Share this post on:

Cuốn “binh pháp” hiện đại dành cho những người phụ nữ muốn nâng cấp cuộc sống, nâng cấp bản thân trở thành một phiên bản tự tin, tự chủ.

Nghĩ đúng trong công việc, bạn sẽ chọn trúng một bản thân không ngừng biến đổi, luôn trau dồi tri thức để làm việc hiệu quả, đầu tư thông minh, không còn sợ hãi trước biến động thị trường.

Nghĩ đúng trong cuộc sống, bạn sẽ chọn trúng một bản thể độc lập, biết trân trọng chính mình và yêu thương mọi người.

Nghĩ đúng trong tình yêu, bạn sẽ chọn trúng đáp án khiến cho trái tim mình mãn nguyện, có thêm dũng khí để tận hưởng cuộc sống tuyệt vời mỗi ngày.

 Hy vọng Nghĩ Đúng Chọn Trúng của Thủy Mi Vật Ngữ sẽ mang đến cho bạn những cung bậc cảm xúc khác nhau, từ đó giúp cho bạn – những người phụ nữ có thêm sự tự tin, tin yêu vào cuộc sống này và quan trọng hơn hết, lấy lại quyền chủ động cho cuộc đời mình.

Về tác giả:

Thủy Mi Vật Ngữ là nhà đồng sáng lập Học viện Đầu tư dài hạn, tác giả sách best-seller,  nhân vật nổi tiếng trên Douban, chuyên gia tài chính, bà mẹ ba con và là tác giả mạng Thủy Mi và những bạn gấu nhỏ.

Sách dành cho ai?

Nghĩ Đúng Chọn Trúng là một quyển sách của “hành động”, nó không chỉ là một cuốn sách về lý thuyết suông đơn thuần. 

Bạn đang gặp khó khăn trong sự nghiệp, không biết công việc hiện tại đang làm có mâu thuẫn với công việc bạn yêu thích không?

 Làm thế nào để tránh mắc lỗi trong công việc?

Thái độ đóng vai trò như thế nào trong việc định hướng cuộc sống và sự nghiệp của bạn trong tương lai?

Làm thế nào để khơi gợi sức mạnh của ý chí trong việc thực hiện mục tiêu?

 Quản lý tài chính và đầu tư có thật sự phức tạp như bạn nghĩ?

…và còn nhiều vấn đề khác sẽ được bàn luận một cách chi tiết.

Nếu bạn có những câu hỏi như trên trong đầu thì cuốn sách này dành cho bạn.

Nội dung sách?

 Tác phẩm được chia thành sáu chương, từng chương với một chủ đề được tác giả phân tích và đưa ra những giải pháp kèm theo dựa trên những kinh nghiệm sống của bản thân.

Thông điệp chính của sách là: CHỈ KHI BẠN CÓ MỘT THÁI ĐỘ VÀ TƯ DUY ĐÚNG THÌ  BẠN SẼ “CHỌN TRÚNG” CHO MÌNH MỘT CUỘC SỐNG MÀ BẠN HẰNG MONG MUỐN.

Sách có rất nhiều ý tưởng và quan điểm hay, tuy nhiên để đi sâu vào nội dung một cách chi tiết và sâu sắc thì sẽ không đủ. Mình sẽ tóm tắt và nêu lên những quan điểm tư duy quan trọng nhằm mang đến cho bạn một góc nhìn tổng quan và trực quan nhất về những gì tác giả truyền tải.

—-SỰ TỰ DO CHỌN LỰA

1/ HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH – CHÂN LÝ NÀY TRƯỚC GIỜ CHƯA BAO GIỜ LÀ SAI.

 Tại sao lại bàn về vấn đề này? Vì nếu như chỉ có ĐẦU VÀO mà không có ĐẦU RA thì không có việc gì thành cả. Tương tự, nếu chỉ có lý thuyết mà không có hành động thực tiễn để áp dụng những kiến thức đã học thì cũng vô ích và là một sự lãng phí thời gian.

Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao bạn đọc bao nhiêu sách, học bao nhiêu khóa học, đi tham gia bao nhiêu hội thảo về phát triển bản thân nhưng kết quả thu về trong thực tế chẳng là bao. Bạn tiếp thu càng nhiều kiến thức nhưng dường như cuộc sống của bạn không thay đổi theo thời gian. Đó là vì bạn chưa hiểu được tầm quan trọng của việc thực hành.

Nếu chỉ học một kỹ năng hay đọc một quyển sách mà không có bất kỳ hành động để củng  cố và ghi nhớ thì mọi nỗ lực sẽ trở thành công cốc.

Quay trở về vấn đề như đọc sách, đọc nhiều nhưng cuộc sống không tiến bộ, lý do chính là bạn thực hành KHÔNG ĐỦ.

Bạn có thể đọc cuốn “Nghệ thuật giao tiếp hiệu quả” nhưng khi đối mặt với cô gái mình thích, bạn vẫn ngượng ngùng không thể nói nên lời.

Bạn đọc cuốn sách “Làm thế nào để đọc hiệu quả” nhưng đến khi làm bài vẫn trượt như thường.

Bạn làm theo lời khuyên từ cuốn “Kiến thức nuôi dạy con cái” và vẫn hoàn toàn bất lực trước một đứa bé khóc mãi không chịu nín.

Kiến thức là những gì bạn biết bạn nên làm, nhưng để thực hành lại cần rất nhiều thời gian và sự luyện tập. “Nói thì dễ, làm thì khó” là câu nói mà chúng ta thường hay nghe, và đó cũng không phải vô duyên vô cớ mà người đời tuyên truyền câu nói này.

Quá trình biến kiến thức của con người thành hành động sẽ trải qua ba giai đoạn:

1/ Trí nhớ ngắn hạn

Kiến thức bạn học được trong một bài giảng, trong một quyển sách chỉ tồn tại dưới dạng “trí nhớ ngắn hạn”. Lúc mới học, bạn có thể dễ dàng nhớ những gì đã học, có thể chia sẻ với người khác. Nhưng sau ba ngày, có thể bạn chỉ còn nhớ những chi tiết đặc biệt ấn tượng. Sau một thời gian lâu hơn, bạn chỉ còn nhớ rất ít.

2/ Trí nhớ dài hạn

Nếu việc truy xuất và sắp xếp lại kiến thức được thực hiện thường xuyên và logic, trí nhớ ngắn hạn sẽ biến thành trí nhớ dài hạn.

Ví dụ, sau khi đọc một cuốn sách, nếu bạn ghi chú và truyền đạt lại cho những người xung quanh trong một thời gian dài thì bạn sẽ nhớ chúng lâu hơn. Kiến thức từ trí nhớ ngắn hạn sẽ chuyển thành trí nhớ dài hạn. MẤU CHỐT ở đây là sự THƯỜNG XUYÊN.

3/ Ứng dụng thực tế

 Chỉ khi kiến thức được chuyển thành hành động thì nó mới phát huy tác dụng. Nếu bạn chỉ dừng lại ở lý thuyết thì những gì bạn học được thật sự không hữu ích.

Ví dụ, nếu bạn đang học về cách nấu một món ăn trứng xào cà chua, nếu chỉ đọc không thôi thì không đủ. Bạn phải thực hành nấu chúng, hoàn thành đĩa trứng xào cà chua bằng chính những kiến thức mình học được trong sách thì những kiến thức này mới thay đổi cuộc sống của bạn.

Vì vậy, không chỉ trong việc đọc sách, mà còn tất cả những khía cạnh khác, đều đặt mục tiêu HỌC ĐI ĐÔI VỚI HÀNH. Kiến thức phải đi đôi với vận dụng thức tế, chỉ có như vậy cuộc sống của bạn mới thực sự thay đổi.

2/ TỰ DO ĐÍCH THỰC CỦA CHÚNG TA LÀ SỰ TỰ DO CHỌN LỰA.

Bạn có bao giờ trăn trở về những lựa chọn của mình trong quá khứ, bất kể đó là trong chuyện tình cảm, học hành, kết hôn,vv. Điều gì khiến cho bạn lựa chọn những điều ấy, có phải do chính bạn đưa ra quyết định hay do bị ảnh hưởng bởi xã hội, hoặc gần hơn là những người thân trong gia đình?

 Theo bạn, thế nào là tự do?

Một số người định nghĩa tự do là được đi đây đó, không có gánh nặng gì trên vai. Có người, tự do là được thỏa sức làm những gì họ yêu thích và đam mê. Người kia, tự do là sống một đời là chính mình, không sợ sự dèm pha của dư luận. Chúng ta khác nhau nên cách chúng ta định nghĩa sự tự do cũng khác nhau. Nhưng bạn biết không, tự do đích thực nhất là tự do CHỌN LỰA.

Chỉ có bạn mới là chủ nhân của đời mình. Chỉ có bạn chịu trách nhiệm về những gì xảy ra. Cuộc sống sẽ “tát vào mặt” bạn vô số những khó khăn và thử thách, bạn có quyền từ bỏ, trốn chạy hay bỏ mặc bản thân, nhưng bạn đừng bao giờ từ bỏ sự lựa chọn. Chọn lựa một cuộc sống tự do hay bị bó buộc bởi định kiến của người khác đều do bạn quyết định.

Nếu bạn đã ba mươi tuổi, vẫn chưa kết hôn và sinh con thì có hề hấn gì chứ. Đó là lựa chọn của bạn, miễn sao bạn luôn vui vẻ và hạnh phúc với chọn lựa của mình là được.

Nếu bạn muốn đến tuổi bốn mươi mới kết hôn thì không có gì là quá muộn, miễn sự lựa chọn ấy của bạn mang đến cho bạn sự tự do và hạnh phúc.

—– PHONG CÁCH LÀM VIỆC VÀ THÁI ĐỘ LÀM VIỆC TRONG CÔNG SỞ

1/ THÓI QUEN VÀ 02 SAI LẦM PHỔ BIẾN TRONG CÔNG VIỆC

#Sai lầm 1: “Công ty trả cho tôi bao nhiêu tiền, tôi sẽ chỉ làm việc bấy nhiêu việc.

Tại sao có rất nhiều người dù làm việc chăm chỉ ngày đêm nhưng vẫn cảm thấy không thỏa mãn trong công việc, cũng không có nhiều cơ hội thăng tiến trong tương lai. Họ nhìn xung quanh thấy những đồng nghiệp của mình lần lượt có những bước tiến nhất định trên con đường sự nghiệp, nhìn lại bản thân thì không có gì cả.

Trên con đường sự nghiệp, không ít chúng ta đều mắc phải sai lầm khi nghĩ rằng: “Công ty trả cho tôi bao nhiêu tiền, tôi sẽ chỉ làm việc bấy nhiêu việc.” Chỉ làm những gì được giao, trả bao nhiêu thì khối lượng công việc sẽ chỉ dừng lại ở mức đó thì sẽ rất khó khăn cho con đường thăng tiến của bạn. Nói như thế, chẳng khác nào bạn đang tự định giá cho chính bản thân rằng: “Tôi chỉ đáng giá bấy nhiêu thôi”.

Nếu muốn thăng tiến thì trước hết, hãy tự hỏi bản thân: Tôi cần phải làm gì để tăng giá trị của bản thân? Tôi có thể làm gì để tối đa hóa lợi nhuận của công ty? Tôi phải làm gì để nâng cao dịch vụ khách hàng? Làm thế nào tôi có thể làm mọi thứ tốt hơn? Đây là những câu hỏi bạn cần tự hỏi và tự đi tìm câu trả lời.

Một người sếp có tầm nhìn sẽ không bao giờ trao quyền hay trọng dụng một người suốt ngày chỉ làm mọi thứ một cách qua loa, không đến nơi đến chốn.

#Sai lầm 2: Giậm chân tại chỗ, không chấp nhận sự thay đổi.

 Có nhiều bạn thắc mắc rằng: Làm thế nào để tìm một công việc tốt nhất?

Định nghĩa “tốt nhất” là một khái niệm tương đối. Không ai có thể trả lời hay dự đoán trước giúp bạn công việc nào là tốt nhất cả. Thị trường luôn luôn biến động và sự thay đổi là bất biến. Công việc hiện tại bạn đang làm có thể sẽ bị thay thế trong vòng năm năm nữa. Một công việc tốt nhất và an toàn nhất đều là những mong muốn không thực tế nhất.

Chỉ có thay đổi không ngừng, tiếp nhận sự thay đổi mới có thể giúp ta khám phá những điều mới, mở rộng tư duy và nhận thức được rằng: Thế giới ngoài kia rộng lớn biết bao, và có biết bao nhiêu điều chúng ta có thể học hỏi.

2/ THÁI ĐỘ CẦN CÓ CHO MỘT SỰ NGHIỆP BỀN VỮNG

 Tiếp nối ý trên, vậy bạn cần có một thái độ như thế nào để nâng cao năng lực trong công việc?

  • Đón nhận sự thay đổi như một lẽ dĩ nhiên. Nếu không thay đổi thì xã hội sẽ bỏ rơi bạn.
  • Luôn tìm tòi, học hỏi và nâng cao giá trị bản thân
  • Mắc sai lầm và liên tục cải thiện bản thân thông qua những sai lầm ấy. Chỉ có thử nghiệm và mắc sai lầm mới có thể giúp bạn xác định được con đường nào dẫn đến thành công.

—- TƯ DUY GIÀU CÓ: KHÁC BIỆT NẰM Ở PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY

1/CHẠY THEO NGÀY HỘI MUA SẮM CŨNG CÓ CÁI GIÁ CỦA NÓ

Mua sắm có chi phí thời gian và thậm chí khiến cho người tiêu dùng phát triển thói quen xấu. Đây là điều quan trọng nhất mà không phải người tiêu dùng nào cũng hiểu được.

Như đã biết, trước ngày hội mua sắm như Black Friday, 11/11, vv, bạn phải xem xét nên mua gì, và sau đó xem cửa hàng nào có mức giảm giá tốt nhất. Vào những ngày này, bạn phải chuẩn bị tinh thần vừa ăn vừa nhìn máy tính, tay phải thao tác thật nhanh, chậm là hết.

Đối với tôi, những hành động này cũng có thể coi là một loại chi phí. Thời gian là một loại chi phí, năng lượng là một loại chi phí, quan trọng nhất, cách suy nghĩ cũng là một loại chi phí. Tôi thà nghĩ: “Làm thế nào tôi có thể kiếm nhiều tiền hơn?”, còn hơn dành thời gian và sức lực của mình để cân nhắc “Làm thế nào tôi có thể mua những thứ rẻ hơn?”. Tôi thà nghĩ rằng, “Tôi có thể mua bất cứ thứ gì”, còn hơn nghĩ rằng “Đồ rẻ như vậy thì cứ mua, biết đâu mua về lại hữu ích”.

Một cái bẫy mà hầu hết chúng ta đều hay mắc phải là, sức hút của những ngày hội mua sắm này khiến cho bạn ha mua mà bỏ qua vấn đề “liệu có cần thiết” và “giá cả thấp”. Không hẳn những sản phẩm được bán với giá rẻ lúc nào cũng cần thiết và đáng mua. Có rất nhiều bạn mê đọc sách, khi giảm giá mua hàng loạt những quyển sách giảm giá, nhưng rốt cuộc, bạn đã đọc bao nhiêu cuốn sách rồi? Hay là từ lúc mua đến giờ, sách vẫn đóng bụi trên giá, chưa đọc được lần nào?

Đối với các sản phẩm tiêu dùng, chúng ta cần phải có kiến thức vaa2 phải phân biệt được sự khác nhau giữa “GIÁ TRỊ” “GIÁ CẢ”.

Ví dụ:

 Khi chúng ta mua một gói mặt nạ trong ngày hội mua sắm này. Giả sử giá của gói mặt nạ này là 99.000 (đã giảm 50%), vì ham rẻ và tiết kiệm tiền, bạn đã vội vàng mua về. Trong thâm tâm bạn biết rằng, giá trị của gói mặt nạ này đáng lẽ ra phải cao hơn mưa giá này, thậm chí là cả triệu. Tuy nhiên, bạn khó mà kiềm chế nhu cầu mua sắm của bản thân.

Sau khi mua về, bạn để gói mặt nạ trong một góc, tháng này qua tháng khác mà không vẫn đụng đến. Bạn nghĩ rằng, bạn đang mua vì giá rẻ, vì tiết kiệm nhưng thật ra, bạn đang lỗ nặng. Lý do đằng sau là gì bạn biết không?

Những thứ không cần thiết hoặc không sử dụng đến, giá trị của chúng đều thực sự bằng 0. Cho dù có bao nhiêu cái ngày hội mua sắm, có bao nhiêu ưu đãi cho gói mặt nạ này, thì nếu không thấy được giá trị của chúng, bạn cũng sẽ không dùng đến. Vì vậy, hãy thông minh khi tiêu dùng.

Nói thế không có nghĩa là chúng ta phủ nhận lợi ích to lớn của những hoạt động mua sắm.  Nếu bạn hiểu những gì  bạn đang làm, tất nhiên bạn có thể vui vẻ chào đón mùa giảm giá. Nhưng nếu bạn đánh mất chính mình chỉ vì mua sắm hàng giảm giá, lạc lối trong mê cung này thì có lẽ là một thảm họa.

Chính bạn cũng đã từng chứng kiến cảnh một biển người cùng nhau săn đón hàng giảm giá tại những khu vực ưu đãi trong trung tâm thương mại, hay chính bạn cũng đã từng thức đến 12h khuya để săn những món đồ bạn mong muốn mua. Bạn có quyền làm như thế, nhưng hay thông minh, phân biệt được những sản phẩm mình MUỐN và những sản phẩm mình CẦN. Dùng thời gian của mình hợp lý hơn là tiêu pha vào cuộc tiêu dùng vô tận không mục đích.

2/CÁCH SUY NGHĨ ĐỂ GIÚP BẠN GIÀU CÓ

Người giàu đưa ra quyết định chậm, người nghèo đưa ra quyết định nhanh.

 Hầu hết những người có tư duy giàu có, hay những người giàu đều cân nhắc và đưa ra quyết định rất cẩn thận trước khi họ đầu tư hay mua bất cứ thứ gì.

Người giàu tiêu tiền nhiều hay ít? Người nghèo thì sao?

Trên thực tế, nhiều người có tư duy nghèo luôn sẵn sàng đánh đổi lương nửa năm của họ để mua một chiếc túi hàng hiệu hoàn toàn không phù hợp với tài chính của mình.

Những người đó, mức độ tiêu pha chỉ có thể tăng, không hề giảm. Họ muôn đời bị dắt mũi bởi đủ loại quảng cáo khác nhau, không ngừng tiếp tục tiêu số tiền – mà nếu dùng đầu tư đúng sẽ mang lại thu nhập cao hơn.

Còn những người giàu có thì sao?

Hầu hết những người giàu có đều sẽ có những lúc phù phiếm, nhưng họ đều nhận ra tính hạn chế của đồ vật. Tất nhiên, họ có thể mua những thứ đắt đỏ trong khả năng, nhưng không bắt bản thân nhất định phải mua chúng, vì suy cho cùng, đồ vật chỉ là vật ngoài thân.

Người giàu không ngại nói về tiền, nhưng thứ họ theo đuổi không chỉ là tiền bạc.

Người nghèo cho rằng nói về tiền bạc là thứ đáng xấu hổ, vậy mà có thể làm mọi thứ vì tiền. Họ nghĩ rằng nói về tiền thật tầm thường, thật thấp kém. Cuối cùng, suốt đời họ lại không tránh khỏi việc chạy đôn chạy đáo khắp nơi vì tiền.

Những người giàu không chỉ thích nói về tiền, mà họ còn nói nhiều hơn về việc làm sao để nâng cao năng lực bản thân, vượt qua vùng an toàn của chính mình. Họ cũng biết cách tư duy kiếm và tiết kiệm tiền, và đầu tư khôn ngoan.

Tiền trở thành nô lệ của người giàu, giúp họ đạt được mục tiêu lớn hơn. Tiền trở thành chủ nhân của người nghèo vì dù làm việc khổ cực, họ vẫn không thể thoát khỏi cảnh bị tiền kiểm soát.

———–PHƯƠNG PHÁP NUÔI DẠY CON CÁI

1/ MẸ NÊN LÀM GÌ NẾU TRẺ KHÔNG CHỊU TẮT TV?

Hầu hết những bà mẹ đều có một khó khăn chung đó là: Làm thế nào để trẻ nghe lời hơn? Nếu trẻ con không nghe lời, thì người mẹ sẽ hỏi: Tại sao con không nghe lời mẹ, mẹ kêu tắt TV thì con phải tắt chứ.

 Hàm ý của những câu này đều là vì: MẸ MUỐN TỐT CHO CON. Trong mắt của phụ huynh, trẻ con đều rất mong manh và cần được bảo vệ. Tất nhiên, chúng ta cũng nên xây dựng một số quy tắc nhất định cho trẻ ngay từ đầu nhưng hầu như các bà mẹ hiện nay đang làm sai cách.

Có 3 quy tắc sau mà chúng ta cần suy nghĩ đến:

Thứ nhất, quy tắc này là mong muốn riêng của cha mẹ hay là quy tắc được quyết định sau khi đã tham khảo ý kiến của trẻ?

Thứ hai, quy tắc này có được thông báo trước cho trẻ không hay chỉ là những quy tắc đặt ra đột ngột?

Thứ ba, có điểm nào thương lượng được khi đưa ra quy tắc này không, có được nhắc nhở không?

Đối với quy tắc thứ nhất, nên tham khảo ý kiến của trẻ khi đặt ra quy tắc.

Ví dụ: Khi xem TV, không được xem hết cả tập dài mà chỉ được xem trong khoảng thời gian cho phép (chẳng hạn như nửa giờ). Nếu người mẹ đã thảo luận rõ ràng với bé về việc phải tắt TV sau khi xem nửa giờ đồng hồ, bé có thể xem TV cho đến khi đồng hồ hiển thị thời gian. Nếu bé cố tình không tuân thủ, chúng ta sẽ có những xử lý khác. Có thể là, “nếu con không làm được những gì con hứa với mẹ thì những gì mẹ hứa với con cũng sẽ thể thực hiện được.”

Tiếp theo, các quy tắc cần được thông báo trước.

Khi thiết lập quy tắc bé chỉ có thể xem TV trong vòng nửa giờ, liệu những quy tắc này đã được thông báo trước chưa? Nếu có, đứa trẻ có thể thấy nó có vẻ hợp lý hơn, còn hơn là không thông báo trước gì cả. Khi không thông báo trước, chắc chắn một điều là đứa trẻ sẽ phản bác lại quy định của người mẹ.

 Cuối cùng, liệu quy tắc này có thể được thương lượng và nhắc nhở không?

 Thương lượng thực chất là đặt vấn đề ngay từ mục đầu tiên. Nếu quy tắc này bạn tự ý đặt ra, nếu trẻ không được quyền tham gia góp ý thì tại sao bé phải tuân thủ quy tắc đó?

Nhiều phụ huynh thường hay có suy nghĩ rằng, dù sao trẻ nhỏ vẫn còn thiếu hiểu biết. Đúng vậy, đứa trẻ vẫn còn nhỏ, nhưng điều đó không có nghĩa là bé không có ý kiến riêng về những điều đơn giản.

Cha mẹ muốn con cái họ xây dựng tính cách độc lập trong tương lai, có thể suy nghĩ và có thể chiến đấu chống lại những điều chúng không thích, vậy tại sao chúng ta lại không cho trẻ những quyền và cơ hội này khi trẻ còn nhỏ?

Trong quá trình làm mẹ, hầu hết các vấn đề đều xuất phát từ chính cha mẹ chứ không phải con cái. Nuôi dạy con cái là cơ hội để chúng ta xem xét lại bản thân chúng ta. Điều chúng ta cần làm không phải là biến đổi con cái, mà là biến đổi chính chúng ta.

Khi chúng ta trở thành người cha, người mẹ tốt hơn thì trẻ em cũng tự nhiên trở thành đứa con ngoan hơn.

2/ BẠN MUỐN ĐỨA TRẺ VUI VẺ HAY ĐỨA TRẺ LẠC QUAN?

Điều này có nghĩa là gì? Điểm khác biệt chính trong cách nuôi dạy một đứa trẻ vui vẻ và một đứa trẻ lạc quan nằm ở thái độ của trẻ khi đối diện với nghịch cảnh và khó khăn trong cuộc sống.

Điển hình của một đứa trẻ vui vẻ là:

Khi chúng va vào bàn, thấy đau quá liền khóc toáng lên. Mẹ bèn đánh cái bàn và nói : Đều tại cái bàn, cái bàn hư quá. Thế là đứa bé không khóc nữa.

Hoặc khi chúng thua một trận bóng đá, người bố lập tức liền nói rằng chiến thắng hay thất bại không quan trọng, và người bố đi mua socola cho bé ăn.

Tâm lý của những phụ huynh này đều mong muốn cho con trẻ luôn trong trạng thái hạnh phúc và vui vẻ. Trong thực tế, bạn đã bao giờ thấy một đứa trẻ lúc nào cũng vui vẻ chưa? Bạn đã bao giờ thấy một người chưa bao giờ buồn bã hay chán nản chưa?

Làm sao một đứa trẻ có thể lúc nào cũng luôn vui vẻ và hạnh phúc mãi? Những hành  động này của cha mẹ chẳng khác nào đang xây dựng nên một bức tường che kín bão giông. Song, khi trẻ lớn lên mà vẫn phải đối mặt với những vấn đề này, liệu cha mẹ còn có thể tiếp tục che chở cho chúng không?

Nếu như bạn còn trẻ thì có thể tiếp tục, nhưng khi bạn về già, liệu có còn đủ năng lượng và sức khỏe để bảo vệ cho chúng?

Ngược lại, với phong cách nuôi dạy đứa trẻ lạc quan thì kết quả sẽ hoàn toàn khác xa với phong cách trước.

Nếu đứa bé va vào bàn, thì người mẹ sẽ hỏi bé, bé có đau không, sau đó ôm bé vào lòng và dặn con lần sau phải đi cẩn thận nhé.

Nếu đứa trẻ thua một trận bóng đá, bố của bé sẽ hỏi có phải thua trận sẽ rất buồn không, để bé có cơ hội trò chuyện với bố. Sau khi bé bình tĩnh lại, người bố có thể nói chuyện với con về cách cải thiện chiến thuật.

Thái độ của hai dạng đứa trẻ trên sẽ quyết định sự thành công trong tương lai của chúng. Đứa trẻ vui vẻ khi gặp khó khăn sẽ dễ dàng chùn bước, còn đứa trẻ lạc quan sẽ tự tin dựa vào nỗ lực của chính mình để vượt qua khó khăn. Cha mẹ cần giúp cho con nuôi dưỡng sự lạc quan, có như vậy, con trẻ mới tìm được niềm vui thực thụ.

TỔNG KẾT Ý CHÍNH:

1/ Bạn luôn có quyền tự do chọn lựa. Điều quan trọng là bạn có can đảm để lựa chọn không. Dù ở giai đoạn nào, hãy vui vẻ và hạnh phúc vì sự chọn lựa của chính mình.

2/ Thái độ quyết định tầm vóc. Chỉ khi bạn có thái độ đúng thì tất cả những hành động phía sau đều chỉ có thể mang lại cho bạn những gì tốt đẹp nhất.

3/ Hãy tự hỏi bản thân: “Làm thế nào tôi có tạo ra nhiều giá trị cho bản thân?”; “Làm thế nào tôi có thể làm việc tốt hơn nữa?”

4/ Muốn giàu có, hãy suy nghĩ như người giàu. Người giàu không tiêu pha tiền như những gì bạn thấy trên Facebook đâu. Nếu nhìn kỹ thì chính cách họ sử dụng đồng tiền của mình mới tạo ra sự khác biệt.

5/ Đừng bị mắc bẫy trong cuộc tiêu dùng vô tận vào những ngày hội mua sắm. Thời gian là một loại chi phí.

6/ Nuôi dạy con cái cũng cần có phương pháp tốt. Nuôi dưỡng sự lạc quan trong trẻ luôn là ưu tiên hàng đầu để giúp trẻ lớn lên khỏe mạnh và đủ dũng khí để đương đầu với khó khăn trong cuộc sống.

Lời kết

Sách có nhiều quan điểm hay và sâu sắc. Hy vọng sau khi đọc xong, bạn sẽ được trang bị cho mình những bài học giá trị góp phần quan trọng trong việc định hình tư duy và thay đổi chất lượng cuộc sống, không chỉ trong cuộc sống cá nhân mà còn trên con đường sự nghiệp của mình.

Review chi tiết bởi: Tuyết Sơn

Hình ảnh: Tuyết Sơn