Trong thế giới vội vã ngày nay, chẳng phải thật tuyệt vời hay sao khi bạn có thể sống chậm lại và tận hưởng một cuộc sống ít áp lực, ít căng thẳng và có thêm thời gian cho những điều bạn yêu? Với Lagom-Biết Đủ Mới Là Tự Do của Niki Brantmark sẽ mang đến cho bạn đọc những gợi ý tinh tế cùng với những thực hành đơn giản về lối sống của người dân Thụy Điển, giúp bạn thay đổi lối sống và lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống chỉ với việc sống vừa đủ.
*Giới thiệu về tác giả Niki Brantmark:
Niki Brantmark là chủ nhân của blog thiết kế nội thất My Scandinavian Home (Tổ ấm Scandinavian của tôi). Cô đến từ London, vương quốc Anh đồng thời cũng là Thạc sĩ tâm lý của trường ĐH Edinburgh. Hiện tại cô đang sinh sống cùng chồng và ba con tại thành phố Malmo, Thụy Điển (Sweden). Tác giả là một người Anh, tuy nhiên cách cô phác họa cuộc sống tại Thụy Điển lại vô cùng chi tiết, hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn đọc những cảm giác thích thú và tò mò hơn bao giờ hết.
*Giới thiệu về nội dung sách
Với vỏn vẹn 4 chương cùng những hình ảnh vô cùng đẹp mắt và thu hút ánh nhìn, văn hóa Bắc Âu được Niki Brantmark khắc họa một cách vô cùng rõ nét. Thông qua đó, chúng ta sẽ được mở mang tầm nhìn và học hỏi được nhiều điều hơn về văn hóa sống của quốc gia này, đồng thời cũng làm phong phú thêm đời sống của chính mình bằng việc áp dụng nguyên tắc “lagom”- sống vừa đủ.
Hoàn thành xong quyển sách này, chúng ta sẽ có thêm nhiều kiến thức về lịch sử, văn hóa, con người, cách ứng xử cũng như những sinh hoạt thường ngày của người Thụy Điển một cách tổng quan nhất.
/VĂN HÓA SCANDINAVIA/
Khu vực Scandinavia bao gồm 3 quốc gia: Denmark (Đan Mạch), Norway (Na Uy), và Sweden (Thụy Điển). Các quốc gia này được bao phủ bởi rừng, núi và những hồ nước (hơn 100,000 hồ nước), cùng với khí hậu lạnh. Chính vì vậy phong cách sống của họ cũng có sự khác biệt so với những nước châu Âu khác.
=>Một lưu ý nhỏ nhé: Khu vực Scandinavia khác với khu vực Bắc Âu: Khu vực Bắc Âu sẽ bao gồm Phần Lan (Finland) và Iceland nữa nhé.
Riêng về Thụy Điển, đây là quốc gia luôn đứng đầu các bảng xếp hạng về sáng tạo, cạnh tranh, bình đẳng hay bền vững trên thế giới. Thụy Điển sản sinh ra giải Nobel, các sáng chế nổi tiếng và các tập đoàn dẫn đầu như: Atlas Copco, Electrolux, Skype, Spotify, Ericsson, H&M, IKEA hay là TetraPak.
1/LAGOM TRONG CUỘC SỐNG CÁ NHÂN/ – SỐNG VỪA ĐỦ MỚI LÀ CÁCH TẬN HƯỞNG CUỘC SỐNG
Lagom, phát âm là /lah-gom/, là ý niệm phổ quát ăn sâu vào tư duy của người Thụy Điển.
Dưới góc nhìn phân tích sâu hơn về Lagom, thì Lagom chưa có từ chuyển ngữ chính xác sang các ngôn ngữ khác. Tuy nhiên, Lagom có thể hiểu là không quá nhiều, không quá ít, đủ hay vừa. Nói cách khác, đó là cảm giác hài lòng, biết đủ để tận hưởng cuộc sống và tìm lấy sự cân bằng cho riêng bản thân bạn. Lagom được áp dụng trong tất cả mọi khía cạnh của cuộc sống từ xây dựng tổ ấm, gia đình, công việc, các mối quan hệ, vv.
/Về khía cạnh tổ ấm gia đình/:
Người Thụy Điển nói riêng và phong cách Bắc Âu nói chung đều chú trọng vào sự tinh tế, đơn giản và sáng sủa trong việc bày trí nội thất và vật dụng trang trí. Họ thích những gam màu sáng trên tường, hoặc đưa các yếu tố thiên nhiên vào căn nhà của mình. Có thể là một cành hoa đơn cắm trong một lọ hoa đơn giản, đặt giữa một không gian trống của căn phòng, đủ để chúng ta chiêm ngưỡng. Không cần quá màu mè nhưng lại đơn giản và nhẹ nhàng.
Trong các dịp lễ như lễ Phục sinh, Giáng sinh và ngày Hạ Chí ( 21-22/6), tất cả những đồ vật trang trí trong nhà hoặc những dịp đặc biệt đều làm homemade (tự làm ở nhà), thủ công hoặc những nguyên liệu từ thiên nhiên. Họ luôn yêu quý thiên nhiên và tận dụng món quà mà tạo hóa ban tặng.
Người Thụy Điển luôn có năng lực bẩm sinh trong việc giữ cho tổ ấm của mình luôn gọn gàng, sạch sẽ và ngăn nắp. Đơn giản là họ không có quá nhiều đồ, và quan trọng hơn hết là họ không biến căn nhà của mình thành một đống hỗn độn với những vật dụng không cần thiết. Để có thể sống Lagom, việc đầu tiên chúng ta làm là bỏ hết những vật dụng thừa thãi đi và bắt đầu dọn dẹp. Khi không gian sống của bạn sạch sẽ và có nhiều khoảng trống, tinh thần của bạn sẽ tốt hơn. Đây cũng là một biện pháp trị liệu hữu ích trong việc giảm bớt lo lắng, căng thẳng và nâng cao sự tập trung của bạn để làm những việc khác.
Vậy làm thế nào để bắt đầu dọn bớt những vật dụng không cần thiết trong không gian sống?
Từ kinh nghiệm của Niki Brantmark, có một vài mẹo đơn giản từ phong cách Thụy Điển chúng ta có thể học hỏi:
- Quy tắc “một vào-một ra”. Nghĩa là mỗi khi bạn mua một món đồ mới, bạn phải bỏ/cho đi một món đồ
- Tập trung vào từng phòng một và sắp xếp các món đồ vào ba hộp: giữ, cho/tặng hay vứt đi.
- Tạo một hộp kỷ niệm để lưu giữ những đồ có giá trị ý nghĩa với bạn
Trong khi các nước thuộc đới khí hậu ấm thường thiết kế nhà để có bóng râm, kiến trúc và thiết kế Scandinavia lại tập trung tối đa việc hấp thụ và đưa ánh sáng vào nhà. Khi ghé thăm nhà của họ, bạn sẽ không có gì ngạc nhiên khi thấy những tấm rèm cửa rất mỏng. Việc hấp thụ ánh sáng vào nhà, theo nghiên cứu có thể làm giảm trầm cảm, tăng cường khả năng phục hồi và cải thiện hiệu suất làm việc.
Ở Thụy Điển, nến là một phần quan trọng trong cuộc sống hằng ngày của họ. Một cây nến nhỏ trên bàn ăn sáng , hay trong nhà tắm cũng có thể làm bừng sáng không gian và làm cho bạn cảm thấy ấm áp.
=>Một lưu ý nho nhỏ: Họ không thích khách đi giày vào nhà đâu nhé. Luôn luôn có một vị trí để khách bỏ giày vào, thay vào đó họ sẽ đi dép dành riêng cho đi trong nhà thôi.
/Về khía cạnh tinh thần/:
1/Giấc ngủ là quan trọng và là một việc ưu tiên trong đời sống người dân Thụy Điển
Thay vì lướt Facebook, họ chỉ dành thời gian đó cho việc thư giãn tâm hồn: nghe nhạc, đọc sách, tắm nước ấm, đan len, thêu thùa, viết nhật ký vẽ hay tô màu. Chúng ta đang quá phụ thuộc vào mạng xã hội, một hiện tượng mà chúng ta gọi là FOMO (Fear of Missing Out). Nó không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn chi phối chất lượng giấc ngủ của bạn.
Có một đặc điểm nổi bật trong việc chuẩn bị cho giấc ngủ của người Thụy Điển là “au naturel” – Ngủ tiên. Nghĩa là thường là họ sẽ chỉ mặc đồ lót, thậm chí không mặc đồ gì khi đi ngủ. Phòng ngủ luôn sạch sẽ, thoáng mát với những gam màu trắng hoặc ghi nhạt, trải giường bằng những sợi lanh nguyên chất, giúp cho giấc ngủ tốt hơn.
2/Tắm hơi là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Thụy Điển
Tắm hơi theo tiếng Thụy Điển là Bada Batsu, đúng nghĩa là trần truồng trong phòng ốp gỗ đầy khí nóng và khô cho đến khi bạn thấy cơ thể mình được mát mẻ. Sau khi tắm hơi xong, bạn lại nhúng người vào nước lạnh (có thể nhảy xuống tắm biển, tắm dưới vòi nước lạnh). Theo nghiên cứu, tắm hơi giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm đau và chống trầm cảm rất tốt.
Ở Thụy Điển, hầu hết các thành phố đều có những nhà tắm hơi công cộng, tuy nhiên việc ở trần tắm hơi sẽ hơi bất tiện đối với một số người kín đáo, vì vậy bạn cũng có thể quấn quanh người một chiếc khăn tắm nhé.
3/Chế độ ăn uống vừa đủ, cân bằng kết hợp với việc vận động thường xuyên đã đưa Thụy Điển trở thành đứng vào top 10 nước có tuổi thọ cao nhất thế giới của Tổ Chức Thế Giới WHO
Khi đến với Thụy Điển, nếu bạn không thích cá và khoai tây thì sẽ hơi khó sống ở đây đấy.
Người Bắc Âu ăn theo chế độ low-carb (ít tinh bột) nhưng high-in-protein (giàu về đạm). Quốc hồn quốc túy của người Thụy Điển là: cá trích (herring), khoai tây (potatoes), dâu lingon (cowberry)-việt quất đá, và bánh mì giòn (làm từ lúa mạch đen nguyên cám, muối và nước). Những thực phẩm này giúp cho hệ trao đổi chất của bạn hoạt động ổn định hơn.
Với suy nghĩ Lagom, Thụy Điển đã tìm cách đưa việc đi xe đạp vào đời sống sinh hoạt hằng ngày của mình, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao sức khỏe. Hầu hết phương tiện di chuyển chính của họ là xe điện (hybrids), xe đạp điện (e-bike), xe đạp chở hàng (freight/cargo/box bike) và xe đạp (bicycle). Hay nói cách khác, họ cố gắng giảm thải “dấu chân carbon” (carbon footprint) nhất có thể.
/Về khía cạnh công việc/:
Chế độ làm việc của Thụy Điển rất linh hoạt và thoải mái. Họ không làm việc quá giờ và luôn quan trọng chuyện gia đình là trên hết. Sau những giờ làm việc mệt mỏi, họ sẽ dành thời gian cho gia đình và có những buổi nghỉ trưa ngắn để thư giãn đầu óc và giải stress- tiếng Thụy Điển gọi là “fika”-những buổi nghỉ giải lao ngắn, nhâm nhi cà phê và dùng một vài món ngọt.
Có thể đối với những quốc gia Châu Âu , như ở Anh- quê hương của tác giả, việc đúng giờ rồi đi về là một việc được xem là không bình thường, thì ở Thụy Điển, họ lại rất quý trọng thời gian của mình, nếu bạn ở lại công ty và tiếp tục làm quá giờ thì quản lý ngược lại sẽ “la mắng” bạn đấy.
/Về khía cạnh chi tiêu và mua sắm/:
Trong việc mua sắm, người Thụy Điển có xu hướng “mua sắm xanh” (green shopping), 40% người Thụy Điển mua các sản phẩm có nhãn “eco” hàng tháng. Chính vì điều này, Thụy Điển trở thành nước tiêu thụ các sản phẩm có mác “eco” thuộc hàng cao nhất châu Âu. Họ cũng thường hay mua những món đồ cũ “secondhand” để giảm tải quá trình sản xuất và vận chuyển món đồ mới.
Ngoài ra, họ luôn luôn quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng. Ở Thụy Điển, năng lượng gió, thủy điện và năng lượng mặt trời chiếm 52% tổng sản lượng điện sử dụng. Chính điều này đã đưa Thụy Điển trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về sử dụng năng lượng bền vững, không sử dụng những năng lượng hóa thạch. Một số cách để họ tiết kiệm nguồn năng lượng: tắt điện khi ra về trong công sở hoặc khi không sử dụng, tắt nguồn các thiết bị điện, bớt giặt đồ, bớt dùng máy sấy đồ, chỉ đun nước khi cần.
Thụy Điển còn là quốc gia đứng đầu thế giới về giảm lượng rác thải thực phẩm. Theo cơ quan bảo vệ môi trường của Mỹ, riêng năm 2014, người Mỹ đã bỏ đi 38 triệu tấn đồ ăn. Đáng lo ngại hơn, 95% lượng rác này sẽ tồn đọng tại những bãi rác lộ thiên hay các lò đốt rác, không ngừng gia tăng lượng metan thải ra môi trường. Riêng với Thụy Điển, chính quyền địa phương phát cho người dân những túi giấy thân thiện với môi trường để chứa rác thải thực phẩm. Họ thu lượm những loại rác thải này để chuyển hóa thành khí biogas cho xe buýt chạy trong thành phố. Hoặc thú vị hơn nữa, những thực phẩm thừa này có thể được làm phân bón trong khu vườn của bạn đấy.
Vậy làm sao giảm thiểu lượng thực phẩm thừa theo cách của Thụy Điển?
/Ăn hết đồ ăn trong tủ lạnh trước khi đi mua thêm/
/ Mỗi lần đi chợ, hãy lên kế hoạch bạn định mua cho bao nhiêu bữa/
/Dành ra một hay hai bữa để “dọn tủ lạnh”-tạo món mới từ đồ thừa trong tủ lạnh/
/Khi đến siêu thị, chỉ mua đúng món đồ mà bạn muốn mua thôi nhé, và nhớ kiểm tra xem bạn còn nguyên liệu nào ở nhà không để tránh mua quá nhiều/
/Về khía cạnh bình đẳng giới/:
Thụy Điển là quốc gia nổi tiếng trên thế giới về chính sách ủng hộ same-sex marriage (hôn nhân đồng giới) và bình đẳng giới. Họ quan niệm, mỗi người đều có những mưu cầu hạnh phúc khác nhau, chính vì vậy họ chọn sự tôn trọng cho nhau. Năm 1974 là năm đầu tiên Thụy Điển từ một quốc gia thay đổi chế độ nghỉ thai sản chỉ dành cho người mẹ (maternity leave) sang chế độ thai sản dành cho cả cha lẫn mẹ (parental leave). 480 ngày là số ngày nghỉ thai sản có trả lương dành cho bố lẫn mẹ ở Thụy Điển.
Bất kỳ ai cũng có những sở thích khác nhau, không phải con trai thích màu hồng là được cho là “không bình thường”, mà họ tôn trọng việc đó, tôn trọng sự khác biệt. Hãy cứ để mỗi người khám phá cuộc sống theo sở thích cá nhân của mình, và đặc biệt là với trẻ nhỏ, đừng đặt quá nhiều áp lực lên chúng, hãy để chúng tự nhiên và phát triển toàn diện.
2/LAGOM TRONG CÁC MỐI QUAN HỆ VÀ NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH – BIẾT CHIA SẺ VÀ TỬ TẾ VỚI NHAU LÀ CHÌA KHÓA DẪN ĐẾN HẠNH PHÚC
Người Thụy Điển luôn luôn xem trọng sự trách nhiệm của từng cá nhân trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống: hôn nhân, san sẻ việc nhà, nuôi dạy con, các mối quan hệ trong công việc, vv.
Trong mối quan hệ hôn nhân gia đình, họ luôn tìm đến sự cân bằng. Cả hai người, vợ và chồng đều phải có trách nhiệm và vai trò bình đẳng với nhau trong việc san sẻ việc nhà, không đùn đẩy trách nhiệm cho đối phương. Chỉ khi cả hai độc lập và thực hiện tốt vai trò của mình thì mối quan hệ đó mới tồn tại bền vững.
Trong việc nuôi dạy trẻ, họ chỉ cho trẻ học vừa đủ, không quá nhiều cũng không quá ít. Trước khi vào độ tuổi tiểu học, phần lớn thời gian của trẻ là CHƠI. Ba mẹ thường dạy cho trẻ những phẩm chất tốt về nhân cách của con người như biết chia sẻ, biết hàm ơn, hay trở thành một bạn tốt. Họ không dạy cho trẻ đọc, viết trước mà để cho trẻ sẵn sàng rồi sau đó mới dạy, vì nếu trẻ chưa sẵn sàng thì việc học sẽ cảm thấy rất căng thẳng và bực dọc, dẫn đến quá trình học sẽ rất lâu, khó hơn thậm chí là thất bại.
Trong mối quan hệ với những người xung quanh, tử tế với nhau là điều kiện cần thiết. Họ luôn có tâm thế giúp đỡ những người xung quanh, hay cộng đồng nói chung. Thỉnh thoảng, họ xung phong làm một tình nguyện viên để giúp đỡ người khác khi cần. Hay trao cho người khác những hành động bất ngờ như một lá thư viết tay, một chiếc ô dự phòng khi trời đổ mưa.
Một điều đặc biệt là ở Thụy Điển, trong các khu chung cư mọi người đều có một khu vườn rau, gia vị chung để trước nhà. Hàng xóm nếu cần gia vị cho việc nấu ăn, thì họ có thể dùng khu vườn chung này. Điều này tạo nên sự gắn kết xã hội với nhau, mọi người cùng nhau vui vẻ và hạnh phúc khi cảm nhận mình là một phần của cộng đồng.
Thụy Điển được ca ngợi là quốc gia nồng ấm nhất châu Âu đối với người tị nạn. Theo cơ quan về người nhập cư của Thụy Điển, gần 163 nghìn người xin tị nạn ở Thụy Điển năm 2015, thông qua cách ứng xử của người dân với những người tị nạn cho thấy Thụy Điển là quốc gia có thái độ tích cực cao nhất trong số các quốc gia châu Âu.
Lời kết
Nếu các bạn có sở thích nghiên cứu văn hóa của các quốc gia khác nhau, đặc biệt là Bắc Âu thì Lagom-Biết Đủ Mới là Tự Do là một lựa chọn hoàn hảo. Không chỉ là những kiến thức chung về đất nước này, bạn còn được trang bị những lời khuyên và thực hành đơn giản để áp dụng vào cuộc sống của mình. Hạnh phúc là do chính bạn lựa chọn đấy.