Share this post on:

Sau khi đọc xong quyển “Bức xúc không làm ta vô can” của bác, thì mình dự định sẽ đọc tiếp và mua quyển này. Sau khi đọc xong, mình có một cách nhìn khác về bác, về cách hành văn cũng như các vấn đề xã hội mà bác đang theo đuổi. Quyển sách xoay quanh những câu chuyện về những người cận tử đang đứng trước bờ vực thẳm của cái chết và cách suy nghĩ cũng như hành động cùa họ trước khi chết đặc biệt đối với bản thân cũng như gia đình họ.

Cảm nhận riêng về quyển sách này là mình rất phục tài viết văn tài tình của bác Hoàng Giang, từng con chữ, từng câu chuyện mà bác mô tả thật sự chạm đến trái tim của mình, có những câu chuyện khi đọc mình thật sự đã rơi nước mắt, những câu chuyện mang đậm tính nhân văn và có ý nghĩa giáo dục đối với tất cả chúng ta. Việc chúng ta ý thức được cái chết và sự tồn tại của chúng, chúng ta sẽ ý thức hơn về cuộc sống mình đang có và biết quan tâm, yêu thương nhiều hơn đối với người quan trọng nhất trong cuộc đời ta. Mình cũng biết ơn vì bác cũng đã dành rất nhiều thời gian cho việc cùng đồng hành với những người cận tử để ghi lại những câu chuyện mang đậm tính nhân văn cho chúng ta chiêm nghiệm như thế.

Thông qua từng câu chuyện, người đọc sẽ được chứng kiến và nghe thấy những dòng suy nghĩ, tâm lý nội tâm của từng nhân vật trong câu chuyện khi họ đang bị mắc kẹt trong những căn bệnh tiến thoái lưỡng nan, hoặc những căn bệnh ung thư ở giai đoạn cuối, sự đau đớn mà bệnh nhân phải trải qua sau mỗi lần xạ trị, sự chia cách với những nguời thương ngày một càng xa, bản thân họ muốn níu giữ và muốn cho thời gian ngừng trôi, tuy nhiên với nhịp đời xoay chuyển và biến đổi liên tục, họ không thể làm gì hơn, chỉ biết cách đón nhận cái chết như một lẽ tất nhiên.

Thông qua từng câu chuyện như câu chuyện của chị Hà và đứa con trai Nam 9 tuổi làm mình thật sự ấn tượng, Nam mắc bệnh ung thư xương từ lúc nhỏ và phải từ giã cõi đời khi còn rất trẻ và nhỏ, cậu đã trải qua những lần xạ trị đau đớn, trải nghiệm được sự vô thường của cuộc sống, cơ thể ngày càng yếu đi tuy nhiên chúng ta học được tính kiên cường và vô tư của cậu khi đứng trước cái chết. Tuy cậu bé vô cùng lo lắng nhưng cậu không sợ hãi, không kêu ca, khi ấy cậu chưa nhận thức được cái chết là như thế nào, nhưng cậu cảm nhận là nó đang đến trong những ngày cuối cùng nằm ở bệnh viện.

Khi trải qua những tình huống trớ trêu và hết sức đau khổ như vậy, chắc hẳn bà mẹ hoặc người cha nào cũng đau đớn và tuyêt vọng khi nhìn thấy đứa con ruột mình sinh ra đang dần dần chết đi trong khi mình thì chẳng thể làm gì được, chỉ biết cầu nguyện và chăm sóc chúng cho tử tế vào những ngày cuối cùng của cuộc đời. Tuy nhiên, trong câu chuyện này mẹ Nam-chị Hà đã vô cùng kiên cường và không rơi vào hố sâu của trầm cảm sau cái chết của Nam, mặc dù khi đi đâu, làm gì chị đều nhìn thấy bóng hình của con trai, đau lòng rồi rơi lệ, những đêm trằn trọc không ngủ khi nhớ đến con trai bé bỏng, chị vẫn tiếp tục sống, chị vẫn nuôi hy vọng và chị cảm thấy may mắn khi có Nam trong đời. Nghĩ về Nam cho chị một lý do để sống tiếp, để tiếp tục thực hiện những hoài bão cho cả Nam về một cuộc sống tươi đẹp. Chính giây phút ấy, chị Hà đã thay đổi thái độ của mình khi đối diện với nghịch cảnh và chị chọn cách không gục ngã.

Chính vì vậy, trong những lúc khó khăn và đau đớn về mặt tinh thần như thế khi trải nghiệm cái chết của người thân, sẽ có người vượt qua và sống tiếp nhưng cũng có người vì không chịu được nỗi mất mát quá lớn của người thân nên họ rơi vào trầm cảm và tìm đến cái chết như một sự giải thoát, như một sự hội ngộ với người đã khuất mà không biết ở nơi Thiên đàng hay tại vực sâu Địa ngục.

Bài học rút ra: Khi chúng ta tìm được lý do và ý nghĩa trong cuộc sống, chúng ta có thể dễ dàng vượt qua nghịch cảnh. Dù đau đớn bao nhiêu, chúng ta càng phải trở nên kiên cường bấy nhiêu, vì thông qua nghịch cảnh, chúng ta biết được khả năng chịu đựng của mình đến đâu và chúng ta học được gì sau nỗi đau bi đát ấy.

Thật ra những người đã khuất họ không biến mất mãi mãi, mà họ chỉ tồn tại ở một dạng khác, họ vẫn luôn có mặt trong từng tế bào cơ thể ta, trong trái tim ta, chính vì vậy chúng ta phải sống tiếp và lạc quan để trên tận cao xanh, họ có thể mỉm cười mãn nguyện.

““If there is meaning in life at all, then there must be meaning in suffering.”
― Viktor E. Frankl

“Those who have a ‘why’ to live, can bear with almost any ‘how’.”
― Viktor E. Frankl, Man’s Search for Meaning

Những câu chuyện trong sách mang tính giáo dục cao và thức tỉnh chúng ta-những người còn đang rất khỏe mạnh một thông điệp hết sức nhân văn. Chúng ta hãy cứ sống hết mình, mở lòng yêu thương, sắp xếp lại những việc ưu tiên hay những việc chúng ta muốn làm trong cuộc sống trước khi cái chết tìm đến mình, ý thức được cái chết chúng ta sẽ sống có ý thức và trách nhiệm hơn.

Sống không hoang phí, không đầy hận thù, sống với tấm lòng yêu thương với mọi người. Trân trọng những gì mình đang có, hạnh phúc luôn ở trước mắt chúng ta chỉ là chúng ta có nhìn ra hay không mà thôi.

Có một câu mà mình còn nhớ như in khi đọc qua những mẫu chuyện trong sách: “Lúc đẹp là lúc mất”. Hy vọng mỗi chúng ta đều trân quý những gì xung quanh mình, đừng để mất đi rồi mới thấy được giá trị của chúng.

Chúc các bạn đọc sách vui vẻ!

Written by Tuyet Son

#bookreview

#diemdencuacuocdoi

#danghoanggiang