Share this post on:

P/S: TÁC PHẨM KHIẾN MÌNH VỪA SUY NGẪM VỪA THẤY RƯNG RƯNG NƯỚC MẮT (khi đọc hết đến gần cuối sách)

Đây là một trong những quyển sách của Hyenam Kim sau cuốn ” CHÚNG TA ĐỀU SỢ TRƯỞNG THÀNH” của bà, bản thân mình đọc 2 quyển thì mình thấy cách viết của bà rất dễ hiểu và bà cũng đưa ra những vấn đề mà con người hay gặp phải từ khía cạnh tâm lý học. Vì bà có hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành bác sĩ tâm lý học, hơn nữa chống chọi với căn bệnh Parkinson trong vòng 18 năm, có lẽ thông qua những giờ phút thập tử nhất sinh, bà mới có thể có những cảm nhận sâu sắc và ý nghĩa đến thế về những nổi trăn trở và nỗi đau của chúng ta.

Quyển sách này nội dung chủ yếu xoay quanh các mối quan hệ giữa con người với con người, đồng thời cũng nêu ra một số lời khuyên của bà từ mối quan hệ trong gia đình, các thành viên trong gia đình, cha mẹ và con cái, tình yêu vợ chồng cũng như đôi lứa, cách vượt qua sự cô đơn và nâng cao lòng tự trọng của bản thân, vv. 

=>Đánh giá chung:

+Bìa sách đẹp lung linh và bắt mắt, 2 quyển sách của bà được thiết kế rất đẹp bởi nhà xuất bản Shine books

+Cách viết dễ hểu và ngắn gọn, sách được chia ra từng phần, phân tích vấn đề cũng như đưa ra giải pháp song song

+Điểm đánh giá: 8/10

+Cuốn sách thích hợp cho những bạn muốn nâng cao những trải nghiệm tốt đẹp trong mối quan hệ của mình, những người sắp làm cha và mẹ, và những cặp tình nhân đang yêu nhau, vợ hoặc chồng đều nên tham khảo và đọc quyển này. Thật sự mở mang đầu óc.

=>>Sau đây là 5 điểm chính mà mình thấy tâm đắc về quyển sách này:

#1. TRONG TẤT CẢ NHỮNG MỐI QUAN HỆ, CÔ ĐƠN LÀ ĐIỀU KHÔNG THỂ TRÁNH KHỎI.

Cô đơn không có nghĩa là bạn phải xa lánh đi tất cả những mối quan hệ ngoài kia và ở trong nhà một mình, tự cô lập chính mình. Cô đơn ở đây được hiểu theo một hướng tích cực hơn, chúng ta là những cá thể độc lập, không ai có thể sống cuộc sống của ai cả, tất cả những lựa chọn của bản thân đều phải do bản thân tự quyết định, chúng ta có quyền yêu cầu sự giúp đỡ và trợ giúp từ người khác, tuy nhiên đừng phụ thuộc quá nhiều vào họ. Thỉnh thoảng, chúng ta cần sự ” cô đơn” để có thể tìm lại chính mình, suy ngẫm những gì đang và đã xảy ra để tự soi sét bản thân cũng như trong lúc cô đơn như vậy, chúng ta sẽ khám phá ra rất nhiều những bí mất bên trong mình. Đừng khước từ “sự cô đơn” mà hãy thành thật đón nhận chúng như một lẽ rất nhiên.

#2. CÓ 4  KIỂU MỐI QUAN HỆ TRONG VIỆC GIỮ KHOẢNG CÁCH VỚI ĐỐI PHƯƠNG.

*KHOẢNG CÁCH THÂN MẬT ( Intimate Distance Zone): Khoảng cách này dao dộng trong khoảng 0-46cm. Đây là khoảng cách thân mật cho những người bạn yêu thương như các cặp vợ chồng, ba mẹ với con cái vì chỉ có những người chúng ta thật sự yêu thương và dành nhiều tình cảm thì chúng ta mới tiếp xúc với nhau một cách gần gũi như vậy.

*KHOẢNG CÁCH CÁ NHÂN ( Personal Distance Zone): Khoảng cách này dao động từ 46cm-1.2m. Đây là một khoảng cách đủ thoải mái để giao tiếp cho các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp trong công sở.

*KHOẢNG CÁCH XÃ HỘI ( Social Distance Zone): Khoảng cách dao động từ 1.2-3.6m. Đây là khoảng cách dành cho các mối quan hệ được đặt trong bối cảnh làm việc nhóm trong công sở như việc thuyết trình.

*KHOẢNG CÁCH CÔNG CỘNG ( Pubic Distance Zone): Khoảng cách này dao động từ 3.6-7.5m. Đây là khoảng cách lý tưởng cho các mối quan hệ trong xã hội như các buổi trình diễn sân khấu ngoài trời giữa khán giả và ca sĩ, các concert/ diễn thuyết của những diễn giả nổi tiếng, vv.

Phân biệt được những kiểu mối quan hệ như thế này chúng ta sẽ có cái nhìn mới và đầy đủ hơn về cách thiết lập mối quan hệ sao cho đúng và cũng không đi quá giới hạn giữa vai trò với nhau.

#3. ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT TRONG TẤT CẢ NHỮNG MỐI QUAN HỆ LÀ KHOẢNG CÁCH & SỰ TÔN TRỌNG LẪN NHAU.

Nếu bạn đang trong một mối quan hệ với ai đó, hãy chắc chắn một điều đừng để cho tình yêu của mình đi quá giới hạn và trở thành một sự tổn thương với người khác. Chúng ta đều có cách sống và suy nghĩ độc lập và khác nhau, vì vậy không ai có thể yêu cầu đối phương làm những gì mình thích và muốn. Đặt kỳ vọng của bản thân lên trên sự tôn trọng đối phương là bạn đang khiến cho tình yêu thương của mình đi vào ngõ cụt. 

Trong tất cả những mối quan hệ, hãy cho cả hai những khoảng cách nhất định, đặc biệt là trong mối quan hệ cha mẹ/con cái và vợ chồng/ tình nhân. Khoảng cách ở đây không phải là để mặc đối phương muốn làm gì thì làm, mà là chúng ta tôn trọng họ, tôn trọng ý nghĩ và tâm tư của họ, đương nhiên khi họ lầm đường lạc lối, bạn có thể chỉ hướng và giải thích cho họ hiểu để họ quay đầu, tuy nhiên đừng can thiệp và quyết định thay cho họ, vì bạn không phải họ, tuy những mong muốn giúp đỡ của bạn là “ý tốt” nhưng chưa chắc họ cần, hãy để họ có quyền lựa chọn, có quyền dược tổn thương, quyền được rơi lệ vì đó là những quyền quan trọng nhất của con người. Đừng tước bỏ những đặc quyền đó của họ.

Chính vì có khoảng cách và tôn trọng lẫn nhau mà mối quan hệ giữa người với người sẽ được cải thiện và trở nên tốt đẹp hơn.

#4. SỠ DĨ CHÚNG TA LO SỢ NHỮNG MỐI QUAN HỆ NGOÀI KIA KHÔNG PHẢI VÌ CHÚNG TA KHÔNG MUỐN MÀ VÌ CHÚNG TA CÓ LÒNG TỰ TRỌNG QUÁ THẤP.

Lòng tự trọng được hiểu nôm na là lòng tin vào bản thân chính mình, tin mình là một người có giá trị và xứng đáng được yêu thương. Khi lòng tự trọng của bạn thấp, có nghĩa là bạn chưa tin tưởng và yêu bản thân mình, bạn có xu hướng vin vào những khuyết điểm của bản thân mà lấy chúng làm “cái cớ” cho việc bạn không muốn xây dựng cũng như duy trì những mối quan hệ. Hay nói cách khác, bạn chưa thấy bản thân mình có thành tựu gì đặc biệt để có thể cảm thấy tự tin vào chính mình.

Chính vì vậy, tác giả có đưa ra 3 giải pháp để giúp chúng ta củng cố lòng tự trọng của chính mình.

*Cách 1: Bắt đầu với những việc khiến bạn có cảm giác thành tựu.

Dù công việc đơn giản và nhỏ nhặt thôi nhưng chúng cũng giúp bạn cảm thấy tự tin vào bản thân. Khi bạn hình thành thói quen hằng ngày đều là những hành động nhỏ như vậy, bạn sẽ có thể cảm thấy bản thân mình có giá trị và “làm được việc”.

*Cách 2:  Đừng cố gắng để che giấu hay khắc phục điểm yếu.

 Những người có lòng tự trọng thấ sẽ cảm thấy bị khinh thường kinh khủng khi bị người khác biết những khuyết điểm của mình. Họ sẽ cảm thấy rất buồn và bị tổn thương, vì chỉ lo sợ khi mình bị tổn thương, họ không còn sức đâu mà quan tâm đến đối phương. Con người không ai là hoàn hảo, người tự tin hay người có lòng tự trọng cao là những người không phải không có khuyết điểm, mà là họ chấp nhận việc đó, cố gắng nuôi dưỡng những ưu điểm của mình hơn là những khuyết điểm.

 *Cách 3: Khoan thứ cho bản thân cũng như là khoan thứ cho người khác.

Đừng tự trách bản thân khi bạn mắc phải sai lầm hay luôn tự ti về bản thân, hãy có một cái nhìn ấm áp hơn với những khuyết điểm và nỗi đau của mình, nhìn thấu vào chúng và tìm hiểu chúng, từ đó rút ra kinh nghiệm và tập trung cải thiện bản thân từng ngày.

#5. 3 ĐIỀU QUAN TRỌNG VÀ CẦN THIẾT TRONG MỐI QUAN HỆ GIỮA BỐ MẸ VÀ CON CÁI. Mình chỉ liệt kê ngắn gọn thôi nhé, các bạn có thể mua sác về đọc cũng là cách ủng hộ tác giả 🙂

  • Con không phải là đối tượng để phân tích.
  • Nuôi dạy con trẻ tốt là để trẻ nếm trải “cảm giác thất bại” một cách thích hợp
  • Con có cuộc sống của con, cha mẹ có cuộc sống của cha mẹ

Điều yêu thương nhất mà cha mẹ có thể dành cho con cái là bên nhau, động viên, an ủi lẫn nhau những lúc mệt mỏi để mỗi người có thể vững chãi bước đi trên con đường của chính mình.

” Ai cũng sẽ rời khỏi sự bao bọc của bố mẹ, thầy cô và tự bước đi trên đôi chân của chính mình.”- Demian, Hermann Hesse

 Tóm lại, quyển sách rất thực tế và khiến bạn thay đổi góc nhìn. Các bạn có thể tìm đọc 2 quyển của bà để hiểu hơn về cuộc đời bà và có thể nhìn thấy bản thân bạn trong từng con chữ. Chúc các bạn có một trải nghiệm vui vẻ với sách nhé.

Written by Tuyet Son

#bookreview

#hyenamkim

Share this post on: