như là hôn má, chúng cũng muốn làm như thế nhưng khi trông thấy cha mình hôn lên má của mẹ thì trẻ con lại thấy vô cùng giận dữ vi chúng chỉ muốn mẹ là của riêng mình.
Nhận thức được điều này thì cha mẹ sẽ hiểu về con mình hơn, đặc biệt là trong giai đoạn này để thông cảm và không chỉ trích, yêu thương con vô điều kiện vì dù sao chúng chỉ là một đứa bé.
Ngoài ra, còn có một số từ nghe có vẻ rất cool: Neet ( Not in employment, education or training), Boomerang kids, Kippers, Freeter ( chỉ những người vô công rỗi nghề, không muốn đi làm, luôn muốn cha mẹ bảo bọc, chăm sóc, và sống tách biệt với xã hội)
Quay trở lại nội dung chính thì sau đây mình sẽ review 3 ĐIỂM CHÍNH mà mình thấy tâm đắc trong quyển sách này nhé:
#1. HẠNH PHÚC LÚC NÀO CŨNG ĐANG TRONG TẦM KIỂM SOÁT CỦA BẠN. ( Happiness is always within your control)
Quan trọng hơn nữa là hạnh phúc xuất phát từ chính bên trong bản thân mỗi chúng ta, chúng ta không cần tìm kiếm đi đâu xa xôi, chỉ cần trân quý từng phút giây hiện tại, tận hưởng từng khoảnh khắc của cuộc sống với những người bạn yêu thương, biết hài lòng và biết ơn những gì bạn đang có hơn là những gì bạn không có.
Hạnh phúc là biết buông bỏ những gì đã xảy ra trong quá khứ, chấp nhận bản thân như vốn có, học cách kì vọng ít hơn ở bản thân cũng như người khác, học cách yêu thương và tha thứ cho nhau. Học hỏi từng chút một vì chúng ta là một sinh vật tồn tại trên thế giới này, luôn bị tổn thương và cũng vô cùng yếu đuối, chính vì vậy chúng ta không bao giờ là hoàn hảo, vì thế cho nên chúng ta nên bớt cố chấp và thật sự tận hưởng những điều nhỏ nhặt nhất.
#2. HỘI CHỨNG PETER PAN ( Peter Pan Syndrome).
Hội chứng Peter Pan là một cách nói ẩn dụ để ám chỉ về thế giới người lớn như chúng ta, những con người trưởng thành nhưng lại sợ phải nhận trách nhiệm, trốn tránh mọi thứ và luôn mong muốn xã hội nói chung và vòng tay gia đình bao bọc và chăm sóc nói riêng. Thay vì bước tiếp và trưởng thành, suy nghĩ chính chắn hơn thì chúng ta lại mong muốn như cậu bé Peter Pan- vô cùng vô tư, lúc nào cũng muốn mình mãi là trẻ con để không phải bị tổn thương và đau đớn vì thế giới ngoài kia nguy hiểm và khắc nghiệt.
Tác giả bàn về sự TRƯỞNG THÀNH, theo cảm nhận riêng mình, TRƯỞNG THÀNH là một hành trình rất dài, nó sẽ theo chúng ta đến hết cõi đời mình, đến khi chúng ta nhắm mắt xui tay. Trưởng thành không có nghĩa là chúng ta phải hành xử như một người chững chạc, lúc nào cũng nghiêm túc, không biết tận hưởng cuộc sống. Hoàn toàn là sai. Trưởng thành là khi chúng ta biết hoàn thiện chính mình mỗi ngày, biết học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ, biết tận hưởng niềm vui của cuộc sống, biết phân biệt đâu là hiện thực và ảo tưởng, và quan trọng hơn hết là biết tin vào bản thân mình, biết mình là ai và mình sinh ra trên cõi đời này nhằm mục đích gì.
Chúng ta đều sợ trưởng thành là vì chúng ta sợ bị tổn thương, bị cuộc sống ném vào ta hàng trăm những khó khăn cũng như gánh nặng chồng chất, chúng ta không muốn giải quyết vấn đề mà chúng ta muốn người khác làm thay cho mình, chúng ta muốn trở về như một đứa bé, không trách nhiệm cũng như muốn làm gì thì làm, nhưng chính vào thời khắc ta giao trách nhiệm của mình cho người khác thì thật ra nhiều vấn đề hơn nữa sẽ tìm đến ta trong tương lai không xa.
Một số luận điểm sai lầm của việc trưởng thành là khi chúng ta trở thành người lớn, chúng ta không được suy nghĩ và hành động “thiếu chính chắn”, đàn ông trưởng thành không được khóc, không được hành xử như con gái, không được nhỏ nhen và hẹp hòi, không được tức giận cũng không được suy nghĩ như trẻ con. SAI HOÀN TOÀN!
Cảm xúc là một phần hết sức quan trọng đối với chúng ta, nếu loại bỏ cảm xúc chúng ta sẽ trở thành những kẻ độc tài lạnh lùng, không ai muốn đến gần. Thể hiện cảm xúc ra ngoài là cách chúng ta giải tỏa và nhìn thấy vào bên trong mình và nhận ra “ Thật ra tôi cũng rất yếu đuối và dễ tổn thương”, những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức, hãy dũng cảm bước ra ngoài và yêu cầu sự giúp đỡ, chỉ cần nói câu: “ Tôi cần bạn giúp” sẽ giúp bạn rất nhiều, đấy không phải là sự yếu đuối, đó là sự chủ động và là một bản năng hết sức “ con người”, vì bạn không thể sống trên thế gian này một mình mà không cần ai.
#3. Ý THỨC ĐƯỢC CÁI CHẾT VÀ VIỆC MÌNH GIÀ ĐI. (Have a death mentality and be aware of the fact of getting old)
Khi chúng ta ý thức được ý nghĩa của CÁI CHẾT, chúng ta sẽ thấy cuộc sống này quá HỮU HẠN và thời gian bạn dành cho NHỮNG VIỆC BẠN MUỐN LÀM sẽ không nhiều. Mỗi ngày trôi qua là bạn sẽ tiến gần hơn đến cái chết, nghe có vẻ bi quan nhưng đó là SỰ THẬT. Thay vì cảm thấy bi quan và trách sao mình sinh ra là phải chết đi thì bạn tập trung vào những điều THỰC SỰ QUAN TRỌNG với bạn, dành thời gian cho những người bạn yêu thương, cố gắng rèn luyện sức khỏe không chỉ về mặt thể chất mà còn về tinh thần cho thật khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng, luôn tạo ra giá trị cho cộng đồng.
Hãy tận dụng thời gian của tuổi trẻ để làm những việc mà bạn hằng ao ước, vì khi bạn già đi, cơ thể ngày càng yếu đi, thì năng lượng và sự nhiệt huyết của bạn sẽ không còn cao như lúc còn trẻ nữa, ấy vào giai đoạn đó, bạn sẽ thật sự sống trong HỐI TIẾC vì những gì mình ĐÃ KHÔNG LÀM.
Sách còn nhiều điểm hay nữa nhưng mình chỉ review những điểm mà có ảnh hưởng đến góc nhìn của mình, hy vọng quyển sách có thể giúp các bạn nhìn nhận lại bản thân cũng như sống thật vui, tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng nhé. Cảm ơn các bạn vì đã đọc hết bài review của mình. Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!
Xin tặng bạn một trích dẫn hay của tác giả:
“ Việc trở thành người lớn hoàn toàn không phải là chuyện đáng buồn. Đó chính là quá trình chúng ta nhận ra đâu mới là điều quan trọng thực sự trong đời mình, là quá trình tìm ra niềm hạnh phúc và sự bình ổn trong tâm hồn, cũng là quá trình chúng ta học được cách thấu hiểu sâu sắc cuộc đời này.”
Hãy share với mình về cảm nhận của bạn sau khi đọc xong quyển sách này nhé, mình sẽ rất vui khi nghe được những cảm nhận của các bạn.
Written by Tuyet Son
#bookreview
#chungtadeusotruongthanh
#hyenamkim