Đã đến lúc bạn nên nhận ra lý trí không thông minh và cảm xúc không ngốc nghếch như bạn vẫn nghĩ. Không làm thinh với cảm xúc của Gill Hasson – cuốn sách sẽ khiến bạn từng bước thay đổi những định kiến về cảm xúc và bắt đầu làm chủ cảm xúc của chính mình. Không làm thinh với cảm xúc, cuộc sống cũng sẽ không làm thinh với bạn!

*Giới thiệu đôi nét về tác giả

Gill Hasson là một giáo viên, người hướng dẫn và là nhà văn. Bà có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển bản thân. Bà là tác giả của các cuốn sách bán chạy như Mindfulness và Emotional Intelligence và một số tác phẩm khác liên quan đến chủ đề ứng xử với những người khó tính.

*Giới thiệu đôi nét về nội dung sách

Không làm thinh với cảm xúc xoay quanh về TRÍ TUỆ CẢM XÚC (Emotional Intelligence), một yếu tố quan trọng trong đời sống tinh thần của chúng ta. Chúng ta không thể nào sống quá lý trí mà bỏ quên đi cảm xúc và ngược lại.

Nội dung quyển sách này được chia làm 4 phần, tác giả sẽ dẫn dắt chúng ta qua nhiều “chặng đường” của cảm xúc từ vui buồn đến sự giận dữ, cô đơn, đồng thời đưa ra những phương pháp tuy đơn giản nhưng mang tính áp dụng cao để kiểm soát và quản lý cảm xúc của mình.

*Phần 1: THẤU HIỂU CẢM XÚC

Trong phần này, Gill Hasson đưa ra cho chúng ta định nghĩa về trí tuệ cảm xúc là gì, việc cảm xúc có vai trò quan trọng với chúng ta như thế nào trong việc định hình tư duy, suy nghĩ và hành động của chúng ta, tại sao chúng ta phải nhận biết cụ thể những cảm xúc mà chúng ta đang trải nghiệm, việc nhận biết các yếu tố kích thích cảm xúc là điều quan trọng như thế nào và thật sự hiểu mục đích tích cực của cảm xúc ra sao.

Theo tác giả, cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong cách chúng ta suy nghĩ và hành động, chúng bảo vệ chúng ta khỏi những mối đe dọa bên ngoài và những tác nhân nguy hiểm khác, những cảm xúc như giận dữ, sợ hãi, chán ghét không chờ bạn tư duy mà chúng lập tức vận hành để giúp bạn đối phó với một tình huống có khả năng làm nguy hại đến bạn, hay nói cách khác tư duy lý trí của bạn quá chậm để tiếp nhận và xử lý tình huống thì khi ấy tư duy cảm xúc đã ra tay theo kiểu “fast and furious”- nhanh và nguy hiểm rồi.

Khái niệm trí tuệ cảm xúc hay còn gọi là Emotional Intelligence trong tâm lý học là một khái niệm phổ biến và mang tính ứng dụng cao. Việc phát triển trí tuệ cảm xúc là một việc làm quan trọng trong đời sống hằng ngày của chúng ta.

Trí tuệ cảm xúc là việc SỬ DỤNG cảm xúc để ĐỊNH HÌNH tư duy, và sử dụng tư duy đó để thấu hiểu và kiểm soát chúng. Tùy vào cảm xúc của chúng ta ra sao mà cơ thể chúng ta sẽ có những phản ứng khác nhau với một tình huống.

Ví dụ: 

Khi bạn nóng giận, bạn bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, bạn đổ lỗi cho người khác khiến cho bạn giận, hoặc bạn tự trách bản thân mình lại nóng giận vô cớ về một việc nhỏ nhặt nào đó, và rồi dẫn đến những phản ứng cơ thể khi bạn suy nghĩ nóng giận là tim bạn đập nhanh, hơi thở gấp gáp, máu dồn lên não khiến khuôn mặt bạn đỏ và nóng rang,  và rồi hành động tiếp theo của bạn là đập bàn, hay nói những lời làm tổn thương người khác, hay thậm chí là dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

Đó là một trong những ví dụ điển hình về việc để cảm xúc quyết định cách bạn tư duy và hành động, thay vì bị chi phối bởi chúng, bạn nên biết cách trung hòa, thấu hiểu cảm xúc ấy, khi đã có sự hiểu biết về chúng, bạn sẽ dễ dàng kiểm soát hành vi của mình hơn.

*Hiểu về mục đích của cảm xúc và tập thói quen gọi tên chính xác cảm xúc của mình

Các cảm xúc theo cách chúng ta suy nghĩ là “tiêu cực” thì ẩn sau chúng đều có mục đích “tích cực” nếu chúng ta tin là như thế. Cảm xúc chỉ trở nên tiêu cực nếu chúng ta bế tắc với những suy nghĩ tồi tệ, tự chỉ trích và thụ động, nhưng đó không phải là sự tiêu cực của cảm xúc mà là sự tiêu cực trong cách chúng ta suy nghĩ và sự thiếu tinh thần chủ động của chúng ta thôi.

Nói vậy, thì mục đích tích cực của sự giận dữ là nhìn lại nguyên nhân vì sao chúng ta giận dữ, học cách kiểm soát lại kỳ vọng của bản thân, biết thông cảm hơn cho người khác và suy nghĩ cho người khác, vv. Điều quan trọng là khi chúng ta trải nghiệm một cảm xúc nào đó, đặc biệt là “tiêu cực” thì cách chúng ta suy nghĩ về cảm xúc ấy sẽ quyết định cách chúng ta tư duy và hành động trong thời điểm đó. Hãy thật sự khôn ngoan, bình tĩnh và dừng lại để quan sát cảm xúc của mình.

Tiếp theo là việc chúng ta nên có thói quen gọi tên những cảm xúc của mình một cách cụ thể, hầu như trong cuộc sống những cảm xúc như hạnh phúc, vui hay buồn đều là những cảm xúc rất chung chung, chúng chưa thật sự miêu tả chính xác cảm xúc mà chúng ta đang cảm nhận, vì khi chúng ta gọi tên cảm xúc của mình thật cụ thể, chúng ta sẽ dễ dàng kiểm soát chúng hơn. 

Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gọi tên hay diễn tả cảm xúc của mình một cách chính xác, chính vì vậy hãy xây dựng cho mình một kho từ vựng về cảm xúc và hãy bình tĩnh trước những sự kiện trong cuộc sống để từ từ xem mình đang cảm nhận như thế nào nhé.

khong-lam-thinh-voi-cam-xuc

*Nhận biết nhu cầu của cảm xúc

Có khi nào bạn nhận thấy bản thân mình mỗi khi cảm thấy buồn là hay ăn đồ ngọt, hay nghe một bản nhạc buồn, hay ra ngoài công viên đi dạo để khuây khỏa không? Hay nói cách khác cho dễ hiểu thì khi đói thì chúng ta ăn, tương tự đối với cảm xúc, khi cảm nhận được NHU CẦU của cảm xúc, chúng ta sẽ thử mọi cách để đáp ứng nhu cầu cảm xúc đó như đi dạo công viên hay nghe nhạc chẳng hạn.

Việc xác định nhu cầu cảm xúc rất quan trọng, vì chúng quyết định tâm trạng của bạn ngày hôm đó và cách bạn suy nghĩ, tương tác với người khác trong ngày. Vậy làm thế nào để nhận biết nhu cầu cảm xúc của mình?

Theo Gill Hasson, chúng ta hãy cảm nhận và xác định xem liệu chúng ta có thường kỳ vọng người khác hay không? Bạn bè, gia đình, người yêu, hay đồng nghiệp có khiến bạn hạnh phúc không? Hay bạn có phụ thuộc vào người khác để tránh nỗi buồn hay sự cô đơn không? Hay phổ biến hơn là bạn có trông chờ vào người khác để được ghi nhận và tán thành không? Nếu bạn khó ở và cần ai đó dỗ dành, chính những điều ấy là dấu hiệu cho thấy bạn đang có NHU CẦU VỀ CẢM XÚC rồi đấy. 

Vì vậy, một khi đã xác định được nhu cầu cảm xúc của mình rồi, hãy chấp nhận chúng trước, sau đó là có trách nhiệm với chính nhu cầu ấy của mình theo hướng lành mạnh nhất có thể vì không ai phải cảm thấy có trách nhiệm với cảm xúc của chúng ta ngoài chính chúng ta cả.

khong-lam-thinh-voi-cam-xuc

*Làm chủ cảm xúc

Chúng ta phải có trách nhiệm về cảm xúc hiện tại của mình, vui buồn, nóng giận, cô đơn nhưng chúng ta không vì thế mà bắt người khác phải chịu trách nhiệm về những cảm xúc của mình.

Chúng ta nên thay đổi lòng tin cũng như kỳ vọng của mình về cảm xúc, liệu chúng có đang ràng buộc chúng ta hành xử theo một cách nhất định nào đó không? Liệu tha thứ cho ai đó có cần một điều kiện nào không? Và chúng ta có đang tin rằng phải cần có những điều kiện gì để tin tưởng ai đó không? Hãy thử thách niềm tin của chính chúng ta về cảm xúc, liên tục hỏi bản thân rằng: “Tại sao mình lại nghĩ như vậy? Điều này có ích gì? Điều này vô ích ra sao?”

Việc kiểm soát kỳ vọng về cảm xúc của chúng ta giúp chúng ta điều chỉnh phù hợp và làm chủ chính mình.

khong-lam-thinh-voi-cam-xuc

*Phần 2: QUẢN LÝ CẢM XÚC

Trong phần này, một loạt những phương pháp cũng như lời khuyên của tác giả  được đưa ra về cách chúng ta nhận diện và kiểm soát từng loại cảm xúc mà chúng ta đang trải qua từng ngày trong đời sống thường ngày. Những cảm xúc thường trực bao gồm: sự lo lắng, sự kích động, căng thẳng, nỗi thất vọng, cô đơn, chỉ trích.

Hai loại cảm xúc mà chúng ta thường gặp là LO LẮNG và SỰ GIẬN DỮ.

Trước tiên hãy nói về  NỖI LO LẮNG.

Khi chúng ta lo lắng về một việc gì đó, chúng ta đang trong trạng thái căng thẳng, áp lực và không thể tập trung vào làm bất cứ việc gì, thì việc chấp nhận cảm xúc ấy là bước đầu tiên trong việc hiểu và kiểm soát chúng.

Theo Gill Hasson, khi chúng ta lo lắng, chúng ta nên di chuyển cơ thể, đứng dậy đi vòng quanh nhà, hay tập thể dục nhẹ để kiểm soát lượng cortisol- hóc-môn gây stress cho cơ thể, và đặc biệt quan trọng là LÊN KẾ HOẠCH cho việc lo lắng đó. Hãy viết ra giấy điều gì làm chúng ta lo lắng, chúng thật sự có nghiêm trọng không, điều tồi tệ nhất có thể xảy ra có thể là gì? Và giải pháp cho những điều tồi tệ đó là gì? Sau đó hãy bắt tay vào hành động.

Quan trọng hơn hết là hãy trò chuyện với ai đó, có thể là bạn bè, đồng nghiệp, vợ hoặc chồng để giải tỏa sự căng thẳng, việc chia sẻ với người khác sẽ giúp cho chúng ta bình tâm hơn và hiểu về cảm xúc của mình hơn, từ đó đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn.

Tiếp theo, là về cảm xúc GIẬN DỮ.

Đây là loại cảm xúc mà bất kỳ ai cũng phải “trầy da tróc vảy” rất nhiều lần. Giận dữ xảy ra khi những kỳ vọng của chúng ta không được đáp ứng theo mong muốn của chúng ta, thay vì nổi nóng và thao túng người khác, thì chúng ta nên bình tĩnh và nhìn nhận những yếu tố kích thích sự giận dữ trong ta, và quan trọng hơn hết là nhìn sự giận dữ của bản thân theo một hướng tích cực hơn. Bình tĩnh, hít thở thật sâu hoặc nếu chúng ta đang trong cuộc tranh luận, hãy xin phép thêm thời gian, có thể vào phòng vệ sinh để bình tĩnh hơn.

Sau khi bạn đã nổi giận với ai đó xong, hãy xem bạn muốn làm gì xảy ra tiếp theo trong tương lai, bạn sẽ làm gì nếu như bạn không thể làm theo những gì bạn muốn, bạn sẽ hành xử khác đi ra sao? Hình dung hậu quả sẽ xảy ra như thế nào với chính bản thân bạn và người khác để có thể rút kinh nghiệm và cải thiện.

*Ăn theo cảm xúc

Ăn theo cảm xúc là xu hướng chúng ta ăn vặt nhiều vì ăn theo cảm xúc chứ chúng ta không thật sự là đói. Điều này có thể gây ra những hậu quả lớn về sức khỏe, việc ăn theo cảm xúc chỉ là một giải pháp tạm thời để đáp ứng nhu cầu cảm xúc của chúng ta trong một thời gian rất ngắn thôi, đó không phải là một giải pháp tối ưu. 

Chính vì vậy, Gill Hasson khuyên chúng ta trước khi chúng ta thèm muốn một món đồ ăn gì đấy mà trong khi đó chúng ta không thật sự đói, chúng ta nên hỏi bản thân rằng liệu chúng ta đang cảm giác như thế nào, sau khi đã tự chiêm nghiệm, chúng ta sẽ bớt cảm giác thèm muốn hơn.

Thay vì ăn theo cảm xúc, tìm đồ ăn để giải khuây, chúng ta nên thay thế đồ ăn thành những hoạt động lành mạnh hơn như: đọc sách, tập yoga, tập thể dục, trò chuyện với bạn bè, vv.

Quản lý cảm xúc không khó nếu chúng ta biết cách, nhận biết cảm xúc của mình, chấp nhận chúng và tìm cách vượt qua. Không có cảm xúc nào là xấu cả, chỉ là trong cách suy nghĩ của ta có hướng tiêu cực mà thôi.

*Phần 3: PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CẢM XÚC

Trong phần này, tác giả đưa ra một số hệ tư duy và phương pháp nền tảng để chúng ta có thể áp dụng nhằm xây dựng trí tuệ cảm xúc tốt.

*Tư duy tích cực là nền tảng để phát triển EI (Emotional Intelligence)

TƯ DUY TÍCH CỰC là điều chúng ta nên áp dụng để luôn nhìn mọi cảm xúc mà chúng ta đang trải nghiệm theo hướng TÍCH CỰC nhất có thể.

 Khi chúng ta có tư duy tích cực, chúng ta sẽ có sự tự tin để xử lý bất cứ cảm xúc nào đến với mình, chúng ta luôn lạc quan và bình tĩnh giải quyết vấn đề một cách nhẹ nhàng. Một phương pháp nhỏ mà Gill Hasson đưa ra là hãy thêm từ ” Nhưng” khi chúng ta có xu hướng nhìn mọi thứ bằng con mắt tiêu cực.

Ví dụ: 

“Mình nghĩ là công việc quá nhiều cho hôm nay và ngày mai mình không thể hoàn thành bài báo cáo cho sếp”, thì hãy thêm từ ” Nhưng” vào và nói ” Nhưng ngày mai mình sẽ làm hết khả năng của mình và sẽ cố gắng sắp xếp thời gian để hoàn thành chúng, miễn mình đã cố gắng hết sức rồi”.

Việc nói với bản thân như thế sẽ giúp cho chúng ta lạc quan hơn và tập trung vào những việc chúng ta có thể làm hơn là những việc không thể.

khong-lam-thinh-voi-cam-xuc

*Rèn luyện sự can đảm

Can đảm đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn quản lý tốt những cảm xúc của mình, nó giúp chúng ta chống lại những cảm giác sợ hãi khi làm một việc gì đó, hay lo lắng việc sẽ trở nên tồi tệ khi bạn bắt đầu làm một điều gì. Khi bạn lo lắng hay lo sợ nói chuyện trước đám đông, sự can đảm sẽ giúp bạn vượt qua, việc liên tục thử thách bản thân làm những việc bạn biết mà bạn nên làm sẽ trui rèn sự can đảm bên trong bạn, nó cho bạn sức mạnh để làm những gì quan trọng, cần thiết hơn là những việc dễ dàng và mang tính ngắn hạn.

Tập trung cho những bước đầu tiên, khi chúng ta đã lên kế hoạch cho những việc mình sắp làm thì hãy hành động ngay, đừng chần chờ. Liên tục thử thách bản thân làm những điều mới mẻ. 

*Nuôi dưỡng trí tò mò

Chúng ta thường chỉ hiểu và nhìn vấn đề ở góc độ cá nhân, chính vì vậy chúng ta nên tập cho mình tư duy cởi mở hay trí tò mò để có thể hiểu sự vật, sự việc theo góc nhìn của người khác nữa. Hãy luôn đặt câu hỏi trong khi trò chuyện cùng người khác để có thể học hỏi thêm từ họ và mở rộng quan điểm của mình. 

Người hay có trì tò mò sẽ rất dễ thông cảm với người khác vì họ chịu lắng nghe, kiên nhẫn với người khác và quan tâm đến cảm xúc của đối phương. 

Có nhiều cách để mở rộng tư duy cởi mở để phát triển trí tuệ cảm xúc của mình.

  • Hãy mở rộng vốn đọc. Đọc nhiều sách, nhiều thể loại khác nhau để tiếp thu những quan điểm tiến bộ, học hỏi từ người khác để hiểu người khác hơn.
  • Tham gia những hoạt động tình nguyện để rèn luyện sự biết ơn về những gì mình đang có.
  • Trải nghiệm sự mới mẻ, đi một con đường khác, xem một chương trình truyền hình khác với những gì bạn đang xem.
  • Lắng nghe và kiên nhẫn với người khác để phát triển một kỹ năng quan trọng nhất trong trí tuệ cảm xúc đó là THẤU CẢM.

*Phần 4:  PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ CẢM XÚC XÃ HỘI

Chúng ta có trí tuệ cảm xúc cá nhân mà còn có trí tuệ cảm xúc xã hội, chúng ta cần phải có ý thức về việc hiểu cảm xúc của cá nhân cũng như của người khác để có thể thông cảm và kết nối với người khác. Nếu chúng ta muốn xây dựng một mối quan hệ tốt đẹp với người khác, chúng ta phải đứng trên góc độ của người khác để suy xét, chúng ta không thể cứ ép buộc người khác làm theo ý mình mà chúng ta phải tôn trọng và thấu hiểu cho những cảm xúc của người khác.

*Lắng nghe người khác và thể hiện sự cảm thông của người khác

Khi chúng ta lắng nghe những gì người khác nói, chúng ta có thể học hỏi từ họ rất nhiều, chúng ta sẽ dễ thông cảm cho họ và quan tâm chu đáo với họ hơn.

Việc lắng nghe người khác thể hiện sự tôn trọng của chúng ta với họ, hiểu xem thông điệp họ đang truyền tải là gì, khi ấy chúng ta mới biết chuyện gì đang xảy ra với họ và có thể giúp đỡ họ theo cách tốt nhất. Quan trọng hơn hết, đừng cố gắng cắt lời trong khi họ đang nói chuyện với mình. Hãy kiên nhẫn.

*Tử tế và chu đáo với người khác

 Việc tử tế với người khác có nghĩa là dự đoán những nhu cầu của người khác. Bạn có hẹn với một người bạn và trời sắp đổ mưa? Hãy đem theo một chiếc ô. Hôm nay bạn thấy đồng nghiệp bận ngập đầu trong một mớ công việc? Hãy mua cho anh ấy một cốc cà phê.

Ngoài ra, chu đáo với người khác ở công cộng cũng là một điều quan trọng. Hạ giọng khi nói chuyện điện thoại, không lấn xe lấn làn khi tham gia giao thông, tử tế và bao dung với người lạ. 

Ví dụ: Một phụ huynh có vẻ muộn phiền hay một nhân viên công sở mệt mỏi, chúng ta hãy trao cho họ một nụ cười và một lời nói tử tế.

Đâu đó lòng tử tế và lòng trắc ẩn của chúng ta sẽ làm cho một ai đó mỉm cười, hạnh phúc và biết ơn với cuộc sống của họ hơn.

*Tôn trọng thời gian của người khác

Trong công việc cũng như trong các cuộc hẹn với người khác trong cuộc sống, hãy tập cho mình thói quen đúng giờ, chính điều ấy thể hiện sự tôn trọng với chính chúng ta và cũng cho chính đối phương. Đúng giờ chứng tỏ chúng ta tôn trọng và quan tâm đến cảm xúc của họ khi phải chờ chúng ta đến.

*Thỏa hiệp

Điều này có nghĩa là trong bất kỳ mối quan hệ nào giữa người với người, quan trọng nhất là sự thỏa hiệp và đàm phán giữa hai bên khi cả hai mong muốn có một điều gì đấy. Chúng ta phải chấp nhận rằng chúng ta không thể lúc nào cũng có thứ mình muốn, chúng ta phải đàm phán và chấp nhận một kết quả có thể chấp nhận được để tạo sự hài lòng của đôi bên. 

Việc lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của đối phương là điều đặc biệt quan trọng trong thỏa hiệp, vì nếu chúng ta chỉ giữ vững quan điểm của mình thì chúng ta sẽ không bao giờ có được điều mình muốn cả.

Ai cũng muốn giành kết quả tốt nhất có thể, nhưng mỗi người cần chuẩn bị điều chỉnh yêu cầu của mình và chấp nhận khả năng chỉ nhận được một phần chứ không phải tất cả những gì mình muốn. Mỗi người phải chấp nhận bất đồng và chung sống với quyết định đó.

Lời kết

Nếu bạn còn đang “lăn tăn” với những cảm xúc lẫn lộn của mình mà không biết bắt đầu từ đâu, quyển sách này có thể được xem là kim chỉ nam giúp bạn định hướng và cung cấp cho bạn những giải pháp vô cùng thiết thực  trong những lúc bạn loay hoay với cảm xúc của mình.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn

Hình ảnh: Tuyết Sơn

                

Tuyết Sơn (Ivy)

Author: Tuyết Sơn (Ivy)

Part-time Writer | Book nerd | A Giver - An Inspirer - A Change-Maker