Share this post on:

Trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, chúng ta có rất nhiều kỳ vọng về bản thân cũng như kỳ vọng về người khác, và trên hết là chúng ta đều có ước mơ, một mục tiêu mà chúng ta nhắm đến, mục tiêu có thể là một cuộc sống khỏe mạnh, một cơ thể cường tráng, một người yêu lý tưởng, hay một sức khỏe tài chính lành mạnh. 

Tuy nhiên, để có kết quả mà chúng ta mong muốn, nó không dừng lại ở điều kiện thứ nhất là ở suy nghĩ và hy vọng mơ ước đó sẽ thành hiện thực, mà phải đi kèm với điều kiện thứ hai là phải bắt tay vào và lên kế hoạch để hiện thực hóa những lý tưởng đó.

Theo kinh nghiệm cá nhân, trong tất cả những khía cạnh cuộc sống của mình từ việc tạo lập thói quen tập thể dục buổi sáng, đọc sách, viết blog, vv tất cả đều do hành động tạo thành. Mình không suy nghĩ nhiều về nó, mình không ước những điều đó trở thành một phần của cuộc đời mình, cách tốt nhất để mình có những thói quen như thế là chỉ đơn giản bắt tay vào hành động.

Vậy làm thế nào để hành động khi bạn không chắc bạn có kết quả bạn mà mong muốn hay không?

*Yếu tố đầu tiên đến từ sự trì hoãn (Procrastination) và sự không chắc chắn (Uncertainty)

Khi bắt đầu hiện thực hóa mục tiêu, như tập thể dục 10 phút mỗi buổi sáng, hay dành 30 phút để đọc sách mỗi ngày, điều đầu tiên trong đầu của chúng ta là không biết làm sao để có thể duy trì thói quen đấy, chúng ta cảm thấy bản thân hiện tại chưa đủ khả năng, hay quá “già” hay quá “trẻ” để làm những việc đó, hoặc là phổ biến hơn là vì công việc quá bận rộn nên chúng ta không có nhiều thời gian để bắt tay vào việc.

Dần dần, chúng ta trì hoãn mục tiêu ấy và rồi tự trách bản thân mình vì sao không thể bắt đầu. Việc chúng ta không dự đoán được những gì sẽ xảy ra trong tương lai là một điều dễ hiểu vì không ai có thể dự đoán một cách chính xác cả. Tương lai là một viễn cảnh mà chúng ta không thể kiểm soát, chúng ta chỉ có thể kiểm soát được hiện tại, suy nghĩ hay hành động của chính mình thôi.

*Yếu tố thứ hai liên quan đến trạng thái cảm xúc mà chúng ta đã quá quen thuộc đó là nỗi sợ hãi (Fear)

Khi đặt một mục tiêu mới, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thách thức mới sẽ chờ chúng ta trong những chặng đường phía trước, điều quan trọng không phải là bỏ cuộc khi có khó khăn, điều quan trọng là biết khó khăn đó là gì và tìm cách vượt qua chúng.

Khi muốn làm một việc gì đó, chúng ta có xu hướng ngại bắt tay vào việc, mà trong đầu thì cứ suy diễn ra những suy nghĩ thậm chí sẽ không bao giờ xảy ra, đại loại như là: ” Nếu không thành công thì sao?”, hay ” Nếu có ai đó đánh giá mình kém cỏi thì sao?”. Tất cả đều xuất phát từ nỗi bất an bên trong chính chúng ta, chính chúng ta phải là người tháo gỡ nút thắt ấy.

Bản thân mình rút ra được qua nhiều lần như thế là để có những gì mình muốn, đạt một mục tiêu nào đó, hay đạt được bất cứ thứ gì, mình sẽ bắt tay vào hành động ngay, mình sẽ chủ động và không trông chờ vào thời điểm thích hợp để làm việc ấy vì mình biết thời điểm thích hợp hay “hoàn hảo” sẽ không bao giờ xảy ra.

Vì vậy, mấu chốt vấn đề ở đây là do chúng ta suy nghĩ và lo lắng quá nhiều dẫn đến thái quá. Cách tốt nhất là ĐƠN GIẢN HÓA vấn đề, BỚT LO LẮNG và TẬP TRUNG CHO HIỆN TẠI. Tập trung cho những gì chúng ta có thể kiểm soát, nếu kết quả không như ta mong muốn, ít ra chúng ta cũng đã cố gắng hết mình.

Tóm tắt:

+ Sự trì hoãn, tính không chắc chắn và nỗi sợ là những “người bạn đồng hành” của chúng ta trong quá trình chinh phục mục tiêu và kết quả mà ta mong muốn

+ Cách tốt nhất để vượt qua chúng là bình tĩnh đối mặt và bắt tay vào hành động

+ Bớt suy nghĩ lung tung và tập trung vào những gì bạn có thể làm trong khả năng

+ Chủ động hơn trong việc kiểm soát cuộc đời mình

Written by Tuyet Son