Để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, thứ quyết định kết quả không chỉ là trình độ, quan trọng hơn là thái độ. Thái độ không giống nhau sẽ dẫn đến những sự việc khác nhau, từ đó tạo ra sự phân hoá không ngừng và gia tăng khoảng cách số phận giữa người và người. Với Thái Độ của Ngô Quân, đúc kết từ những kinh nghiệm vàng của các nhiều học giả vĩ đại và trải nghiệm của chính tác giả, cuốn sách đúc kết những triết lý nhân sinh sâu sắc và bài học đắt giá gửi đến những bạn trẻ đang mong muốn tự cải thiện bản thân và tăng tốc trưởng thành.
@Về tác giả:
Ngô Quân là Tiến sĩ, Chuyên gia tìm kiếm và xử lý ngôn ngữ tự nhiên nổi tiếng. Ông là nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon.
@Về nội dung sách:
Hình thức sách là tuyển tập những lá thư mà tác giả viết gửi cho hai người con gái của mình trong khoảng thời gian hai cô đang học trung học và đại học. Chủ đề của những bức thư bao gồm những chủ đề quen thuộc từ học tập, làm việc, tài chính, vv. Những lời khuyên của tác giả cho chính hai cô con gái của mình cũng mang đến cho chúng ta những thông điệp vô cùng quý giá và sâu sắc. Giọng văn thực tế và khách quan.
@Bố cục sách:
Sách được chia thành nhiều chương, dễ theo dõi. Sau đây mình sẽ chia sẻ một vài điểm mình thấy tâm đắc nhất.
CHƯƠNG 1: TRIẾT HỌC NHÂN SINH
Trong chương này, nội dung bao gồm những thái độ sống đúng đắn, những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng mang ý nghĩa lớn lao, những thói quen thành công và điều gì dẫn đến hạnh phúc của con người.
Đầu tiên: Trong cuộc sống, chúng ta cần một thái độ lạc quan.
Nếu sống mà không có một thái độ lạc quan và vui vẻ thì khó lòng chúng ta có thể cảm thấy thỏa mãn và hài lòng với cuộc sống. Nếu lúc nào bạn cũng mặt ủ mày chau thì cuộc sống sẽ rất vất vả.
Cuộc đời của bạn có chừng ấy năm, đừng chỉ làm việc vất vả mà quên tận hưởng những gì tốt đẹp của cuộc sống này mang lại. Nhiều người trong chúng ta đều có xu hướng xem trọng của cải vật chất và tiền tài, nhưng nếu một người không thật sự hạnh phúc thì cho dù có bao nhiêu tiền của đi nữa cũng không vui vẻ gì.
Theo thống kê ở Mỹ, những người có thu nhập cao hơn ở các tỉnh bang không hẳn là họ hạnh phúc hơn những người có thu nhập thấp. Ngược lại, những người có thu nhập thấp hơn nhưng họ sống rất thân thiện và yêu đời.
Hạnh phúc là nền tảng của con người. Khi tâm hồn bạn vui vẻ, an yên thì cuộc sống trở nên đẹp hơn, lòng người trở nên ấm áp; còn nếu như lúc nào bạn cũng ích kỷ, hẹp hòi thì cho dù người khác có thiện chí tốt với bạn đi nữa cũng vô ích, vì lúc đó bạn chỉ nghĩ là do người ta có ý đồ với mình mà thôi.
Cuộc sống có muôn vàn bất trắc và khó khăn, nhưng cũng không kém đi những điều tốt đẹp và cơ hội. Cuộc đời có bao nhiêu lần mười hay hai mươi năm nữa, tại sao chúng ta không sống trong sự vui vẻ và lạc quan thay vì lo lắng và bất an?
Khi có một thái độ lạc quan, không chỉ về thể chất mà còn về tinh thần, bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn rất nhiều. Khi gặp khó khăn đi nữa, bạn cũng đương đầu giải quyết, không chìm đắm trong sự tuyệt vọng quá lâu, từ đó giúp bạn hình thành nên sự tự tin và sự can đảm khi đối mặt với nghịch cảnh theo thời gian.
Tiếp theo: Vậy thái độ lạc quan (hay hạnh phúc) đến từ đâu?
Hạnh phúc mang đến cho con người những cảm giác tuyệt vời. Khi nhắc đến hạnh phúc, chúng ta sẽ liên tưởng đến những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, điển hình là Costa Rica, Đan Mạch và Singapore.
Trong quyển sách “The Blue Zone of Happiness” của tác giả Dan Buettner – một nhà thám hiểm, đã từng đề cập rằng: Mức sống người dân ở ba quốc gia này rất cao, một phần là vì chế độ hỗ trợ xã hội rất tốt, từ giáo dục đến y tế, ngoài ra còn kể đến giá trị quan & cách người dân trải nghiệm một ngày của họ như thế nào.
Ở Singapore, họ quan trọng giá trị quan là làm việc chăm chỉ và vất vả thì mới cảm thấy hạnh phúc; tuy nhiên, ở Costa Rica họ lại quan trọng việc tận hưởng cuộc sống, chấp nhận những gì xảy đến với mình bằng thái độ tích cực. Dĩ nhiên, nếu người Singapore qua Costa Rica sống thì chắc sẽ rất không thoải mái vì họ thấy người dân nơi đây chỉ biết tận hưởng, không làm việc chăm chỉ như họ; ngược lại, khi người Costa Rica qua Singapore cũng sẽ khó lòng vui vẻ nổi vì ở đây, chỉ có làm việc và làm việc mới cảm thấy có giá trị và hạnh phúc mà thôi. Hai giá trị quan khác nhau nhưng họ luôn hài lòng với cách sống mà họ lựa chọn. Không có gì sai cả.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, khi những đóng góp hay hành động của bạn gây ảnh hưởng đến thế giới, hay thậm chí là một phần thiểu số người thì bạn cũng sẽ rất vui vẻ và phấn chấn. Được biết rằng, những hành động tử tế, những sản phẩm của mình (sách, podcast, mã lập trình, vv) được đông đảo người đón nhận và sử dụng thì con người sẽ cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Chúng ta thường hay nói “Cho đi cũng chính là cách nhận lại nhiều hơn”.
Ngoài ra, bạn cũng thể tạo ra hạnh phúc của riêng mình theo những cách sau:
1/ Kiên trì học hỏi những cái mới
Chính điều này sẽ giúp cho bạn mở mang đầu óc, khi phát hiện ra thứ gì đó mới bạn sẽ cảm thấy hứng thú và vui vẻ.
2/ Giúp đỡ, bao dung và tôn trọng người khác.
Chính vì điều này sẽ giúp cho bạn có thêm nhiều mối quan hệ đẹp và ý nghĩa. Chỉ khi con người dang tay ra đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau mới khiến cuộc sống của bạn thoải mái.
3/ Có lý tưởng và nỗ lực hết mình để thực hiện chúng.
Con người hạnh phúc khi có mục tiêu và ước mơ để theo đuổi. Hãy thiết lập cho mình những mục tiêu nhỏ và sẵn sàng lên kế hoạch để thực hiện chúng. Cảm giác thành tựu sẽ đến ngay sau khi bạn chinh phục được mục tiêu.
Cuối cùng: Thói quen và thành công
Thói quen sẽ quyết định thành bại của một người. Vận mệnh của người đó cũng từ chính những thói quen của họ mà đi theo chiều hướng phát triển hay suy tàn.
Hãy nhìn cách một người khi bị ăn một cái bạt tai hồi nhỏ thì sẽ biết vận mệnh của người đó.
Tất cả phản ứng đều có thể quy về ba loại sau: Loại thứ nhất, tát trả. Loại thứ hai, nhẫn nhục và ôm mặt bỏ đi. Loại thứ ba, bình tĩnh lại và phân tích, xem chuyện gì đang xảy ra, có thể người tát bạn là một kẻ vô lại, nhưng khi tìm hiểu tình hình một cách tận tường thì sau này bạn cũng sẽ tìm cơ hội để đáp trả theo cách khác. Điều này có mối liên hệ với cách chúng ta phản ứng trong cuộc sống.
Ví dụ:
Khi có ai đó la mắng hay chỉ trích chúng ta vô cớ, tình hình là sẽ có 3 loại phản ứng. Loại đầu tiên, chửi mắng lại. Loại thứ hai, im lặng, chấp nhận việc bị chửi và ôm mặt bỏ đi. Loại thứ ba, bình tĩnh phân tích và xem liệu từ phía bản thân họ hay người kia đang có vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân và hướng xử lý để cùng nhau hòa giải. Những người rơi vào loại thứ ba có xu hướng thành công hơn những người rơi vào loại một và hai.
Chính những phản ứng này sẽ hình thành nên thói quen của bạn. Người đi đáp trả ngay lập tức sẽ có thói quen phản ứng với tất cả mọi việc, không cần cân nhắc hay bình tĩnh để nhìn lại vấn đề. Người có thể điểm đạm suy xét cội rễ của vấn đề thì chắc chắn sẽ thành công, vì họ không hấp tấp vội vàng, vừa biết suy nghĩ cho mình và cho người nên mối quan hệ với người khác lúc nào cũng chan hòa và thoải mái.
Một người cẩn thận, chi tiết trong từng việc nhỏ thì sẽ thành công hơn là làm việc cẩu thả và hời hợt. Thói quen không hình thành trong một đêm, mà phải trải qua một quá trình dài và sự luyện tập bền bỉ. Vì vậy, hãy luyện tập cho mình làm tốt từ những việc nhỏ và thành công sẽ theo chân bạn một ngày không xa.
CHƯƠNG 2: THẤU HIỂU THẾ GIỚI
Nội dung chương này tập trung vào tầm nhìn của một người khi đưa ra quyết định, cách họ suy nghĩ về cuộc sống, cách họ làm việc và hướng đến cảnh giới cao nhất.
/Cuộc sống cần phải cụ thể/
Chúng ta có thể sử dụng câu châm ngôn này để áp dụng cho tất cả những khía cạnh của cuộc sống, và công việc một cách tốt nhất.
“Cuộc sống cần phải cụ thể” được lấy cảm hứng từ những triết lý sống và cách nhìn về thế giới của đất nước Đức. Như bạn đã biết, Đức nổi tiếng với những sản phẩm chất lượng cao, cẩn thận & tinh vi đến từng chi tiết nhỏ. Họ luôn quan niệm rằng, không quan trọng số lượng, chỉ cần chất lượng của bất kỳ sản phẩm nào đạt đến cảnh giới và tiêu chuẩn cao nhất thì đó mới gọi là thành công.
“Cuộc sống cần phải cụ thể” có thể được hiểu là mọi thứ cần nên rõ ràng, chỉnh chu và cụ thể. Trong lúc bàn luận vấn đề, đừng bàn những chuyện chung chung, mà hãy đi vào chi tiết, phân tích để đưa ra kết luận chính xác nhất. Hay nói cách khác, người Đức không thích làm bạn với mơ hồ và qua loa, họ thích mọi thứ minh bạch và rõ ràng.
Một ví dụ khác. Khi tác giả có dịp đi đến Đức để bàn một số chuyện kinh doanh đầu tư với đối tác, do không rành về giao thông ở đây nên ông có hỏi người đi đường về cách đến nhà ga nhanh nhất. Thông thường, trong trường hợp như vậy thì có 2 tình huống xảy ra:
1/ Một người đi đường bình thường ở một quốc gia nào đó sẽ hướng dẫn cho bạn cách đi, nên rẽ theo hướng nào mới tới điểm đến mà bạn mong muốn.
2/ Người Đức thì ngược lại. Họ sẽ thấy được sự hoang mang của bạn khi không biết đường, cuối cùng họ sẽ đích thân dẫn bạn đến nhà ga luôn.
Trong tình huống này, tác giả đã được họ dẫn đến nhà ga gần nhất. Thông qua đó, bạn cũng có thể họ rất thân thiện và “chi tiết” trong việc hướng dẫn du khách.
Vậy bạn có thể áp dụng triết lý này vào cuộc sống & công việc như thế nào?
- Bạn có thể thiết lập mục tiêu cụ thể và rõ ràng để lên kế hoạch thực phù hợp. Đặt ra những mục tiêu quá chung chung sẽ không giúp bạn gặt hái được thành tựu.
- Khi giao tiếp, cần rõ ràng khi truyền đạt thông tin để đảm bảo người nghe có thể hiểu thông điệp của bạn.
- Khi gặp phải tình huống khó xử, cần tìm hiểu nguyên nhân cụ thể và bình tĩnh giải quyết vấn đề
- Khi bị chỉ trích trong công việc, cần khách quan hết sức có thể. Đừng vội vàng nghe những chỉ trích mang tính chung chung, mà hãy đi sâu vào chi tiết để tìm cội rễ của vấn đề.
…và còn nhiều tình huống khác nữa để bạn có thể áp dụng.
Khi cuộc sống của bạn ngày càng cụ thể thì mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn, cũng sẽ không gây ra những hiểu lầm không đáng có trong mối quan hệ với con người.
/Cố gắng đạt tới cảnh giới cao nhất/
“Cố gắng đạt tới cảnh giới cao nhất” có nghĩa là khi làm bất cứ việc gì, hãy làm tốt nhất có thể, hãy có một tầm nhìn xa, đừng chỉ chú trọng vào lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích dài hạn. Ngoài việc làm nốt 1% cuối cùng, mà còn phải làm cho thật xuất sắc. Điều này không có nghĩa là theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo, chỉ là bản thân tự tạo cho mình một tiêu chuẩn để có thể trở nên kiệt xuất trong lĩnh vực mình đang làm.
Một ví dụ dễ hiểu cho chúng ta liên tưởng.
Chắc hẳn bạn cũng đã nghe qua giai đoạn thống nhất đất nước của Tần Thuỷ Hoàng rồi phải không. Tuy nhiên, để đi sâu vào chúng ta sẽ nghiên cứu sâu hơn về các giai đoạn lịch sử của thời Tần.
Nước Tần nằm ở phía Tây Trung Quốc, để thống nhất Trung Quốc là một điều không dễ dàng vì thời bấy giờ, trình độ kinh tế và văn hóa còn kém phát triển. Trên thực tế, nước Tần thường xuyên bị các nước láng giềng ức hiếp. Vị quốc vương Tần Hiếu công là một vị vua tài giỏi, ông quyết chí tiến lên, từ đó chiêu mộ nhiều nhân tài về làm quan cho mình. Một trong số đó là Thương Ưởng. Nhờ vào tài năng hơn người của mình, Thương Ưởng đã giúp cải cách và thống nhất Trung Quốc sau đó.
Khi nhắc đến ông, thời xa xưa đều tôn vinh sự tài giỏi, trí tuệ trong việc đưa ra chính sách cải tổ đất nước; nhưng đến ngày nay, mọi người khi nghe đến Thương Ưởng đều lắc đầu ngao ngán vì chính sách “lo cái lợi trước mắt” của ông mà dẫn đến sự suy vong của nước Tần sau hơn mười lăm năm thống nhất. Trên thực tế, mọi người đã hiểu lầm ông, “chỉ làm vì cái lợi trước mắt” ngay từ đầu không phải là chủ ý của ông, mà đó là sự lựa chọn của Tần Hiếu công. Điều đáng buồn hơn là sau khi đất nước diệt vong, tông thất của Tần Hiếu công cũng bị tru di hết.
Thông qua câu chuyện trên, chúng ta có thể thấy thời bấy giờ, tầm nhìn của các vị vua thời Tần rất ngắn hạn, chỉ lo cho lợi ích trước mắt bằng biện pháp vũ lực mang lại mà quên đi những lợi ích lâu dài. Cuối cùng chỉ có thể dẫn đến suy vong.
Một khi con người có tầm nhìn ngắn hạn thì khó có thể theo đuổi cảnh giới cao hơn. Họ chỉ chìm đắm trong những lợi ích trước mắt mà không chịu cố gắng để tiến bộ mỗi ngày. Nói đến đây, chúng ta có thể liên tưởng đến cách con người hiện đại đang sống cũng tương tự như thế.
Ai cũng mong muốn tìm kiếm một công việc dễ dàng, kiếm thật nhiều tiền mà không mảy may suy nghĩ cái giá phải trả cho chúng. Những ngành nghề kiếm ra tiền nhiều thường thì áp lực công việc, khả năng đào thải cũng sẽ cao hơn. Hơn nữa, đầu vào công việc cũng khó không kém. Chúng ta muốn có thứ này rồi lại thứ kia mà không chịu thật sự kiên nhẫn cho mục tiêu lâu dài hơn, tuy chúng mất thời gian nhưng kết quả lại rất xứng đáng. Mọi thứ tốt đẹp trên đời này đều cần sự nỗ lực và cố gắng của bạn, không có thứ gì tốt đẹp mà “từ trên trời rơi xuống” cả.
Việc “đốt cháy giai đoạn” tuy trong vài trường hợp có thể dẫn bạn đến thành công, nhưng bạn cũng đã bỏ lỡ những giai đoạn học hỏi quý giá.
Cảnh giới của con người cao hơn một chút, lo cho sau này dài hạn một chút, bớt chú ý đến cái trước mắt thì mới có thể tiến xa hơn được.
Sẽ luôn có những cám dỗ trên con đường phát triển tương lai. Nhiều khi, những cám dỗ ấy dường như quá tuyệt vời đến mức chúng ta có thể bỏ dần mục tiêu của mình và chấp nhận chúng. Đây là lúc kiểm tra sự tập trung của một người.
CHƯƠNG 3: QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI
/Người phù hợp là người có thể giúp bạn có và nhìn thấy cả thế giới, còn người không phù hợp thì sẽ khiến bạn đánh mất đi cả thế giới/
Trước khi bàn về bản chất của tình yêu, chúng ta hãy cùng đọc một câu chuyện ngụ ngôn của Aristophanes sau đây:
Ngày xưa con người có bốn tay, bốn chân, vô cùng mạnh mẽ. Loài người có hai gương mặt trước sau tương phản nhau, mỗi gương mặt đều có mắt, có thể đồng thời quan sát trước sau, vì vậy không có gì thoát khỏi đôi mắt. Những khả năng phi thường này khiến cho các vị thần trên đỉnh Olympus không khỏi lo lắng. Vì vậy, thần Zeus, vua của các vị thần đã quyết định chia con người ra làm hai như tách quả trứng, như vậy, con người chỉ còn lại một nửa so với ban đầu, chỉ còn hai tay, hai chân và một khuôn mặt. Nhưng hai người bị chia tách ra đều cố gắng ôm chặt đối phương, kết hợp lại thành một người như trước, khao khát này chính là tình yêu.
Thông qua câu chuyện ngụ ngôn như trên, chúng ta có thể rút ra hai điều sau:
1/ Con người nếu không có tình yêu thì cuộc đời họ thật sự “không trọn vẹn”. Câu chuyện của Aristophanes thú vị ở chỗ, khi xưa con người có hai khuôn mặt, có thể nhìn thấy trước sau nhưng khi trở về với hình hài một đôi mắt và khuôn mặt thì đôi khi trong cách nhìn nhận vấn đề dần trở nên phiến diện. Bởi vậy, chúng ta luôn mong muốn tìm cho mình một “nửa còn lại” để cuộc đời chúng ta trở nên trọn vẹn và mở rộng thế giới quan của mình hơn.
Nếu không có tình yêu, giao tiếp và hôn nhân, thế giới này sẽ dần trở nên vô hồn và ảm đạm. Không có năng lượng tích cực, tất cả đều chìm đắm trong sự tĩnh mịch và lạnh giá.
2/ Để tìm một nửa còn lại thì nhất định họ phải tìm một người thật sự phù hợp với mình. Nếu như ghép đôi không thành công, tìm một người không phù hợp thì chỉ có thể gây hại cho bản thân và đối phương. Có biết bao cặp tình nhân cũng vì lý do “không hợp nhau” mà chia tay đấy đó thôi.
Ở đây, chúng ta bàn thêm về việc lựa chọn người phù hợp. Làm thế nào để nhận biết đó là người phù hợp với bạn? Người phù hợp là người có thể giúp bạn có và nhìn thấy cả thế giới, còn người không phù hợp thì ngược lại.
Người có thể giúp bạn nhìn thấu cả thế giới mới xứng đáng để bạn yêu. Họ mang đến cho bạn niềm vui, sự tự tin, sự an toàn và cả một góc nhìn mới mẻ về thế giới. Những gì bạn chưa biết có thể họ đã biết qua, những nơi bạn chưa từng đi thì họ đã đi qua, bạn thiếu tính kiên nhẫn, họ thì ung dung, điềm đạm và trưởng thành. Cả hai sẽ cùng bù đắp cho nhau, cùng nhau ngắm nhìn thế giới bao la rộng lớn ngoài kia. Cùng nhau trưởng thành, cùng nhau già đi.
Họ sẽ giúp cho bạn xây dựng lại sự tin nếu như bạn đang chênh vênh, mắc kẹt trong mớ cảm xúc hỗn độn; họ sẽ cùng bạn vượt qua những khó khăn và vấp ngã trong đời, không chê cười hay chỉ trích bạn; họ cũng có thể vì bạn mà giành lại cả thế giới này.
Một người đàn ông tốt và một người đối xử với bạn là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Người đối xử với bạn cũng là người bạn ưng thì đó mới xứng đáng là một “nửa còn lại” của đời mình. Ngoài ra, cả hai cần nhiều điểm chung, không chỉ về quan niệm sống mà còn cả về hệ thống giá trị quan nữa.
Môi trường chúng ta sinh ra đều khó tránh khỏi gặp những người có hệ thống giá trị, cách tư duy hay văn hoá khác chúng ta. Khi đến với nhau do hormone dopamine tình yêu chi phối nên cả hai đều có thể hứa hẹn và sẵn sàng làm bất cứ điều gì cho nhau. Tuy nhiên sau vài ba tháng, lượng hormone ấy sẽ giảm mạnh, dẫn đến tình yêu không còn mãnh liệt như lúc ban đầu. Trong quá trình chung sống, nếu cả hai có thể dung hoà lẫn nhau, cùng ngồi lại và giải quyết vấn đề khi gặp khó khăn, cùng nhau nuôi dưỡng những điều tốt đẹp trong cuộc sống thì tình yêu ấy mới bền vững.
Mình rất thích một câu nói nổi tiếng trong bộ phim nổi tiếng: “Tôi không có điểm gì đặc biệt, tôi chỉ là một người bình thường, sống một cuộc sống hết sức bình thường, thế giới không dựng bia kỷ niệm cho tôi. Nhưng tôi lại vĩ đại và trung thành hơn bất kỳ ai trong một việc, đó là tôi toàn tâm toàn ý dùng cả cuộc đời mình để yêu thương một người.”
/Giao tiếp chỉ thật sự phát huy tác dụng khi đạt được mục đích/
Khái quát lại nội dung trong phần này chỉ có bốn câu:
1/ Giao tiếp có hiệu quả phải lấy sự xác nhận của đối phương làm tiêu chuẩn. Đừng cho rằng, chỉ cần nói ra thì đối phương nhất định sẽ tiếp nhận những thông điệp mà bạn truyền tải.
Điểm này chúng ta gặp phải rất nhiều trong cuộc sống và công việc. Chẳng hạn, khi viết email, một email thành công giữa các đối tác cần có sự xác nhận thông tin từ hai bên mới có thể xem là thành công. Nếu một trong hai chưa xác nhận hay không phản hồi thì chúng ta nên có động thái để đảm bảo phía họ nhận được thông tin từ chúng ta.
Hoặc khi, quản lý giao việc cho nhân viên cấp dưới thực hiện nhiệm vụ, nhưng sau vài ngày mà vẫn chưa thấy động tĩnh gì cả. Lúc này, nhân viên không phải không thích quản lý mới không làm, mà là do giao tiếp giữa họ và quản lý đang có vấn đề. Thông tin chưa được làm rõ và mọi người chưa tiếp nhận thông tin đúng đắn, dẫn đến công việc bị trì trệ.
2/ Phải dùng những ngôn từ mà đối phương có thể hiểu được để giao tiếp, tránh khoa trương vốn kiến thức của mình mà làm phức tạp hoá vấn đề.
Cái này bạn sẽ thường hay nhận thấy trong lớp học. Một giáo viên giỏi sẽ là người dù bài học khó và phức tạp đến đâu cũng thể giảng dạy cho học sinh của mình một cách rất đơn giản, còn một giáo viên dở suốt ngày chỉ dùng duy nhất một cách thức giao tiếp, một cách dạy áp dụng cho tất cả, thế là họ nói xong rồi họ tự nghe mà thôi. Học sinh đâm ra chán và buồn ngủ là lẽ dĩ nhiên
3/ Lời nói trong sáng, ngắn gọn, rõ ràng và đúng đúng trọng tâm. Tuỳ đối tượng sẽ có những cách nói khác nhau.
Từng người sẽ có những đặc điểm tính cách và cách tiếp nhận thông tin khác nhau. Đối với một số người hiểu chậm hay cần thời gian để suy nghĩ, bạn cần nên đi đúng trọng tâm, đừng “vòng vo tam quốc” và cũng cần giải thích rõ ràng.
4/ Giỏi biện luận không có nghĩa là giỏi giao tiếp. Mục đích của giao tiếp là cả hai cùng nhau xác nhận thông tin, đã hiểu những gì đã được trao đổi, chứ không phải để một trong hai cứng họng và á khẩu.
Nhiều người hay có xu hướng ba hoa khoác lác, nói dông dài và nói không ngừng nghỉ. Thực tế chỉ cho thấy hiệu quả giao tiếp của họ với người khác chỉ bằng 0. Nói nhiều nhưng không đúng trọng tâm sẽ lãng phí thời gian của đôi bên và thông tin chính cuối cùng cũng không được truyền tải.
/Nghệ thuật từ chối/
Từ chối và bị từ chối là trạng thái bình thường của đời người. Khi bạn bình tĩnh để đối mặt với chúng, cuộc đời bạn sẽ bớt đi những phiền phức không đáng có.
Nếu có thể giúp đỡ người khác thì bạn nên giúp, nhưng nếu như rất khó xử thì không nên miễn cưỡng, cần nói sớm với đối phương bạn không giúp được, như vậy họ mới có thể tìm biện pháp khác.
Nhiều người chúng ta hay suy nghĩ rằng, nếu nói thẳng ra thì sợ đối phương tổn thương, thà rằng cứ trì hoãn, hy vọng thời gian lâu rồi, đối phương biết khó mà lui, không đến làm phiền nữa, tránh mất mặt. Nhưng suy nghĩ này lại cực kỳ tai hại, vừa hại người hại mình.
Hại người thì không cần nói rồi, họ ôm hy vọng vào sự giúp đỡ của bạn, nhưng cuối cùng bạn thất hứa thế là công việc của họ lại lỡ làng. Hại mình tức là mối quan hệ giữa bạn và họ kể từ đây sẽ không còn tốt đẹp nữa.
Điều quan trọng là đa số chúng ta ngại nói “Không” với người khác, vì chúng ta lo sợ rằng họ sẽ buồn hay đánh mất hy vọng. Cái sai lầm của chúng ta thường là đánh giá quá cao năng lực của bản thân.
Khi người khác tìm đến bạn xin giúp đỡ, đừng tự gây áp lực cho chính mình. Không phải lời đề nghị nào bạn cũng phải hết tất cả, sẽ có những việc không nằm trong khả năng của bạn thì từ chối giúp là một chuyện bình thường. Còn nếu như đã nhận lời giúp ai đó rồi mà làm không xong, cuối cùng phá hỏng chuyện của người khác thì thật sự rất mất mặt.
Chúng ta cùng xem bốn cách sau đây mà tác giả có gợi ý khi người khác thỉnh cầu chúng ta, sẽ dựa vào những nguyên tắc dưới đây để có những hành xử khác nhau:
1/ Năng lực không đủ, giúp đỡ không được, trực tiếp từ chối một cách khéo léo sớm nhất có thể.
2/ Có thể giúp nhưng không muốn giúp vì cái giá mà bản thân phải trả quá lớn.
Nếu như có ai đó xin bạn giúp đỡ họ một công việc gì đó nhưng lại quá thường xuyên, ảnh hưởng đến công việc của bạn thì tốt nhất nên từ chối và đồng thời cũng thông báo cho họ biết.
3/ Bất luận khó khăn đến đâu cũng muốn giúp, hơn nữa rất có khả năng thực hiện. Lúc này, hãy nhận lời đối phương, sau đó cố gắng thực hiện.
Một lưu ý nhỏ nữa là khi nhận lời giúp đỡ của người khác, nếu độ khó của công việc là X, mà năng lực và thể diện của bạn là 3X thì nên đồng ý giúp. Tại sao lại có số bảo hiểm cao như vậy? Bởi vì khi xử lý công việc, sẽ có thể gặp nhiều phiền phức không ngờ tới, chúng ta vốn cho rằng có thể làm được nhưng thực tế thì năng lực chưa đủ, không chỉ hại mình mà còn hại cả mối quan hệ với đối phương.
Giúp đỡ người khác không quan trọng là giúp bao nhiêu lần, mà là xác suất thành công bao nhiêu.
4/ Mặc dù muốn giúp, có thể giúp được, cũng có thể giúp không nổi.
Điều này có nghĩa là một khi đã hứa thì phải làm cho bằng được, nhưng cần lường trước rủi kho thất bại khi giúp đối phương để họ có thể chuẩn bị. Bạn cần cho họ thấy bạn sẽ làm hết sức có thể, nhưng xác suất thành công sẽ không cao, từ đó vạch ra bối cảnh sẽ như thế nào để họ có thể hình dung.
Tiếp theo, chúng ta sẽ bàn luận nhanh qua về bốn sai lầm mà chúng ta gặp phải trong việc giúp đỡ người khác.
1/ Luôn phô trương về năng lực của mình, cuối cùng cũng chỉ hại thân.
2/ Không giúp người khác được, lại đưa ra những phương án tệ hơn để đối phó.
Ví dụ: Nếu như không thể giúp anh A vào được công ty B mà anh ấy muốn thì cũng đừng giới thiệu anh ta một công ty tệ hơn nhằm đối phó cho xong chuyện. Làm gì có ai ngốc như vậy, hành động của bạn họ có thể nhìn thấu hết đấy.
3/ Giúp đỡ nhưng mong đền đáp.
Nếu thấy giúp người cần quá nhiều thể diện thì không nên miễn cưỡng. Nếu sau khi giúp xong, họ không đền đáp theo cách mà bạn kỳ vọng thì chẳng phải danh dự của bạn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì họ hay sao. Việc này thà không giúp còn hơn. Giúp người khác đơn thuần chỉ vì bạn muốn giúp thôi, không cần phải muốn người khác mang ơn.
4/ Giúp người khác nhưng lại đi ngược với quy tắc của mình.
Điều này thì không nên và tuyệt đối tránh. Lương thiện là tốt nhưng đôi khi quá dễ dãi, bạn sẽ bị người khác lợi dụng. Làm bất cứ việc gì cần có nguyên tắc, có như vậy người khác mới tôn trọng bạn.
CHƯƠNG 5: ĐỐI XỬ VỚI TIỀN BẠC
Nội dung chương này tập trung vào cách chúng ta suy nghĩ về tiền và sử dụng đồng tiền sao cho thật ý nghĩa.
/Tầm nhìn khi sử dụng tiền bạc/
Warren Buffet từng nói: Tiền là dùng vào những việc bạn muốn làm, chứ không phải để bạn không làm gì.
Thật vậy, một người khi đã có tiền trong tay, nếu không biết phát huy tác dụng của đồng tiền thì có giữ được bao nhiêu của cải tài sản đi chăng nữa cũng thật vô nghĩa.
Trước khi sử dụng đồng tiền một cách hợp lý nhất có thể, chúng ta hãy cùng nhau hiểu qua về công dụng của tiền. Tiền có hai công dụng:
1/ Một là dùng làm môi giới, để nó phát huy tác dụng lớn hơn, như đầu tư để kiếm lời nhiều hơn, hoặc dùng nó để ủng hộ sự nghiệp thay đổi thế giới của chúng ta.
2/ Hai là dùng tiền để tận hưởng cuộc sống, nhưng không có nghĩa là không biết tiết kiệm và phung phí vô độ. Về mức độ chi tiêu, cần phải cân bằng giữa mức độ thu và chi.
Khi đã hiểu được tác dụng của đồng tiền, thì chúng ta sẽ sử dụng chúng một cách có hiệu quả. Nhưng để sử dụng tiền một cách có ý nghĩa, thì cần phải bàn đến năng lực.
Không phải ai cũng sử dụng tiền của mình một cách hiệu quả nhất. Có người thì tiêu xài phung phí, nhưng cũng có người dùng tiền của mình để làm những việc có ý nghĩa lớn lao hơn. Đương nhiên, khi bạn có tiền bạn có thể làm những gì bạn muốn, nhưng chúng ta không nên quá ích kỷ, chỉ quá lo nghĩ cho bản thân mà quên đi trách nhiệm với cộng đồng.
Những nhà kỹ sư, khi họ có tiền, có thể họ sẽ sử dụng số tiền đó vào việc cải thiện tình hình giao thông và cảnh quan trong thành phố. Những nhà khoa học khi có tiền, có thể sử dụng số tiền đó để điều chế một loại thuốc để chữa trị ung thư. Có rất nhiều những “người hùng vĩ đại” ngoài kia đã ra sức cống hiến cho đất nước và gây ảnh hưởng tích cực cho xã hội.
Ví dụ điển hình ở Việt Nam. Trong tình hình Covid phức tạp, ngoài kia có biết bao nhiêu Mạnh Thường Quân đã ra tay cứu trợ những người lao động nghèo – những người không thể chịu nổi mức sống cao tại Thành phố, bị thất nghiệp, không có thu nhập họ đành phải về quê, xa xôi nghìn dặm, khó khăn muôn bề. Có người thì đóng góp rau củ tươi miễn phí, có người thì đóng góp tiền, xăng xe hay thực phẩm thiết yếu miễn phí ngay trên đường về quê của người dân. Những tấm lòng vàng như thế thật sự khiến chúng ta không khỏi xúc động.
Số tiền bạn bỏ ra tuy rất ít nhưng nó đóng góp một phần quan trọng trong việc hỗ trợ người dân, tạo ra quỹ vắc-xin để phòng chống Covid. Chỉ cần bạn nhìn thấy được ý nghĩa của việc sử dụng tiền của mình thì không có gì phải hối tiếc.
Một khi bạn đã thấu hiểu tác dụng của tiền, thì việc sử dụng chúng một cách có hiệu quả sẽ tùy thuộc vào cách bạn tư duy đó.
CHƯƠNG 6: SỐNG & LÀM VIỆC
Nội dung chương này tập trung vào cùng với một số kỹ năng & kiến thức cần có để sống và làm việc hiệu quả hơn.
/Đời người không quan trọng làm bao nhiêu việc, quan trọng là có thể làm tốt bao nhiêu việc/
Đó là sự khác nhau giữa nghiệp dư và chuyên nghiệp như chúng ta biết tới. Một người nghiệp dư lúc nào cũng chỉ có thể làm việc qua loa và hời hợt; còn một người chuyên nghiệp thì lúc nào cũng phải dùng tiêu chuẩn chuyên nghiệp để yêu cầu bản thân làm việc, bất kể tâm trạng có ra sao.
Khi bạn làm mọi việc một cách đâu ra đó, chỉnh chu và kỹ lưỡng thì kết quả công việc sẽ rất tốt, ngược lại thì lại gây thêm rắc rối cho người khác và bản thân.
Nếu con bắt đầu làm bất cứ việc gì, con cũng nên cố gắng làm cho tốt. Trong quá trình ấy, con sẽ gặp muôn vàn khó khăn, nhưng quá trình khắc phục khó khăn ấy chính là quá trình trưởng thành tốt nhất. Nếu không dùng tiêu chuẩn chuyên nghiệp để yêu cầu bản thân làm việc thì thất bại không phải là do trình độ cao hay thấp, mà là đã và đang lãng phí thời gian mà không có thu hoạch gì đáng kể.
Khi bạn làm tốt hết mức có thể từ những việc nhỏ nhất, thì những việc lớn bạn cũng sẽ không gặp quá nhiều khó khăn. Nhưng nếu ngay cả việc nhỏ, bạn cũng sơ sài thì nói gì đến những chuyện lớn lao chứ?
Ngoài ra, khi làm việc một cách chuyên nghiệp, những “cao thủ” này sẽ không để cảm xúc ảnh hưởng đến họ. Họ sẽ không vì một lần thất bại mà phủ nhận cả quá trình, cũng không vì một chút thắng lợi mà dương dương tự đắc và cao ngạo. Họ chỉ tập trung làm tốt những việc họ làm và không để tâm trạng cá nhân xen vào gây xáo trộn phong cách làm việc.
/Có tâm thế chủ động mới có thể có cái nhìn toàn cuộc/
Một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến con đường phát triển sự nghiệp của chúng ta là tính chủ động trong công việc. Nếu chỉ biết ngồi chờ việc hay không có bất cứ sáng kiến nào giúp cho đồng đội hay nhóm của mình thì người này nhất định sau này sẽ bị bỏ lại phía sau hay thậm chí là bị sa thải.
Khi bạn chủ động tìm những cách tốt hơn để làm công việc, học hỏi từ người khác thì bạn sẽ học rất nhanh và cơ hội thăng tiến cũng cao hơn rất nhiều những người chỉ biết làm những công việc đơn giản một cách thụ động.
Trong công ty, hầu hết các vấn đề đều là gợi mở, người hướng dẫn của con cũng không thể biết đâu là phương án giải quyết tốt nhất, cần con cho anh ta thấy thông qua chính công việc của con, bởi vậy con cần chủ động đưa ra ý kiến, chứ đừng làm các thao tác công việc đơn giản, điều này vô cùng quan trọng.
Một điều quan trọng nữa khi làm bất cứ điều gì, bạn nên có một tầm nhìn bao quát toàn diện thế cục. Nên suy nghĩ từ góc độ công ty, liệu quyết định của mình có ảnh hưởng đến cá nhân nào hay không? Chúng có đóng góp có lợi hay hại gì không? Liệu quyết định đó có tính khả thi hay không? hoặc đứng từ góc độ cá nhân, nếu bạn không phải là một nhân viên bình thường mà là một trưởng nhóm lãnh đạo, bạn sẽ sắp xếp công việc như thế nào, phạm vi công việc có liên quan gì đến các phòng ban khác không. Khi bạn nhìn xa trông rộng, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và nhẹ nhàng hơn nhiều, đồng thời tránh mắc những sai phạm không đáng có.
Có một cái nhìn toàn cục cũng giúp cho bạn ưu tiên những công việc quan trọng nhất để làm trước, chứ không đơn thuần là làm những việc mà người quản lý của mình giao cho.
Lời kết
Hy vọng Thái Độ của Ngô Quân sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm hữu ích cùng với những bài học đắt giá nhằm thay đổi tư duy của chính mình.
Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn
Hình ảnh: Tuyết Sơn
—————————-