Share this post on:

Trong cuộc đời, chúng ta nhất định sẽ có lúc gặp phải những phiền phức và khó khăn, chúng cũng giống như những cú tát của người đời hay cuộc sống mang lại. Trong những lúc đó, thái độ đón nhận những cú bạt tai ấy và cách xử lý sẽ quyết định vận mệnh của chúng ta. Với Thái Độ của Ngô Quân sẽ mang đến cho độc giả nhiều góc nhìn đa chiều về thế thái nhân sinh, những bài học vô giá từ chính những trải nghiệm của tác giả, cùng với vốn kiến thức sâu sắc và phong phú hứa hẹn sẽ mang đến cho độc giả những trải nghiệm chiêm nghiệm quý báu.

 @Giới thiệu về tác giả:

Ngô Quân là Tiến sĩ, Chuyên gia tìm kiếm và xử lý ngôn ngữ tự nhiên nổi tiếng. Ông là nhà đầu tư mạo hiểm tại Thung lũng Silicon.

@Nội dung sách:

 Với những chủ đề quen thuộc: tiền bạc, vận mệnh, sự nghiệp, tình yêu, & gia đình, tác giả đã mang đến cho bạn đọc những kiến thức bổ ích nhằm mở rộng tư duy và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Chỉ cần có một nhận thức đúng đắn, chúng ta có thể thay đổi số phận của mình.

 @Bố cục sách:

Sách được chia làm từng phần riêng biệt, giọng văn mạch lạc, dễ hiểu nhưng không phần thẳng thắn và trực diện. 

Điều đặc biệt mình thích nhất ở sách là tác giả luôn đưa ra thông điệp mình truyền tải thông qua những câu chuyện lịch sử, câu chuyện ngụ ngôn, những nhà thông thái lỗi lạc của phương Đông và phương Tây, với những lập luận vô cùng sắc bén và thuyết phục. Mọi thứ đều rất mới mẻ và thông tin cực kỳ bổ ích.

@Sách dành cho ai:

 Sách thích hợp cho những bạn quan tâm về con đường sự nghiệp thăng tiến, cách quản lý tiền bạc và đầu tư hợp lý, cách để nâng cao nhận thức trong một thế giới cạnh tranh như hôm nay và những bài học nhân sinh sâu sắc từ chính trải nghiệm của tác giả.

Sau đây là một số điểm nổi bật của sách, mình chỉ tóm lược những phần quan trọng và mới mẻ để nêu bật lên giá trị của sách bao gồm: SỰ NGHIỆP – TIỀN BẠC – CUỘC ĐỜI.

| SỰ NGHIỆP |

/TỪ CHỐI TRỞ THÀNH KẺ LAO ĐỘNG GIẢ/

Lao động giả được tác giả nhắc đến ở đây ám chỉ những người có xu hướng chọn cho mình những công việc dễ dàng, không cần động não quá nhiều, chủ yếu có thể hoàn thành nhanh chóng và không tốn sức. Họ luôn kêu ca và oán thán rằng quá nhiều việc, nhưng thực chất nhìn rộng ra, công việc họ đang làm không mang lại giá trị nhiều cho doanh nghiệp, thậm chí là lãng phí tài nguyên và thời gian.

Trước tiên, người quản lý cần phải cho nhân viên của mình làm việc với tâm thế “Làm thế nào để nâng cao lợi nhuận của công ty”, từ đó họ sẽ tìm ra và sắp xếp thứ tự ưu tiên của công việc được giao theo mức độ quan trọng, chứ không đơn giản là chỉ ứng phó với cấp trên với những công việc được giao và chỉ làm cho qua loa.

Thứ hai, người quản lý cần tạo cơ hội và giúp cho nhân viên thấy được tất cả những gì họ làm, công sức họ bỏ ra đều là cho chính họ, chứ không ai khác. Hay nói cách khác, phải cho họ thấy rằng, họ đang làm việc một cách tích cực nhất có thể.

Ngược lại, đối với vai trò quản lý, chúng ta cũng cần xem xét xem liệu có những việc quan trọng nào cần phải thực hiện, những việc nào có thể giản lược hoặc bỏ qua, tránh phung phí nguồn nhân lực dẫn đến giảm hiệu suất làm việc của nhóm. Người quản lý tốt cần biết trao quyền và sử dụng tài năng của nhân viên một cách hợp lý.

Vấn đề mà hầu hết chúng ta đều mắc phải đó là làm quá nhiều việc nhưng kết quả công việc mang đến lại không cao. Nguyên nhân chủ yếu đến từ cách quản lý thời gian và lên kế hoạch cho những đầu việc quan trọng.

Đối với một “kẻ lao động giả” thì công việc hằng ngày của họ cũng chỉ là những công việc nhàm chán, dễ và mang tính lặp đi lặp lại. Họ lựa chọn sự an toàn và thoải mái mà những công việc này mang lại. Họ từ chối những cơ hội để làm những công việc khó nhưng triển vọng và giá trị cao của công ty. Nếu trong một khoảng thời gian dài, bạn làm những công việc không mang lại giá trị và đóng góp gì cho công ty thì về lâu dài, những công việc đòi hỏi sự sáng tạo hay thử thách cao, bạn sẽ không có khả năng để thực hiện được.

Một hiện tượng phổ biến mà chúng ta thường hay thấy đó chính là “Công việc làm lúc nào cũng không hết”, nhưng thật ra đó là vì họ chưa biết cách phân bổ thời gian hợp lý cho những việc quan trọng mà thôi. Nếu suy nghĩ sâu hơn, bạn sẽ thấy có những việc cho dù chúng ta có làm hay không cũng không quan trọng. Cách để tăng hiệu suất làm việc là làm thế nào để giảm bớt việc, làm những việc chủ chốt một cách tốt hơn và không ngừng nâng cao giá trị bản thân.

Trong những công ty tầm cỡ như Google, hay Facebook, giá trị cốt lõi họ theo đuổi là hiệu quả công việc mang lại, chứ không phải là hàng tá công việc ngày này qua ngày khác. Bề ngoài thì nhìn có vẻ rất bận rộn, nhưng đối với những kẻ lao động giả thì sớm muộn gì họ cũng sẽ bị đào thải.

Một số ví dụ về những lao động giả trong doanh nghiệp mà bạn có thể liên tưởng đến:

1/  Có những người rõ ràng có thể học thêm một kỹ năng mới nhưng lại hài lòng về tình hình hiện tại, cứ mãi đi theo lối mòn, vẫn làm việc theo cách cũ, không có chí tiến thủ, dẫn đến hiệu quả công việc không cao. Đây chính là điển hình của lao động giả.

2/ Họp hành công ty liên miên, mỗi lần họp là xuyên suốt và kéo dài. Hơn nữa, mỗi lần họp phải triệu tập lượng lớn nhân viên không cần thiết để nghe, làm tổn thất thời gian của mọi người rất nhiều.

3/ Trước khi làm bất kỳ việc gì được giao, không chủ động đặt câu hỏi và xem xét, mà cứ cắm đầu vào làm rồi sau đó mắc sai lầm và sai sót không đáng có. Kết quả là phải mất nhiều thời gian để chỉnh sửa và làm lại.

 4/ Từ chối tham gia những hoạt động nâng cao giá trị bản thân, kỹ năng làm việc trong doanh nghiệp. Chỉ thích an nhàn và làm qua ngày.

5/ Không chú trọng vào nguồn lực có hạn để giải quyết 95% ngọn rễ vấn đề, mà lại dành dùng tài nguyên đó vào 5% vấn đề không quan trọng.

Khi làm bất cứ công việc gì, hãy thật sáng suốt và tinh tường. Tinh thần chủ động rất quan trọng trong việc quyết định hiệu suất làm việc và sự phát triển nghề nghiệp của bạn trong tương lai đấy.

Khi bạn lo ngại về công việc làm không hết, bạn hãy thử dừng lại sắp xếp công việc: Chủ động đứng trên góc độ hỗ trợ nhất cho việc kinh doanh của công ty và từ góc độ nâng cao năng lực bản thân, tìm ra những công việc quan trọng và hoàn thành chúng. Bạn hãy thử xem, như vậy trạng thái làm việc của bạn có thay đổi gì không?

/LÀM TỐT 1% CUỐI CÙNG/

Điều này rất quan trọng nhưng nhiều người thường vô tình bỏ qua hoặc không mảy may để ý đến. Chính 1% cuối cùng này sẽ quyết định kết quả khác nhau. Một người làm việc qua loa và một người làm việc có tâm, bạn nghĩ ai sẽ là người được trọng dụng và cơ hội thăng tiến hơn?

Trong công việc, chúng ta thường hay có xu hướng làm việc qua loa và hời hợt cho xong. Nhưng đối với những người có thái độ làm việc cầu tiến và có trách nhiệm thì lúc nào cơ hội cho con đường sự nghiệp của họ ngày càng rộng mở. Họ luôn có ý thức hoành thành công việc đúng hạn, không gây ảnh hưởng đến đội nhóm của mình. Họ quan niệm rằng, nếu như đã làm thì phải làm cho đến cùng. Chỉ có làm đến nơi đến chốn mới khiến cho bạn trở nên xuất sắc.

Đây không phải chỉ là câu nói suông, mà thực tế đã chứng minh rất đúng đạo lý này. Hãy nhìn thứ mà xem, đối với những mặt hàng cao cấp như kim cương chẳng hạn, họ không chỉ chế tác một chiếc nhẫn một cách xuề  xòa và hời hợt như vậy, khi rao bán trên thị trường, giá trị cũng không đáng là bao. Nhưng hầu hết kim cương mà chúng ta thấy đều có giá rất đắt chính là vì công đoạn sản xuất và chế tác vô cùng công phu và tinh xảo.

Họ luôn rất chú trọng đến chất lượng của sản phẩm, kỹ càng và tập trung cho từng chi tiết nhỏ. Họ không làm việc cho có, mà họ còn đặt công sức và tinh thần trách nhiệm vào từng món trang sức mà họ làm ra. Đó là lý do vì sao những trang sức kim cương đều vô cùng đắt đỏ, không chỉ là kim loại quý, mà còn công sức, mồ hôi của những người chế tác ra chúng.

Tinh thần làm tốt 1% cuối cùng không chỉ giới hạn trong phạm vi công việc, mà còn trong cách chúng ta truyền đạt và giao tiếp. Chúng ta thường nhận ra một hiện tượng thế này. Khi bạn thông báo cho một ai đó thông tin gì đó nhưng không rõ ràng, trong đầu thì lại nghĩ là người đó biết hoặc đã thông suốt vấn đề rồi, nhưng kết quả là người ấy lại càng cảm thấy khó chịu vì thông tin không được rõ ràng và minh bạch. Từ đó dẫn đến làm việc với nhau không hiệu quả, thậm chí là gây hiềm khích không đáng có. Nói cách khác, chúng ta đã đi được 99 bước rồi, còn 1 bước cuối cùng thì lại không tiếp tục. Như vậy thì chỉ có thể nói là chưa hoàn thành 100 bước.

 Trong cuộc sống hay trong công việc, việc vấp phải những vấn đề tương tư như vậy rất nhiều, điều quan trọng là chúng ta nên có tư duy đúng đắn, đã bắt đầu thì cũng nên kết thúc sao cho trọn vẹn. Tránh làm việc kiểu qua loa và hời hợt, phải  có tư duy làm việc tới cuối cùng, nếu không cuối cùng người gánh hậu quả cũng chỉ là bản thân mà thôi.

/ ĐẾ ĐẠO, VƯƠNG ĐẠO VÀ BÁ ĐẠO TRONG SỰ NGHIỆP/

Đế đạo là dùng lòng Nhân để quản trị xã hội. Mọi hoạt động của xã hội đều được dựa trên tình thương, lòng nhân ái, sự giúp đỡ và giáo dục. Mục đích chính của Đế đạo là hướng con người đến cái Thiện và tránh xa cái Tà.

Vương đạo là dùng Pháp Luật để quản trị xã hội. Mọi hoạt động của xã hội đều được quy định trong phạm vi pháp luật, không ai là ngoại lệ đứng ngoài vòng pháp luật.  Khi phạm pháp, tất cả đều sẽ bị xử phạt một cách nghiêm túc. Chúng ta hay thường gọi là Xã hội Pháp Trị. Mục đích chính của Vương đạo là hướng mọi người đến sự công bằng, bình đẳng và một xã hội văn minh hơn.

Nhìn chung, chế độ Đế đạo và Vương đạo đều hướng con người đến Chân – Thiện – Mỹ, giúp cho đất nước ngày càng phồn thịnh và phát triển lâu dài qua nhiều năm tháng.

Bá đạo thì hoàn toàn trái ngược. Chế độ này chủ yếu dùng bạo lực để trị vì quần chúng nhân dân, gây áp lực lên một số nhóm đối tượng nhất định. Mục đích chính của Bá đạo là áp chế xã hội, buộc những người dân phải tuân thủ theo quy định của một nhóm người (thường là thế lực xấu, câu kết với nhau nhằm gây ảnh hưởng dư luận). Bọn chúng có thể giam cầm, tra tấn hay giết hại những ai không chịu phục tùng. Quan trọng hơn hết là bọn chúng làm cho người dân phải sợ hãi và trở nên ngu tối, dẫn đến thiếu tinh thần phòng vệ và phản kháng.

Vậy, Đế đạo, Vương đạo và Bá đạo có liên quan gì đến Sự nghiệp?

Nếu phân tích kỹ hơn, ta sẽ thấy phương châm cai trị xã hội của Đế đạo và Vương đạo là nhắm đến một xã hội tốt đẹp hơn, họ dùng những chính sách và biện pháp mang giá trị lâu dài để dần dần thay đổi xã hội. Còn Bá đạo thì đang sử dụng hình thức cai trị mang tính ngắn hạn (dùng bạo lực) nhằm thuyết phục phần đông người dân phải phục tùng. Đương nhiên, kết quả mang lại cũng sẽ không khả quan và chỉ mang tính ngắn hạn (vì mọi người chỉ đang sợ hãi mới phục tùng).

Đối với khía cạnh sự nghiệp, đối với một số người, chỉ cần tốt nghiệp đại học với chuyên ngành mình yêu thích, sau đó tìm một công việc phù hợp với khả năng, sau đó cứ tiếp tục cống hiến như vậy đã là một thành công rồi. Nhưng cũng có một số người, họ không dừng lại ở đó, sau khi tốt nghiệp đại học, họ lại học bậc cao hơn nữa như Thạc sĩ, Tiến sĩ rồi những chức vụ cao cả hơn như Phó Giáo sư, hay Giáo sư Đại học, rồi tiếp tục nghiên cứu thêm những ngành nghề khác nhau ngoài chuyên môn của mình, từ đó cơ hội cũng sẽ ngày càng nhiều hơn.

Theo một nghiên cứu, những người vừa mới tốt nghiệp rồi đi làm, hay những người đã bươn chải ngoài đời để đi làm sớm thì dĩ nhiên kinh nghiệm của họ sẽ nhiều và mức thu nhập cũng cao hơn những người bình thường –  những người còn đang bận học lên cao hơn nữa. Nhưng nếu so sánh từ góc độ cơ hội trong tương lai, những cá nhân có nền tảng giáo dục từ những trường Đại học tốt, có kiến thức đa ngành phong phú thì cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp và mức thu nhập của họ so với nhóm người đầu tiên lại cao hơn rất nhiều.

Tâm lý của chúng ta thường hay mong muốn dùng những biện pháp ngắn hạn để đạt được những kết quả dài hạn, chẳng hạn như đạt những câu hỏi như: Làm sao tìm được một công việc có thể kiếm thật nhiều tiền? Học ngành nào mới có thể kiếm ra nhiều tiền? Học gì để thành công nhanh chóng? Thật ra để trả lời những câu hỏi trên rất khó vì thị trường luôn rất biến động, ngành học này hôm nay đang được ưa chuộng và phổ biến, nhưng trong vài năm tới thì có thể đã bão hòa và không mang nhiều giá trị cho chúng ta.

Trong sự nghiệp, chúng ta thường hay nghe nói đến “ngưỡng sự nghiệp” tức là trong vòng đời đi làm, chúng ta chỉ có thể thăng tiến 1-2 lần dựa vào khả năng và năng lực của mình. Trong bất kỳ công việc nào cũng vậy, tuy nhiên  để thoát khỏi tình trạng trên, chúng ta cần có sức bật và trở nên khác biệt. Điều khác biệt đó nằm ở chìa khóa mang tên: GIÁO DỤC KHAI PHÓNG.

Giáo dục khai phóng có thể mở ra vô vàn kiến thức và cơ hội cho những người như chúng ta. Bằng cách nâng cao giá trị bản thân, mở rộng tư duy tìm hiểu những thứ mới, học hỏi những kiến thức ngoài chuyên môn của mình thì cơ hội thăng tiến và phát triển của chúng ta sẽ ngày càng cao.

Như vậy, nếu chỉ nắm vững chuyên môn của mình, hoàn thành tốt công việc thực ra chúng ta cũng chẳng qua là biết một số bá đạo mà thôi, còn đế đạo và vương đạo ở đây ám chí tầm nhìn nhìn xa trông rộng, mở rộng tư duy và gia tăng vốn kiến thức cho bản thân thì con đường ta đi sẽ ngày càng rộng mở.

Đương nhiên, tập trung vào chuyên ngành hay chuyên môn của mình là một việc vô cùng tốt, nhưng nếu như bạn có thể đi xa hơn thế nữa thì bạn sẽ có rất nhiều cơ hội phía trước đang chờ đợi mình. Công việc hiện tại có thể mang đến cho ta nhiều cơ hội, nhưng đừng tự bó buộc mình, hãy nhìn ra thế giới ngoài kia và sẵn sàng thử thách chính mình cho những điều mới.

/ 4 SAI LẦM CHÚNG TA HAY MẮC PHẢI TRÊN CON ĐƯỜNG SỰ NGHIỆP  VÀ  HƯỚNG XỬ LÝ/

Bước chân vào chốn công sở là một thử thách đối với những sinh viên vừa mới tốt nghiệp ra trường. Có người thì nghĩ rằng, chỉ cần dốc hết sức mình thì sẽ được đề bạt, có người mong muốn trở thành đội trưởng của nhóm, vv.  Mọi thứ nghe có vẻ rất dễ dàng, nhưng thực tế thì để làm được những điều đó là cả một quá trình dài. Những kiến thức chúng ta được học ở trường chưa chắc đã có thể giúp chúng ta thực hành và vận dụng tốt trong sự nghiệp sau này. 

Tuy phần lớn chúng ta đều làm việc văn phòng từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, về mặt thể lực thì không có gì vất vả, nhưng họ đều than rằng, công việc thật không dễ dàng. Đấu đá nhau trong công sở,  chạy theo xu hướng trục lợi, phía trên thì phải nghe lệnh sếp, phía dưới thì phải đề phòng cảnh giác những thách thức từ nhân viên mới, chỉ cần một chút lơ là là người khác sẽ giành lấy mất cơ hội. Đã có một số người chỉ vì thiếu hiểu biết, hoặc những thành kiến sai lệch dẫn đến bản thân trở thành vật hy sinh, chẳng những gây hại cho bản thân mà còn ảnh hưởng đến người khác.

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu 4 sai lầm chính mà một nhân viên công sở thường hay mắc phải nhé.

1/ Không phân biệt được giữa “việc làm” và “sự nghiệp”.

Việc làm và sự nghiệp là hai từ đơn khác nhau, lần lượt là job và profession, ý nghĩa cũng khác biệt rất lớn.

  • Việc làm là cách để con người mưu sinh, một công ty cho tôi một việc làm, tôi hoàn thành nhiệm vụ thì công ty phát lương và thưởng, việc này rất rõ ràng.
  • Sự nghiệp là thứ chúng ta theo đuổi cả đời. Nó gắn liền với chúng ta theo những năm tháng về sau.

Muốn trở thành lãnh đạo cấp cao trong công ty, thông thường phải cần bước đi từ những bước cơ bản, nắm được thật nhiều kiến thức chuyên ngành, động thái ngành nghề, không ngừng nâng cao năng lực quản lý, giao tiếp hiệu quả với các phòng ban khác nhau, cuối cùng có thể quản lý thật tốt bất kỳ một công ty nào trong cùng lĩnh vực ngành nghề, đây chính là “sự nghiệp”.

Nếu chúng ta nghĩ rằng, công việc hiện tại là để phát triển sự nghiệp, ví dụ như giáo dục chẳng hạn thì chúng ta nên có một tầm nhìn xa, liên tục tìm hiểu động thái ngành nghề, phát triển năng lực bản thân, trau dồi kỹ năng quản lý, thấu hiểu con người, vv. Vì sự nghiệp là một chặng đường dài, nên chúng ta cần phải hoàn thiện kỹ năng từng ngày, cố gắng để tiến bộ hơn, xuất sắc hơn trong lĩnh vực mình đang chọn. Còn nếu như công việc hiện tại chưa có đóng góp gì cho sự nghiệp sau này, bạn nên suy nghĩ lại và có một định hướng dài hạn hơn cho tương lai.  Ví dụ như bác sĩ,  họ luôn trau dồi y thuật, chữa bệnh cứu người và trở thành một bác sĩ nổi tiếng thì đó là sự nghiệp của họ.

Đối với sự nghiệp của bản thân, cần phải có tinh thần làm việc chuyên nghiệp. Cái gọi là chuyên nghiệp ở đây tức là lấy việc hoàn thành công việc làm mục tiêu chính. Tất cả mọi công việc như họp hành, phân phối công việc, trao đổi, xây dựng mối quan hệ đều phải lấy đây làm mục tiêu chính. Trong công việc, có rất nhiều nhân tố ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc như giao tiếp không hiệu quả, giới hạn về năng lực bản thân, vv. Đây là nguyên nhân khiến cho chúng ta cảm thấy mệt mỏi trong công việc. 

Có thể làm tốt một công việc hay không sẽ thể hiện bạn là người có tố chất nghề nghiệp hay không. Những người chuyên nghiệp sẽ lấy mục tiêu hoàn thành công việc là chính, giảm thiểu ảnh hưởng của tâm trạng, tránh dùng các thủ đoạn tiêu cực để đối phó với công việc. Khi chúng ta làm việc chuyên nghiệp thì đồng nghiệp cũng sẽ đối xử chuyên nghiệp với ta, cho dù họ có thích ta hay là không.

2/ Xem bản thân như một vị khách qua đường, chứ không phải là chủ nhân của công ty.

Ngày nay, tính lưu động trong công việc rất lớn, rất nhiều người bình quân cứ 3-4 năm sẽ đổi việc một lần. Người mới tốt nghiệp thường hay xem 1-2 công ty đầu tiên bàn đạp, hy vọng sai khi có kinh nghiệm sẽ tìm được công ty tốt hơn. Do đó, về mặt tâm lý đã xem bản thân như khách qua đường.

Những người xem mình là khách qua đường thì đối với họ, công việc chỉ cần hoàn thành xong là được. Họ không quan tâm đến tình hình phát triển của công ty, cũng không màn đến việc duy trì các mối quan hệ đồng nghiệp. Tất cả rất hời hợt và qua loa. Tuy họ nghĩ rằng, chỉ làm công ty này 1-2 năm thôi sau đó sẽ ra đi thì họ đã lầm. Những người như vậy sẽ rất khó có tinh thần cầu tiến, việc có một thái độ làm việc  như thế không chỉ gây hại cho bản thân họ, mà còn mất thời gian của người khác. Quan trọng hơn hết, hành động của họ còn để lại ấn tượng xấu trong mắt những đồng nghiệp khác.

Thế giới vốn tròn, đi đâu chúng ta cũng gặp mặt nhau dù muốn hay không, đôi khi chỉ là tình cờ làm chung với nhau nhưng ở một công ty khác, chính vì vậy thái độ làm việc quyết định tất cả. Nếu bạn chỉ xem bạn là khách quan đường trong công ty thì sếp cũng khó lòng mà giao trọng trách cho bạn xử lý những việc lớn được. Sự chuyên nghiệp của bạn sẽ quyết định tương lai nghề nghiệp của bạn trong tương lai. Hãy suy nghĩ đến những gì mình có thể để lại cho công ty nếu như sau này mình rời đi. Đó mới là yếu tố quan trọng.

3/ Tức giận đến mức mất kiểm soát khi phải đối mặt với bạo lực ngôn ngữ

Rất nhiều người đều có trải nghiệm này khi làm việc. Sẽ có một số đồng nghiệp, bao gồm cả cấp trên đều vô duyên vô cớ phê bình công việc của bạn nhưng lại không đưa ra vấn đề cụ thể và góp ý mang tính xây dựng, càng không thật tinh muốn giúp đỡ bạn. Hành vi này được gọi là bạo lực ngôn ngữ. Điểm nguy hại lớn nhất của bạo lực ngôn ngữ là đánh vào lòng tự tin, làm lệch lạc mục tiêu công việc của bạn. 

Để nhận biết đó là góp ý phê bình một cách thiện ý hay là bạo lực ngôn ngữ là điều không hề khó. Một góp ý mang tính chất xây dựng sẽ giúp cho bạn học hỏi, cải thiện chất lượng công việc, rút kinh nghiệm cho những lần sau. Còn bạo lực ngôn ngữ thì chỉ đơn thuần là kiếm chuyện vô cớ. Trong lúc đó, bạn có 2 phương án giải quyết: một là bình tĩnh tiếp tục làm tốt công việc của mình, hai là tìm cách để nói chuyện và trao đổi với đối tượng chỉ trích bạn.

Trong trường hợp làm việc trong một thời gian dài với những kẻ chỉ kiếm chuyện vô cớ với bạn thì bạn cũng có thể lựa chọn rời đi. Tuy nhiên, nếu như bạn vẫn còn có thể học hỏi những kiến thức từ nơi này thì có thể đặt ra thời hạn cho bản thân trong vòng 2-3 năm gắn bó với công ty, liên tục tiếp thu và nâng cao kiến thức,  sau đó rời đi cũng không muộn. Trong thời gian này, tuyệt đối không được làm việc như khách qua đường như đã đề cập ở trên. Bạn vẫn giữ tinh thần chuyên nghiệp nhất có thể.

4/ Không chú trọng giao tiếp

 Điều này có nghĩa là trong nhiều trường hợp, rất nhiều người vì nôn nóng hoàn thành một việc gì đó, lo sợ người khác sẽ bất đồng ý kiến với mình mà không trao đổi trước nên đã quyết định vội vàng tự đưa ra quyết định. Họ hy vọng kết quả sẽ được như ý muốn, nhưng sẽ có những lúc có những quy trình chúng ta không thể bỏ qua, nếu đồng nghiệp biết chuyện sẽ cho rằng, bạn không tôn trọng họ, dẫn đến thiếu tinh thần đồng đội và những hiềm khích về sau.

Thật ra, việc trao đổi trước với đồng nghiệp sẽ giúp bạn trở nên chuyên nghiệp và rõ ràng hơn với họ. Nếu phía đối phương có bất đồng ý kiến thì có thể trao đổi đàm phán để giải quyết. Chỉ cần tìm được lợi ích chung cho cả hai bên là ổn thỏa. Còn nếu như đồng nghiệp không được thông qua sẽ gây ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc của nhóm, gây ra những hiểu lầm không đáng có.

Phải học cách khiêm tốn, tôn trọng ý kiến của người khác cũng như tôn trọng quan điểm cá nhân của bản thân nữa.  Có lập trường nhưng phải linh hoạt và nhẹ nhàng. Có như vậy, bạn mới tiến xa hơn trong sự nghiệp và được mọi người chào đón.

| CUỘC ĐỜI |

/ ĐỜI NGƯỜI LÀ HỮU HẠN /

Đúng vậy, đời người thật ra rất ngắn, chúng ta chỉ có thể sống vỏn vẹn mấy chục năm, cùng lắm là đến năm 80 tuổi. Trên thế giới này có rất nhiều việc chúng ta cần làm, tuy nhiên không phải việc nào ta cũng phải làm. Ai rồi sẽ chết nên ý thức được điều đó, chúng ta sẽ sống một cách ý nghĩa và có mục đích hơn.

Chính vì biết rằng, cuộc đời là hữu hạn, chúng ta chỉ có chừng ấy thời gian nên phải biết quản lý thời gian của mình cho thật tốt. Có rất nhiều việc, hoặc người không đáng để chúng ta trăn trở xem có nên xử lý hay đối mặt hay không vì đơn giản những điều đó không còn quan trọng. Điều chúng ta cần làm là ưu tiên những việc quan trọng và hoàn thành chúng.

Có rất nhiều người chỉ vì theo đuổi thành công mà làm việc “bạt mạng”, quên mất chính mình, bỏ bê sức khỏe của bản thân và gia đình, đến khi thành công rồi mới phát hiện ra, thời gian đã vụt mất, bản thân thì ngày càng yếu đi, cũng không còn nhiều sức lực và năng lượng để chăm sóc cho những người mình yêu thương nữa.

Nếu sống mà mỗi ngày trôi qua đều là mệt mỏi và cam chịu thì thật khổ sở biết bao. Chúng ta nên có nhận thức rằng, chỉ cần chúng ta còn sống thì vẫn còn hy vọng. Hãy sống sao cho thật rực rỡ và tràn đầy ý nghĩa. Hãy thỏa sức với đam mê của mình và không ngừng học tập. Chúng ta chỉ có một lần để sống, thế tại sao không sống cho thật hoành tráng và làm những việc mình muốn chứ?

Lấy một số ví dụ nhé.

Có một số người khiến cho bạn tổn thương, nói những lời miệt thị nhằm gây hiềm khích. Một người bình thường sẽ cảm thấy bị tổn thương, lo nghĩ về điều này ngày qua ngày, dẫn đến mất đi niềm vui trong cuộc sống. Nhưng một người nếu có ý thức đời người là hữu hạn thì sẽ không dễ dàng bận tâm về những con người như thế. Không ai có thể làm bạn tổn thương trừ khi chính bạn cho phép. Họ nghĩ rằng: “Còn nhiều điều mình cần quan tâm, hơi sức đâu đi bận tâm những gì họ nói”.

Hoặc nếu có ai đó đánh giá hay nhận xét không tốt về một khía cạnh nào đó của mình, trong lòng liền cảm thấy bồn chồn và lo lắng, tự nghi vấn bản thân xem có điều sai với mình hay không. Thật ra, những người đó không đáng để bạn bận tâm nhiều đến thế. Đánh giá của người khác không quan trọng bằng việc bạn đánh giá như thế nào về bản thân. Họ đâu có sống thay cho bạn, vì vậy đừng suy nghĩ quá nhiều.

Đừng đánh mất hy vọng vào cuộc sống. Hãy yêu thương và sống hết mình vì những điều tốt đẹp. Bạn không có nhiều thời gian như bạn nghĩ đâu. Nhân lúc có thể, hãy làm những gì bạn muốn và yêu thương những người thân yêu xung quanh mình nhé.

| TIỀN BẠC VÀ ĐẦU TƯ |

/QUAN NIỆM VỀ TIỀN BẠC/

1/ Tiêu tiền vào những thứ khiến cho cuộc sống của bạn ngày càng thoải mái và tiện lợi hơn, chứ không phải khiến cuộc sống của bạn ngày càng rối rắm và phức tạp.

Có một số người , kể cả những người giàu có, đều hay có sở thích hay mua thật nhiều thứ mà bản thân cho rằng là cần thiết, nhưng chẳng thấy sử dụng là bao. Họ cứu sưu tầm hết món này đến món khác, trong nhà thì chất chồng những vật dụng không cần thiết, làm cho không gian nhà ngày càng chật hẹp và khó chịu.

Tôi còn biết rằng, có một số người chỉ vì muốn mua Iphone mà bằng lòng đổi thận của mình để mua cho bằng được. Thật sự, như vậy có đáng không chứ? Cho dù bạn có chiếc Iphone đó đi chăng nữa, thì sức khỏe của bạn cũng không được hồi phục và phải sống như vậy đến cuối đời.

Mục đích chính của sự tiêu tiền là khiến cho cuộc sống của chúng ta thoải mái, chứ không phải đơn giản là phung phí và mua những thứ mình “muốn” thay vì “cần”. Nếu mua về nhưng không sử dụng, chỉ vứt ở một góc nào đó trong nhà thì rất lãng phí tiền bạc và diện tích nhà. Chúng ta nên học cách sống tối giản để hạn chế mua những đồ đạc không cần thiết, sống thật đơn giản và vừa đủ.

Nếu những món đồ bạn mua về chỉ khiến cho cuộc sống của bạn ngày càng rắc rối hơn thì ngay từ đầu không nên mua.

Nếu việc mua xe khiến cho cuộc sống của bạn sau này mất tự do, đi đâu cũng xem chứng chiếc xe, mỗi tháng phải chi bao nhiêu tiền cho việc bảo trì, đổ xăng, tân trang nội thất, vv thì bạn nên suy nghĩ lại. Nghĩ đến cũng mất kha khá chi phí và công sức. Tuy nhiên, việc mua hay không còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và tình hình cuộc sống của mỗi người. Nếu bạn thấy những việc đó không sao cả thì bạn có thể mua xe, miễn là cuộc sống của bạn đi theo chiều hướng tốt lên chứ không phải đi xuống.

Hoặc một ví dụ thường thấy nhất là việc may mắn trúng giải độc đắc xổ số. Tâm lý của những người này là chỉ tiêu tiền thôi, họ không quan tâm đến việc tiết kiệm hay dùng số tiền của mình sao cho hợp lý. Kết quả là phần lớn đều rơi vào hoàn cảnh lâm ly bi đát vì chính hành động nông nổi của mình mang lại. Thay vì dùng số tiền đó sao cho hợp lý, mang lại lợi ích cho bản thân nhiều nhất thì họ lại phung phí và tiêu vào những thứ khiến cho họ rơi vào bế tắc.

Chính vì vậy, khi nói đến vấn đề chi tiêu tiền bạc, bạn cần phải khôn ngoan. Chỉ tiêu vào những thứ khiến cho cuộc sống của bạn ngày càng tiến bộ.

2/ Tiền là ông Trời gửi chỗ bạn, không phải cho bạn, mai sau bạn phải trả lại cho ông ấy.

Ai cũng đều biết rằng, khi chúng ta chết đi thì không thể mang theo thứ gì cả, bao gồm cả tài sản và tiền bạc. Phần lớn tài sản của  người đã khuất sẽ được chuyển đi theo 3 cách:  nhà nước, các tổ chức từ thiện và để lại cho con cháu sau này (thừa kế). Tuy nhiên, thông qua nhiều nghiên cứu chứng minh, để lại tiền cho con cháu đôi khi hại nhiều hơn lợi, thậm chí là phá hoại cả một thế hệ.

Tiền bạc chỉ là vật ngoài thân, chúng giúp cho cuộc sống chúng ta thoải mái và tạo cảm giác an toàn cho chúng ta. Nhưng tiền không phải là tất cả. Thứ quý giá nhất trên đời là sức khỏe. Nếu không có sức khỏe thì dù cho bạn có bao nhiêu tiền cũng không mua được.

Rất nhiều người tiền chưa kiếm được, chưa chết đã trả lại hết cho Chúa. Trong xã hội hiện nay, có một câu nói đùa là: Nửa đời đầu đổi mạng lấy tiền, nửa đời sau dùng tiền đổi mạng. Có rất nhiều người cao tuổi ở Mỹ khi về già, cái họ chi nhiều nhất không phải là vào thực phẩm, mà là vào điều trị và thuốc men. Chi phí khám bệnh ở Mỹ luôn luôn cao hơn so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Lúc trẻ thì chúng ta có thể thỏa sức kiếm tiền, nhưng khi về già thì lại dùng số tiền đó để có thể chăm sóc sức khỏe, thậm chí là sử dụng số tiền đó để nâng cao tuổi thọ, sống thêm vài tuần, vài tháng hay vài năm sau đó.

Tại sao chúng ta không nhân lúc còn sinh hoạt thuận tiện để có thể yêu bản thân mình một chút, hãy yêu cơ thể của bạn. Đừng chỉ vì bạt mạng kiếm tiền mà bỏ lỡ đi vẻ đẹp của cuộc sống. Tiền tài có nhiều đi chăng nữa cũng không có ý nghĩa gì nếu như bạn không có sức khỏe để tận hưởng.

3/ Tiền chỉ là của bạn khi nó được tiêu

Bản chất của tiền là gì? Theo Ngô Quân,  nó thực sự là một phép đo định lượng về quyền sở hữu và quyền sử dụng các nguồn tài nguyên khác nhau, và bản thân các nguồn tài nguyên đó được chia thành tài nguyên thiên nhiên và nhân lực.

Ví dụ nhé:

Nếu bạn may mắn nhặt được kim cương thì bạn sẽ có tiền vì bạn có một số tài nguyên, nếu bạn mua một mảnh đất để xây nhà, số tiền bạn bỏ ra để đổi lấy tài nguyên là đất. Điều này cũng đúng với việc sở hữu nguồn nhân lực.

 Khi bạn bỏ tiền ra mua một chiếc ô tô,  ngoài một lượng nhỏ tài nguyên là thép và cao su, bạn thực sự bỏ tiền ra để mua thời gian của công nhân trên dây chuyền sản xuất. Khi bạn nhờ bảo mẫu dọn phòng, bạn thực chất đang bỏ tiền để mua thời gian của họ. Hoặc nếu như chơi một trò chơi thì bạn cũng đang bỏ tiền ra để mua thời gian của kỹ sư tạo ra game đó.

 Lượng tiền của mỗi người phản ánh tổng số nguồn lực xã hội (bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và nhân lực) mà anh ta có thể huy động trong tương lai. Một người có 1 triệu nhân dân tệ và người kia có 10,000 nhân dân tệ thì tài nguyên thiên nhiên mà người trước có được hoặc có thể sử dụng thời gian làm việc của người khác gấp 100 lần người sau. Tất nhiên, việc đổi tiền lấy tài nguyên thiên nhiên gì và sử dụng người khác để làm việc gì là việc của bạn.

 “Tiền chỉ là của bạn khi nó được tiêu” có nghĩa là khi bạn tiêu tiền hiệu quả, tương đương sử dụng các nguồn lực xã hội tốt thì bạn có thể thậm chí thu về càng nhiều tiền hơn. Nếu đồng tiền không được sử dụng, chúng sẽ mất đi ý nghĩa.

Theo quan niệm xưa,   có một số người càng tiêu tiền thì càng giàu có, cũng có người càng dè xẻn thì lại càng nghèo, đây cũng đang nói về đạo lý này. Càng tiêu tiền vào những thứ có thể giúp cho sự phát triển của bản thân thì rất xứng đáng, kết quả là tư duy bạn được nâng cấp, rèn luyện khả năng kiếm tiền, suy nghĩ sâu sắc hơn, lúc này tiền mới phát huy tác dụng của nó. Chẳng hạn, mua những khóa học phát triển bản thân, đầu tư học một lớp yoga để thư giãn tinh thần, vv. Bạn nên xác định cái gì đáng để bạn tiêu và cái nào không đáng.

Đương nhiên, chúng ta cần tiết kiệm tiền đề phòng cho những tình huống khẩn cấp nhưng không đồng nghĩa với việc hy sinh cuộc sống hiện tại vì lý do đó. Có những việc chúng ta cần tiêu tiền thì mới có một tương lai tốt đẹp. Chỉ cần chúng ta biết tiêu tiền hiệu quả và giữ cho mình một xuất phát điểm tốt thì chúng ta sẽ ngày càng tiến bộ.

Lời kết

Hy vọng Nhận Thức sẽ giúp cho bạn trang bị thêm cho mình những kiến thức bổ ích, góp phần nâng cao khả năng tư duy và khôn ngoan hơn với những lựa chọn của chính mình.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn

Hình ảnh: Tuyết Sơn