Share this post on:

Trước hết, mình sẽ phân chia ra hai phần là CÔNG VIỆC và CUỘC SỐNG CÁ NHÂN, mỗi phần sẽ có những cách giải quyết riêng.

Trong CÔNG VIỆC, chúng ta hay rất dễ cuốn theo những cảm xúc của khách hàng, những cảm xúc tiêu cực từ họ có thể làm ảnh hưởng tâm trạng của chúng ta rất nhiều trong ngày, và dĩ nhiên trong một ngày chúng ta tiếp xúc với rất nhiều nhóm khách hàng khác nhau, đi kèm theo họ sẽ có những lời than phiền, những lời chỉ trích hay những yêu cầu vô lý, tuy nhiên không vì thế mà chúng ta mất cân bằng và lo lắng khi giải quyết những vấn đề ấy.

Bản thân mình rất lo lắng và hay căng thẳng khi có vấn đề phát sinh từ khách hàng, thông thường mình sẽ lo lắng  cho những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, hoặc mình lo sợ khách hàng, không biết có giải quyết vấn đề được không và rồi cuối cùng tự trách bản thân vì không thể giải quyết được vấn đề ấy, trong lòng cứ bứt rứt và căng thẳng, làm cho mình không tập trung làm việc gì cả và chính những suy nghĩ ấy khiến cho tâm trạng mình xấu đi.

=>Kinh nghiệm rút ra:

🌻🌻Nếu không muốn lo lắng thái quá trong công việc về những vấn đề liên quan đến khách hàng, hãy thay đổi  SUY NGHĨ và CÁCH NHÌN của mình về vấn đề ấy.

 Không ai là hoàn hảo, và chúng ta đều là con người, ai ai cũng mắc phải những sai lầm, chúng ta cũng không thể sống vì người khác hay làm hài lòng tất cả mọi người, ở mức độ chấp nhận được, chúng ta chỉ làm mọi thứ tốt nhất trong khả năng, trong khoảng 10 khách hàng tiếp xúc với chúng ta,  thì mức độ 7/10 người hài lòng về ta còn 3 người còn lại không hài lòng, chúng ta nên xem đó là một chuyện bình thường. Nên nhớ, chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người, vì vậy đừng đâm ra tự trách mình về những lần thất bại ấy.

🌻🌻 Chúng ta KHÔNG CÓ TRÁCH NHIỆM về những cảm xúc của khách hàng.

Việc họ cảm thấy bức xúc, bực dọc hay giận dữ về một vấn đề gì đó về dịch vụ của bạn là LỰA CHỌN của họ. Chính họ là người lựa chọn sự giận dữ để giải quyết vấn đề, chính vì vậy việc của chúng ta là trước hết hãy bình tĩnh, lắng nghe những ưu tư của họ và từ từ tìm ra căn nguyên của vấn đề, rồi từ từ giải quyết. Khi khách hàng giận dữ, lý trí của họ sẽ bị áp đảo bởi những cảm xúc mạnh, cách tốt nhất trong thời điểm ấy là hãy lắng nghe, cho họ sự im lặng cần thiết và đừng cố gắng để công kích hay cho rằng họ sai.

Trong trường hợp, bạn trao đổi với khách hàng qua điện thoại khi họ giận dữ, thì cách tốt nhất nên đợi ngày hôm sau liên lạc với họ , vì trong giờ phút họ đang tâm trạng không tốt, quyết định của họ sẽ không khách quan và không sáng suốt, chúng ta hãy cho họ thêm thời gian để bình tĩnh, qua ngày hôm sau họ sẽ bình tâm lại và sẽ mở lòng với bạn hơn. ĐỪNG NÓNG VỘI.

🌻🌻 Chuyện gì cũng có thể giải quyết được, đừng căng thẳng quá.

Chỉ cần chúng ta bình tĩnh, tin rằng mọi chuyện rồi cũng sẽ có cách, chúng ta sẽ không quá vội vàng, không làm khó bản thân, và tốt nhất là chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều ở bản thân, chúng ta có quyền sợ hãi nhưng thay vì cứ trốn tránh vấn đề, chúng ta dám đương đầu với chúng và vượt qua chúng.  Học hỏi từ những sai lầm của mình.

Trước hết, khi gặp vấn đề, chúng ta nên tự giải quyết một mình trước đã, nếu đã tìm ra mọi cách mà cũng không thể gỡ nút thắt đó ra, thì hãy tham khảo ý kiến từ những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực của bạn, như đồng nghiệp, hay boss của bạn, vì những vấn đề bạn đang trải qua tất cả chúng ta đều đã trải qua và đã có những giải pháp cụ thể, điều quan trọng là chúng ta phải chủ động tìm kiếm và hỏi.

🌻🌻 Khi cảm thấy căng thẳng, hãy suy nghĩ tích cực và làm một hoạt động nào đó để đánh lạc hướng bản thân.

Trong những lúc bạn cảm thấy áp lực hay bị ảnh hưởng không tốt bởi khách hàng,  hãy nói chuyện với đồng nghiệp, hãy hít thở sâu, hay đứng dậy để di chuyển cơ thể, hay làm một điều gì đó khác trong công việc bạn đang làm để phân tán sự tập trung của bạn vào những điều tiêu cực. Tạm thời quên chúng đi và bắt đầu thả lỏng cơ thể. Đừng bị đắm chìm vào những mớ cảm xúc lẫn lộn ấy vì bạn có thể kiểm soát được chúng.

Trong CUỘC SỐNG CÁ NHÂN thì có nhiều điều và nhiều việc làm cho chúng ta muộn phiền và tưởng chừng như bất lực, tuy nhiên mình cảm nhận cuộc sống này còn có nhiều điều hay để dạy cho chúng ta, vấn đề thật ra cũng không quá phức tạp như mình nghĩ, và chính chúng ta chứ không phải ai khác là người CHỊU TRÁCH NHIỆM về tất cả những quyết định trong cuộc sống của mình. Một số bài học mình rút ra được từ những trải nghiệm cá nhân của bản thân:

🌻🌻 Đừng cố gắng thay đổi người khác, hãy giảm bớt kỳ vọng của bản thân về họ, bạn sẽ được bình an.

Việc mình đến bây giờ mình thấy vô cùng đúng và thực sự đây là một việc mà chúng ta nên thực hành và kiểm soát bản thân hằng ngày. Kỳ vọng quá nhiều nơi người khác chỉ khiến bản thân chúng ta càng thêm khổ vì khi ấy chúng ta chỉ muốn thay đổi người khác, mong muốn họ làm theo ý muốn của mình mà trên thực tế thì điều đó là bất khả thi.

Mỗi người ai cũng có quyền lựa chọn cách họ sống, chính vì vậy hãy tôn trọng điều đó, chúng ta chỉ có thể chia sẻ, khuyên răn cho họ những điều tốt nhưng chúng ta không thể bắt họ thay đổi, sự thay đổi phải đến từ chính mong muốn thay đổi của họ. Vì vậy, chúng ta cũng đừng buồn khi ai đó không làm theo ý mình, hãy cứ bình tĩnh, tự nhiên và tôn trọng ý kiến, quan điểm hay cách sống của họ. Nếu một ngày nào đó, khi ai đó làm ta thấy vướng mắc, làm ta bực dọc và khó chịu, chúng ta nên quay về với bản thân và hỏi rằng liệu ta có đang kỳ vọng người khác làm theo ý mình không nhé.

🌻🌻 Cách duy nhất để vượt qua nỗi sợ hãi là HÀNH ĐỘNG ĐƯƠNG ĐẦU với nó.

Đôi khi, trong cuộc sống, chúng ta có rất nhiều thứ mà chúng ta sợ hãi, như nói chuyện trước đám đông, hay làm một việc gì đó ngoài vùng an toàn của chính bản thân chúng ta như leo núi, tập bơi hay nhấc điện thoại lên gọi cho ai đó xa lạ, cách thông thường chúng ta thường làm là tìm cách trốn tránh nỗi sợ ấy, không dám đối mặt, hay suy nghĩ những gì có thể xảy ra nếu chúng ta làm những điều đó hoặc là chúng ta trì hoãn mọi việc nhằm để không làm những việc ấy.

Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp tối ưu nhất để vượt qua nỗi sợ hãi đang nhen nhóm trong người, cách tốt nhất để vượt qua chúng là HÃY HÀNH ĐỘNG NGAY LẬP TỨC. Khi bạn muốn gọi cho ai đó, hãy nhấc điện thoại lên và gọi ngay, đừng suy nghĩ lung tung và lo lắng về những điều chưa xảy ra, hãy làm ngay lập tức. Hoặc khi bạn muốn yêu cầu đồng nghiệp nhỏ tiếng lại khi bạn đang làm việc, chúng ta nên yêu cầu ngay, đừng chần chờ hay do dự vì càng suy nghĩ chúng ta sẽ có lý do để không hành động.

🌻🌻 Hãy chia sẻ những nỗi phiền muộn của bạn với một ai đó.

 Khi bạn lo lắng hay sợ hãi, hãy tìm một người bạn hay một người bạn tri kỷ để chia sẻ hết những nỗi niềm của mình, khi chia sẻ với ai đó, bạn sẽ thấy nhẹ nhàng hơn rất nhiều vì có ai đó lắng nghe câu chuyện của bạn, đồng cảm và cho bạn những lời khuyên bổ ích. Mình thấy cách này rất hữu hiệu, hoạt động này giúp mình cảm thấy bớt căng thẳng và lấy lại niềm tin vào bản thân hơn sau những lần thất bại.

Trên đây là những chia sẻ của mình về những cách có thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn trong việc quản trị cảm xúc của mình. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn.

Written by Tuyet Son