Các mối quan hệ xã hội thật mệt mỏi.

Cuộc sống sao mà nhạt nhẽo và vô nghĩa.

Bản thân mình xấu xí và kém cỏi.

Quá khứ đầy buồn đau còn tương lai thì mờ mịt.

Yêu cầu của người khác thật khắc nghiệt và phi lý.

Tại sao bạn cứ phải sống theo khuôn mẫu người khác đặt ra?

Nếu bạn đang gặp phải những vấn đề trên thì Dám Bị Ghét của Kishimi Ichiro & Koga Fumitake này dành cho bạn.

Về tác giả:

Kishimi Ichiro: Là nhà triết học, hiện đang sống tại Kyoto. Năm 1989, ông bắt đầu chuyên tâm nghiên cứu triết học và tâm lý học Adler.

Koga Fumitake: Là người viết tự do. Sở trường là những tác phẩm đối thoại, vấn đáp. Dựa trên những cuộc đàm đạo với Kishimi Ichiro, anh đã vận dụng thể loại đối thoại trong triết học Hy Lạp cổ điển để viết nên cuốn sách này.

Về nội dung sách:

Trước hết, mình phải khen vì một tác phẩm quá xuất sắc và mang tầm ảnh hưởng. Cuốn sách thiên về TÂM LÝ HỌC và khơi mở rất nhiều vấn đề mà chúng ta đang gặp phải. Bối cảnh là một cuộc hội thoại giữa một triết gia (philosopher) và một chàng thanh niên (young man) về những trăn trở mà chàng thanh niên đang gặp phải, cùng với cách giải quyết vấn đề và dẫn dắt của nhà triết gia đã làm cho chàng thanh niên tâm phục khẩu phục.

Thật ra những vấn đề mà anh ta đang gặp phải là những vấn đề của CHÍNH CHÚNG TA trên con đường đi đến hạnh phúc đích thực. Tất cả vấn đề đều dựa trên nền tảng tâm lý học Adler để lý giải. Tâm lý học Adler là một tư tưởng ngang hàng với triết học Hy Lạp, là một quan điểm triết học.

Mình sẽ đi vào nội dung ngay sau đây:

=>Sơ lược về tiểu sử của chàng thanh niên:

Anh ta là một người rất tự ti về bản thân, căm ghét chính bản thân mình.

Hoang mang về con đường đang đi cũng như lúc nào cũng nghi ngờ bản thân.

Luôn quan niệm quá khứ là nguyên nhân hàng đầu khiến cho tình hình hiện tại của anh ta không tiến bộ và anh ta luôn cho rằng con người sẽ không bao giờ thay đổi.

Quá khứ từ việc cha mẹ đối xử không công bằng với anh, lúc nào cũng bị so sánh với anh trai nên lúc nào cũng cảm thấy cuộc đời này quá bất công, khiến cho anh ta lúc nào cũng phải để tâm đến ánh nhìn của người khác và luôn dè dặt sống cuộc sống của mình.

Sau đây là một vài quan điểm của Tâm lý học Adler, tuy nhận nhiều tranh cãi trái chiều nhưng đáng để chúng ta suy ngẫm và học hỏi.

1/ TÂM LÝ HỌC ADLER LÀ TÂM LÝ HỌC CỦA LÒNG CAN ĐẢM.

Trải qua 5 đêm cùng với nhà triết gia vĩ đại, chàng thanh niên đã có những trải nghiệm quý giá cùng với những câu chuyện đằng sau những nỗi bất an của con người về chính bản thân họ cũng như thế giới xung quanh. 

Trong tâm lý học, ba người có ảnh hưởng lớn nhất đến tư duy của chúng ta lần lượt là: Sigmund Freud, Alfred Adler và Carl Jung.

Trong phạm vi tâm lý học phổ biến nhất, chúng ta chỉ đề cập đến sự khác nhau giữa quan điểm triết học của hai nhà tư tưởng lớn: Sigmund Freud và Alfred Adler.

Theo tư tưởng của Sigmund Freud, ông cho rằng: Những sự kiện trong quá khứ là nguyên nhân hàng đầu cho kết quả của hiện tại, hay con người chúng ta trong hiện tại. Ngược lại, Adler lại cho rằng: Chúng ta ban đầu đã có mục đích về một sự vật hay sự việc nào đó dẫn đến những hành động sau đó để củng cố những mục đích ấy. Một quan niệm về THUYẾT NGUYÊN NHÂN và THUYẾT MỤC ĐÍCH.

Ví dụ: Chúng ta muốn giam mình trong phòng suốt ngày từ ngày này qua ngày kia thì theo như giải thích như trên:

THUYẾT NGUYÊN NHÂN: Do chúng ta từ nhỏ là nhút nhát, không có nhiều bạn bè cho nên khi lớn lên chúng ta cũng như vậy, do quá khứ ảnh hưởng đến chúng ta muốn giam mình trong phòng, không muốn tiếp xúc với ai vì chúng ta ĐÃ là người rất nhút nhát trong QUÁ KHỨ rồi.

THUYẾT MỤC ĐÍCH: Quá khứ không ảnh hưởng gì đến HIỆN TẠI cả, chỉ có cách chúng ta gán những ý nghĩa về những sự kiện trải qua trong quá khứ như thế nào mà thôi. Chỉ vì mục đích ban đầu là không ra ngoài, chúng ta mới tạo ra cảm giác sợ hãi và giam mình trong gian phòng.

Hay nói cách khác,  tâm lý học Adler phủ nhận vai trò của SANG CHẤN TÂM LÝ. Ông cho rằng QUÁ KHỨ không quyết định HIỆN TẠI, mà chỉ có CHÍNH CHÚNG TA mới quyết định hiện tại mà thôi.

Ông cũng cho rằng con người thường hay bất hạnh là vì họ CHỌN sự bất hạnh. Chính chúng ta phải làm chủ chính mình, lựa chọn thay đổi cuộc đời mình. 

Lý do rất nhiều người ngại thay đổi là vì họ SỢ THAY ĐỔI. Nói cách khác, họ MUỐN thay đổi nhưng lại KHÔNG THỂ. Vì họ nghĩ rằng cuộc sống hiện tại dù có hơi bất tiện, hơi thiếu tự do nhưng vẫn an toàn hơn, còn hơn là DÁM thay đổi. Không ai biết trước tương lai như thế nào, điều gì sẽ chờ mình phía trước, và cũng không biết phải xử lý như thế nào vì vậy họ không dám thay đổi cách sống hiện tại của mình. Họ thiếu cảm giác an toàn và từ đó, dẫn dắt cuộc đời mình đi vào ngõ cụt.

Nếu lựa chọn lối sống mới, cậu không biết điều gì sẽ xảy ra với con người mới của mình, cũng không biết phải xử lý những sự việc diễn ra trước mắt như thế nào. Tương lai trở nên khó đoán, cuộc sống đầy nỗi bất an, bất hạnh đang chờ cậu ở phía trước. Nghĩa là dù người ta có nhiều điều bất mãn , nhưng vẫn cho rằng giữ nguyên hiện trạng thế này lại dễ dàng, an tâm hơn.

Bản thân chúng ta cũng vậy. Có rất nhiều việc muốn thực hiện, muốn nâng cao bản thân, muốn hoàn thiện chính mình nhưng do không đủ can đảm, động lực và sự tự kỷ luật để tiếp tục kiên trì bền bỉ với mục tiêu của mình. Ai cũng ngại sự thay đổi hay cái mới. Những điều mới lạ hứa hẹn sự không chắc chắn, nhiều rủi ro và sự bất ngờ nên không ít người đã chấp nhận giậm chân tại chỗ.

2/ HÃY CỨ LÀ CHÍNH MÌNH, ĐỪNG SỐNG THEO CÁCH SỐNG CỦA NGƯỜI KHÁC.

Nhà triết gia và chàng thanh niên cùng nhau thảo luận về việc hãy sống thật với chính mình và bàn về TỰ DO. Chàng thanh niên liên tục phải luôn để ý đến ánh nhìn của người khác về mình, anh sợ bị đánh giá và phê phán, anh tự ti về bản thân và mong muốn được người khác thừa nhận. Tâm lý học Adler cho rằng sống theo cách nhìn của người khác là một cuộc sống VÔ NGHĨA và MẤT TỰ DO. Tự dối mình và dối người.

Chúng ta phải có can đảm lựa chọn cách sống cho bản thân, đừng quan tâm người khác nói gì về mình, sống thật với chính mình.Muốn được TỰ DO, chúng ta phải TRẢ MỘT CÁI GIÁ khá đắt đó là: PHẢI CÓ CAN ĐẢM ĐỂ BỊ NGƯỜI KHÁC GHÉT. Đó là TỰ DO.

Điều này có nghĩa là bị người khác ghét, phê phán, đánh giá cũng không sao vì mình đang sống cho cuộc đời của mình, làm những gì mà mình thích, đi trên con đường mà mình tin tưởng. Vì có một sự thật hết sức nghiệt ngã nhưng lại vô cùng đúng đó là: CHÚNG TA KHÔNG THỂ LÀM HÀI LÒNG TẤT CẢ MỌI NGƯỜI và NGƯỢC LẠI. Sẽ có người thích hay ghét bạn, hãy xem đó là bình thường. Hãy lắng nghe theo trái tim mình và làm những gì mình cho là đúng là được.

Lúc nào cũng sống theo cách nhìn của người khác, hay mong muốn được người khác công nhận thật ra là một cách nói khác của việc tự xem mình là “trung tâm của vũ trụ”. Bạn mong muốn ánh mắt của người khác chỉ nhìn về phía bạn. Sống mà chỉ biết đến bản thân mình thôi thì sẽ rất cô độc và dần dần, bạn sẽ bị cộng đồng loại trừ.

Nói thì dễ nhưng thực tế làm thì lại rất khó. Chúng ta đều chịu một áp lực vô hình từ xã hội. Sẽ cần rất nhiều sự kỷ luật và can đảm để liên tục phản tỉnh bản thân, sống một cuộc đời vô lo vô nghĩ và lắng nghe tiếng nói của trái tim. Nhưng dù thế nào đi nữa, chúng ta đều xứng đáng được hạnh phúc. Chính vì vậy, đừng tự tạo áp lực cho chính mình. 

Người khác không sống và chịu trách nhiệm cho cuộc đời chúng ta. Chỉ có bạn mới có thể nếm trải cuộc đời này: Hỉ, nộ, ái, ố, tất cả bạn phải trải qua. Cảm nhận của mỗi người khác nhau. Bạn nhìn nhận sự việc thế này nhưng người khác lại nhìn nhận theo cách khác. Đừng vì tiêu chuẩn của người khác mà hạ thấp tiêu chuẩn của chính mình.

Con người không sống trong thế giới khách quan, mà sống trong thế giới chủ quan do chính mình tạo ra.

Có thể thế giới bạn đang nhìn thấy là một mớ hỗn độn và phức tạp, nhưng nếu bản thân bạn thay đổi, thế giới sẽ trở lại hình hài đơn giản. Vấn đề không phải là thế giới như thế nào, mà là bạn như thế nào.

Khi đọc quyển sách này, chúng ta sẽ biết thêm một vài khái niệm hay ho về tâm lý học: cảm giác tự ti (inferiority), mặc cảm hay phức cảm tự ti (inferiority complex), phức cảm tự tôn (superior complex), theo đuổi chủ nghĩa vượt trội (strive to overcome). Mình sẽ giải thích ngắn gọn về những định nghĩa này:

#Cảm giác tự ti: là khi bản thân cảm thấy mình đang thiếu sót và cảm thấy thấp kém so với người khác, sống trong trạng thái cạnh tranh, xem mọi người như “kẻ thù” chứ không phải là “bạn”.

#Phức cảm tự ti: Là một dạng nâng cấp hơn của cảm giác tự ti. Nó không chỉ nói về cảm nhận về bản thân mình còn thiếu sót mà còn VIN vào nỗi tự ti ấy để bao biện cho sự không tiến bộ của bản thân.

Cảm giác tự ti và phức cảm tự ti khác nhau như thế nào?

Như đã bàn, cảm giác tự ti không hẳn là một cảm xúc xấu, trong nhiều trường hợp, nếu sử dụng đúng cách, chúng sẽ trở thành động lực để chúng ta nỗ lực và trưởng thành.

Ngược lại, phức cảm tự ti chỉ tâm lý vin vào nỗi tự ti để bao biện. Ví dụ nghĩ rằng: “Mình học vấn thấp nên không thể thành công”, hoặc “Mình xấu xí nên không thể kết hôn”. Dùng những lý do như thế để bao biện cho sự không cố gắng của bản thân, từ đó than trách cuộc đời bất công.

Đúng vậy, bạn có thể xấu xí, bạn có thể học vấn thấp, bạn có xuất phát điểm không bằng người ta, nhưng tất cả những điều đó không thể cản trở bạn bước tới thành công. Bạn sẽ không thể vì A mà không làm B. Điểm mấu chốt quan trọng là bạn có đủ lòng can đảm để thay đổi lối sống hiện tại hay không. Người trưởng thành là người có thể bù đắp cho những thiếu sót của mình. Đó có thể là chăm chỉ học hành, kiên trì rèn luyện, dốc hết mình cho công việc. Họ biết rằng, mình còn nhiều thiếu sót, nên họ mới cố gắng gấp ba, gấp bốn lần người bình thường.

#Phức cảm tự tôn: từ việc về cảm thấy tự tin về bản thân, khổ sở về tự ti nhưng lại không dám thay đổi, không chấp nhận bản thân không làm được gì, chính vì vậy mà bản thân hành động như là một người vượt trội. 

Một ví dụ đơn giản là viện đến quyền uy để khoe khoang và phô trương. Những người hay phô trương là những kẻ tự ti theo quan điểm của Adler.

#Theo đuổi chủ nghĩa vượt trội: Nôm na là con người là một sinh vật yếu đuối và còn nhiều thiếu sót, chính vì vậy chúng ta luôn mong muốn vượt trội, luôn muốn thay đổi bản thân để tiến bộ không ngừng.

Sẽ có nhiều người cho rằng cảm giác tự ti là những cảm xúc xấu nên tránh xa, nhưng khi được sử dụng một cách lành mạnh thì cảm giác tự ti sẽ được sử dụng như một đòn bẩy để thúc đẩy bản thân nỗ lực vươn lên, vượt qua nghịch cảnh và khó khăn để trưởng thành. Theo Adler, cảm giác tự ti lành mạnh không sinh ra từ việc so sánh với người khác mà là so sánh với BẢN THÂN LÝ TƯỞNG.

Mấu chốt vấn đề ở đây là không bị tê liệt trong cảm giác tự ti, mà chúng ta phải xem nó như là một động lực để chúng ta thay đổi bản thân.

3/ CON NGƯỜI THƯỜNG VIN VÀO CƠN GIẬN ĐỂ GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

Nhiều người hay nổi giận vô duyên vô cớ, thậm chí từ những việc rất nhỏ và không quan trọng. Theo Adler thì việc dùng cơn giận để thao túng người khác chỉ là một công cụ hay một một loại vũ khí để gây “sát thương” cho người khác. 

Thật ra, cơn giận là một trạng thái cảm xúc có thể kiểm soát được, chứ không phải là không kiềm chế được. Quan trọng là ở nơi chúng ta có muốn sử dụng cơn giận để khống chế đối phương hay không. 

Tác giả có đưa ra ví dụ về người mẹ và người con gái, người mẹ vô cùng tức giận và quát tháo cô con gái của mình, tuy nhiên trong lúc đôi co, thì có tiếng chuông điện thoại reo, người gọi là giáo viên của cô con gái thì ngay lập tức người mẹ chuyển giọng thành một con người rất điềm tĩnh, hiền hòa. Sau khi kết thúc cuộc gọi, người mẹ ấy lại quát tháo đứa con. Thông qua ví dụ thì chúng ta thấy cơn giận là có thể KIỂM SOÁT được.

Chúng ta không nhất thiết là dùng cơn giận để giao tiếp và giải quyết vấn đề, điều quan trọng là chúng ta có thể sử dụng những cách khác hay hơn như là NGÔN TỪ và LÝ LẼ. Đối phương sẽ tiếp nhận một cách dễ dàng hơn.

Những người nóng giận không phải là những người thiếu kiên nhẫn mà là do họ lựa chọn cơn giận để tấn công đối phương. Đây là một phương thức giao tiếp nguy hiểm và có thể gây ra hiện tượng “trả đũa” bởi đối phương.

 Và theo thuyết mục đích của Adler thì ngay từ đầu, mục đích của chúng ta là lớn tiếng, nên mới tạo cảm giác bực bội và bắt đầu dùng cơn giận để thao túng đối phương. Dù thế nào đi nữa, đừng dùng cơn giận làm công cụ để  giải quyết vấn đề.

4/ ADLER CHO RẰNG TẤT CẢ NHỮNG PHIỀN MUỘN CỦA CON NGƯỜI ĐỀU XUẤT PHÁT TỪ MỐI LIÊN HỆ GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI.

Chúng ta không thể thoát khỏi những mối quan hệ giữa người với người, khi đặt chúng ta trong bối cảnh xã hội thì dù ít dù nhiều, chúng ta sẽ vẫn phải chịu những tổn thương, chúng ta không thể né tránh, điều duy nhất chúng ta có thể làm là đối diện với chúng.

Trong mối quan hệ giữa người với người, chúng ta hầu như xem những mối quan hệ của mình theo “hàng dọc”, thay vào đó chúng ta nên cư xử với mọi người theo mối quan hệ “hàng ngang”. Ông quan niệm CHÚNG TA KHÔNG GIỐNG NHAU NHƯNG LẠI BÌNH ĐẲNG VỚI NHAU.

Tuy chúng ta khác nhau về tuổi tác, trình độ, kinh nghiệm, văn hóa, vv nhưng chúng ta lại BÌNH ĐẲNG với nhau. Ví dụ dễ hiểu là khi so sánh trẻ con và người lớn thì chúng ta thấy đó là một trời một vực, làm sao mà trẻ con có thể được đối xử giống người lớn, tuy nhiên khi đi sâu hơn, chúng ta hãy xem trẻ con như những con người giống chúng ta, luôn tôn trọng chúng và đối xử với chúng như một con người thực thụ.

Một khi có sự phân biệt giữa cấp trên và cấp dưới, giữa người có năng lực và không có năng lực thì sự so sánh sẽ xảy ra, từ đó gây ra những bất mãn trong mối quan hệ. Dù ở bất cứ địa vị nào, thì chúng ta luôn bình đẳng với nhau và ai cũng xứng đáng được tôn trọng. Dù công việc có là quét rác, dọn đường, hay làm lao công nhưng tất cả những điều đó không quyết định giá trị của một người.

Đừng vì khác biệt với người khác mà sinh ra cảm giác tự ti. Chỉ khi bạn ý thức được mình còn nhiều điều thiếu sót, không ngừng cố gắng, so sánh với bản thân lý tưởng mà mình muốn trở thành thì bạn đã thành công rồi.

Không cạnh tranh với ai cả. Chỉ cần không ngừng tiến lên là được. Tất nhiên cũng không cần so sánh với người khác.

Chúng ta bước trên một không gian phẳng không tồn tại trục thẳng đứng. Chúng ta bước đi không phải để cạnh tranh với ai. Giá trị nằm ở chính nỗ lực tiến lên vượt qua cái bản thân trong hiện tại.

Khi chúng ta xem “hạnh phúc của người khác là thất bại của mình” thì điều đó chứng tỏ chúng ta đang xem người khác là đối thủ cạnh tranh, không phải là “bạn”. Trên thực tế, thực hiện điều này rất khó. Chúng ta đã quá quen với việc so sánh và cạnh tranh, nhìn thấy người khác thành công hơn mình thì bắt đầu ganh ghét và đố kỵ, chúng ta thật sự không thoải mái để vui cho hạnh phúc của người khác.

Cách tốt nhất là chúng ta nên xem “mọi người đều là bạn”, thế giới của chúng ta sẽ thay đổi. Không còn nghĩ rằng, thế giới là một nơi nguy hiểm, không bị dồn ép bởi những nghi kỵ không cần thiết. Mỗi người đều đang bước đi  trên con đường riêng của chính mình với tốc độ khác nhau. Có người đi nhanh, có người đi chậm, nhưng điều đó không có nghĩa là bước đi của bạn thua xa họ. Hãy tin vào thời điểm của chính mình.

5/ ADLER PHỦ NHẬN NHU CẦU ĐƯỢC THỪA NHẬN BỞI NGƯỜI KHÁC

Con người thường có mong muốn được thừa nhận bởi người khác, muốn mình được khen, chúng ta sống theo ánh nhìn của xã hội để điều chỉnh hướng đi của mình, sống mà mong muốn được thừa nhận bởi người khác là một lối sống MẤT TỰ DO.

 Chình vì mong muốn được thừa nhận, chúng ta làm đủ mọi cách để lấy lòng người khác, can thiệp vào việc của họ. Theo quan điểm của Adler thì nhu cầu được thừa nhận của con người bị ảnh hưởng sâu sắc bởi chế độ THƯỞNG – PHẠT.

Ví dụ: Nếu hành động nhặt rác với mục đích là bảo vệ môi trường, giữ cho môi trường sạch sẽ và vệ sinh, và xuất phát từ chính mong muốn của bạn thì không sao. Nhưng nếu hành động ấy xuất phát từ việc nhặt rác vì “mọi người”, vì muốn mọi người công nhận và khen ngợi mình, làm chỉ để có một chút hư vinh thì đó là nhu cầu được công nhận từ người khác, kết quả sẽ không đi đến đâu cả. Nói nôm na ra “Nếu được khen thì tôi làm, còn không thì đừng có mơ”.

Nếu hành động đúng đắn sẽ được khen thưởng. Nếu hành động không đúng sẽ bị phạt. Nếu không có khen sẽ không làm hành động đúng, hoặc nếu không bị xử phạt sẽ làm cả hành động không đúng.

 Nhu cầu được công nhận là một nhu cầu hết sức bản năng, không ai có thể phủ nhận được. Tuy nhiên, nếu bạn quá chú trọng vào việc này thì cuộc sống của bạn sẽ bị mất tự do và dần dần, bạn sẽ không còn trở thành người mà bạn mong muốn nữa. 

Đúng là được khác thừa nhận rất đáng vui mừng, nhưng được người khác thừa nhận có thật sự là điều cần thiết không thì tuyệt đối không.

Vì cứ muốn đáp ứng yêu cầu người khác, lúc nào cũng mong muốn người khác công nhận những gì mình làm thì bạn sẽ không bao giờ thỏa mãn kỳ vọng của họ. Thế gian muôn hình vạn trạng, lòng tham vô đáy của con người sẽ không có điểm dừng, bạn cũng sẽ không có sức lực và năng lượng để đáp ứng yêu cầu của tất cả.

Sống một cuộc đời mà bị ép buộc theo khuôn mẫu của người khác rất khó chịu. Bạn đã có tất cả những nguồn lực để thay đổi, quan trọng là bạn có dám can đảm để dấn bước đầu tiên, tự giải vây cho chính mình hay không.

Như trong giáo lý Do Thái thường nói rằng: Cậu sống cuộc đời của riêng cậu. Nếu hỏi cậu sống vì ai thì tất nhiên là vì cậu rồi. Và nếu cậu không sống vì bản thân mình thì ai sẽ sống vì cậu? Xét cho cùng, chúng ta đều đang sống vì chính bản thân mình. Chẳng có lý do gì mà chúng ta không được nghĩ như vậy cả.

6/ CÁCH ĐỂ XÓA BỎ MUỘN PHIỀN GIỮA CÁC MỐI QUAN HỆ CON NGƯỜI VỚI NHAU: HÃY PHÂN CHIA NHIỆM VỤ.

Quan điểm PHÂN CHIA NHIỆM VỤ này có liên quan đến việc chúng ta sống vì mong đợi của người khác nên đã bỏ qua nhu cầu của bản thân, bất chấp đáp ứng hay làm những việc không phải nhiệm vụ và trách nhiệm của mình, dẫn đến một cuộc đời khổ sở.

Phân chia nhiệm vụ  nghĩa là xác định ngay từ đầu và luôn đặt câu hỏi:  “Đây là nhiệm vụ của ai?”

 Vậy làm thế nào chúng ta biết cách phân chia nhiệm vụ hiệu quả mà không đánh mất hay phá vỡ đi những mối quan hệ ngoài kia? Hãy hỏi: “ Ai là người cuối cùng thụ hưởng kết quả do sự lựa chọn đó mang lại?” Từ đó, chúng ta sẽ không còn can thiệp vào việc của người khác nữa.

Chẳng hạn, một đứa trẻ không chịu học. Trong giờ học, không nghe giảng, chẳng làm bài tập, sách vở cũng bỏ lại luôn ở trường. Nếu bạn là cha đứa trẻ, bạn sẽ làm gì?

Tất nhiên, theo quan niệm thông thường, bạn sẽ tìm mọi cách để bắt đứa trẻ học. Bắt nó đi học thêm, thuê gia sư, dù có phải xách tai nó vào bàn học. Bạn nghĩ đó là trách nhiệm của cha mẹ.

Nhưng, hãy suy nghĩ sâu hơn, nếu bị ép buộc như vậy, đứa trẻ có thích học không? Nếu là tôi, tôi sẽ không thích. Học vì trường và thi cử chỉ là hình thức đối phó thôi.

Vì vậy, xét theo quan điểm của Adler, mỗi khi gặp một nhiệm vụ như “việc học”, tâm lý học Adler sẽ suy nghĩ từ khía cạnh: ĐÂY LÀ NHIỆM VỤ CỦA AI?

Trẻ đi học hay đi chơi, trẻ đi chơi với bạn hay không. Đó vốn là nhiệm vụ của trẻ, không phải nhiệm vụ của cha mẹ. Bố mẹ có học thay cho trẻ cũng không có tác dụng gì.

Vậy làm thế nào để nhận biết đây là nhiệm vụ của ai? Bằng cách hỏi một câu đơn giản: AI LÀ NGƯỜI THỤ HƯỞNG KẾT QUẢ DO LỰA CHỌN NÀY MANG LẠI?

Khi đứa trẻ lựa chọn không học, thì người cuối cùng chịu kết quả do quyết định đó mang lại – chẳng hạn như không theo kịp bài học, không vào trường đúng nguyện vọng – không phải bố mẹ mà chắc chắn là đứa trẻ.

Những cha mẹ nào buồn phiền về mối quan hệ với con, thường có khuynh hướng cho rằng “con cái chính là cuộc đời của mình”. Nghĩa là cho rằng, nhiệm vụ của con cái cũng chính là nhiệm vụ của mình. Lúc nào cũng nghĩ đến con, tới khi nhận ra thì đã đánh mất bản thân.

Bố mẹ chúng ta thường hay nói rằng: “Đấy là do bố nghĩ cho con đấy”, nhưng theo quan điểm của Adler thì rõ ràng, họ làm vậy chỉ vì mục đích của bản thân mình, mục đích ấy có thể là thể diện, hư vinh hoặc mong muốn chi phối con.

Với vai trò là cha mẹ, sinh con cái ra không phải để chúng sống vì mong đợi của bạn và trẻ cũng không có nghĩa vụ phải sống theo kỳ vọng của bạn. Mỗi con người đều phải tự cáng đáng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Quan điểm này vấp phải nhiều tranh cãi, nhiều cá nhân cho rằng, nếu như vậy thì không thể chấp nhận được. Nếu phân chia rạch ròi như vậy, vô tình vô nghĩa, nếu thấy trẻ như vậy mà bố mẹ không can thiệp thì quả rất vô tâm. Ở đây, chúng ta cần lưu ý, tâm lý học Adler không khuyến khích thái độ vô trách nhiệm.

Điều quan trọng là quan sát con đang làm gì và tìm cách hỗ trợ, ba mẹ có thể hỗ trợ khuyến khích con dần có niềm tin vào khả năng của mình, để con tự nhận thức được đó là nhiệm vụ mà con phải giải quyết. Trợ giúp chứ không can thiệp.

Điểm mấu chốt ở đây là hãy giữ một KHOẢNG CÁCH PHÙ HỢP với đối phương. Nếu bạn gì mắt quá gần vào những trang sách thì sẽ không đọc được, cũng như cha mẹ can thiệp quá nhiều vào đời sống của con thì dần dần lại làm “hư” con, khiến chúng mất sự can đảm và tính độc lập trong suy nghĩ cũng như trong hành động cho tương lai của chúng. Điều này hoàn toàn đúng trong các mối quan hệ bạn bè, cha mẹ/con cái, tình yêu đôi lứa,vv.

Phân chia nhiệm vụ đề cao sự TRÁCH NHIỆM của từng cá nhân trong việc giải quyết vấn đề của mình, chúng ta có thể trợ giúp họ nhưng không thể can thiệp giải quyết vấn đề cho họ. Cũng giống như chúng ta có thể dắt con ngựa đến dòng nước nhưng không thể bắt chúng uống nước.

Hầu hết những rắc rối trong quan hệ giữa người với người nảy sinh là do can thiệp vào nhiệm vụ của người khác hoặc bị người khác can thiệp vào nhiệm vụ của bản thân. Chỉ cần biết phân chia nhiệm vụ, quan hệ giữa người với người sẽ thay đổi rõ rệt.

Vì, sống một cuộc đời tự do là sẵn sàng chấp nhận cái giá phải trả là không sợ bị người khác ghét, không tìm kiếm sự thừa nhận từ người khác, theo đuổi trọn vẹn cách sống của mình, đó mới là tự do. Hay nói cách khác, bạn quan tâm đến mình như thế nào hơn là mình được mọi người đánh giá ra sao.

7/ KHI BẢN THÂN CẢM THẤY CÓ ÍCH CHO XÃ HỘI THÌ BẠN LÀ NGƯỜI CÓ GIÁ TRỊ.

Khi chúng ta quan tâm đến xã hội và gạt bỏ những toan tính ích kỷ cho bản thân, ra sức cống hiến cho người khác. Nói cách khác là nghĩ đến cộng đồng hơn ngoài lợi ích của bản thân, chính điều đó mang đến ý nghĩa cho cuộc đời của bạn. Ý nghĩa cuộc đời là do mỗi cá nhân tự mang lại.

Chỉ khi nghĩ rằng mình có ích cho cộng đồng thì con người sẽ cảm thấy được giá trị của mình. Có thể nghĩ rằng mình đang cống hiến cho người khác bằng chính cảm nhận chủ quan của mình chứ không phải được người khác đánh giá là tốt.

Nhưng sẽ có những phản biện, “nếu tôi không làm gì có ích cho ai đó” thì điều đó chứng tỏ tôi không có giá trị. Theo Adler, chúng ta đang đánh giá giá trị của bản thân hoặc của người khác theo cấp độ HÀNH VI, thay và đó chúng ta nên tập trung vào cấp độ TỒN TẠI. Nghĩa là chỉ cần chúng ta tồn tại thôi cũng đã là có ích cho xã hội rồi.

Nếu như nói rằng, một người chỉ thật sự có giá trị khi có ích cho ai đó, nếu nghĩ như thế, thì những đứa trẻ sơ sinh, những bệnh nhân nằm liệt giường hoặc những người già sẽ không còn cả giá trị để sống.

Vậy theo quan điểm Adler, cấp độ hành vi và cấp độ tồn tại khác nhau ở chỗ nào?

Đánh giá người khác theo cấp độ hành vi, nghĩa là theo hướng “người đó đã làm được gì?”, thay vào đó, hãy bày tỏ niềm vui, nói lời cảm ơn đối với chính sự tồn tại của họ. Hay nói cách khác, chỉ cần “có mặt ở đây” là đã có ích cho người khác, đã là có giá trị.

Giả sử, người thân của chúng ta gặp tai nạn giao thông. Bà ấy ở trong tình trạng hôn mê, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Lúc này, bạn không hề nghĩ xem bà ấy “đã làm được gì nữa”, chỉ cần bà còn sống là hạnh phúc lắm rồi. Chỉ cần hôm nay tính mạng của bà vẫn còn là hạnh phúc rồi. Cảm ơn sự tồn tại của ai đó là như vậy đó.

Điều này chúng ta gặp rất nhiều trong cuộc sống. Chẳng hạn, cha mẹ luôn hy vọng con cái vâng lời, học hành và chơi thể thao đều giỏi, sau đó đậu một trường đại học tốt, vào làm một công ty lớn. So sánh với hình tượng đứa con lý tưởng – không hề có thật – rồi cảm thấy bất bình với con. Bản chất của đánh giá là thế.

Đừng làm vậy, đừng so sánh con với bất kỳ ai. Nhìn nhận con mình như bản thân nó vốn có, và vui mừng, biết ơn vì con ở đây. Quan điểm này đúng hết với tất cả các mối quan hệ trong gia đình, bạn bè, tình yêu, hôn nhân.

8/ BẠN LUÔN CÓ LỰA CHỌN THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CỦA MÌNH “NGAY TẠI ĐÂY, VÀO LÚC NÀY.”

Tư tưởng của Adler phủ nhận vai trò của quá khứ, và sang chấn tâm lý. Quá khứ không quyết định bạn là ai, chính hiện tại sẽ quyết định bạn là ai. Chỉ cần sống tập trung, ngay giây phút này thì mọi hành trình bạn đi đều có ý nghĩa. Đích đến quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là từng giai đoạn bạn đi qua, bạn đã học được điều gì để góp nhặt niềm vui và kinh nghiệm.

Sở dĩ con người đau khổ là vì họ chìm đắm trong quá khứ, mộng tưởng về tương lai mà quên đi hiện tại quý giá. Họ sợ sự thay đổi, nhưng điểm mấu chốt ở đây là chỉ cần bạn dấn bước đi đầu tiên. Chỉ cần bạn có lòng can đảm để đối mặt với hiện thực trước mắt, bạn sẽ vượt qua tất cả.

TÓM TẮT Ý CHÍNH:

1/ Tâm lý học Adler là tâm lý học cá nhân. Ông quan niệm chỉ có bạn mới là người thay đổi chính mình chứ không ai khác.

2/ Adler phủ nhận vai trò của sang chấn tâm lý và nhu cầu được thừa nhận bởi người khác.

3/ Mọi muộn phiền trong cuộc sống đều bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người.

4/ Phân chia nhiệm vụ là lối vào của mối quan hệ lành mạnh. Không can thiệp vào nhiệm vụ của người khác, cũng không để người khác can thiệp vào nhiệm vụ của bản thân.

5/ Hạnh phúc là “Cảm giác mình có ích cho ai đó”, hay “Mình cống hiến cho ai đó”, ở cấp độ tồn tại chứ không phải cấp độ hành vi.

6/ Cơn giận chỉ là vũ khí kém hiệu quả nhất trong việc thuyết phục và thao túng đối phương

7/Hãy xem mọi người là “bạn”, thế giới sẽ đơn giản hơn.

8/Cảm giác tự ti và phức cảm tự ti được sinh ra từ việc xem người khác là kẻ thù và tư duy không chấp nhận bản thân.

9/ Chỉ có hiện tại mới quyết định bạn là ai. Bạn luôn có quyền lựa chọn thay đổi.

Lời kết

Dám Bị Ghét là tập hợp những câu hỏi, những chất vấn cũng như những vấn đề mà chúng ta thường hay gặp phải trong cuộc sống thường ngày. Mọi vấn đề được triết gia phân tích và trình bày dưới góc nhìn tâm lý học đều rất thuyết phục và sâu sắc. Hy vọng sau khi đọc xong, độc giả sẽ rút ra cho mình những bài học quý giá, từ đó thay đổi chính mình để sống một cuộc đời tự do tự tại.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn

Hình ảnh: Tuyết Sơn

Tuyết Sơn (Ivy)

Author: Tuyết Sơn (Ivy)

Part-time Writer | Book nerd | A Giver - An Inspirer - A Change-Maker