Share this post on:

Dù ít hay nhiều, khi đi làm chúng ta sẽ gặp phải những sai lầm dưới đây. Thấu hiểu và nhận thức được sai lầm của mình sẽ giúp bạn điều chỉnh và trở thành một người chuyên nghiệp hơn.

 1/ Dwelling on the past – Để những trải nghiệm quá khứ ảnh hưởng.

Điều này có nghĩa là khi bạn bước vào một môi trường hoặc một team mới, tuyệt đối tránh rơi vào lối tư duy so sánh hay dựa vào những trải nghiệm & cách làm việc của công ty cũ trước đó với công ty mới hiện tại bạn đang làm việc.

 Mỗi doanh nghiệp đều có cơ cấu vận hành và cách làm việc của team khác nhau. So sánh cách làm này không hiệu quả hay không hợp lý chỉ có thể dẫn đến thất bại và bị đào thải nhanh chóng. Hãy khôn ngoan hơn. Học cách tiếp nhận những cơ hội mới và thử nghiệm những điều mới mẻ để mở rộng tư duy và làm việc một cách tối ưu hơn.

2/ Taking on too much, too soon – Tham công tiếc việc.

Khi làm việc tại một doanh nghiệp mới, ai cũng muốn tạo ấn tượng tốt với sếp và đồng nghiệp. Chính vì vậy, họ luôn xung phong tham gia vào những nhiệm vụ hay hoạt động của công ty đưa ra quá nhiều. Tinh thần xung phong rất đáng khen ngợi, tuy nhiên nếu bạn không biết tự lượng sức mình, thì e rằng áp lực trong công việc một mình bạn phải chịu đựng.

Chính vì vậy, bạn nên tự ước lượng xem khoảng thời gian mình cần để hoàn thành một task công việc mất bao lâu để có thẻ điều chỉnh thời gian hợp lý. Tránh ôm đồm quá nhiều thứ mà không có việc nào hoàn thành đúng hạn, điều đó sẽ gây ấn tượng xấu cho bạn trong mắt đồng nghiệp và sếp.

3/ Complaining too much – Than phiền quá nhiều.

 Than phiền quá nhiều trong công ty. Điều này là tối kỵ trong hành trình đi làm của người lao động. Tùy theo văn hóa công ty, nếu bạn than phiền hay chỉ trích một việc gì đó, hay thậm chí là sếp và đồng nghiệp mà không có bất cứ đề xuất cải thiện nào thì cũng vô ích và lãng phí thời gian. Khi cảm thấy không hài lòng về ai đó, hoặc phạm vi công việc quá nhiều và áp lực thì bạn hãy tìm ra giải pháp trước. Xem vấn đề đang ở đâu để có thể đưa ra những ý kiến và đề nghị kịp thời nhằm nâng cao chất lượng công việc.

4/ Not asking for help – Không yêu cầu sự giúp đỡ.

Khi vào một môi trường mới, đương nhiên ai cũng cảm thấy mới lạ và ngại ngùng. Tuy nhiên, nếu như chỉ vì thấy mọi người bận rộn với công việc riêng của mình mà không yêu cầu sự giúp đỡ thì chỉ có bạn là người chịu thiệt. Đôi khi vấn đề rất nhỏ, nhưng do bạn không yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác mới khiến cho vấn đề ngày càng trầm trọng hơn.

Khi không hiểu một vấn đề nào đó, hoặc vượt quá phạm vi giải quyết vấn đề, bạn hãy tìm đến những người có thể hỗ trợ và giúp bạn đưa ra lời khuyên và giải pháp. Hãy tự tin và mạnh dạn yêu cầu sự giúp đỡ. Không ai có thể hoàn thành công việc một mình cả, tất cả đều cần sự hợp tác và thiện chí của nhau để giúp công việc hoàn thành đúng thời hạn, đáp ứng kỳ vọng của khách hàng và thắt chặt mối quan hệ giữa đồng nghiệp với nhau. Những người thành công luôn biết yêu cầu và chấp nhận sự giúp đỡ của người khác.

5/ Lacking initiatives or showing too much – Thiếu tinh thần khởi xướng hoặc quá phô trương trong việc nhận quá nhiều việc.

Trong công ty, chúng ta đều cần tìm cho mình cơ hội để phát triển bản thân và cách hiệu quả nhất là xung phong nhận trách nhiệm và đưa ra sáng kiến mới. Tuy nhiên, nếu không biết điều chỉnh sao cho hợp lý và cân bằng thì hành vi của bạn sẽ bị đồng nghiệp nhìn nhận là “quá phô trương”.

Bạn nên biết khi nào nên đưa ra sáng kiến và khi nào nên tập trung cho công việc hiện tại mà không nhận quá nhiều trách nhiệm và đầu việc mới. Điều này, còn tùy thuộc vào văn hóa doanh nghiệp nơi bạn đang công tác. Đưa ra những sự thay đổi hay sáng kiến là một hành vi đáng được hoan nghênh, tuy nhiên hãy thông minh và khôn ngoan hơn để điều chỉnh sao cho phù hợp.

6/ Forgetting details – Quên đi những chi tiết nhỏ trong công việc.

Điều này quan trọng vì quy trình làm việc cần rất nhiều những thủ tục và chi tiết để có thể làm việc suôn sẻ và trơn tru. Nếu việc nhỏ không làm được thì làm sao có thể làm được những việc lớn. Điều này, đặc biệt đúng trong lĩnh vực dịch vụ khách hàng. 

Một tip hiệu quả là bất kỳ khi nào làm việc, bạn cũng cần có một quyển sổ tay nhỏ mang theo bên người để ghi chú lại những thông tin quan trọng, những chi tiết mà khách hàng quan tâm. Nếu không tiện dùng sổ tay, bạn có thể sử dụng những ứng dụng ghi chú trên điện thoại, hay dùng laptop để ghi chú lại những điểm quan trọng trong quá trình tương tác với đồng nghiệp và khách hàng.

Cách làm này sẽ giúp tiết kiệm thời gian của bạn rất nhiều đấy, đồng thời minh chứng cho việc bạn là một người nghiêm túc trong công việc.

7/ Being late – Luôn đi trễ.

Tình trạng đi trễ là tình trạng chung và không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu hành vi này cứ tiếp tục kéo dài thì không những ảnh hưởng đến hình ảnh bản thân trong công việc, mà còn hình thành thói quen không tốt trong cuộc sống thường ngày với những người xung quanh.

Nếu cứ tiếp tục đi trễ thì bạn là một người không nghiêm túc trong công việc, và không chuyên nghiệp. Kết quả là, để lại ấn tượng xấu trong mắt người khác. Chính vì vậy, hãy đi sớm hơn thời gian làm việc trước 15-30 phút, một mặt để dư dả thời gian cho tình hình giao thông tắc nghẽn, và bạn cũng thoải mái về tinh thần hơn.

Điều quan trọng là đi làm đúng giờ thậm chí sớm hơn đều gửi một tín hiệu cho người khác thấy rằng, bạn là một người đáng tin tưởng.

8/ Communicating too casually – Trao đổi/Giao tiếp một cách tùy tiện.

Dù là đồng nghiệp hay khách hàng thân thiết đi chăng nữa, bạn cũng cần thể hiện sự chuyên nghiệp của mình trong cách giao tiếp với đối phương. Không đùa giỡn hay sử dụng những hình thức giao tiếp để gây hiểu lầm cho họ. 

Trong thời đại này, chúng ta sử dụng video call, messenger Facebook, hay Viber rất nhiều trong việc giao tiếp. Tuy nhiên, khi có những mâu thuẫn hay bất đồng xảy ra, tốt nhất chúng ta nên gặp nhau trực tiếp để giải quyết vấn đề. Không nên trao đổi thông qua text (tin nhắn) vì chúng dễ gây hiểu nhầm. Biết cách điều chỉnh hình thức giao tiếp phù hợp trong công sở cũng là một kỹ năng chúng ta cần phải học.

9/ Getting pulled into office drama – Buôn chuyện phiếm trong công sở.

Điều này hầu như trong bất kỳ doanh nghiệp nhỏ, vừa hay lớn đều xảy ra. Hễ có người là có thị phi. Chúng ta rất dễ dàng cuốn theo những câu chuyện phiếm vô nghĩa về người khác, từ đó đưa ra những đánh giá chủ quan.

Hành vi “gossip” này không mang đến những lợi ích hay giá trị cho bạn cả. Thay vì ngồi lê đôi mách, hãy tập trung vào việc mình làm và làm cho thật tốt. Người thông minh là người có thể biết điều gì là quan trọng và tránh xa những xao nhãng không cần thiết.

10/ Getting too distracted – Bị xao nhãng thường xuyên.

 Quá nhiều thứ khiến cho bạn quá tải và bị phân tán sức tập trung. Những cuộc nói chuyện tán gẫu trong công ty giữa đồng nghiệp với nhau, thông báo mới từ Facebook trên smartphone của đồng nghiệp ngồi bên cạnh, tab Youtube từ máy tính của đồng nghiệp phát ra những tiếng nhạc ngân vang, vv.

Nếu quá mất tập trung và tình trạng này cứ tiếp tục, bạn nên “report” lên cấp trên để có hướng xử lý. Nếu bản thân muốn hạn chế xao nhãng, bạn nên bật chế độ “Do not Disturb” trên smartphone của mình, dành một khoảng thời gian cố định để  “take break” , có thể đi một vòng trong công ty để vận động cơ thể, uống thêm nước để nạp lại năng lượng. Hạn chế dùng những công cụ giải trí trên Google hay dùng Facebook để tránh bị cuốn vào những “cám dỗ” trên. Mình biết là rất khó thực hiện nhưng nếu bạn muốn tập trung cao độ, thì ít nhất hãy kỷ luật với bản thân trước.

Đối với mình, khi tập trung làm việc, mình sẽ đặt ra khoảng thời gian cố định như hai hoặc ba tiếng chỉ để tập trung, dù có tin nhắn đến, Facebook, cuộc gọi đến mình cũng sẽ không nghe. Sau khi kết thúc thời gian đó, mình có thể thư giãn, kiểm tra smartphone và giải trí một chút. Sau đó, lại tiếp tục như thế. Nguyên tắc làm việc này giúp mình tập trung và hoàn thành rất nhiều đầu việc trong khoảng thời gian đặt ra mà không bị phân tán mức độ tập trung khắp nơi.

11/ Not tracking your accomplishments – Không ghi nhận những thành tựu của bản thân.

Trong quá trình đi làm, sẽ có không ít thành tựu mà bạn đã hãnh diện đạt được. Thường thì cảm giác hạnh phúc sẽ chóng qua, nhưng cách bạn lưu giữ những thành tựu và chiến công của mình lại là một cột mốc trong sự nghiệp và cũng là một nguồn động lực giúp bạn tạo dựng sự tự tin và tự hào về chính mình.

Dù thành tựu ấy nhỏ hay lớn, nhưng ít ra bạn đã cố gắng hết sức để đạt được chúng, vì vậy bạn nên ghi chép lại những thành tựu ấy trong một quyển sổ tay nhỏ để nhắc bản thân rằng: Bạn cũng “cừ” thật đấy! Đừng bao giờ từ bỏ hy vọng về bản thân, bạn còn có thể làm được nhiều hơn thế. Chính những nỗ lực, thành tựu này sẽ là chỗ dựa vững chắc giúp bạn tìm lại sự tự tin và hy vọng trong những thời khắc bạn muốn từ bỏ hay nghi ngờ bản thân đó.

Nghe có vẻ hơi “silly” nhưng những người thật sự hiểu rõ giá trị của mình nằm ở đâu đều biết ghi nhận những công sức của mình đã bỏ ra.

12/ Not looking for opportunities – Không tìm kiếm những cơ hội mới

Chỉ biết giậm chân tại chỗ là công thức tuyệt vời cho sự thất bại trong tương lai. Khi đi làm, hãy mang tư duy đổi mới và không ngừng cải thiện, tìm kiếm cơ hội để thách thức bản thân, va chạm với những điều mới để mở rộng tư duy.

Thời đại của sự thay đổi cần ở bạn sự linh hoạt và sự thích nghi. Nếu không tự thay đổi bản thân, không học kỹ năng mới, chỉ biết ở yên trong vùng an toàn của chính mình thì có lẽ quãng đường đi làm còn lại của bạn chỉ có thể gọi là “ếch ngồi đáy giếng”. Trong khi người khác đã có cơ hội thăng tiến hay đi tìm những cơ hội mới, bạn vẫn còn tận hưởng sự an nhàn của chính mình và hài lòng với thực tại.

Hãy chủ động hơn, tìm kiếm những cơ hội bạn có thể tham gia.Tất cả những gì bạn làm là cất bước đi đầu tiên.  Không ai có thể giúp bạn bằng chính bạn đâu.

Đặc biệt quan trọng, đi làm cần có mục tiêu trong đầu. Bạn cần định hướng mình cần kỹ năng gì, mình cần làm gì để có thể leo lên vị trí đó, phải cần bao nhiêu năm để có thể thành thạo kỹ năng nào đó. Đừng chỉ làm một người nhân viên chỉ biết làm được những gì được sếp bảo, hãy chủ động hơn. Tiếp xúc với sếp hay những senior trong công ty, người có thể giúp bạn vạch rõ lộ trình thăng tiến và đưa ra những lời khuyên trên con đường hiện thực hóa mục tiêu. Khi gặp khó khăn, hãy chủ động tìm họ để tìm kiếm sự hỗ trợ.

13/ Blending work and personal time – Thiếu sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Tất cả chúng ta đều biết, cân bằng công việc và cuộc sống là quan trọng nhưng không phải ai cũng làm được. Bản thân mình, trong những năm đầu đi làm không thể nào cân bằng được. Có những ngày hay những đêm, suy nghĩ trằn trọc về một sự kiện xảy ra trong công ty khiến cho mình mất ngủ, lo lắng triền miên. Kết quả là ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân của mình, đặc biệt là với những người mình yêu thương.

Nhưng dần dần, theo thời gian, bạn cần học cách cân bằng. Đó đều là sự lựa chọn. Mình nhớ câu nói của sếp mình: Công việc chỉ là một phần của công việc, chứ không phải toàn bộ cuộc đời chúng ta. Ngoài công việc ra, chúng ta còn những việc khác cần phải quan tâm và tận hưởng. Đừng vì sống vì chết mà đâm đầu vào công việc quanh năm suốt tháng.

Mình thấy vô cùng hợp lý. Đương nhiên, chúng ta đi làm vì mưu sinh, vì muốn chăm lo cho những người chúng ta yêu thương, nhưng nếu để công việc là trọng tâm cuộc đời bạn thì không nên. Mọi thứ nên ở một chế độ vừa phải, không quá nhiều cũng không quá ít.

Khi kết thúc công việc, hãy bỏ những suy nghĩ lo lắng tại đó. Ngày hôm sau, bạn có thể giải quyết. Sẽ có những lúc vấn đề nghiêm trọng cần bạn suy nghĩ kỹ khi về nhà, nhưng tuyệt đối hạn chế. Những người xung quanh bạn, những sở thích của bạn cần sự hiện diện của bạn nữa. Đừng lúc nào ở bên họ chỉ có thân xác của bạn, còn đầu óc và tâm trí thì lại lang thang đâu đó ở công sở. Không đáng như vậy.

Vì vậy, đi làm vẫn đi làm nhưng cuộc sống cá nhân cũng phải sống cho thật rực rỡ, tận hưởng và yêu thương bản thân. Dành thời gian để tái tạo năng lượng và thư giãn để không những khỏe mạnh về tinh thần, mà còn thể chất nữa nhé.

14/ Using social media at work  – Sử dụng mạng xã hội trong công sở

Nhiều trường hợp người lao động bị sa thải chỉ vì tỏ thái độ bức xúc và dùng  ngôn ngữ chỉ trích doanh nghiệp họ đang làm việc bằng cách đăng lên các phương tiện mạng xã hội như: Facebook để thể hiện sự tuyệt vọng của mình.

Nếu môi trường làm việc của bạn khuyến khích sử dụng thì hãy sử dụng mạng xã hội để kết bạn với đồng nghiệp hay sếp. Nhưng nếu ngược lại, thì bạn nên hạn chế. Bạn sẽ không biết lời nói của mình có ảnh hưởng như thế nào đến vị trí và uy tín công ty như thế nào đâu. Nhưng nếu như đã kết nối với họ thì hãy sử dụng sao cho thật thông minh để tránh những vấn đề phát sinh không cần thiết.

Hy vọng 14 sai lầm thường gặp trong công sở như trên sẽ giúp bạn điều chỉnh hành vi và có những kiến thức bổ ích cho con đường sự nghiệp của mình.

Written by Tuyết Sơn

Share this post on: