Nhịp đời hối hả, và thế giới xô bồ đã dần dần khiến chúng ta trở nên thờ ơ với mọi thứ trong cuộc sống. Đôi khi, chỉ cần bước chân ta chậm lại để theo dõi từng hơi thở, cảm nhận từng cái chạm của cuộc sống thì cuộc đời ta sẽ an yên biết nhường nào. Nếu như bạn cho rằng, hạnh phúc là một thứ gì đó xa xỉ và ngoài tầm với thì với Hạnh Phúc Đích Thực của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Nhà báo Hoàng Anh Sướng sẽ phải khiến bạn suy nghĩ khác đi đấy. Với lối dẫn chuyện tinh tế và khéo léo, bạn sẽ được thức tỉnh hết lần này đến lần khác về những vấn đề trong cuộc sống tưởng chừng như quá phức tạp nhưng thật ra lại đơn giản vô cùng.
*Giới thiệu tác giả:
Thiền sư Thích Nhất Hạnh:
Thiền sư tên thật là Nguyễn Xuân Bảo, ông sinh ngày 11/10/1926 tại Thừa Thiên Huế. Thiền sư xuất gia năm 16 tuổi, ông là tổ của nhánh Từ Hiểu đời thứ 8 của dòng Liễu Quán trong đời thứ 42 của phái thiền Lâm Tế. Ông là nhà lãnh đạo Phật Giáo có ảnh hưởng lớn thứ hai ở phương Tây chỉ sau Dalai Lama.
Nhà báo Hoàng Anh Sướng:
Hiện tại ông đang sinh sống tại Hà Nội, và là phóng viên của báo Tuổi Trẻ và Đời sống.
*Giới thiệu về nội dung sách
Dưới hình thức là một cuộc đối thoại giữa nhà báo Hoàng Anh Sướng và Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Hạnh Phúc Đích Thực đã khắc họa và mang đến cho bạn đọc nhiều góc nhìn hơn về cuộc sống, với những đề tài hóc búa và nan giải nhưng với cách lèo lái câu chuyện của Thiền sư và Nhà báo đã góp phần làm cho câu chuyện trở nên lôi cuốn, góp phần thu hút người đọc đi sâu vào việc giải mã những vấn đề của riêng bản thân mình, đồng thời học cách để yêu thương người khác hơn.
/Ý NIỆM VỀ HẠNH PHÚC CHÍNH LÀ NHỮNG TRỞ NGẠI CỦA HẠNH PHÚC/
Con người ai ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc, đó là nhu cầu hết sức tự nhiên và bình thường. Tuy nhiên, chúng ta dần dần đang khiến mưu cầu hạnh phúc của chính mình trở thành một gánh nặng. Hay nói cách khác, chúng ta đang đặt quá nhiều điều kiện cho hạnh phúc của mình. Một số ví dụ điển hình như sau:
“Khi nào tôi sở hữu một nhà đẹp, khi ấy tôi mới hạnh phúc.”
‘Khi nào tôi có một công việc đáng mơ ước, khi ấy tôi mới hạnh phúc.
“Khi anh ấy làm cho tôi vui, tôi mới có thể bình tĩnh và vui vẻ trở lại.”
Chúng ta đang dựa vào những điều kiện bên ngoài, những thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của bản thân để đánh giá về hạnh phúc của chính mình. Những điều kiện bên ngoài ấy được gọi là “những ý niệm về hạnh phúc” (hay còn gọi là dục tưởng), những dục tưởng này đang đóng khung chúng ta và giới hạn sự tự do của bản thân trong việc cảm nhận hạnh phúc.
Hãy từ bỏ những ý niệm về hạnh phúc. Hãy từ bỏ câu nói “Nếu mình có cái này thì mình sẽ hạnh phúc”, bạn có thể trở nên hạnh phúc NGAY LÚC NÀY và NGAY BÂY GIỜ.
Hạnh phúc không phải là điều gì đó bạn phải theo đuổi, hạnh phúc đích thực đang nằm trong tay bạn.Thay vì ước mơ xa vời và phụ thuộc vào những điều kiện bên ngoài, chi bằng hãy sống trong từng khoảnh khắc của hiện tại, tận hưởng những gì bạn đang có, đó chính là hạnh phúc. Hơn nữa, những điều kiện bên ngoài sẽ không bao giờ có thể làm thỏa mãn chúng ta, chúng đến rồi đi. Chỉ có nội tâm bình tĩnh và ung dung mới mang lại cho bạn hạnh phúc.
Chúng ta nên nhìn vào thực tế và nhận định một sự thật rằng: Một khi bạn đã sở hữu trong tay những thứ bản thân cần, ngay sau đó bạn sẽ có xu hướng muốn có được nhiều hơn. Lòng ham muốn này sẽ liên tục ngày càng nhiều, cho đến một ngày bạn không còn thể cảm nhận được ý nghĩa thật sự của hạnh phúc nữa. Hãy biết vừa đủ, chính điều này sẽ mang lại cho bạn lòng biết ơn và sự bình yên trong cuộc sống.
/THỰC TẬP CHÁNH NIỆM hay CÒN GỌI LÀ AN TRÚ TRONG HIỆN TẠI./
Chánh niệm là phương pháp thực tập trong Phật giáo ám chỉ việc biết rõ những việc đang xảy ra xung quanh mình, trước mắt mình và biết mình đang làm gì ngay thời điểm hiện tại, ngay lúc bạn đang thở. Sống trong hiện tại, không nghĩ về quá khứ hay tương lai gì cả, vì khi đó bạn mới nếm trải hết sự tinh hoa của cuộc sống.
Nếu lo rửa bát cho mau để cầm ly trà cho hạnh phúc, thì cầm ly trà cũng lại hối hả đến tương lai mà bỏ quên mất ly trà.
Chúng ta chỉ có thể làm tốt nhất có thể trong giây phút hiện tại thôi, quá khứ đã qua, tương lai thì chưa đến, cứ tận hưởng những giây phút hiện tại, sống hết mình, tập trung vào hơi thở chánh niệm.
Trong cuộc sống cho thực tại, việc thiền định là điều đặc biệt quan trọng. Thiền mang đến sự bình yên và thư thái trong tâm hồn của chúng ta. Nó xoa dịu những lo lắng, căng thẳng và giúp chúng ta quay về với hiện tại. Khi thở chánh niệm, chúng ta ý thức được mình đang thở, quan sát và cảm nhận bụng của mình phồng lên hay xẹp xuống. Khi thật sự tập trung vào hơi thở và sự phồng lên xẹp xuống của bụng, chúng ta có thể sống trong từng giây phút hiện tại. Những suy nghĩ, trăn trở sẽ biến mất như một đám mây bay qua đời bạn thôi.
Thở chánh niệm cũng giúp chúng ta kiểm soát những cảm xúc mạnh của mình như nóng giận vì chúng ta hay có xu hướng phản ứng lại với tất cả những sự kiện bên ngoài, chúng ta chưa bình tĩnh để xem xét và đánh giá tình huống để giải quyết. Chính vì vậy, thiền định là một cách hay mà Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên chúng ta nên thực hành 5-10 phút mỗi ngày, chỉ cần tập trung vào sự chuyển động phồng lên xẹp xuống của bụng là có thể kiểm soát cơn nóng giận của mình. Phương pháp thiền này sẽ không hề dễ dàng, tuy nhiên nếu chúng ta kiên nhẫn tu tập, thì phép màu sẽ đến.
/BẢN CHẤT CỦA CUỘC SỐNG LÀ KHÔNG SINH KHÔNG DIỆT/
Theo quan điểm của Thiền sư, chúng ta không sinh mà cũng không diệt, chúng ta chỉ là đang tiếp nối và luân hồi ở những hình thái khác nhau mà thôi. Khi có sự sống thì cũng đồng thời có cái chết, chúng luôn tồn tại song song với nhau. Khi bạn gãi vào da của mình, thì những tế bào da khô bắt đầu rụng và rơi xuống thì ngay lúc đó là bạn đang chết nhưng cũng đồng thời những tế bào mới cũng sản sinh ra để thay thế da mới. Cái chết không phải là thứ gì đó đang chờ đợi chúng ta ở cuối con đường mà chúng đang xảy ra từng phút từng giờ, trong từng tế bào của chúng ta.
Trên thế gian này, không có điều gì là biến mất cả. Chỉ là chúng chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác. Khi nhìn lên bầu trời, những đám mây thoát ẩn thoát hiện, khi ấy chúng ta có thể nói rằng đám mây ấy biến mất rồi, tuy nhiên đám mây ấy không hề biến mất mà chỉ chuyển từ hình thể này sang hình thể khác như mưa, không khí hay những giọt sương buổi sáng. Hay nói cách khác, chúng đang có sự tiếp nối không ngừng.
Trong hóa học, khi chúng ta cho vào ống nghiệm những hợp chất khác nhau, kết quả là sẽ sản sinh ra loại hợp chất hóa học mới. Chúng ta sẽ có xu hướng nghĩ rằng những chất ban đầu đã biến mất. Tuy nhiên, nếu áp dụng quy luật không sinh không diệt thì những hợp chất ban đầu đó không hề biến mất đi, chúng chỉ chuyển hóa từ trạng thái này sang trạng thái khác thôi. Chúng vẫn trong ống nghiệm, nhưng trong một hình mẫu chất hóa học mới.
Nhận biết được bản chất của không sinh không diệt, chúng ta sẽ hiểu được rằng không có gì là biến mất cả. Chỉ là sự tiếp nối và thay thế cho nhau. Vì vậy, khi gặp những sự kiện lớn trong đời như người thân qua đời, trải nghiệm sự mất mát, chúng ta sẽ không rơi vào hố lầy tuyệt vọng quá lâu và trở nên bình tĩnh hơn.
/NGAY TẠI THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI THÌ CHÚNG TA ĐÃ LUÂN HỒI RỒI, CHỨ KHÔNG NHẤT THIẾT LÀ PHẢI ĐỢI CHẾT ĐI MỚI LUÂN HỒI/
Luân hồi theo quan điểm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh thì có nghĩa là sự tiếp nối. Trên đời, có ba thứ cho dù bản thân đi đâu, chúng cũng mang theo dấu ấn và chữ ký của mình: TƯ DUY, SUY NGHĨ và HÀNH ĐỘNG hay còn gọi là THÂN, KHẨU, Ý.
Khi chúng ta có một suy nghĩ tích cực thì không những chúng ta lạc quan và vui hơn mà sự tích cực của chúng ta còn ảnh hưởng đến những người xung quanh. Đôi khi chỉ vì ánh mắt hay một nụ cười lạc quan của bạn lại là một món quà lớn cho người khác, khiến cho họ có
động lực và lạc quan hơn. Theo nghĩa này, sự tích cực của bạn đang luân hồi và chuyển tiếp sang cho người khác, bạn có mặt trong những ý nghĩ của cuộc đời họ.
Khi chúng ta hành động trái với đạo đức như trộm cắp, giết người, hay buông lời chua chát để mắng nhiếc và thóa mạ người khác thì chính hành động ấy sẽ tác động rất tiêu cực lên người khác, ảnh hưởng cuộc sống của họ rất nhiều. Không chỉ người bị hại mà còn cả những người thân của họ. Hình ảnh của bạn tồn tại trong họ chỉ là một kẻ giết người hoặc vô đạo đức không hơn không kém, bạn đã được luân hồi ngay tại thời điểm hiện tại và cả trong tương lai bởi những hành động thiếu suy nghĩ của mình.
Chính vì vậy, chúng ta phải có trách nhiệm với năng lượng cùng với những hành động suy nghĩ của mình. Thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp là ba nghiệp bạn phải tu tập và ý thức. Chỉ có khi một tư duy tích cực, ngôn ngữ nhẹ nhàng và hành động một cách có chừng mực và đạo đức, khi ấy bạn mới để lại tiếng thơm muôn đời.
/TỪ, BI, HỈ, XẢ TRONG TÌNH YÊU/
Tình yêu là một phạm trù lớn và để thật sự thấu hiểu được tình yêu, chúng ta cần có sự hiểu biết và yêu thương vô hạn. Dưới góc nhìn Phật giáo, một tình yêu đẹp và bền vững luôn cần có 4 yếu tố chính: từ, bi, hỉ, xả.
“Từ” là khả năng hiến tặng hạnh phúc cho người mình yêu. Yêu không phải là vấn đề hưởng thụ, yêu thương là hiến tặng. Tình thương mà không đem đến hạnh phúc cho đối phương thì không phải là tình thương đích thực. Yêu mà làm khổ nhau, ngày nào cũng cảm thấy mệt mỏi thì đó là tình yêu hệ lụy. Yêu thương ai đó thật sự là làm cho người mình yêu hạnh phúc mỗi ngày.
“Bi” là khả năng người ta lấy cái khổ ra khỏi mình. Người mình yêu phải là người hiểu, quan tâm và chia sẻ những nỗi khổ của mình trong cuộc đời. Yêu nhau là phải làm cho nhau bớt khổ. Nếu không, chỉ là đam mê và say đắm nhất thời. “Bi” trong Phật giáo đòi hỏi chúng ta phải tu tập và kiên nhẫn trong việc quan sát, lắng nghe, thấu hiểu những nỗi khổ của người mình thương để giúp họ vượt qua, tháo gỡ những nút thắt trong lòng, gây bớt khó đau và thêm hạnh phúc.
“Hỉ” là niềm vui. Càng hạnh phúc thì càng thêm niềm vui. Những khoảnh khắc san sẻ niềm vui và cùng nhau tận hưởng cuộc sống trọn vẹn cùng nhau.
“Xả” là không phân biệt, không kì thị trong tình yêu. Khi yêu nhau, ta phải biết chấp nhận con người thật của đối phương, cả những ưu và khuyết điểm. Khi có vấn đề và mâu thuẫn phát sinh, phải cùng nhau giải quyết và có trách nhiệm với nhau. Tuyệt đối không đổ lỗi và xem thường đối phương.
Nếu như “tình” là một thứ gì đó bồng bột, hay một sự đam mê mang tính nhất thời thì “nghĩa” sẽ là thứ keo sơn gắn chặt hai người với nhau. “Nghĩa” mang một tầng ý nghĩa sâu lắng hơn, nó đòi hỏi sự kiên trì, sự thấu hiểu và sự vun đắp của cả hai người. Lòng biết ơn đối với người mình yêu cũng đóng vai trò quan trọng trong một mối quan hệ.
Khi cả hai cá thể cùng nhau thấu hiểu, trân trọng những gì mà đối phương làm cho mình, vì tìm một người thật sự hiểu lòng mình trong biển người mênh mông khó lắm, giống như mò kim đáy biển vậy. Điểm mấu chốt ở đây là sự tôn trọng dành cho nhau. Mặc dù đã thân thiết với nhau, nhưng sẽ có những tâm tư tình cảm mang tính riêng tư của đối phương chúng ta không được phép xâm phạm. Phải biết giữ khoảng cách phù hợp và dành sự tôn kính cho họ. Chỉ có như vậy, tình cảm mới lâu bền và phát triển tốt.
Tuy nhiên, khi nói đến tình yêu, thì nhu cầu nhục dục là điều không thể thiếu. Có điều, nhiều lớp trẻ hiện nay đang rất coi nhẹ việc giữ gìn trinh tiết. Đối với họ, yêu là hiến dâng, là quan hệ xác thịt, thậm chí không yêu cũng quan hệ tình dục. Vậy chúng ta sẽ suy nghĩ như thế nào về điều này?
/QUAN HỆ TÌNH DỤC & VẤN NẠN NẠO PHÁ THAI/
Quan hệ tình dục là một vấn đề nhạy cảm, nhưng cũng chính vì tính nhạy cảm nên chúng ta cần phải chú trọng nhiều hơn. Trong văn hóa truyền thống Việt, thân và tâm được xem như là “nhất như”. Nếu như chúng ta không tôn kính thân thể của người mình yêu, thì cũng không tôn kính tâm hồn của họ. Yêu nhau phải có sự tôn trọng và đầu tư tình cảm cho nhau.
Có những nỗi niềm sâu kín trong tâm hồn ta chỉ có thể chia sẻ cùng tri kỷ, tương tự đối với thân thể. Sẽ có những vùng nhạy cảm và riêng tư người khác không thể xâm phạm, trừ người ta thật sự yêu thương. Một khi trong tình yêu có sự rẻ rúng và xem thường, tình yêu sẽ không bao giờ mang đến hạnh phúc cho cả hai. Chính vì vậy, trong tình yêu, người con trai phải tôn trọng thân thể và tâm hồn của người con gái và ngược lại. Tình yêu và đời sống tình dục lành mạnh chỉ xảy ra khi có sự hiểu biết và yêu thương từ cả hai phía.
Trong xã hội truyền thống xa xưa, chúng ta chỉ được dạy về sinh học chứ chưa thực sự giáo dục cho mọi đối tượng về giáo dục giới tính. Kết quả là vấn nạn nạo phá thai và quan hệ thân xác trước hôn nhân trở nên rất phổ biến cho đến ngày nay. Chính những hiện tượng này đã gây ra không ít đau khổ cho thế hệ trẻ và ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của họ về sau.
Điểm mấu chốt là chúng ta nên nhìn và giải quyết về phần gốc của vấn đề hơn là phần ngọn. Nhà trường, các bậc phụ huynh, thậm chí bản thân chúng ta nên ý thức và chủ động nâng cao kiến thức về giáo dục giới tính để giảm thiểu những vấn nạn trên. Chỉ cần chúng ta thực tập chánh niệm, ý thức được hành động và hậu quả của những việc mình làm, chúng ta sẽ giảm bớt rủi ro và cuộc sống vì thế mà tốt đẹp hơn.
/VẤN ĐỀ ĂN UỐNG DƯỚI GÓC NHÌN PHẬT GIÁO/
Theo Đức Phật, ngài có đề cập đến 4 loại thực phẩm:
- Đoàn thực: Đây là những loại thực phẩm chúng ta tiêu thụ bằng miệng. Loại thực phẩm này chúng ta nên ăn trong chánh niệm, tránh gây ra đau khổ cho mình và giống loài xung quanh. Khi chúng ta ăn thịt, hút thuốc hay uống rượu, chúng ta đang hủy hoại chính mình, làm tổn hao những bộ phận trong cơ thể và thu hẹp sự sống của chính mình.
- Xúc thực: Chúng ta có sáu căn là: mắt, mũi, thân, tai, lưỡi và ý. Chúng tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Điều này nói đến những thông tin ta tiếp nhận hằng ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng, những tờ nhật báo hay những phim truyền hình đang phát sóng. Khi tiếp xúc với nhiều loại thông tin, chúng ta nên thực tập chánh niệm để không bị những “độc tố xâm nhập vào trí óc, làm ảnh hưởng tinh thần của mình.
Có những phim mang lại cho ta sự hiểu biết, lòng từ bi, tình yêu thương, vv ta có thể xem nó. Tuy nhiên, có những phim chỉ khơi gợi trong ta sự sợ hãi, dục vọng cùng với những bất an và bạo động. Tuyệt đối chúng ta không được xem.
Con người chúng ta rất dễ bị thương tích trên thân thể trong tâm hồn. Vì vậy, thực tập chánh niệm giống như tạo ra những kháng thể để bảo vệ ta khỏi những lần tấn công của độc tố và vi khuẩn có hại.
+ Tư niệm thực: Đây là niềm ao ước ta muốn thực hiện cho đời. Chúng ta cần có một khát khao cháy bỏng để tiếp tục sống vì đây cũng là một loại thực phẩm.
+ Thức thực hay còn gọi là Tâm thức cộng đồng:
Nếu bạn sống trong một môi trường xấu, nơi có tranh đua, ghen ghét và giận dữ thì lý tưởng phụng sự và tâm ban đầu của bạn sẽ bị xói mòn nhanh chóng. Ngược lại, khi bạn đặt mình trong một môi trường, nơi mọi người cùng nhau chế tác chung năng lượng từ bì, bình an, yêu thương thì tâm phụng sự của bạn sẽ được che chở và nuôi dưỡng.
Chúng ta nên có cách nhìn khác hơn về việc tiêu thụ thực phẩm, đồng thời có ý thức chánh niệm để tránh rơi vào những cám dỗ không đáng có và có khi lại tự hại bản thân.
Lời kết
Khép lại gần 300 trang sách, chúng ta giật mình nhận ra hạnh phúc lại là những điều vô cùng bình dị và chúng luôn quẩn quanh xung quanh ta. Hạnh Phúc Đích Thực hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều góc nhìn và và những bài học nhân văn sâu sắc về nhân sinh, hòa bình, tình yêu và những khía cạnh khác dưới góc nhìn Phật Giáo. Từ đó, bạn sẽ phát khởi lòng từ bi, yêu thương đối với mọi vật và mọi loại.